Seite auswählen

Tin tổng hợp liên quan đến Biển Đông và Trung cộng

(15.11.2018)

 

Trung cộng đưa Vành đai và Con đường vào Thái Bình Dương

Tập Cận Bình phát biểu khai mạc hội chợ Xuất Nhập khẩu Quốc tế Trung cộng ở Thượng Hải, ngày 5 tháng 11, 2018

Tập Cận Bình sẽ trình bày sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung cộng (TC) cho các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ngày 16/11 tới đây, các nhà ngoại giao cho biết, trong khi các nước phương Tây dè dặt theo dõi những dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng đang lớn dần của Bắc Kinh.

Sự cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa Trung cộng và các đồng minh phương Tây bao gồm Úc, New Zealand và Mỹ, có phần chắc sẽ diễn ra ngấm ngầm tại hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea, hãng tin Reuters cho biết.

“Trung cộng đang cho thấy mong muốn đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực, và điều này lộ rõ hơn bao giờ hết,” một nhà ngoại giao cao cấp của Anh nói với Reuters và từ chối nêu danh tính vì không được phép phát biểu với giới truyền thông.

Trung cộng cho biết họ sẽ công bố “các biện pháp quan trọng thúc đẩy hợp tác hơn nữa” tại hội nghị thượng đỉnh này. Các nhà ngoại giao phương Tây tin rằng điều này có lẽ có nghĩa là Trung cộng sẽ chính thức mở rộng các kế hoạch Vành đai và Con đường của họ vào Thái Bình Dương, theo Reuters.

Được ông Tập khởi xướng lần đầu tiên vào năm 2013, sáng kiến này thúc đẩy mở rộng những liên kết trên bộ và trên biển giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu, với hàng tỉ đôla được cam kết dành cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Các chính phủ phương Tây nghi ngờ mong muốn mà Bắc Kinh nói là lan tỏa sự thịnh vượng thực chất là che đậy ý đồ ngấm ngầm của nước này trở thành một cường quốc nắm quyền thống trị lớn hơn.

Reuters cho biết ba nguồn tin biết về kế hoạch của Trung cộng ở Thái Bình Dương, bao gồm viên chức Anh nói trên, nói rằng các quốc gia phương Tây đã được thông báo rằng Vanuatu, Quần đảo Cook và Niue đã đồng ý ký tham gia Vành đai và Con đường.

Niue và Quần đảo Cook đã không trả lời một yêu cầu bình luận của Reuters được gửi qua email, nhưng Bộ trưởng Tài chính Quần đảo Cook Mark Brown nói với Đài phát thanh New Zealand tuần trước rằng chính phủ của ông sẽ ký.

Thủ tướng Vanuatu không phản hồi ngay tức thì yêu cầu bình luận, Reuters cho biết. Ngoại trưởng Ralph Regenvanu nói trong một tin nhắn gửi qua Twitter rằng ông “không tin” Vanuatu đã cam kết tham gia Vành đai và Con đường nhưng ông sẽ kiểm tra.

Website Vành đai và Con đường chính thức của Trung cộng báo cáo Fiji đã đưa ra một cam kết vào ngày thứ Hai, tham gia cùng các nước như Samoa và Papua New Guinea.

Tầm ảnh hưởng của Trung cộng trong khu vực này đã gia tăng trong thập niên qua. Hiện nay, các chính phủ Thái Bình Dương nợ Trung cộng khoảng 1,3 tỉ đôla các khoản nợ ưu đãi, khơi lên lo ngại ở phương Tây rằng khu vực này ngày càng dễ bị Bắc Kinh làm áp lực ngoại giao hơn.

Một nhà ngoại giao Trung cộng hôm thứ Ba nói không một quốc gia nào có thể ngăn chặn sự hợp tác của Bắc Kinh với các đảo quốc Thái Bình Dương.

Một nguồn ngoại giao của Mỹ cho Reuters biết cuộc họp của ông Tập với các nhà lãnh đạo đảo quốc sẽ được tổ chức mà không có quan sát viên từ phương Tây. Sự kiện này diễn ra sau một loạt các sáng kiến của phương Tây nhằm củng cố các mối quan hệ ở Thái Bình Dương.

Tuần trước, Úc đã tuyên bố Thái Bình Dương là “sân nhà của chúng ta” khi họ cung cấp những khoản vay và trợ cấp xây dựng cơ sở hạ tầng giá rẻ trị giá 3 tỉ đôla Úc (2,18 tỉ đôla Mỹ).

VOA

 

Trung cộng nói không tìm cách bành trướng, làm bá chủ Biển Đông

Thủ tưống Trung cộng Lý Khắc Cường phát biểu bên lề Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore hôm 13/11/2018    AFP

Thủ tướng Trung cộng Lý Khắc Cường hôm 13/11 cho biết Trung cộng muốn Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC) được hoàn tất trong vòng 3 năm nữa, đồng thời nói nước này không tìm cách bành trướng, làm bá chủ khu vực.

Đây là lần đầu tiên Trung cộng đưa ra một thời hạn cụ thể để hoàn tất COC với ASEAN sau hơn 10 năm đàm phán.

