Seite auswählen

Di tích chiến khu Ba Lòng

Trần Văn Tích, 3.10.2018

(Hồi ký ghi lại theo yêu cầu của một người bạn)

Những địa danh Ba Lòng, Trấm, Tân Sở, Cùa đều thuộc tỉnh Quảng Trị nhưng nằm trên vùng thượng du, quanh quẩn nơi đầu nguồn sông Thạch Hãn.

Từ đồng bằng lên các vùng đó phải vượt quốc lộ 1. Trong chiến tranh chống Pháp, các đồn bóp do Pháp đóng rải rác dọc theo đoạn quốc lộ 1 này và Pháp thường dẫn quân rời đồn đi phục kích ban đêm. Dẫu vậy, thường xuyên hằng đêm vẫn có người từ đồng bằng lên hay từ chiến khu về rồi tìm cách vượt qua những đoạn đường nguy hiểm. Tất nhiên có một số người lọt ổ phục kích và bị bắn tử thương. Khi tôi ở Hội Liên Việt Quảng Trị thì có một chị bên phía phụ nữ đi công tác bị bắn chết vào dịp vượt đường số 1 ban đêm.

Nguyên năm 1945, tôi tản cư theo dân chúng về làng. Niên học 1948-1949, gia đình cố tìm cách cho hai anh em tôi vào học lại ở Huế, thuộc vùng quốc gia trong khi làng tôi thuộc vùng xôi đậu. Hè năm đó chúng tôi về nghỉ hè ở làng thì Việt Minh bắt ba tôi đưa lên giam tại lao xá Ba Lòng và nhắn cho má tôi hay là nếu muốn ba tôi được về thì 1) phải chấm dứt không cho hai anh em tôi vào Huế học nữa; 2) phải để cho tôi tham gia kháng chiến. Đó vẫn còn là niềm may rất lớn của gia đình tôi vì cùng cảnh ngộ nhưng Bác Bát Tương thì bị du kích bắt đem đi thủ tiêu ban đêm. Con trai cả Bác Bát là Trần Văn Cẩm, sau này trở thành Tư lệnh phó Quân khu II, cấp bậc chuẩn tướng. Anh Cẩm bị giặc bắt ở Tuy Hoà ngày 01.04.1975 và ngồi tù cộng sản cho đến ngày 13.02.1988. Anh Cẩm hiện định cư tại Texas.

Vượt qua quốc lộ, đi một đoạn đường chừng vài cây số là vào vùng kháng chiến thuộc Phong An. Đây thuộc vùng trung du, được xem là vùng tiền chiến khu. Trên đường đi có những trạm bán hàng rong nho nhỏ, khách bộ hành có thể ghé vào uống bát nước chè tươi, ăn miếng kẹo đậu phụng cả vỏ, trước khi đi tiếp trong đêm. Kẹo đậu phụng là một miếng bánh tráng trình bày theo hình tam giác và các hột đậu phụng dính vào bánh tráng do đường đen cô đặc. Nhai vừa dòn vừa dẻo, ăn vừa có vị ngọt vừa có vị béo.

Đi bộ đến lối nửa đêm thì tới Trấm. Trấm là một bến đò lớn trên sông Thạch Hãn. Khách đến đây phải xuất trình giấy tờ mới được lên đò dọc đi tiếp để vào chiến khu. Cán bộ thì có giấy công tác, dân chúng thì có giấy phép công an. Trấm sinh hoạt rất nhộn nhịp ban đêm. Nhiều quán hàng mở ra trên bờ sông. Các món ăn phổ biến là chè đậu xanh đánh, kẹo đậu phụng, thỉnh thoảng ăn sang và gặp may thì có thịt bò xào hành tây. Sinh hoạt thường trực không bao giờ gián đoạn, phe ta tụ tập đông đúc mà Tây ở Quảng Trị hay Đông Hà đành chịu, không làm gì được hết. Ước tính khoảng cách theo đường chim bay thì từ Đông Hà hay Quảng Trị lên đến Trấm chỉ chừng mươi kilômét; như vậy đủ thấy lúc đó “Tây thực dân“ nhà quê như thế nào, nếu so với lực lượng quân sự của “đế quốc Mỹ“ sau này.

Phương tiện giao thông duy nhất từ Trấm lên Phong Nguyên tức là địa bàn Ba Lòng là đò dọc. Cán bộ, dân chúng tuần tự theo nhau xuống những chiếc đò dọc và nằm ngồi ngổn ngang trong lòng đò. Phụ trách chèo đò là du kích địa phương. Gặp mùa nước chảy dốc, phải xuống đò đẩy phụ. Chuyến đò dọc kéo dài lối ba bốn tiếng. Đò hoàn toàn di chuyển giữa lòng sông Thạch Hãn, đoạn đầu nguồn sông. Khi đặt chân lên bờ là đến địa phận chiến khu Ba Lòng. Bến đò vào chiến khu mang tên Đá Nổi. Nơi đây là khu “thị tứ“ của chiến khu vì có một số quán ăn và quán trọ, cả quán bán hàng nữa. Hàng hoá tạp nhạp, phần nhiều là hàng buôn lậu từ “vùng tạm chiếm“ như hộp phấn đánh răng hiệu Gip, bàn chải đánh răng, vải vóc may sơ-mi quần tây bên cạnh dép lốp xe hơi, xắc-cốt.

