GS Lê Hữu Khóa
17-11-2018
Tiếp theo phần 1
Không gian trung tính
Không gian quyền lực của nhân bản dân chủ là một không gian trung tính, nếu cái gian của độc tài và cái đểu của tham nhũng “đột nhập” vào đây, nó sẽ bị lột mặt nạ không những bởi tư pháp, mà bị lột trần bởi các phong trào xã hội biết bảo vệ dân chủ để diệt cho bằng được độc tài, bảo vệ dân chủ để đốn tận gốc tham nhũng.
Trong không gian trung tính này chính là kết quả chọn lựa của một quần chúng đi bầu chính bằng nhận thức của mình, nên họ là một cộng đồng hợp nhất, với sung lực tổng hợp dùng tự do bầu cử để bảo vệ công bằng trong xã hội cho dân tộc qua quyền lợi của đa số. Chính phương trình của không gian trung tính trong đó có cộng đồng hợp nhất, với sung lực tổng hợp qua quyền lợi của đa số thể hiện rõ ý chí của một dân tộc, lấy dân chủ làm nhân bản cho mình để tạo ra các phương án cho tương lai.
Không gian trung tính này rõ ràng trong chân chính, trong đó đa số có thể thành thiểu số, nếu đa số đó có một chính quyền bất tài và bất lực trước các đòi hỏi cụ thể của tự do, công bằng, bác ái. Và thiểu số có thể trở thành đa số khi nó đủ tài và đủ trí không những để bảo vệ cho tự do, công bằng, bác ái mà còn biết phát triển đất nước, phát huy văn minh vì dân tộc. Tại đây, dân chủ biết công nhận nguyên tắc thay thế quyền hạn của đại diện (principe du renversement de légitimité) để có chính quyền mới đủ tâm và đủ tầm hơn.
Khi phân tích sâu vào nguyên tắc thay thế quyền hạn của đại diện này, ta sẽ thấy lộ ra quan hệ mật thiết giữa quyền lực và xã hội, qua quan hệ giữa chính quyền và dân tộc, tại đây một quyền lực được dựng lên bởi dân chủ phải lắng nghe và thông hiểu sự vận hành của xã hội mà nó đang quản lý. Xã hội này không còn là xã hội của “thưa, bẩm, dạ, vâng” trước bạo quyền, chỉ biết “cúi đầu tuân lịnh” trước tà quyền; và xã hội này cũng không phải là một xã hội của một cộng đồng hủ lậu với “chiếu trên, chiếu dưới” trong phản xạ của “sống lâu lên lão làng”. Mà nó là “xã hội của công dân” trong đó quyền lợi của cá nhân phải được tôn trọng và bảo vệ như quyền lợi của đảng phái, của hội đoàn, của phong trào, của cộng đồng… theo một nguyên tắc phổ quát công bằng (principe universaliste et égalitaire) cho mọi thực thể, dù là cá thể hay tập thể.
Không gian trung tính, không phải là một không gian “vô thưởng, vô phạt”, nó trung tính nhưng rất trung tâm, nó trung tính chỉ vì nó không để các tín ngưỡng về thượng đế, về thần linh mê hoặc nó; không cho mê tín, dị đoan đến để nhiễm ô nhân tính, một nhân tính lấy tự do và công bằng để thay thế độc tài và thần giáo. Không gian trung tính này mang đầy cá tính của nhân tính, biết bảo vệ nhân bản dân chủ bằng nhân tri dân chủ:
– Chính quyền có mặt qua một chính phủ được dân bầu, ngược với độc đảng dùng độc tài để độc trị, vì dân chủ loại độc chủ, mọi độc quyền muốn độc trị sẽ bị loại ngay trong không gian mà dân làm chủ này.
– Chính quyền có mặt qua một chính phủ được dân bầu, phải bảo đảm được sự hội nhập của các cá nhân, tập thể, cộng đồng trong một đời sống xã hội lấy công bằng được công lý bảo đảm; có những sinh hoạt xã hội lấy tự do để có tự lập trong các phong trào xã hội; có quan hệ xã hội lấy công bằng và tự do để chế tác ra bác ái mà che chở cho nhau.