Phát biểu tại Singapore ngay trước thềm Thượng đỉnh  ASEAN, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói rằng Trung cộng hy vọng việc tham vấn COC sẽ được hoàn tất trong thời hạn 3 năm để có thể tiến tới hòa bình và ổn định lâu dài trên Biển Đông.

Thủ tướng Trung cộng cũng nói thêm là Trung cộng không và sẽ không tìm cách bành trướng, làm bá chủ mà chỉ muốn có mối quan hệ hòa hợp với các quốc gia láng giềng.

Hồi tháng 8 vừa qua, ASEAN và Trung cộng cho biết hai phía đã đạt được những thỏa thuận ban đầu để hướng tới COC trong tương lai.

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng những đề nghị của Bắc Kinh trong COC đưa ra cho ASEAN chỉ nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng của nước này ở khu vực và giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ.

Trung cộng là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Ngoài Trung cộng, các nước khác đòi chủ quyền trong khu vực bao gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan.

Trong những năm qua, Trung cộng đã gia tăng các hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí quân sự ra Biển Đông gây lo ngại về tình trạng quân sự hóa vùng nước tranh chấp.

Trung cộng nói nước này chỉ xây dựng và triển khai vũ khí ra các vùng thuộc chủ quyền của nước này.

 

 

Hoa Kỳ kêu gọi Trung cộng gỡ bỏ hỏa tiễn trái phép ở Trường Sa

YJ-12B có thể giúp Trung cộng tấn công các tàu chiến trong bán kính 550 km, hỏa tiễn phòng không HQ-9 có thể bắn hạ máy bay quân sự trong bán kính 300 km, báo GDVN dẫn nguồn từ globalnation.inquirer.net cho biết.  © Ảnh: Jian Kang

 

Phi Luật Tân Daily Inquirer ngày 11/11 đưa tin, Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung cộng gỡ bỏ các hỏa tiễn của mình khỏi 3 đảo nhân tạo mà họ xây dựng (bất hợp pháp) trên quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Kêu gọi này được Hoa Kỳ đưa ra sau cuộc đối thoại cấp cao về an ninh và ngoại giao Trung — Mỹ tại Washington hôm thứ Bảy 10/11. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết:

“Hoa Kỳ kêu gọi Trung cộng rút hệ thống hỏa tiễn khỏi các cấu trúc địa lý tranh chấp trong quần đảo Trường Sa, đồng thời tái khẳng định lập trường các nước nên tránh giải quyết tranh chấp bằng cưỡng chế hoặc đe dọa”.

Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ trực tiếp lên tiếng về hỏa tiễn Trung cộng ở Trường Sa kể từ khi xuất hiện thông tin đầu tiên về việc Bắc Kinh bố trí vũ khí trên 3 trong 7 đảo nhân tạo mà họ xây dựng (trái phép) ở Trường Sa.

Tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ngụ ý rằng, người Mỹ tin vũ khí Trung cộng vẫn đang hiện diện trên đảo nhân tạo.

Bắc Kinh phản hồi yêu cầu này bằng cách yêu cầu Mỹ dừng điều tàu chiến và máy bay đến Biển Đông, Washington lập tức bác bỏ yêu cầu này bằng khẳng định tiếp tục cho chiến hạm, phi cơ quân sự hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Tháng Năm năm nay, đài CNBC đưa tin Trung cộng đã đưa hỏa tiễn phòng không và hỏa tiễn chống hạm lên 3 đảo nhân tạo Trung cộng xây dựng (trái phép) ở Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa.

Giám đốc tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á Gregory Poling bình luận về tuyên bố trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trên tài khoản Twitter của ông: Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tuyên bố, họ tin rằng các hỏa tiễn YJ-12 và HQ-9 của Trung cộng đã được đưa ra Trường Sa từ tháng Năm vẫn còn hiện diện ở đó, chứ không phải là triển khai tạm thời để phục vụ cho một cuộc diễn tập quân sự.

 

© AP PHOTO / XINHUA

Hỏa tiễn hành trình chống hạm YJ-12B có thể giúp Trung cộng tấn công các tàu chiến trong bán kính 550 km, trong khi hỏa tiễn phòng không HQ-9 có thể bắn hạ máy bay quân sự, máy bay không người lái hay hỏa tiễn hành trình trong bán kính 300 km.

Sự hiện diện của các hỏa tiễn này đã không thể xác nhận được kể từ khi Trung cộng cất chúng vào kho.

© ẢNH : NGUYỄN SƠN – TTXVN

 Alexander Neill từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế nói với Phi Luật Tân Daily Inquirer vào tháng Năm năm nay, rằng việc triển khai các hỏa tiễn chống hạm YJ-12 hay hỏa tiễn phòng không HQ-9 có nghĩa là, trên thực tế Trung cộng đã có khả năng chống tiếp cận.

Tuần trước Trung cộng cũng tuyên bố nước này đã mở các trạm quan trắc thời tiết trên các đảo nhân tạo ở Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi, các chuyên gia hàng hải tin rằng các thiết bị này có thể sử dụng cho mục đích quân sự.

