Seite auswählen

Phỏng vấn này được thực hiện qua thư điện tử, với một người bạn sống ở Việt Nam, từng cộng tác với tôi ở cả hai giai đoạn làm báo, talawaspro&contra, bút danh La Thành.

 

Phạm Thị Hoài: Tôi còn nhớ, nhiều năm trước khi chúng ta đang làm việc chung cho talawas, tôi đã rất bất ngờ khi bạn cho biết bạn là đảng viên. Bạn vào Đảng trong hoàn cảnh nào?

La Thành: Vào sát thời điểm tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi nộp đơn thi vào một trường đại học kỹ thuật của quân đội, một cơ sở đào tạo sau bậc phổ thông mà lâu nay vẫn được xếp vào hàng các trường “trọng điểm” của khối đại học công lập. Đó là những năm cuối cùng của giai đoạn lịch sử được gọi là “thời bao cấp”, trước thời kỳ Đổi Mới. Sức cuốn hút của hình ảnh các sinh viên đại học mặc quân phục, sự khác biệt trong thủ tục sơ tuyển (về sức khỏe, lý lịch và học lực) đã là những yếu tố quyết định sự lựa chọn đầu đời này của tôi lúc đó, một thiếu niên có tâm hồn lãng mạn, nhìn cuộc sống chủ yếu qua ô cửa sổ các cuốn tiểu thuyết văn học cổ điển, báo Thiếu Niên và báo Tiền Phong.

Hai mươi phần trăm thời lượng đào tạo của khóa học dài 5 năm được dành cho các môn học về chính trị và quân sự đã ít nhiều nhồi vào đầu óc tôi những luận điểm chính thống về hệ thống chính trị – xã hội mà tôi đang sống trong đó. Tôi được biết rằng ở Việt Nam, nơi đã ra đời “nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á”, các lực lượng vũ trang được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp – tuyệt đối – về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này liên quan trực tiếp đến câu khẩu hiệu về mục tiêu đào tạo của nhà trường, “KỸ SƯ – SĨ QUAN – ĐẢNG VIÊN”, được căng kẻ khắp nơi trong khuôn viên của trường. Tuy nhiên, kiểu tính cách của tôi không phù hợp để tôi đạt được trọn vẹn cả ba mục tiêu này vào thời điểm tôi ra trường.

Tôi trải qua ba đơn vị quân đội trước khi quay trở lại đúng cái alma mater của mình để làm giảng viên ở một bộ môn khoa học, vào lúc tôi đã đeo lon đại úy song vẫn chưa có đảng tịch. Chi bộ của bộ môn, mà một nửa trong số họ vốn là những người thầy cũ của tôi, lập tức cử người theo-dõi, giúp-đỡ để phát-triển-Đảng cho tôi (các từ in nghiêng là những thuật ngữ rất chuẩn mực của môn khoa học mà cụ đương kim lãnh tụ số một của đất nước đang là sư phụ). Đối với họ, việc một giảng viên đại học kiêm một sĩ quan quân đội phải vào Đảng là chuyện đương nhiên, miễn thảo luận: ít nhất, nó có lợi cho xu hướng thăng tiến mặc định vào thời điểm đó của tôi, cũng như cho số liệu thống kê “thành tích phát triển Đảng” của đảng bộ đơn vị.

Tôi được phân công số giờ giảng nhiều nhất trong bộ môn, cùng một vài công tác phong trào khác. Cuối năm đó, tôi được bầu làm “chiến sĩ thi đua” và được giới thiệu để chi bộ làm thủ tục kết nạp vào Đảng.

Phạm Thị Hoài: Nhưng từ nhiều năm nay bạn đã thầm lặng thoái Đảng. Đảng viên có những cách nào để ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam?

La Thành: Về bản chất, sự gia nhập Đảng của mỗi cá nhân là một quá trình đồng thời công nhận lẫn nhau giữa cá nhân đó và tổ chức Đảng, trong khi sự ra khỏi Đảng của một đảng viên là một quá trình ngược lại: sự bất cầnkhông công nhận của một trong hai bên hoặc cả hai bên với nhau.