Các cơ quan cấp tỉnh đóng trụ sở cách Đá Nổi lối hai kilômét, trong những căn nhà lá lợp tranh xây cất khá mỹ thuật, ẩn mình dưới các tàn cây rừng xã Phong Nguyên. Khí hậu ẩm thấp nhưng không quá lạnh. Có Ủy ban Hành Kháng Tỉnh, có Hội Liên Việt, có Ty Công an, có Tỉnh bộ Dân quân, có nhà thương tỉnh do một y tá phụ trách, có trạm xá hành quân Trung đoàn (Trung đoàn 95, đơn vị chủ lực của Quảng Trị); trạm xá có một bác sĩ; có lao xá. Xung quanh cơ sở các cơ quan có những quán hàng sống nhờ vào đồng lương cán bộ viên chức. Tất cả các cuộc biểu tình, mít-tinh, tụ họp đông người đều được triệu tập sau khi mặt trời lặn. Có một lần Ủy ban Hành Kháng xã Phong Nguyên tổ chức mít-tinh vào buổi chiều nhưng vì là mùa hè nên trời còn rất sáng. Buổi sinh hoạt chính trị mới bắt đầu thì hai chiếc Spitfire xuất hiện trên bầu trời trong xanh không một áng mây. Đám đông tán loạn chạy trốn vào các lùm cây hay ẩn núp dưới các hầm hố. Hai chiếc Spitfire lượn một vòng rồi bắt đầu ném bom. Tôi nằm sát đất, ngước nhìn lên trời, thấy rõ một quả bom lừng lững phóng xuống đất. Nó mà rơi gần chỗ tôi nằm thì chắc mình tiêu tùng, nhưng nó rơi khá xa. Kết quả tổn thương nhân mạng không đáng kể nhưng nhóm tổ chức bị kiểm thảo nặng nề vì chủ quan khinh địch. Chỉ có một lần duy nhất Tây mở cuộc hành quân bằng bộ binh có bà già yểm trợ nhưng các cơ quan đều được báo trước nên không bị thiệt hại gì về nhân mạng và tài sản. Chúng tôi cùi, đeo hồ sơ, máy móc (máy đánh chữ, máy rônêô) lủi vào rừng sâu, trốn dưới gốc cây nhìn bà già bay lừ đừ trên không, thỉnh thoảng nghe súng lớn của Tây bắn vu vơ vào rừng. Máy in thạch bản, tiền giấy (in ở Tiệp Khắc) đựng trong những thùng tôn thì chôn kín trong lòng rừng sâu. Tây lùng sục mấy ngày, anh chị nuôi hết gạo, từ Chủ tịch Tỉnh đến liên lạc viên đều phải ăn cháo mè cầm lòng.

Sau khi Tây rút, cán bộ viên chức trẻ được bố trí thành một đoàn đi bộ băng rừng vượt núi sang Cùa kiếm lương thực. Tôi cũng ở trong đoàn. Cùa vốn mang tên Tân Sở, là địa điểm vua Hàm Nghi tổ chức sơn phòng Quảng Trị chống Pháp. Đó là một vùng rừng núi và sản phẩm địa phương chính là mít. Chúng tôi được ăn mít non luộc chấm nước ruốc, hột mít nướng ăn thêm. Gạo để dành cùi trở về trụ sở Ủy ban. Không có luơng thực khác như bắp, đậu mà gạo thì cũng chỉ là loại gạo tẻ; chẳng làm gì có nếp. Phong An, Phong Nguyên là những xã thuộc huyện Triệu Phong, còn Cùa (hay Tân Sở) lại thuộc huyện Cam Lộ, theo cách gọi các huyện, xã thời Việt Minh.

Tại chiến khu Ba Lòng, tôi quen biết Trần Trọng Hoãn, lúc đó là Tỉnh Ủy viên, thuộc Tỉnh ủy Đảng bộ Cộng sản Quảng Trị. Là cán bộ cao cấp nên tuy bà con ngày ngày ăn uống kham khổ nhưng khi tổ chức đám cưới giữa Trần Trọng Hoãn và Chị Chúc thì nghe nói có sămbanh và bánh bítquy LU. Khi tôi bị Tây bắt và thả ra, tôi đi làm tại một cửa tiệm buôn bán thực phẩm cho quân lính Pháp ở Đông Hà. Một hôm, bà chủ hiệu buôn sai tôi tới nhà một người khách quen và tôi sửng sốt thấy Chị Chúc đang ở đó. Té ra Chị mang thai gần ngày sanh nên đồng chí Tỉnh Ủy viên cho vợ về với gia đình trong “vùng tạm chiếm“ để sinh nở được an toàn hơn. Tôi làm mặt tỉnh queo, coi như không hề biết Chị Chúc là ai cả. Sau 75, Trần Trọng Hoãn đổi tên thành Trần Trọng Tân và phụ trách Tuyên huấn toàn thành phố mang tên Hồ Già. Tôi không hề tìm cách liên lạc với đương sự và vợ con.