– Chính quyền có mặt qua một chính phủ được dân bầu, biết lịch sử của đất nước, hiểu sử tính của dân tộc, và dùng dân chủ để đưa đất nước vào quỷ đạo của phát triển, đưa dân tộc tới các chân trời của văn minh, vì biết tận dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật…
– Chính quyền có mặt qua một chính phủ được dân bầu, phát triển nhân trí để bảo vệ ngày càng sâu nhân phẩm của các thành viên trong cộng đồng dân tộc, trong đó nhân quyền là phẩm của nhân vị, luôn được tôn vinh qua không những qua nhân tính mà qua cả nhân lý và nhân tri.
Bản chất của chính quyền này được dân chủ cho phép đại diện dân tộc để đi tới tương lai qua các chương trình ứng cử chỉnh lý trong lý luận và toàn lý trong sử dụng các phương tiện để thành công trong các cứu cánh vì công bằng trong tiến bộ, vì tự do trong phát triển. Một chính quyền được dân bầu luôn có khả năng thống hợp (faculté synthétique) để giải quyết các mâu thuẫn, các xung đột giữa các quyền lợi khác nhau. Chính quyền được dân bầu này dựa vào không gian trung tính, không mê tín, không chuyên chính, mà luôn trung thành với nguyên tắc lấy dân chủ để bảo vệ nhân quyền. Walt Whitman đã thấy được khả năng thống hợp của không gian trung tính này, nó đã thống hợp được hai nhân tố rất khác biệt nhau để làm nên thể chế dân chủ:
– Mỗi cá nhân bình thường nhưng là một cá thể rất cá biệt (la personne simple séparée, le Soi-même).
– Chính cá thể rất cá biệt này thể hiện mong muốn dân chủ của mình ngay trong quần chúng, nơi mà chữ dân chủ được hiểu là tập-hợp-qua-quần-chúng (le mot démocratique, le en-masse)
Chính dân chủ đã chế tác ra, đã sáng lập nên một kỷ nguyên mà ngay trên thượng nguồn nơi mà mỗi cá nhân sống có ý nguyện được biến thành ý lực là muốn sống chung với nhau, mà không để thượng đế hoặc thần linh chỉ đường, không cho mê tín và dị đoan dẫn lối, và nhất là không cho độc đảng khống chế, để nó biến độc tài của nó thành độc tôn, rồi nó tự cho nó quyền độc trị. Vì dân chủ khẳng định đảng phái chỉ là một tập thể, chỉ có quyền như mọi tập thể khác dưới sự chỉ đạo của sân chơi-trò chơi-luật chơi của đa nguyên, là thắng thì không được làm vua mà chỉ làm đúng nhiệm kỳ; mà thua cũng không được làm giặc vì tư pháp có mặt để xử giặc theo công pháp của công lý.
Khi nghiên cứu kỹ các xã hội dân chủ văn minh từ tổ chức thể chế tới sinh hoạt xã hội, từ quan hệ xã hội tới chỗ đứng của nhân quyền qua dân chủ làm nên nhân vị, ta sẽ thấy thảm kịch của Việt tộc hiện nay, và thảm kịch này trở thành hài kịch khi các lãnh đạo độc tài của ĐCSVN trả lời trước báo chí, trước các chính phủ của các quốc gia văn minh nhờ dân chủ trên chính trường quốc tế, như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói trước cuộc họp báo tại quốc gia Áo, tháng 10 năm 2018 này là: “Việt nam không có độc tài… Việt nam là một đất nước dân chủ” . Đây là một loại xảo ngữ đã nhập hồn vào điêu ngôn của loại lãnh đạo này với thói quen man trá đã biến thành phản xạ điêu ngoa, chỉ có quái thai độc đảng mới sinh ra loại tuyên bố độc dại này trước quốc tế.