Sputnik News

 

Quần Đảo Marshall tố cáo Trung cộng xâm phạm chủ quyền

Đảo quốc Marshall Wikipedia

Với một phiếu khác biệt, nữ tổng thống quần đảo Marshall hôm 12/11/2018 đã thoát được một kiến nghị bất tín nhiệm trong đường tơ kẻ tóc. Bà Hilda Heine tố cáo chính quyền Bắc Kinh giựt dây phe đối lập để ra kiến nghị do dự án thành lập thiên đàng thuế bị cản trở.

Dự án « Đặc khu ran san hô Rongelap » do nhà tài phiệt Cary Yan, người Tàu cộng mang quốc tịch Marshall, đề xuất : Thành lập một vùng lãnh thổ tự trị, miễn thuế để thu hút các công ty công nghệ cao cấp ». Chính phủ Marshall xem đây là một mưu toan của Bắc Kinh biến đảo quốc thành nơi rửa tiền, bán hộ chiếu, làm con ngựa thành Troyes bành trướng xuống Nam Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh New Zealand sau cuộc bỏ phiếu tại Nghị Viện, nữ tổng thống Marshall cho rằng kiến nghị bất tín nhiệm là « mưu đồ của một số người nước ngoài muốn kiểm sóat các hải đảo của Marshall và tạo một quốc gia trong một quốc gia ».

Bà khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền vì ý thức tình hình địa chiến lược quan trọng của khu vực.

Trong cuộc bỏ phiếu lật đổ tổng thống, phe đối lập được 16 phiếu thuận, chỉ thiếu một phiếu.

RFI 

 

Việt Nam không thể viết Biển Đông sang tiếng Anh là South China Sea

Trên phông chính của Hội thảo Quốc tế về Biển Đông vừa diễn ra tại Đà Nẵng lại ghi là South China Sea

 

Vừa qua tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với sự tham gia của đông đảo các học giả trong nước và quốc tế. Có thể nói, hội thảo rất thành công với thông điệp rất quan trọng: Trường Sa và Hoàng Sa là những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thế nhưng lại có một vấn đề tồn tại không nhỏ là tên gọi tiếng Anh của hội thảo lại ghi Biển Đông là South China Sea (?).

 

South China Sea là tên gọi quốc tế của Biển Đông nhưng đó là theo cách gọi của Phương Tây vì với họ, vùng biển này nằm ở phía nam nước Trung Hoa. Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam có thể dùng ngôn từ tiếng Anh này của họ để gọi tên Biển Đông.

Với Hàn Quốc và Triều Tiên, các nước này tiếp giáp với 2 vùng biển là Hoàng Hải (Yelow Sea) ở phía tây và Biển Nhật Bản (Sea of Japan) ở phía đông. Tuy nhiên, trong các bản đồ chính thức của Hàn Quốc và Triều Tiên, Hoàng Hải được gọi là Tây Hải (Seohae) còn Biển Nhật Bản được gọi là Đông Hải (Donghae). Có thể nói, cách gọi như vậy của Hàn Quốc và Triều Tiên chính là biểu hiện chủ quyền biển, không lệ thuộc vào Trung cộng và Nhật Bản.

Không chỉ Việt Nam mà các nước Đông Nam Á như Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương cũng không gọi vùng biển này là South China Sea trong các văn bản và bản đồ bằng tiếng Anh mà theo cách gọi riêng của họ. Và cũng đã có những đề xuất của nhiều nước, vùng biển này nên gọi tên chung là Biển Đông Nam Á (South East Asia Sea).

Cũng chính từ thực tế đó, Nhà cầm quyền VN cần có quy định chính thức về tên gọi của Biển Đông ra tiếng nước ngoài để sử dụng cho báo chí và các sự kiện quốc tế không chỉ do Việt Nam tổ chức. Một lần nữa, cũng phải khẳng định lại là từ nay về sau, các hội thảo quốc tế về Biển Đông do Việt Nam tổ chức phải thống nhất tên gọi là East Vietnam Sea chứ không thể sử dụng tên gọi theo thông lệ quốc tế. Chủ quyền của Việt Nam với Biển Đông cùng các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Chính vì thế, tên gọi Biển Đông sang tiếng Anh với Việt Nam không thể là South China Sea.

 

Biển Đông: Lần đầu tiên Mỹ đòi Trung cộng rút hỏa tiễn khỏi Trường Sa

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc Phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hòa, Ủy Viên Quốc Vụ Viện Trung cộng Dương Khiết Trì, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis, họp báo chung ngày 09/11/2018 tại Washington (Mỹ).REUTERS/Leah Millis

Trước thềm các hội nghị Thượng Đỉnh ASEAN và Thượng Đỉnh Đông Á EAS tại Singapore (13-15/11/2018), nơi vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được gợi lên, Washington ngày 09 /11/2018 đã tăng cường đáng kể sức ép trên Bắc Kinh nhân Đối Thoại Ngoại Giao và An Ninh Mỹ-Trung thường niên tại thủ đô Hoa Kỳ. Không những thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Trung cộng, muốn Mỹ dừng các chiến dịch tuần tra ở Biển Đông, Mỹ còn công khai lên tiếng đòi Bắc Kinh phải triệt thoái các loại hỏa tiễn ra khỏi các đảo nhân tạo mà Trung cộng đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa.

