Seite auswählen

Ảnh bìa bản báo cáo

Bài VOA

Sáng ngày 16/11, tại Tòa nhà Văn phòng Hạ viện Hoa Kỳ, tổ chức Freedom Now trình bày báo cáo về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Phúc trình mới nhan đề “Đàn áp theo luật: Việt Nam dùng luật làm võ khí chống lại xã hội Dân sự” do Freedom Now và trường Luật của Đại học American University hợp tác thực hiện tập trung chi tiết vào tình trạng gia tăng bắt bớ những người bất đồng chính kiến, những nhà báo và nhà hoạt động dân chủ dám thể hiện quan điểm trái chiều với chính thể tại Việt Nam trong các cuộc biểu tình chống luật an ninh mạng, đặc khu kinh tế hay đơn giản chỉ là thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội thời gian gần đây.

Freedom Now cho biết họ thực hiện những cuộc điều tra và phỏng vấn chi tiết hàng chục cá nhân đã bị chính quyền bắt giữ hoặc đang bị quản chế tại Việt Nam hiện nay. Qua đó, 88% những người được phỏng vấn khẳng định đã bị giam giữ trong một thời gian dài mà không qua xét xử, không được tiếp xúc với luật sư hoặc nếu có thì cũng chỉ được xét xử ở một phiên tòa bí mật với những mức án đã được định trước. 68% số người được phỏng vấn cũng cho biết họ đã từng bị tra tấn hoặc bị nhục hình trong quá trình giam giữ.

Freedom Now nói điều đáng quan ngại là Việt Nam hiện đang tìm mọi cách để xây dựng và sử dụng luật pháp như là một thứ vũ khí để bảo vệ lợi ích của chế độ. Điều này, theo Freedom Now, đi ngược hoàn toàn với giá trị đích thực của luật pháp là để bảo vệ công dân.

Trao đổi với VOA Việt ngữ, bà Kate Barth, Giám đốc Pháp lý của tổ chức Freedom Now cho biết:

“Theo tôi thì tình hình thực sự đang rất tồi tệ tại Việt Nam hiện nay. Các bạn có thể thấy rằng trong 2 năm qua các nhà hoạt động dân chủ hay là bất cứ người dân nào nếu tham gia vào các cuộc biểu tình hoặc thể hiện quan điểm chính kiến khác biệt là lập tức bị chính quyền nhắm tới sách nhiễu hay thậm chí là có thể bị quản chế, bỏ tù. Trong đó nhiều người đã phải chịu những mức án rất nặng nề. Nhà cầm quyền Việt Nam đang thực sự sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi chế độ mà không đoái hoài đến người dân.”

Báo cáo cũng chỉ ra rằng có tới 60% số người được phỏng vấn cho biết bị khủng bố và bức hại bởi các lực lượng an ninh khác nhau tại Việt Nam chỉ vì thể hiện và thực hành niềm tin tôn giáo của mình. Điều này, theo FreedomNow, cho thấy tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng đặc biệt tồi tệ. Phần lớn người dân chỉ được khuyến khích tiếp cận với các niềm tin tín ngưỡng và cơ sở tôn giáo có thỏa hiệp với chính quyền các cấp; thậm chí cơ sở tôn giáo còn được điều hành bởi các nhân viên an ninh nhà nước khoác áo tu hành, báo cáo nói.

Vẫn theo phúc trình của Freedom Now, trước áp lực quốc tế, đặc biệt là áp lực từ phía Hoa Kỳ và các nước phương Tây, chính quyền Việt Nam thường chọn giải pháp trục xuất, bắt buộc các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền phải sống lưu vong ở nước ngoài trái với ý muốn và nguyện vọng của họ mà hai trường hợp gần đây nhất là luật sư Nguyễn Văn Đài trong Hội Anh em Dân chủ và blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS có trụ sở tại bang Virginia, Hoa Kỳ, đã có nhiều năm theo dõi và vận động cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.

“Ngày qua ngày, những người dân vô tội bị sách nhiễu, thậm chí là bỏ tù hay tra tấn vì thực hiện những quyền căn bản của con người tại Việt Nam. Rõ ràng điều này là không thể chấp nhận được. Chúng tôi lo sợ rằng nếu chúng ta không có những hành động kịp thời thì tình hình sẽ ngày càng xấu đi. Sẽ ngày càng có nhiều người bị bỏ tù hơn để Việt Nam lấy họ làm vật trao đổi với Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác,” đại diện của BPSOS, cô Carol Nguyễn, phát biểu trong buổi tường trình.