Hôm đó, các chuyên gia cùng các ký giả họ chỉ biết ôm bụng cười thầm, và vì lịch sự nên họ không bật cười thành tiếng, cũng chỉ để giữ lịch thiệp tối thiểu với miệng mồm kẻ độc dại đã hóa thành độc hại, một cách lộ liễu trong ngây ngô. Chuyên gia và ký giả cũng muốn giữ thể diện cho quốc gia Áo, nên họ không “quật lại để lột mặt nạ” tên thủ tướng vô nhân cách này. Và nếu họ muốn, họ chỉ bằng phân tích qua thống kê; và hiện nay các chuyên gia đã định lượng hóa được các hành vi của một chính quyền có tôn trọng dân chủ hay không qua các số liệu chính trị, văn hóa, truyền thông, xã hội… để kết luận là một xã hội có dân chủ hay không? Nơi mà dân chủ khi hội tụ cùng nhân quyền đã trở thành một chỉ báo trung tâm để mổ xẻ thực chất của một chế độ. Chỉ cần hôm đó, họ đưa ra vài dữ kiện định lượng làm nên độc chất độc tài của ĐCSVN ngay trên quê hương Việt Nam nơi mà các đứa con tin yêu của Việt tộc đấu tranh vì dân chủ để đòi hỏi nhân quyền thường xuyên bị khủng bố, bắt bớ, tra tấn, tù đày… với các án tù rất cao so với các tội hình sự khác. Nơi mà ông thủ tướng “đầu khờ, miệng lanh” này tuyên bố qua xảo ngôn, điêu ngữ là “Việt nam không có độc tài… Việt nam là một đất nước dân chủ” , thì cùng tuần lễ đó chính phủ dân chủ Mỹ đã can thiệp cho nữ tù nhân lương tâm đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được đi tỵ nạn cùng gia đình qua Mỹ.
Chính cái độc dại để độc quyền trong độc hại vô cùng phản dân chủ đã làm nên tai họa không sao lường hết cho nòi giống Việt tộc, nơi mà con dân chưa bao giờ được làm công dân, được làm chủ thể dân chủ để quyết định số phận của mình. Nơi mà họ cứ phải tìm đường sống bằng cách: bỏ quê hương! Để định cư tại các quốc gia thật sự dân chủ để sống, để lao động, để bảo vệ tương lai con cái của họ. Đây cũng chính là nền cho sử học sẽ trợ giúp cho tư pháp vì công lý của công pháp nếu sau này: có một tòa án lương tâm Việt để xử ĐCSVN!
Không gian trung tính, không hề mờ nhạt vô minh, tan loãng trong vô tri, mà ngược lại nó rất trung tâm trong phân xử nghiêm minh trước công pháp trên phạm trù của nhân quyền bằng dân chủ qua pháp quyền biết tôn trọng công bằng và tự do. Người ta có thể nhớ lại bài tham luận của Lamartine, ngày 25 tháng 2 năm 1848, để hiểu thêm về chân trời rất liêm sỉ vì rất liêm chính của dân chủ: “Chúng ta đã thành lập ra một cộng hòa của bình đẳng, nơi đây chỉ có một dân tộc, được ra đời từ tính nguyên tắc phổ quát cho mọi công dân, nơi mà luật pháp và công quyền đã hội tụ để bảo vệ bằng luật và bằng quyền cho mỗi cá nhân” . Qua tuyên bố này, người ta sẽ nhận ra một nội lực của nhân bản dân chủ: mỗi cá nhân có đầy quyền làm người trong nhân quyền và có đủ quyền để bảo vệ tự do cho cá nhân mình, cùng lúc có gắn bó chặt chẽ với các cá nhân khác có cùng vai trò và chức năng công dân với mình.