De Lattre de Tassigny chết ngày 11.01.1952 vì ung thư. Chừng mười ngày trước thời điểm đó Tây hành quân từ Mỹ Chánh lên La vang tóm cổ tôi khi Ủy ban Hành Kháng Tỉnh cử tôi về miền xuôi phổ biến chính sách thuế nông nghiệp. Viên đại úy Pháp chở tôi bằng xe Jeep từ Mỹ Chánh ra Quảng Trị hỏi tôi dọc đường : “Qu‘est-ce qu‘ils disent, les Viet Minh, à propos de la mort du général?“. Tôi trả lời : “rien de particulier“. Đúng vậy, Việt Minh chỉ cho biết De Lattre chết mà không kèm lời bình luận gì đặc biệt cả. Nhưng cũng vì nhờ (và nhớ) hai câu hỏi-đáp này mà tôi “định vị“ được thời kỳ tôi rời bỏ chiến khu Ba Lòng.

Giai đoạn tôi ở trên đó là giai đoạn Việt Minh tổ chức học tập “tổng phản công“. Sau này mới biết là 1949 họ Tưởng chạy sang Đài Loan và Mao Trạch Đông thành lập Tàu cộng, bỗng dưng tạo được cho Việt Minh một hậu phương vô cùng vững chắc nên Việt Minh dự định sẽ dựa thế Tàu đánh văng Tây khỏi Việt Nam. Nhưng rồi sau đó, chiến lược tổng tấn công thất bại, Việt Minh phải sửa đổi lại khẩu hiệu, chuyển thành “tích cực chuẩn bị tổng phản công“. Tôi giữ nhiệm vụ thư ký văn phòng cho Uỷ ban Hành Kháng. Tôi đã nhận được văn thư từ ngoài Bắc đưa vào, yêu cầu tuyển mộ các hạng người có chuyên môn như lái xe lớn, lái xe ca, chuyên viên truyền tin, chuyên viên xây dựng v.v..để chuẩn bị tổng phản công.

Cũng ở chiến khu Ba Lòng, tôi đã gặp gỡ ca sĩ Hoàng Nguyên Cao Cự Phúc cùng đôi danh ca Ngọc Cẩm-Nguyễn Hữu Thiết vào dịp họ ghé trụ sở Ủy ban Tỉnh trên đường về thành. Vẫn nơi đây, lần đầu tiên tôi được nghe phổ biến học thuyết Mitchourin-Lyssenko, một học thuyết được mệnh danh là “cách mạng“ trong sinh học xã hội chủ nghĩa liên quan đến gen và hệ thống gen. Học thuyết này rồi sẽ theo tôi trọn đời. Người phụ trách phổ biến học thuyết được giới thiệu là từ trung ương vào và có văn bằng cử nhân khoa học. Tác phẩm trình bày học thuyết Mitchourin-Lyssenko ấn loát rất mỹ thuật, tất nhiên là so sánh với kỹ thuật phát hành tài liệu thời chống Pháp và tại chiến khu.

Thời cộng hoà, tôi nhiều lần muốn tìm cách lên thăm lại Trấm, Ba Lòng nhưng đều không có cơ hội thuận tiện. Ngay cả khi anh Hoàng Thúc Dinh (đã mất) làm quận trưởng Ba Lòng và tôi ra thăm gia đình ở thị xã Quảng Trị, tôi cũng không lên Ba Lòng được. Anh Hoàng Thúc Dinh cũng bị Tây bắt giam ở quân lao Quảng Trị cùng với tôi vì Anh cũng từng theo Việt Minh một thời gian. Nghĩ lại tôi rất tiếc vì chẳng thể nào tìm sống lại những kỷ niệm cũ thời mới trưởng thành.

Tôi không có cơ may tái hồi Ông Chủ tịch Ủy ban Hành Kháng Tỉnh Quảng Trị sau tháng tư 75. Ông tên Trương Quang Phiên, là thân phụ của người vợ thứ nhất của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và có họ xa với tôi. Thời gian tôi đi tù cộng sản, ông Phiên có ghé thăm ba má tôi tại Sàigòn. Ông tỏ vẻ ngạc nhiên thấy rằng một thuộc cấp của Ông ngày nào nay đã trở thành một nhà khoa học, theo như cách Ông gọi tôi. Sau khi tôi sang Đức thì Ông mắc bệnh ung thư. Qua ba má tôi, Ông nhờ tôi phối hợp cùng người bà con trong họ của Ông để thử tìm cách cho Ông sang Tây Đức chữa trị. Người bà con đồng tộc này ở Essen, không xa Bonn. Chúng tôi chưa kịp làm được gì thì Ông Trương Quang Phiên mất.

Giam giữ tôi một năm thì Tây thả. Tuy nhiên Tây không hề theo dõi gì hết nên nếu tôi muốn trở lại Ba Lòng thì thực quả chẳng có chút khó khăn gì.

Nhưng tôi thôi, không lên chiến khu nữa.

Nguồn: Còn đâu trên chiến khu…

03.10.2018