Giám đốc Pháp lý của tổ chức Freedom Now, Kate Barth, cho rằng phản ứng và áp lực từ Hoa Kỳ chưa đủ trước đà gia tăng đàn áp các tiếng nói dân chủ tại Việt Nam trong thời gian qua.

“Theo tôi, Hoa Kỳ và các nước dân chủ đã không có được những áp lực đầy đủ lên chính thể tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Điều này là rất nguy hiểm, bởi Hà Nội sẽ nhân cơ hội đó gia tăng bắt bớ, dập tắt mọi tiếng nói phản kháng đòi tự do, dân chủ và những quyền cơ bản cho con người ở Việt Nam. Những hành động về kinh tế và pháp lý cần từng bước được tiến hành để hạn chế việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam hiện nay.”

Báo cáo của tổ chức Freedom Now cũng trình bày cụ thể về hệ thống báo chí tại Việt Nam và cách mà đảng cộng sản cầm quyền kiểm soát truyền thông. Nếu không có những tiếng nói phản biện của các cá nhân từ hệ thống mạng xã hội thì người dân ở Việt Nam sẽ hoàn toàn bị bưng bít thông tin, bị cầm tù về mặt nhận thức và chỉ được nghe những điều đảng cầm quyền muốn, Freedom Now nhận xét.

Kết quả điều tra của Freedom Now và ý kiến trao đổi từ các chuyên gia sẽ được tổng hợp để trình lên Hạ viện Hoa Kỳ để thúc đẩy những hành động cứng rắn hơn trong việc gia tăng áp lực buộc Việt Nam phải tôn trọng những quyền căn bản của con người như đã cam kết với quốc tế.

Freedom Now là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, phi đảng phái, có trụ sở tại Mỹ. Mục tiêu hoạt động của Freedom Now là vận động giúp phóng thích tù nhân lương tâm quốc tế thông qua các nỗ lực về tư pháp, chính trị, và quan hệ quốc tế.

Bài RFA

Hôm 16/11/2018, tổ chức Freedom Now công bố báo cáo về tình trạng chính quyền Việt Nam sử dụng luật như một vũ khí để khống chế, đàn áp Xã hội Dân sự.

Buổi công bố báo cáo được tổ chức tại Washington DC với sự tham gia của các diễn giả đại diện cho Freedom Now; tổ chức Boat People SOS; tổ chức Voice, Văn phòng Dân Chủ, Nhân Quyền và Lao Động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bản báo cáo được tổ chức Freedom Now và Trường luật Washington thuộc Đại học Hoa Kỳ phối hợp thực hiện. Họ đã phỏng vấn 25 người Việt tị nạn vùng Đông Nam Á cùng một số trường hợp khác và qua đó nêu lên một bức tranh ảm đạm về nhân quyền Việt Nam với những vụ quấy rối, đàn áp, hăm dọa, thậm chí bắt giữ và bỏ tù những nhà hoạt động xã hội.

Cô Anna Nguyễn, Giám đốc chương trình của Voice cho chúng tôi biết một phần trong quá trình hình thành bản báo cáo này:

“Voice với Freedom Now làm việc từ năm 2015. Lúc đó Freedom Now có liên lạc với Voice và muốn có thông tin những người hoạt động từ Việt Nam và muốn viết báo cáo cho Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện. Đầu năm nay, Freedom Now liên lạc với Voice một lần nữa và cho biết họ muốn viết một bản báo cáo cùng với trường Luật ở DC. Freedom Now muốn nhờ Voice giúp liên lạc phỏng vấn một số người tị nạn ở Thái Lan.”

Cô Anna Nguyễn cho biết quá trình phỏng vấn không có gì trở ngại, chỉ có một số người không muốn nêu tên thật của họ mà thôi.

Cô Carol Nguyễn, Điều phối viên chương trình của Tổ chức BPSOS, một trong những tổ chức giúp Freedom Now, là một trong các diễn giả của buổi công bố báo cáo, hôm 16 tháng 11 nói rằng:

“Bất chấp những chỉ trích từ quốc tế này, Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp tôn giáo với Luật tín ngưỡng, tôn giáo được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhằm gia tăng sự kiểm soát của Chính phủ lên các nhóm tôn giáo và dùng luật này để trừng mạnh mạnh tay những người mà họ cho là vi phạm luật tín ngưỡng. Bởi luật có những quy định cụ thể như cấm lợi dụng tự do tôn giáo gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng.”