Thái độ cứng rắn hẳn lên của Hoa Kỳ trên hồ sơ Biển Đông được thấy một cách rõ ràng trong bản thông cáo báo chí về cuộc Đối Thoại – thường được gọi là 2+2 – mà bộ Ngoại Giao Mỹ công bố sau cuộc họp giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis với Ủy Viên Quốc Vụ phụ trách đối ngoại Trung cộng Dương Khiết Trì và bộ trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa.

Công khai yêu cầu Trung cộng triệt thoái các hệ thống hỏa tiễn

Trong phần nói riêng về Biển Đông, ngoài những lời lẽ ngoại giao thường thấy như « cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông… giải quyết tranh chấp một cách hòa bình… bảo đảm an toàn hàng không và hàng hải… xử lý các rủi ro một cách xây dựng… », giới quan sát đã ghi nhận môt lời yêu cầu Bắc Kinh rút hỏa tiễn khỏi Trường Sa :

« Hoa Kỳ kêu gọi Trung cộng rút các hệ thống hỏa tiễn ra khỏi các thực thể tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, và khẳng định trở lại rằng tất cả các nước nên tránh giải quyết tranh chấp thông qua các hành vi cưỡng chế hay hù dọa ».

Theo tờ báo Nhật Bản The Japan Times, số ra ngày 10/11, đây là lần đầu tiên mà Mỹ thúc giục Trung cộng triệt thoái các hệ thống hỏa tiễn mà họ đã triển khai trên các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.

Sự kiện Washington trực tiếp và công khai kêu gọi bằng văn bản Trung cộng rút hỏa tiễn, thể hiện một thái độ cứng rắn hẳn lên từ phía Washington, vì cho đến nay mối quan ngại của Mỹ chỉ được nêu lên một cách kín đáo.

Tờ Japan Times đã nhắc lại rằng hồi tháng Năm vừa qua chẳng hạn, Lầu Năm Góc còn từ chối bình luận về các thông tin tình báo cho biết là Trung cộng đã cho triển khai các loại hỏa tiễn hành trình chống hạm và phòng không trên 3 hòn đảo nhân tạo mới được họ bồi đắp là Đã Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn.

Nhắc nhở Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế

Ngoài chi tiết cụ thể liên quan đến yêu cầu Trung cộng rút hỏa tiễn, bản thông cáo báo chí của bộ Ngoại Giao Mỹ còn nhắc nhở Bắc Kinh về nhu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, khi xác định cam kết « hậu thuẫn quyền tự do hàng hải và hàng không và quyền khai thác biển một cách hợp pháp trên tinh thần tôn trọng luật lệ quốc tế ».

Bản thông cáo cũng nêu lên thái độ quan ngại của Mỹ khi xác nhận rằng trong cuộc họp « Hoa Kỳ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc mọi tàu thuyền và máy bay quân sự, dân sự và của các lực lượng chấp pháp, đều phải hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp, phù hợp với luật lệ quốc tế ».

Nhận xét này đã gợi đến sư cố ngày 30/09/2018 tại Đá Ga Ven (Trường Sa) khi một chiến hạm Trung cộng cố tình cắt ngang đường đi của một khu trục hạm Mỹ, gây nguy hiểm cho cả hai phía.

Bản thông cáo cũng lưu ý rằng « Mỹ vẫn quyết tâm cho tàu thuyền và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép ».

Đấu khẩu “nẩy lửa” về Biển Đông trong cuộc họp báo chung

Quan điểm cứng rắn của Mỹ trên hồ sơ Biển Đông còn được hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ thể hiện trong cuộc họp báo chung với hai trưởng đoàn Trung cộng sau cuộc đối thoại.

Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã không ngần ngại công khai chỉ trích Trung cộng về việc quân sự hóa Biển Đông khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ « tiếp tục bày tỏ quan ngại về các hoạt động và chính sách quân sự hóa của Trung cộng ở Biển Đông (và) yêu cầu Trung cộng thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra trước đó trên vấn đề này ».

Phản ứng trước lời đả kích của ông Pompeo, Ủy viên Quốc Vụ Trung cộng Dương Khiết Trì đã cho rằng Bắc Kinh « có quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng cần thiết » ở những khu vực mà ông gọi là « lãnh thổ » của Trung cộng. Không chỉ thế, ông Dương Khiết Trì còn lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ là phải « đình chỉ việc đưa tàu chiến và máy bay quân sự đến gần những đảo đá của Trung cộng và dừng những hoạt động phá hoại chủ quyền Trung cộng ».

Đòi hỏi nói trên đã bị bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mattis bác bỏ ngay sau đó khi ông tuyên bố : « Chúng tôi đã nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho tàu và máy bay đến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép. Hoa Kỳ luôn kiên định trong cam kết về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, một khu vực xây dựng trên nền tảng luật pháp và trật tự quốc tế cũng như sự ổn định của toàn vùng ».