Như vậy, một đảng viên có thể ra khỏi Đảng một cách thụ động khi Đảng (được đại diện bởi phân bộ Đảng trực tiếp quản lý) giành quyền chủ động khai trừ đảng viên ấy ra khỏi Đảng và xóa tên khỏi danh sách đảng viên của phân bộ, mặc dù đảng viên ấy chưa từng bộc lộ biểu hiện bất cần Đảng. Điều này thường xảy ra đối với các đảng viên phạm pháp hình sự và bị khởi tố, hoặc các đảng viên có những vấn đề nghiêm trọng về đạo đức theo các tiêu chí của Đảng. Hiếm hoi hơn, đó là khi người đảng viên nảy sinh mâu thuẫn với Đảng trong phạm trù chính trị – tư tưởng, mặc dù chưa hoặc không có nguyện vọng ra khỏi hàng ngũ Đảng nhưng vẫn bị Đảng chủ động khai trừ. Một trong các thí dụ nổi tiếng của trường hợp này là sự kiện tướng Trần Độ bị thu hồi đảng tịch.

Ở chiều ngược lại, một đảng viên có thể ra khỏi Đảng một cách chủ động khi có ý chí loại bỏ các giá trị – lý luận hoặc thực tiễn, hoặc cả hai – của Đảng khỏi cuộc sống của mình, bằng cách này hay cách khác. Trong tình huống này, người đảng viên chủ động bỏ Đảng có hai cách lựa chọn: công khai viết đơn xin ra khỏi Đảng hay tuyên bố từ bỏ đảng tịch một cách chính thức, hoặc lặng lẽ bỏ sinh hoạt đảng.

Phạm Thị Hoài: Cách của bạn như thế nào?

La Thành: Từ nhiều năm nay, tôi đã bỏ không sinh hoạt đảng. Khi chuyển công tác khỏi đơn vị, tôi được Ban Tổ chức của đơn vị (tức bộ phận Đảng vụ) viết phiếu chuyển sinh hoạt đảng, đồng thời giao lại cho tôi bộ hồ sơ đảng viên của tôi. Tôi mang bộ hồ sơ về nhà và cho vào két sắt. Mọi người nói đùa rằng làm như thế là “gia nhập quần chúng chui”.

Phạm Thị Hoài: Vì sao bạn chọn cách đó?

La Thành: Thực ra, lúc đang còn trong quân đội, trong một lần sinh hoạt chi bộ hàng tháng, tôi đã từng đề xuất khả năng tôi xin ra khỏi Đảng, nhưng ngay lập tức, các vị “đàn anh” trong chi bộ lúc ấy chặn ngay: “Cậu muốn ra khỏi Đảng, đi chỗ khác mà ra. Cậu ra ở đây ảnh hưởng đến nhiều người.” Quả thật đó là một thực tế, vì nếu tôi xin ra khỏi Đảng một cách chính tắc, năm đó cái chi bộ mà tôi là thành viên chắc chắn sẽ mất danh hiệu “Chi bộ Trong sạch Vững mạnh”. Một số đảng viên sẽ không được công nhận các danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua” hay “Chiến sĩ Quyết thắng”. “Điểm thi đua tích lũy” của các đảng viên còn lại trong chi bộ có thể bị ảnh hưởng; đó là một hình thức số hóa công trạng, sẽ được tham chiếu khi phân nhà, chia đất, khi xét tặng các loại huân chương, huy chương, kỷ niệm chương theo niên hạn… Sau nhiều thập kỷ cai trị, hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc huấn luyện để các cán bộ nòng cốt của nó cả đời chỉ bận bịu tự sỉ nhục mình theo cách đó mà không thể ngẩng đầu lên để nhìn thấy những thứ khác…

Tóm lại, tôi lựa chọn phương án “gia nhập quần chúng chui”, một mặt để không ảnh hưởng tới các đồng nghiệp cũ của tôi, mặt khác vì tôi tự xác định tôi không phải là một đảng viên thuộc loại “nhân vật của công chúng”, việc tôi công khai ý nguyện từ bỏ Đảng sẽ không làm xói mòn bao nhiêu “sức đề kháng” của nó, trừ phi đã bắt đầu xuất hiện một phong trào bỏ Đảng rầm rộ, mà điều này thì rõ ràng là chưa xảy ra.

Phạm Thị Hoài: Theo bạn ước tính, tỷ lệ đảng viên bỏ Đảng hiện ở mức nào?