Nền móng dân chủ không chỉ là cá nhân trong công dân, mà các tư tưởng gia của thế kỷ XVIII còn nhận ra gốc rễ của dân chủ là phục vụ chủ quyền của dân tộc (souveraineté du peuple), chủ quyền này vừa là tiềm năng, vừa là hiệu quả của dân chủ, vì chủ quyền của dân tộc không chỉ là chính trị qua chính quyền, qua chính phủ, qua định chế và cơ chế, mà nó bao trùm lên đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, nhất là quan hệ xã hội. Trong không gian trung tính của dân chủ, mọi ý đồ của hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn) không thể có chỗ đứng trong hành pháp, không thể có ghế ngồi trong lập pháp. Và sẽ không bao giờ có chuyện cũng trong tháng 10 năm 2018 này là ông tổng bí thư ĐCSVN, Nguyễn Phú Trọng, sau cái quy luật “đột tử” của ĐCSVN đối với ông chủ tịch nước Trần Đại Quang, để ông tổng bí thư này được kiêm luôn chức chủ tịch nước. Độc hại của độc đảng là nó luôn sinh ra các quái thai, từ nhân cách tới thể chế, bằng độc quyền vì tham quyền, không nhiệm kỳ vì không có dân bầu, một quái thai phản dân chủ luôn sinh ra hằng trăm quái thai ngày càng phản dân chủ hơn. Và, bi-hài-kịch chính là kẻ quái thai nhất là ông tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố qua xảo ngữ-điêu ngôn của ông là: “Việt Nam có dân chủ không đâu bằng!” .
Không gian trung tính, vì không có thượng đế, không có thần linh, nhất là một không gian không để độc tài qua độc đảng xuất đầu lộ diện rồi làm mưa làm gió, vì không gian này biết tự trong sạch hóa, nó loại tham nhũng, nó xóa bất tài, vì nó biết độc đảng đẻ ra tham nhũng, và bất tài sinh ra bất lực trước các thử thách của phát triển, của tiến bộ, của văn minh. Chính cái độc tài của ĐCSVN song hành cùng cái bất tài của lãnh đạo, của cán bộ cũng vừa là đảng viên đã giải thích cái nghèo nàn, lạc hậu của một dân tộc, mà trong lịch sử trước đó không hề thua kém các dân tộc láng giềng, mà giờ đây phải đi làm lao nô, làm nô tì cho các nước lân cận trong tủi nhục. Chính ĐCSVN bất tài và bất chính trong quản lý, nên nó bất tín với dân tộc, nên nó bất trung với tổ tiên, độc đảng phản dân chủ đã đưa Việt tộc tới một cuộc sống không nhân bản trong thể chế, không nhân văn trong văn hóa, ngày ngày xói mòn nhân phẩm Việt trong cái vô cảm ngay trong các quan hệ xã hội, vô tri ngay trong các sinh hoạt xã hội, vô giác ngay trong đời sống xã hội. Độc tài mà bất tài thì chắc chắn sẽ thất trách với tiền đồ của Việt tộc, trước Tàu tặc-Tàu nạn-Tầu họa-Tàu hoạn như hiện nay.
Bọn độc tài mà bất tài không bao giờ dám tổ chức hội thảo về dân chủ, không bao giờ dám tổ chức hội luận về nhân quyền, cho nên đừng trong chờ chúng tổ chức hội nghị về tự do đầu phiếu, tự do ứng cử, tự do trong tự quyết về số phận của công dân, của dân tộc, của đất nước. Tại đây, chuyện lẩn tránh và trốn né thảo luận để lý luận, lập luận để giải luận, tranh luận để trao luận là chuyện dể hiểu vì chúng luôn giấu diếm cái thô bỉ của độc tài, cái trơ trẻn của bất tài. Qua các cuộc nghiên cứu, điều tra, điền dả vào sâu các thể chế độc tài mà bất tài, các chuyên gia đã nhận ra là rất ít, rất hiếm các lãnh đạo của các quốc gia độc tài mà bất tài hiểu rành mạch về sinh hoạt xã hội, và đừng mong chờ chúng hiểu đầy đủ về sự thông minh của xã hội dân sự. Chính xã hội dân sự là nơi tập trung các ý định, ý muốn làm nên ý nguyện tạo nên ý lực trong đời sống xã hội, sinh hoạt xã hội, quan hệ xã hội. Vì chỉ có xã hội dân sự là đủ nhân bản dân chủ để làm rõ:
– Quốc gia là sở hữu của toàn dân, qua định chế dân chủ có ứng cử được hợp thức hóa bởi bầu cử.