Trung cộng sẽ lại làm ngơ trước yêu cầu của Mỹ

Sức ép trên đây của Mỹ liệu có làm cho Trung cộng thay đổi thái độ về Biển Đông hay không ? và cụ thể là yêu cầu triệt thoái hỏa tiễn có được Bắc Kinh đáp ứng hay không ? Trên vấn đề này, một số chuyên gia phân tích được nhật báo The Japan Times trích dẫn đã tỏ ý rất hoài nghi.

Trên tài khoản Twitter của mình, ông Jeffrey Ordaniel, chuyên gia tại trung tâm nghiên cứu về châu Á-Thái Bình Dương Diễn Đàn Thái Bình Dương (Pacific Forum) ở Hawaii cho rằng dù đây là lần đầu tiên mà Mỹ lên tiếng đòi Bắc Kinh rút hỏa tiễn khỏi Trường Sa, lời kêu gọi này ít có khả năng được Trung cộng lắng nghe.

Theo chuyên gia Ordaniel, Trung cộng đã « không bị hề hấn gì » khi làm ngơ trước lời kêu gọi của Mỹ trước đây, muốn Bắc Kinh dừng việc bồi đắp và xây dựng mới ở Biển Đông, vì vậy họ « không có lý do gì » để đáp ứng yêu cầu lúc này về hỏa tiễn.

Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại viện nghiên cứu Rand Corp. cũng thận trọng, cho rằng Trung cộng có thể rút các hệ thống hỏa tiễn ra khỏi Trường Sa trong một động thái xây dựng lòng tin để tỏ thiện chí với Mỹ vào lúc này. Tuy nhiên theo ông, Bắc Kinh « có thể dễ dàng tái triển khai loại vũ khí này nếu quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trở lại».

RFI

 

Các nước ASEAN phản đối những đề nghị của Trung cộng về Biển Đông

Nhiều nước ASEAN trước đây luôn “nghe lời” Trung Cộng. Họ sợ Trung cộng? Nhưng bây giờ mọi sự đã thay đổi.

Hội nghị cấp cao các nước ASEAN sắp họp, dự kiến vấn đề Biển Đông sẽ là một chủ đề trọng điểm. Trong khi đó, truyền thông quốc tế đưa tin Trung cộng đang tìm kiếm việc đưa vào bộ Chuẩn tắc hành vi ở Biển Đông một điều khoản đặc biệt, nhưng yêu cầu của họ đã bị các nước ASEAN từ chối. Một hiệp định chung về cùng khai thác dầu khí trên Biển Đông giữa Trung cộng và Phi Luật Tân cũng có thể không được ký trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Manila vào tuần tới.


Đề nghị của Trung cộng đưa nội dung cấm các nước ngoài khu vực tiến hành diễn tập chung trên Biển Đông vào COC bị nhiều nước ASEAN từ chối.

Đề án của Trung cộng về COC bị phản đối

Theo trang tin Hoa ngữ Đông Phương (DWNews) ngày 12.11, Hãng tin Kyodo Nhật cùng ngày đưa tin, ngày 13.11, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (Trung cộng, Mỹ, Nhật) sẽ diễn ra tại Singapore và kéo dài trong 3 ngày. Hội nghị cấp cao này sẽ thảo luận vấn đề trọng điểm là tình hình Biển Đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt tại hội nghị, người thay mặt ông tham dự là Phó Tổng thống Mike Pence.

Về vấn đề Biển Đông, tại Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung cộng họp hồi tháng 8.2018 tại Manila (Phi Luật Tân) đã đề ra bản dự thảo khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) để ngăn ngừa xảy ra tranh chấp, xung đột. Giới ngoại giao ASEAN cho rằng “việc thương thảo với Trung cộng đang diễn ra thuận lợi và có hiệu quả”. Dự kiến ngày 14.11, các nước ASEAN và Trung cộng sẽ tiến hành đàm phán về bộ quy tắc ứng xử này, “thể hiện xu hướng tích cực, có tính xây dựng”.

Ngày 11.11, tờ Nihon Keizai Shinbun (Tin tức kinh tế Nhật Bản) đưa tin, xung quanh Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) mà Trung cộng và các nước ASEAN đang thương thảo, phía Trung cộng đã đề xuất đưa vào một điều khoản với nội dung “cấm các quốc gia ngoài khu vực thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông”. Điều này được coi là nhằm ngăn chặn Mỹ và một số nước khác mở rộng ảnh hưởng thông qua việc hợp tác khai thác tài nguyên. Nihon Keizai Shinbun cho rằng, nếu ASEAN phản đối đề án này của Trung cộng thì việc đàm phán về bộ quy tắc có thể sẽ bị gác lại trong thời gian dài.

Theo Nihon Keizai Shinbun, một nguồn thạo tin tiết lộ, đề án này của Trung cộng đã được đưa vào bản dự thảo COC hồi tháng 8, nhưng ASEAN đã yêu cầu loại bỏ điều khoản này ra khỏi COC vì nó “đi ngược lại những điều khoản quy định của Công ước Liên hợp quốc 1982 về luật Biển (UNCLOS)”.