La Thành: Như đã phân tích ở trên, cụm từ “bỏ Đảng” thực ra chỉ dành cho các đảng viên có ý chí ra khỏi Đảng một cách chủ động, khi giành quyền loại bỏ các giá trị lý luận và thực tiễn của Đảng ra khỏi cuộc sống của mình. Như vậy, đảng viên bỏ Đảng đều ít nhiều là những nhà bất đồng chính kiến. Họ có thể là các công chức hoặc thành viên lực lượng vũ trang tự chuyển khỏi khu vực nhà nước vì những lý do khác nhau, hoặc là một bộ phận trong những người về hưu. Chưa từng có thống kê chính thức, song tôi cho rằng ở thời điểm hiện nay, con số đảng viên chủ động bỏ Đảng có thể đến vài chục ngàn, và như vậy mới chỉ vào khoảng xấp xỉ 1% trong tổng số bốn triệu đảng viên của Đảng.

Phạm Thị Hoài: Bỏ Đảng chắc chắn là việc khó. Khó tới mức nào?

La Thành: Theo nhìn nhận của tôi, đối với các “nguyên đảng viên” chủ động bỏ Đảng, việc ly khai các giá trị của Đảng đồng nghĩa với việc tự loại bỏ các khó khăn về tinh thần ra khỏi cuộc sống của mình. Tôi chưa từng quan sát thấy đảng viên nào lựa chọn buông bỏ các giá trị của Đảng kèm theo những mất mát lớn trong đời sống vật chất trước đó của họ.

Phạm Thị Hoài: Còn khoảng cách thực tế giữa việc chia tay Đảng trong tư tưởng và công khai tuyên bố bỏ Đảng?

La Thành: Khoảng cách đó, theo tôi nghĩ, tỷ lệ thuận với mức độ nổi tiếng của người đảng viên bất đồng chính kiến, và điều này thường tương đồng với cấp bậc của người đó trong hệ thống đẳng cấp của Đảng. Đối với các đảng viên cấp thấp, “chia tay Đảng trong tư tưởng” hay tuyên chiến công khai với tấm thẻ Đảng không khác nhau nhiều. Trong khi đó, đối với các đảng viên cao cấp và/hoặc nổi tiếng như Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Mạc Văn Trang hay nghệ sĩ Kim Chi, công khai hành động chia tay đội ngũ Đảng rõ ràng là có tiếng vang hơn nhiều so với khi họ “áo gấm đi đêm”, một khi truyền thông và mạng xã hội không thể thờ ơ với động thái này của họ.

Phạm Thị Hoài: Nhưng những đảng viên âm thầm thoái Đảng, họ có thực sự làm giảm sức mạnh của Đảng không?

La Thành: Câu trả lời của tôi là “không”.

Phạm Thị Hoài: Đảng không thực sự coi đó là một nguy cơ đáng kể hay sao?

La Thành: Đảng số của Đảng Cộng sản Việt Nam, như mọi đảng toàn trị đã từng hoặc đang tồn tại trên thế giới, là một con số thuần túy hình thức, không có giá trị đo đếm sức mạnh ý chí hoặc đạo đức của Đảng. Sau hơn nửa thế kỷ cai trị trong điều kiện toàn trị, Đảng đã hoàn thiện một hệ thống chính trị thiên về hình thức, với bản chất là quyền lực chỉ tập trung ở bộ phận trung ương của nó, mà các đảng viên ở bộ phận này hầu như không bao giờ bỏ Đảng, trừ một vài trường hợp hết sức hiếm hoi không đáng kể. Các đảng viên tầm trung và tầm thấp hoặc bám vào hệ thống chính trị đó như các động vật ký sinh, hoặc từ giã hệ thống này vì lý do nhận thức: cả hai trường hợp đều không ảnh hưởng đến quán tính vận hành của hệ thống. Hệ thống ấy khó có thể bị sứt mẻ bởi một cộng đồng dân chúng mà tuyệt đại đa số đã được tẩy não bằng một huyền thoại lịch sử đã được nhào nặn kỹ càng và hoàn toàn khiếp nhược trước các biểu tượng răn đe.

Nếu có thể ví Đảng với một cơ thể sống, tôi mường tượng nó như một động vật cấp thấp, là loài rắn chẳng hạn. Mà động vật cấp thấp thì khó chết chỉ vì 1% cơ thể đang ung thối hay hoại tử, không phải bộ phận đầu não của nó.

Xem phần 2

Phạm Thị Hoài, 8.11.2018

Nguồn: Trẻ