– Chính quyền cũng là sở hữu của toàn dân, qua chính phủ được dân bầu, và dân kiểm tra qua pháp quyền.
– Chủ thể dân chủ định vị cho mọi công dân, vừa là chủ thể chính trị trong đầu phiếu, vừa là chủ thể của lịch sử qua các giai đoạn đoản kỳ, trung kỳ và trường kỳ của một dân tộc, lấy dân chủ làm nhân vị.
– Chính thể dân chủ tập hợp một dân tộc trong quy luật của một giai đoạn lịch sử dài, nơi mà công bằng, tự do, bác ái được hội tụ để hợp lực, lên đường để đưa một dân tộc tới bến bờ của bình đẳng trong tiến bộ, có nhân quyền trong văn minh của nhân bản.
Nhân bản dân chủ là hùng lực của lịch sử không những đã đưa thượng đế, thần linh, lẩn mê tín, dị đoan ra khỏi không gian của nhân quyền, mà nó loại cho bằng được cái độc tài mà bất tài, cái tham quan để tham nhũng, chỉ vì tự do mà dân chủ đi tìm là tự do để tự quyết số phần của mình trong nhân thế, số phận của mình trong nhân sinh. Tự do để tự quyết làm nên cái tự tin trong tự chủ là nhân lý sẻ thắng bạo quyền, nhân đạo sẽ thắng tà quyền. Trong đó quốc gia vừa có đất nước, vừa có dân tộc, vừa có lịch sử, vừa có xã hội, vừa có công dân, vừa có phong trào, làm nên xã hội dân sự, được bảo vệ bởi không gian trung tính, bảo vệ được tính nhất thể của dân chủ trong tính hợp thể vì nhân quyền.
Ý nghĩa của công dụng
Những chuyện có ý nghĩa cho nhân bản đều mang theo một giá trị, có khi là đạo đức có trong đạo lý và luân lý, có khi là tâm linh có trong tôn giáo và tín ngưỡng… Một chuyện được xem là có công dụng, tức là nó hữu dụng cho con người, cho xã hội, vì nó hữu ích cho định chế, cho cơ chế của xã hội mà nó phục vụ, qua các phương pháp tổ chức có hiệu năng trong hành chính cũng như trong sản suất… Hiệu quả của các cơ chế dân chủ là đây! Dân chủ chỉ có ý nghĩa khi các giá trị mà nó đề nghị thật sự có hiệu quả từ kinh tế tới chính trị, từ văn hóa tới giáo dục, từ đối nội tới đối ngoại… Và, tất cả phải tới từ tự do làm nên tự chủ trong mọi sinh hoạt, mọi quan hệ, mọi đời sống xã hội.
Dân chủ tạo ra quan hệ linh động giữa quyền lực và xã hội, dùng tự do mà định nghĩa xã hội là xã hội tập hợp giữa các cá nhân, mà không phải bị tập hợp bởi một bạo quyền độc tài, hoặc được tập hợp bởi một thần linh qua thần giáo. Muốn có xã hội tập hợp giữa các cá nhân này thì phải có một nguyên tắc phổ quát, đó là nguyên tắc bình đẳng, làm nền cho mọi diển luận về công bằng trong xã hội, giữa các cá nhân. Từ đây cặp đôi song hành bình đẳng-công bằng là khuôn mặt xã hội đầu tiên của nhân bản dân chủ, mà sâu xa hơn nó chính là sức mạnh biểu tượng, đi trên lưng, trên vai, trên đầu mọi biểu tượng bất chính tới từ độc tài, độc, trị, độc quyền, độc quyền, độc đảng…
Whig khi nghiên cứu về kinh nghiệm tự do cạnh tranh có mặt trong mọi thể chế dân chủ đã thấy khuôn mặt và sức mạnh biểu tượng của cặp bài trùng bình đẳng-công bằng này, đây cũng là nội chất làm nên nội lực của dân chủ khi nó biết lấy đối thoại để giải quyết đối kháng giữa các đảng phái, lấy đối luận để xử lý đối trọng, tại đây nhân bản không bao giờ xã rời nhân lý, nhân tri, nhân trí. Từ đó, con người có thể xây dựng các thể chế dân chủ với các hình thức khác nhau, tại Anh quốc thì dân chủ vẫn đủ sung lực để giữ khuôn mặt quân chủ biểu tượng qua hoàng gia; tại Pháp quốc nó mang khuôn mặt của bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền; tại Đức nó linh động theo tổ chức Liên Bang; tại Mỹ nó linh hoạt với tổ chức các tiểu bang song hành cùng vai trò chủ đạo của tổng thống…
Câu chuyện ý nghĩa và hữu dụng của dân chủ là tính trùng hợp về bình đẳng (similitude égalitaire) mang ý nghĩa sâu đậm của nguyên tắc dân chủ trong một cộng hòa: tự do-công bằng-bác ái, nó mang sức mạnh liên kết của tam quyền phân với bộ ba lập hành pháp-lập pháp-tư pháp, có mặt không những qua đầu phiếu, mà có mặt ngay trong xã hội, qua các phong trào. Nó có bản lĩnh của một thể chế luôn bảo vệ cá nhân, mà không bị lạm quyền bởi cá nhân chủ nghĩa có thể dẫn đến chủ nghĩa cá nhân trung tâm, đưa đến ích kỷ chủ nghĩa qua các sinh hoạt xã hội. Cụ thể là nó trao tự do cá nhân, nhưng cùng lúc nó tháo gỡ cái tham quyền cố vị của cá nhân, có thể vị kỷ khi có quyền lực.
Ý nghĩa và hữu dụng của nhân bản dân chủ là nó không hứa hẹn một thiên đường, nó cũng chẳng thề thốt trước một mô hình độc nhất về hạnh phúc cho nhân sinh. Nó làm chuyện cụ thể hơn: nó vừa bảo vệ nhân sinh, nó vừa dùng tính hữu dụng của nhân trí để mở ra các đường đi nước bước cho nhân loại qua nhân cách mà nó nhận định và thực hành hiện đại hóa qua khoa học và kỹ thuật, qua kinh tế và thương mại, dĩ nhiên là qua giáo dục và văn hóa… mà không quên luôn hiện đại hóa chính guồng máy tam quyền phân lập của dân chủ. Khi không còn thần linh và độc tài trấn áp nhân sinh, thì nhân bản dân chủ chỉ muốn tạo ra một cơ chế con người (établissement humain), không thần quyền và không bạo chúa, mà chỉ có con người cùng con người tìm cách cải thiện không những nhân loại, nhân tình, nhân thế phải khá hơn, tốt hơn, mà nhân lý, nhân tri, nhân trí phải làm hay hơn, đẹp hơn cho nhân phẩm, nhân văn, nhân bản.
Ý nghĩa và hữu dụng trong một thể chế dân chủ phải có sức mạnh của sự thống nhất các khác biệt (unification des diffférences) không những về bản sắc, về văn hóa, mà còn là tôn trọng sự khác biệt về ý kiến, sáng kiến được tồn tại trong xã hội đa diện trong một tổng diện, nơi có đa tài để bảo vệ đa nguyên vì biết tôn trọng biệt tài. Thảm họa của Việt tộc cũng là đây, nơi mà hệ đa (đa nguyên, đa tài, đa trí, đa hiệu, đa dụng…) luôn bị bóp chết ngay trong trứng nước bởi hệ độc (độc đảng, độc tài, độc quyền, độc trị, độc tôn). Bi đát hơn, mọi thảm bại của ĐCSVN luôn đùn đẩy bao thảm họa cho Việt tộc, trong đó có sự thất bại của nó trong hệ bất: bất tài trong quản lý xã hội, bất lực trong phát triển đất nước, bất tín với lương tri dân tộc, bất trung với tiền đồ tổ tiên, gieo lên số phận Việt bao oan nghiệt. Nghiệt ngã là bất luôn có gốc rễ với hệ thất, trong đó thất giáo trong đạo đức và trong giáo dục chắc chắn sẽ tạo ra thất trách với ông bà, với lịch sử yêu-nước-để-giữ-nước có trong nhân bản của Việt tộc.
Khi phân tích về sức mạnh của sự thống nhất các khác biệt có trong các thể chế dân chủ, ta không nên hiểu đây sự tổng hợp tới từ một sự pha trộn, mà phải nhận diện nó qua khả năng tự chủ của mỗi nhân tố, trong đó nhân tố này có thể thay thế nhân tố kia mà không có chuyện hủy diệt, tàn phá, loại bỏ nhau. Thay thế nhau giữa các nhân tố đối trọng nhau (conjonction transistoire des contraires) mà không loại nhau, vì biết tôn trọng ba tiêu chí: sân chơi đa nguyên của dân chủ, trong trò chơi thay lực đổi quyền, với luật chơi thay thời thế nhiệm, thể hiện qua nhiệm kỳ có dân kiểm soát, và quyết định qua bầu cử, đây là nhân bản được cụ thể hóa qua dân bầu, vì dân biết kiểm định. Nếu sân chơi-trò chơi-luật chơi đã rõ ràng và minh bạch thì không cần tuyên truyền, và tuyên giáo sẽ không có chỗ đứng, ghế ngồi trong các thể chế thật sự dân chủ. Vì khi tuyên truyền được kích hoạt bởi tuyên giáo, thì chuyện điêu, ngoa, xảo, trá sẽ tới thay ngôi, chiếm chỗ sự thật, chân lý, lẽ phải.
Thí dụ cụ thể có thể thấy hàng ngày trong bộ máy điêu ngôn và xảo ngữ của tuyên huấn, tuyên giáo, nơi mà thói quen đã thành phản xạ của bộ máy truyền thông của ĐCSVN, lấy ngu dân để đẩy đưa quần chúng với tin tức ngoa, với truyền thông láo. Họ làm ta luôn ngượng thẹn và “xấu hổ dùm” họ, khi họ tự chế để tự kiêu, tự sướng để tự khen những cái không thật vì nó không hề có trong cuộc sống. Thí dụ khi các bộ máy tuyên truyền, tuyên huấn, tuyên giáo đã “vẽ vời” tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là: sĩ phu Bắc Hà, trí thức Hà Thành, lý thuyết gia về xây dựng đảng… Chúng ta vừa “xấu hổ dùm” họ, mà cũng vừa “mắc cười” giữa chúng ta với nhau. Chỉ cần đặt những câu hỏi (căn bản để có nhân bản, chỉnh lý để toàn lý) trong giới trí thức và khoa học: các sĩ phu Bắc Hà thật sự hiện đang còn sống: ai công nhận ông này là sĩ phu Bắc Hà và trên tiểu chuẩn nào? Các trí thức Hà Thành thật sự hiện đang có mặt tại Hà Thành thì ai công nhận ông này là trí thức Hà Thành và trên phạm trị nào?
Còn chuyện ông là lý thuyết gia về xây dựng đảng, thì làm mọi người “buồn cười tới nghẹn”, vì nếu xem các công trình học thuật quốc tế về xây dựng đảng trong lịch sử của các chính giới của các quốc gia văn minh, thì các kẻ nịnh bợ ông này nên giấu thật kỹ công trình của ông này đi! Vì nó sẽ làm các tư tưởng gia, các lý thuyết gia, các chuyên gia quốc tế “cười cho đến gục!”. Vì “công trình về xây dựng đảng” của Nguyễn Phú Trọng: không có lý thuyết luận, không có phương pháp luận, không có khoa học luận, nên nó không thể nào được xem là một công trình, mà nó chỉ có khẩu lịnh đã bị xơ cứng hóa qua tuyên truyền, chỉ vì nó không phải là một công trình lấy lý luận để xây lập luận, lấy giải luận để dựng diễn luận.
_____
Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học Lille* Giám đốc Anthropol-Asie*Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á* Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO – Liên Hiệp Quốc * Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự nhóm Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.