Nihon Keizai Shinbun viết, Biển Đông có nguồn tài nguyên dầu lửa và khí đốt thiên nhiên phong phú, Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước xung quanh Biển Đông đang tích cực tìm kiếm cơ hội khai thác tài nguyên. Trừ Trung cộng, các nước khác đều thiếu khả năng tự mình khai thác, cần phải nhờ vào sự hợp tác, giúp đỡ của các nước khác. Trung cộng luôn “cảnh giác mạnh mẽ” với điều mà họ cho rằng “Mỹ lợi dụng cơ hội cùng khai thác (dầu khí) với các nước ASEAN để gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông”.

Theo Yomiuri Shinbun ngày 12.11, trong bản dự thảo Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN có nội dung phê phán hành động lấp biển tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ngoài ra, trong đề án của mình, Trung cộng còn yêu cầu cấm các quốc gia ngoài khu vực tiến hành hoạt động diễn tập quân sự chung với các nước thành viên ASEAN. Đề xuất này lập tức bị Singapore và một số nước phản đối. Dự kiến, trong Hội nghị cấp cao giữa Trung cộng và các nước ASEAN, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ là một chủ đề bàn luận lớn. Trong số các nước thành viên ASEAN có 2 quốc gia (Lào và Campuchia) có quan hệ thân cận với Trung cộng nên ý kiến của các nước ASEAN về Biển Đông khó có thể đạt được nhất trí. Đối với đề án của Trung cộng cấm các quốc gia ngoài khu vực tham gia diễn tập quân sự chung, một bộ phận các nước thành viên đã thể hiện rõ thái độ phản đối.

Một cơ quan truyền thông khác của Nhật, tờ Yomiuri Shinbun ngày 12.11 viết, trong bản dự thảo Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN mà báo này có được, có nội dung phê phán hành động lấp biển tạo đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho rằng hành động này “làm gia tăng căng thẳng, gây tổn hại hòa bình”. Trong khi đó, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương do Mỹ và Nhật cùng đề xướng thì trong dự thảo thể hiện thái độ hoan nghênh các quốc gia ngoài khu vực “trên cơ sở thảo luận thêm”.

Phi Luật Tân sẽ không ký hiệp định cùng Trung cộng khai thác chung dầu khí trên Biển Đông

Theo trang tin Đa Chiều, Bộ trưởng Năng lượng Phi Luật Tân Alfonso Cusi nói, trong thời gian chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình thăm Phi Luật Tân vào giữa tháng 11 này. Hai nước sẽ không ký kết hiệp định về việc cùng nhau thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông. Theo tiết lộ của đại sứ quán Trung cộng tại Manila, sau khi kết thúc tham gia Hội nghị cấp cao APEC, ông Tập Cận Bình sẽ tiến hành thăm chính thức Phi Luật Tân từ 19 đến 21.11.

Ông Alfonso Cusi phát biểu trên tờ Phi Luật Tân Business: “Theo tôi được biết thì không có thông tin về việc đó (ký kết). Tình hình cụ thể sẽ quyết định bởi sự phát triển của sự việc”. Ông cũng không thể xác nhận việc ký kết hiệp định về cùng nhau thăm dò khai thác dầu khí có trong chương trình hội đàm giữa lãnh đạo hai nước hay không.

Tin cho biết, hiện nay chính phủ Phi Luật Tân đang thúc đẩy việc sửa lại Lệnh hành chính số 556 do cựu Tổng thống Maria Arroyo ký năm 2006. Lệnh này cấm mọi cơ quan chính phủ chuyển nhượng các hợp đồng về thăm dò khai thác dầu khí trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. Ông Alfonso Cusi cho rằng, chỉ sau khi Lệnh 556 được sửa đổi, chính phủ Phi Luật Tân mới có thể chuẩn bị ký kết các hiệp định kiểu đó.

Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 10.11 đưa tin, trước khi ông Tập Cận Bình tới thăm Phi Luật Tân, hai nước đang thúc đẩy đạt được một hiệp định về cùng nhau khai thác dầu khí ở Biển Đông, nhưng do nội bộ Phi Luật Tân phê phán nên việc này không tiến triển thuận lợi được.

Hiệp định về khai thác chung dầu khí trên Biển Đông giữa Trung cộng và Phi Luật Tân có thể không được ký trong chuyến thăm Manila của ông Tập Cận Bình do bị phản đối trong nội bộ Phi Luật Tân.

Tờ SCMP ngày 10.11 cũng viết, những tiếng nói phê phán trong nội bộ Phi Luật Tân không ngừng gia tăng về một hiệp nghị Trung cộng chấp nhận được. Năm 2017, Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị từng đề nghị với Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte hãy gác lại tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông để cùng khai thác tài nguyên dầu khí. Ông Rodrigo Duterte tỏ ý rất nhiệt tình về đề nghị này. Các quan chức cao cấp của Trung cộng và Phi Luật Tân cũng đã thảo luận về vấn đề này.