Bản báo cáo cũng chỉ ra hiện nay Việt Nam có hơn 150 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam. Một số được Freedom Now nhắc đến như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Nguyễn Hữu Quốc Duy, Trần Hoàng Phúc, Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Phan Kim Khánh, bác sĩ Hồ Hải, đặc biệt là trường hợp Nguyễn Văn Hóa.

Người tù chính trị chỉ mới 22 tuổi, Nguyễn Văn Hóa vừa được tổ chức Freedom Now và Công ty luật toàn cầu Dechert LLP thay mặt gửi bản kiến nghị đến Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ tùy tiện và yêu cầu có hành động ngay lập tức về trường hợp này hôm 6/11/2018.

Bà Kate Barth, Giám đốc pháp lý của tổ chức Freddom Now nói với RFA rằng bà hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có hành động tích cực về trường hợp này:

“Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ có hành động trong trường hợp Nguyễn Văn Hóa. Đó là lý do mà chúng tôi lập hồ sơ về Nguyễn Văn Hóa. Một phần công việc của chúng tôi là chắc chắn rằng chính phủ Việt Nam biết rằng cộng đồng quốc tế và các chính phủ trên thế giới quan tâm đến trường hợp của Nguyễn Văn Hóa. Và Nguyễn Văn Hóa không thể “biến mất” trong nhà tù Việt Nam.”

Khi chúng tôi hỏi rằng nếu Chính phủ Việt Nam vẫn im lặng về trường hợp của Nguyễn Văn Hóa thì bước tiếp theo Freedom Now sẽ làm là gì, bà Barth cho biết:

“Một phần lý do mà chúng tôi lập hồ sơ về đảng cầm quyền là để có được những bằng chứng đáng tin về việc chính phủ Việt Nam vi phạm luật quốc tế. Và khi có đủ bằng chứng, chúng tôi sẽ mang đến cho các thành viên khác nhau của cơ quan luật pháp ở điện Capital cũng như các chính phủ mà chúng tôi nghĩ là có quan tâm để có những áp lực chính trị hữu hiệu lên chính phủ Việt Nam. Đó là bước tiếp theo của chúng tôi.” 

Bà Barth cho biết thêm về những trường hợp mà Freedom Now lên tiếng đã có kết quả:

“Đã có vài trường hợp thành công là các nhà nhà hoạt động đã được phóng thích sớm như blogger Mẹ Nấm hay luật sư Nguyễn Văn Đài. Cũng có những trường hợp chúng tôi cũng xem là đã thành công không phải đơn thuần là các nhà hoạt động được phóng thích sớm mà là họ không bị lãng quên. Tôi nghĩ điều đó là sự khác biệt lớn không chỉ cho những người trong tù mà cho cả những người bên ngoài vì họ có được niềm hy vọng cũng như là những người trong tù được đối xử tử tế. Khá nhiều trường hợp bị bạo hành và bị dùng nhục hình trong tù và chúng tôi cũng đã tìm kiếm áp lực  quốc tế lên những trường hợp đó để giúp  bảo vệ họ và có được những điều kiện tốt hơn trong tù và không bị nhục hình.”

Ngoài các luật được sửa đổi nhằm sử dụng như vũ khí để tấn công các quyền cơ bản của người dân, bản báo cáo còn nêu bật việc sử dụng các hình thức tra tấn trong quá trình điều tra, giam giữ cũng như điều kiện vệ sinh tồi tệ trong các trại giam, nhà tù ở Việt Nam. Bên cạnh đó là việc các tù nhân không được chăm sóc y tế đúng mức.

Ngoài ra còn có tình trạng bắt giam không đúng quy trình pháp luật, thời gian tạm giam kéo dài, các phiên tòa không công bằng.

Freedom Now và Trường Luật thuộc Đại học Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam phải sửa đổi hoặc bãi bỏ một số điều luật nhất định để Việt Nam tuân thủ luật nhân quyền quốc tế và bảo đảm Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều luật đó; Công khai lên án bất kỳ hành vi vi phạm nhân quyền nào với bất cứ một cá nhân nào; Cung cấp các khóa đào tạo về nhân quyền cho người dân trong nước; Phải thả các tù nhân lương tâm.