Bản dự thảo của hiệp định vốn dự định được phê chuẩn hồi tháng 9.2018, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão lớn nên đã bị trì hoãn. Sau đó, người phụ trách việc đàm phán dự thảo hiệp định được thay bằng Ngoại trưởng Teodoro Locsin. Ngày 28.10, khi ông Vương Nghị tới thăm Phi Luật Tân vẫn bày tỏ Trung cộng đã chuẩn bị tốt cho việc xúc tiến cùng Phi Luật Tân khai thác chung dầu khí trên Biển Đông.

Tuy nhiên, các chuyên gia về Biển Đông và giáo sư đại học của Phi Luật Tân cho rằng, hai nước có vẻ chưa chuẩn bị đầy đủ cho việc ký kết hiệp định. Đợi đến khi ông Tập Cận Bình sang thăm Phi Luật Tân, một số vấn đề hoặc chi tiết cụ thể được gác lại thì mới có cơ may đạt được một hiệp định bình thường.

Ông Teodoro Locsin bày tỏ trên mạng xã hội: sẽ không có hiệp định về khai thác chung dầu khí. Sau này có thể có, nhưng hiện nay thì không.

Trang tin Đa Chiều ngày 11.11 cho biết, trong tình hình đó, Trung cộng đã sử dụng “chiến thuật vu hồi” bằng cách để Tổng công ty dầu khí hải dương Trung cộng (CNOOC) thu mua những công ty Phi Luật Tân có quyền thăm dò khai thác dầu khí trên Biển Đông. Tuy nhiên các chuyên gia của Phi Luật Tân đã chỉ ra rằng, cách làm đó có thể vi phạm hiến pháp của Phi Luật Tân và phê phán chủ trương “gác lại tranh chấp, thúc đẩy cùng nhau khai thác” chỉ là một cái bẫy

 

Mỹ Trung tiếp tục tranh cãi về Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (thứ hai bên phải) bắt tay với người đồng nhiệm Trung cộng Nguỵ Phượng Hoàng (thứ hai bên trái), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo (trái) và Uỷ viên Bộ chính trị đảng CS Trung cộng Dương Khiết Trì (phải) tại đối thoại ngoại giao an ninh ở Washington DC hôm 9/11/2018  AFP

 

Tại đối thoại ngoại giao an ninh giữa Trung cộng và Mỹ ở Washitong DC hôm thứ Sáu, ngày 9/11, lãnh đạo hai nước tiếp tục cho thấy có những bất đồng liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đối thoại, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Hoa Kỳ tiếp tục bày tỏ những lo ngại về những hoạt động quân sự hoá Biển Đông của Trung cộng, và yêu cầu Trung cộng phải hành xử đúng như những cam kết của nước này trong khu vực.

Thông cáo báo chí sau cuộc gặp từ phía Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung cộng phải rút các giàn hỏa tiễn khỏi các thực thể mà nước này cho xây lấp ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với một số nước châu Á khác, yêu cầu tất cả các quốc tia nên tránh giải quyết tranh chấp qua xâm lấn hay đe doạ.

Đáp lời, ông Dương Khiết Trì, Uỷ viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung cộng nói rằng Trung cộng cam kết không đối đầu nhưng Bắc Kinh có quyền xây dựng những cơ sở quốc phòng cần thiết trên các khu vực mà nước này cho là thuộc chủ quyền của mình. Ông Dương cũng thúc giục Washington phải ngừng ngay lập tức việc điều tàu chiến và máy bay chiến đấu đến Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói Washington sẽ không nghe Theo đòi hỏi này của Trung cộng, khẳng định Hoa Kỳ chỉ thực hiện các hoạt động theo luật quốc tế để đảm bảo quyền tự do hàng hải của Mỹ và các nước khác tại khu vực Biển Đông.

Bất chấp những bất đồng còn tồn tại, thông cáo sau đối thoại nhấn mạnh hai bên đồng ý ủng hộ một giải pháp hoà bình các tranh chấp và các vấn đề khác trong khu vực.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 10/11 cho biết đối thoại giữa hai bên mang tính xây dựng và có kết quả.

RFA

 

CSVN lờ tin Mỹ-Trung cộng kình nhau về Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (thứ hai, bên phải), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (phải) phát biểu trong một cuộc họp báo với ủy viên Bộ Chính trị Trung cộng Dương Khiết Trì (thứ hai, trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa tại Washington, DC vào ngày 9 tháng 11 năm 2018. (Hình: Mandel/AFP /Getty Images)

 

Dù liên quan đến chủ quyền đất nước mình, hệ thống báo chí chính thống của chế độ Hà Nội tránh né đưa tin chi tiết liên quan Biển Đông trong cuộc họp giữa Mỹ và Trung cộng.

Ngày 9 Tháng Mười Một, 2018, ủy viên bộ chính trị giữ chức “Chủ Nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công Tác Ðối Ngoại Trung Ương” Đảng Cộng Sản Trung cộng Dương Khiết Trì và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngụy Phụng Hòa đã đến Hoa Thịnh Đốn đối thoại song phương với Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo và Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis. Cuộc họp bao gồm các điểm cốt lõi trong mối quan hệ giữa hai nước từ cuộc chiến tranh thương mại, giải trừ nguy cơ chiến tranh nguyên tử tại bán đảo Triều Tiên, gồm cả hành động bá quyền ngang ngược của Trung cộng trên Biển Đông.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tức cơ quan thông tin tuyên truyền chính thức của chế độ Hà Nội chỉ thuật vỏn vẹn có một câu như kẻ ngồi bên cạnh xem đánh cờ tướng trong bản tin dài với tựa đề “Mỹ khẳng định không theo đuổi ‘Chiến tranh lạnh’ với Trung cộng.”

“Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Pompeo cho biết Mỹ tiếp tục bày tỏ quan ngại về các hành động và việc quân sự hóa của Trung cộng tại Biển Đông. Mỹ hối thúc Trung cộng tuân thủ những cam kết trước đây tại khu vực này.” Đây là câu duy nhất trong bản tin của TTXVN dài 754 từ thuật lại tin của các hãng tin quốc tế cuộc họp báo của 4 giới chức quân sự, ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung cộng nói trên.

Ngay như tờ South China Morning Post ở Hồng Kông, bây giờ không còn giữ tính độc lập, khách quan mà tuyên tuyền cho Bắc Kinh, cũng còn có bản tin tường thuật cuộc họp báo với tựa đề “Các viên chức hàng đầu của Mỹ bác bỏ đòi hỏi của Trung cộng phải dừng hành động quân sự (của Mỹ) làm ‘xói mòn’ chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.”

Bản tin ngày 10 Tháng Mười Một, 2018 của SCMP tường thuật cuộc họp báo nói trên viết rằng Dương Khiết Trì khuyến cáo phía chủ nhà rằng “Nước Mỹ nên dừng việc đưa chiến hạm và máy bay quân sự đến gần các đảo và bãi đá ngầm của Trung cộng cũng như ngừng các hành động làm xói mòn chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung cộng.”

Đáp lại, ông Mattis nói “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, đi tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật lệ quốc tế cho phép” trong khi ông Pompeo đả kích Trung cộng “quân sự hóa” Biển Đông.

Dương Khiết Trì lập lại những lời tuyên bố trước đây của Bắc Kinh là những đảo và bãi đá ngầm là chủ quyền của họ nên họ có quyền xây dựng các cơ sở phòng vệ, thực chất là các căn cứ quân sự khổng lồ trong mưu toan khống chế toàn bộ Biển Đông.

Hãng tin quốc tế Reuters dẫn lại lời ông Pompeo nói trong cuộc họp báo về lời ông nói với phía chức sắc Bắc Kinh là “Chúng tôi thúc Trung cộng giữ các cam kết của họ trong quá khứ cho khu vực này.”

Những cam kết cũ mà ông Pampeo nói có thể hiểu gồm cả chữ ký của Trung cộng giữ nguyên trạng trên Biển Đông có từ năm 2002 qua bản Tuyên Bố Ứng Xử (DOC) họ ký với ASEAN và những lời ông Tập Cận Bình nói ở Hoa Thịnh Đốn ngày 25 Tháng Chín, 2015 cam kết “không quân sự hóa Biển Đông.”

Những gì đã và đang xảy ra trên Biển Đông ngược lại hoàn toàn với lời nói của ông Tập Cận Bình và cả bản tuyên bố DOC có chữ ký của Trung cộng.

Hai tháng dẫn đến cuộc họp ở Hoa Thịnh Đốn ngày 9 Tháng Mười Một, 2018, Mỹ đã có nhiều hành động dằn mặt Bắc Kinh khi cho chiến hạm, pháo đài bay đến gần các đảo nhân tạo Trung cộng ngang ngược xây dựng làm căn cứ quân sự tại Trường Sa. Người ta chỉ thấy Hà Nội có một lần cho phát ngôn viên ngoại giao phản đối Trung cộng lập đài quan trắc khí tượng tại đảo nhân tạo là “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.”

Trước cuộc đối thoại Mỹ Trung cộng ở Hoa Thịnh Đốn ngày 9 Tháng Mười Một, 2018, một bản tin của TTXVN kể rằng “Từ ngày 6 đến 7 Tháng Mười Một, tại thành phố Ninh Ba, Chiết Giang, Trung cộng, đã diễn ra phiên họp đàm phán Vòng X Nhóm Công Tác về Vùng Biển Ngoài Cửa Vịnh Bắc Bộ và Vòng VII Nhóm Công Tác Bàn Bạc về Hợp Tác Cùng Phát Triển Trên Biển Việt Nam và Trung cộng.”

“Hai bên nhất trí trên cơ sở tuần tự tiệm tiến, thúc đẩy đàm phán về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và việc bàn bạc về hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công Ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung cộng đều là thành viên.”

Nhân dịp đến Thượng Hải, Trung cộng, dự hội chợ về hàng hóa nhập cảng, ngày 4 Tháng Mười Một, 2018, ông thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã gặp tổng bí thư, chủ tịch nước Trung cộng Tập Cận Bình. TTXVN kể rằng ông Phúc nói “Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, ổn định, lành mạnh và bền vững với Trung cộng, coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”

Chống Trung cộng quân sự hóa Biển Đông có vẻ như là việc của Hoa Thịnh Đốn.

Người Việt

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen