Seite auswählen

Soi Nguyễn Thúy Hạnh vào xã hội

Mạc Văn Trang

17-4-2021

Từ khi Nguyễn Thúy Hạnh bị công an bắt ngày 7/4/2021, xã hội đã nhìn vào Thuý Hạnh với nhiều quan điểm và bày tỏ ý kiến khác nhau. Nay thử lấy Nguyễn Thúy Hạnh soi vào xã hội xem sao?

VÀI NÉT VỀ NGUYỄN THUÝ HẠNH

Nguyễn Thúy Hạnh sinh ngày 5/5/1963. Khi Thúy Hạnh 5 tuổi và chị gái 7 tuổi thì bố mất, mẹ mới 27 tuổi và đi bước nữa. Thúy Hạnh và chị sống với ông bà nội. Ông nội tuy đỗ Tú tài Tây, là cán bộ cách mạng, nhưng rất nghiêm khắc, rèn giũa các cháu từng lời ăn, tiếng nói, từng cử chỉ theo tiêu chuẩn “công, dung, ngôn, hạnh” kiểu Á Đông. Chị em Thuý Hạnh cảm thấy căng thẳng và cô đơn, lại càng thương nhớ Mẹ và buồn tủi vì mồ côi cha, vắng mẹ… (Thuý Hạnh viết, lúc lâm chung, ông rất ân hận, đã làm mất tuổi thơ của các cháu).

Bà nội là y sĩ quanh năm suốt tháng tận tâm cứu giúp những người bệnh tật. Chị em Thuý Hạnh đã thấm nhuần và thừa hưởng lòng thương người, cứu giúp người vô điều kiện từ bà nội.

Thuý Hạnh là cô bé yếu đuối, đa cảm, nên nỗi cô đơn thiếu cha vắng mẹ đã khiến cô rơi vào trầm cảm, không muốn giao tiếp với ai, sống thầm lặng với nội tâm khép kín với bao nỗi niềm tâm tư.

Thuý Hạnh luôn là “trò giỏi văn, cháu ngoan Bác Hồ”. Hết THPT muốn theo nghiệp của bà nội, Hạnh vào học Trung cấp ngành Y; nhưng tốt nghiệp rồi, thấy kinh tế thị trường sôi động, hấp dẫn, Hạnh lại học tiếp ĐH ngoại thương và ĐH Ngoại ngữ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Thuý Hạnh làm cho công ty quốc doanh dịch vụ du lịch. Vào năm 2000, Thuý Hạnh chuyển qua làm Giám đốc đối ngoại cho công ty mía đường KCP thuộc tập đoàn KCP Ấn Độ, đến năm 2015 thì nghỉ hưu.

Thuý Hạnh có mặt trong phong trào xã hội dân sự từ năm 2008, khi tham gia hầu hết các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Biển Đông; biểu tình bảo vệ cây xanh Hà Nội, biểu tình bảo vệ môi trường biển; biểu tình chống luật đặc khu; biểu tình đòi hỏi dân chủ, nhân quyền. Từ khi tham gia vào các phong trào xã hội dân sự, Thuý Hạnh thấy niềm vui khi hoà nhập vào xã hội, thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn…

Từ năm 2011 đến năm 2018, cùng với các hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, Hạnh còn lo cứu giúp những người dân oan khó khăn, người hoạt động xã hội bị đánh đập, tù đày. Ban đầu Hạnh bỏ tiền túi ra giúp đỡ trực tiếp các nạn nhân. Sau này số lượng nạn nhân tăng lên nhiều, và Hạnh đã về hưu, không đủ tiền để giúp nên kêu gọi nhiều người đóng góp.

Năm 2014, Hạnh tham gia Quỹ cứu giúp dân oan, năm 2018, Hạnh lập ra quỹ 50K để giúp đỡ tất cả các gia đình tù nhân lương tâm gặp khó khăn khi lao động chính trong nhà bị bắt đi tù. 50K là 50.000 đồng, là số tiền tối thiểu có thể đóng vào hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng. Hạnh kêu gọi đóng 50 ngàn đồng, để có số đông người tham gia đóng góp, đồng thời với số tiền ít ỏi đó, người đóng góp không sợ nhà cầm quyền đàn áp, bắt bớ.

Mỗi tháng, Hạnh quyết toán Quỹ 50K từ 2 đến 3 lần. Số dư nếu có của đợt quyết toán trước, nhập vào đợt quyết toán sau. Danh sách người gởi cùng số tiền đóng góp, và danh sách người nhận cùng số tiền nhận, được đưa lên công khai sau mỗi đợt quyết toán, ai cũng có thể vào kiểm tra được.

Do cách làm công khai minh bạch như vậy, quỹ 50K đã tạo ra uy tín lớn, được mọi người tin cậy, nên ngày càng lan rộng trong cộng đồng trong và ngoài nước …

SOI THUÝ HẠNH VÀO XÃ HỘI THẤY GÌ?

1. Nếu Thuý Hạnh sống AN PHẬN, kệ sự đời, cô có thể rất “ung dung tự tại”, ở một căn hộ sang trọng, còn mấy căn cho thuê; lương hưu 8 triệu đồng một tháng và tiền lãi từ tiền gửi tiết kiệm, tha hồ ăn chơi sành điệu, du lịch trong nước, ngoài nước khắp nơi, làm đẹp, đưa hình lên facebook và tự ngắm mình, mãn nguyện với hàng ngàn like và “còm”: “cô em sinh tươi quá”, “tuyệt vời chị ơi”, “người trẻ mãi không già”… Nhưng Thuý Hạnh thuộc kiểu người không thể nào sống, ngày lại ngày như thế được!

2. Nếu Thuý Hạnh muốn thành một QUÝ BÀ DOANH NHÂN cũng không khó. Cô có hơn 15 năm làm Giám đốc đối ngoại cho một Công ty lớn liên doanh nước ngoài; từng lăn lộn cứu nguy cho Công ty để có uy tín và hưởng lương cao. Đồng thời cô cũng đầu tư kinh doanh hiệu quả để có thể gọi là một doanh nhân thành đạt. Cô có thể lên tivi Talk show về kinh nghiệm kinh doanh của một doanh nhân, một CEO; có thể giao tiếp với giới doanh nhân trong các sự kiện đình đám; có thể đến những khách sạn 5 sao, vũ trường sang trọng và khối “phi công trẻ” bám theo… Nhưng cái “tạng” của Thuý Hạnh không thích hợp với mẫu người đó. Chính lúc có nhiều nhà, đất, nhiều tiền nhất là lúc Thuý Hạnh giật mình, sợ hãi, có thể “đánh mất mình chăng”? Vì cô luôn coi trọng, tìm kiếm những giá trị tinh thần chứ không phải vật chất! Và cô đã buông bỏ dần để trở lại với chính mình, tìm lại bản tính của mình…

3. Nếu Thuý Hạnh muốn thành THI SĨ? Tôi biết Hạnh có làm thơ nhưng không đăng lên FB. Chồng cô, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết, Hạnh làm rất nhiều thơ trên điện thoại, khá nhiều bài hay, bảo cô in ra thành tập Thơ cho các con và bạn bè đọc, nhưng Hạnh không chịu.

Năm 16 tuổi, ngay bài thi vào lớp Mười THPT, bài văn viết về Mẹ của cô được điểm 10 tuyệt đối và cô được bồi dưỡng thành học sinh “chuyên văn”… Với tâm hồn văn chương phong phú, lãng mạn, trái tim đa cảm và thích sống cô đơn với nội tâm của mình, tôi tin Thuý Hạnh có nhiều bài thơ, câu thơ hay. Nếu Thuý Hạnh xuất bản thơ, gửi thơ dự thi và với vóc dáng dễ thương, quan hệ khéo léo lại sẵn tiền tài trợ cho Hội, Thơ cô có thể được giải, được thả lên trời xanh trong “Ngày Thơ Việt Nam”… Và khối nhà thơ uy tín, đa tình sẵn sàng viết bài ngợi ca thơ Thuý Hạnh. Thuý Hạnh lại sinh ra và lớn lên từ “cái nôi của Tự lực Văn đoàn” ở Cẩm Giàng càng thêm cơ sở hấp dẫn để cô có cơ hội trở thành một Nữ Thi sĩ đình đám trên “Thi trường”. Cô sẽ là khách VIP khi về thăm trường cũ, với bài nói chuyện về văn thơ đầy quyến rũ trước những cặp mắt ngưỡng mộ của hàng ngàn học sinh… Chắc chắn thơ của TH không phải là “Tôi học lớp 10 C Cẩm Giàng”…

4. Nếu Thuý Hạnh CƠ HỘI CHÍNH TRỊ, muốn làm “chính khách” cũng không khó. Cô sống với ông bà nội, một gia đình cách mạng, lý lịch có giá; cô lại lại là một doanh nhân sẵn sàng bỏ ra chục tỷ “quan hệ” để được vào danh sách bầu ĐBQH chính thức; với dáng vẻ dễ thương, trẻ trung, năng động, trình độ Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ (tiếng Anh), lại tên vần “H” xếp quãng giữa danh sách, có thể trúng cử trên 90% số phiếu ấy chứ!

Là học sinh chuyên văn, những bài phát biểu của cô, chả cần nhờ thư ký viết, chắc cũng khác xa tầm nhiều chính khách cắm cổ đọc ngập ngà ngập ngọng một bài thư ký viết sẵn; chắc cô không phát biểu những câu ngớ ngẩn làm trò cười cho thiên hạ; và khéo quan hệ, cô có thể là Trưởng ban đối ngoại của Quốc hội hơn khối người, vì cô từng làm Giám đốc phụ trách PR cho một công ty lớn, với vốn tiếng Anh giao tiếp tốt; cô từng được ông nội rèn giũa phẩm hạnh của người phụ nữ Á đông nên từng cử chỉ, lời ăn, tiếng nói chắc là chuẩn mực; cô mà dẫn Tổng thống Mỹ thăm ao cá Bác Hồ, sẽ vừa đi vừa giải thích cho tổng thống hiểu, vừa hướng dẫn tổng thống cho cá ăn sao cho thư thái, cảm nhận sự bình an, vui thú, chứ không đổ ụp cả xô thức ăn và nguẩy nguẩy đi như giận dỗi! Còn cô muốn có 200 chứ 500 bộ áo dài cũng sẵn có…

Nhưng Thuý Hạnh không thể nào là kẻ “cơ hội chính trị”. Năm 2016 cô tự ra ứng cử QH là vì thực sự thấy trách nhiệm công dân, muốn là một đại diện thực sự của dân, cất tiếng nói của lòng dân. Tất nhiên những người Như Thuý Hạnh mà ứng cử vào Quốc hội thì vừa bị loại ngay từ “vòng gửi xe” vừa bị chính quyền thù ghét (!).

5. Nếu Thuý Hạnh muốn BỎ NƯỚC RA ĐI cũng thật dễ dàng. Con trai lớn của cô có bằng Thạc sĩ bên Pháp; con thứ hai có bằng Đại học bên Mỹ và đã có việc làm với lương cao, có thẻ xanh… Khi đủ điều kiện họ sẽ đàng hoàng bảo lãnh cho cô sang với con. Còn muốn “đi tắt đón đầu” như mấy đương kim ĐBQH bằng cách mua quốc tịch thì Thuý Hạnh cũng đủ tiền. Nhưng Thuý Hạnh có bao giờ muốn rời bỏ đất nước mà cô yêu cháy bỏng và cũng vì quá yêu nước mà phải dấn thân đấu tranh cho những điều tốt đẹp. Cô chỉ tha thiết làm một công dân YÊU NƯỚC, THƯƠNG NÒI chứ không thể khác, dù biết rằng khổ ải, hiểm nguy luôn rình rập.

VẬY MÀ:

– Có những người thấy hình Thúy Hạnh ngày 8/7/2012, giương lá cờ đỏ sao vàng đi biểu tình chống Trung cộng xâm lăng, là quy ngay cho cô là “tay sai cộng sản”, “đã là cộng sản không thể tử tế”, “đấu tranh giả hiệu kiếm vé đi Mỹ” (?)… Những người này không hiểu rằng, Liên Xô sụp đổ, các nước cộng sản Đông Âu chuyển đổi chế độ đều chủ yếu do những người vốn là cộng sản làm thay đổi lịch sử. Những người này sao hiểu được bà Angela Merkel từng là cán bộ Đoàn TN Tự do CHDC Đức, lại có thể làm Thủ tướng CHLB Đức hơn 15 năm với uy tín lớn lao? Hơn nữa chính Thuý Hạnh viết rằng, năm 2008 cô vẫn là “bò đỏ”, rồi mới tự giác ngộ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Những đầu óc định kiến, hận thù, không hiểu được những điều này, cứ u mê như vậy thì hy vọng gì cho hoà hợp dân tộc, dân chủ, nhân quyền?!

– Có những kẻ chuyên suy bụng ta ra bụng người, nói Thuý Hạnh “vô nghề nghiệp”, lợi dụng quỹ 50k để sống an nhàn và mua mấy căn hộ cao cấp… Loại cặn bã xã hội chuyên nghề bôi nhọ, vu khống những người tử tế một cách bỉ ổi, chẳng nói làm gì, nhưng đây là “nhà báo” ký tên QUANG MINH, báo Nhân Dân mới càng khốn nạn chứ.

– Một chính quyền tự xưng là “của dân, do dân, vì dân”, có bản Tuyên ngôn Độc lập 1945 và Chương 2 Hiến pháp (2013) tiến bộ, nhưng lại chuyên dùng mưu hèn, kế bẩn, đầy đoạ những người như Thuý Hạnh vào ngục tù, thì chỉ chứng tỏ bản chất thấp kém của chính quyền đó trước bàn dân thiên hạ và trước lịch sử.

Các thế lực đen tối không thể nào bôi nhọ, khuất phục được Nguyễn Thuý Hạnh vì cô yêu nước, thương dân với tâm hồn trong sáng, với trái tim bao dung, tràn đầy yêu thương và ứng xử cẩn trọng. Có người thân nào, có bạn bè, đồng chí nào, có ân nhân nào của Thuý Hạnh nói những điều không tốt về cô không?

Tiếng Dân

Vì sao bà Nguyễn Thuý Hạnh bị bắt trong tháng Tư?


Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 8/4/2021 kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh.

Chuyện một nhà hoạt động có ảnh hưởng như bà Nguyễn Thuý Hạnh bị bắt ở Việt Nam không có gì lạ. Nó cũng giống như người ta từng bắt bà Phạm Đoan Trang và nhiều người trước đó. Nhưng lý do gì khiến bà Hạnh bị bắt trong tháng Tư?

Câu hỏi hoàn toàn xác đáng này dĩ nhiên không được truyền thông Việt Nam đặt ra vì nỗi sợ cố hữu. Nhưng kể cả nếu nó có được nêu, câu trả lời của chính quyền hiển nhiên không đáng tin. Bởi vậy chúng ta chỉ có thể phán đoán dựa vào những gì thực tế đã xảy ra.

Bà Hạnh bị bắt vì cáo buộc “làm, tàng trữ, hoặc tuyên truyền” thông tin chống nhà nước, điều là quyền của người dân tại các nước có nhiều đảng sẵn sàng chống lại đảng đương quyền. Bản thân điều 117 của Bộ Luật hình sự này đã nhiều lần bị lên án và bị coi là võ đoán.

Các nhà hoạt động như bà Hạnh đương nhiên không thể xuất hiện trên truyền thông Việt Nam trừ khi họ bị bắt và ngay lập tức bị gọi tên trống không, tăng tuổi từ 58 thành 68 và với tít thiên vị chính quyền như báo Lao động đăng “Một phụ nữ chống phá Nhà nước bị bắt tạm giam”.

Lần lại những bài viết của nhà hoạt động trên Facebook, bài mới nhất có thể khiến chính quyền có thêm cớ để bắt bà là bản tin cập nhật tình hình tù nhân lương tâm Việt Nam đăng hôm 31/3.

Đường dẫn tới bản tin lưu trên Google dẫn một số thông tin có trên truyền thông Việt Nam nhưng cũng có những thông tin mà truyền thông chính thống không bao giờ đăng.

Chẳng hạn tin về nhà hoạt động Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam sang Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 để thực hiện điều được gọi là “giám định sức khoẻ tâm thần” hôm 1/3/2021 có những đoạn:

“Gia đình không được thông báo cho đến khi chị Đỗ Thị Thu, vợ anh Phương đi tiếp tế hôm 19/3; tuy nhiên chị đã không được biết chồng được chuyển đi đâu.

“Mãi đến bốn ngày sau cơ quan an ninh Hà Nội mới xác định Trịnh Bá Phương đã được chuyển đến Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 vì anh bất hợp tác, không nhìn cũng như không chịu trả lời những câu hỏi của điều tra viên.

“Chị Thu cho biết anh Phương đã giữ quyền im lặng kể từ khi bị bắt vào cuối tháng Sáu năm 2020 và sẽ tiếp tục giữ quyền im lặng cho đến khi được gặp luật sư.

“Nhà hoạt động Lê Anh Hùng và Nhà văn Phạm Thành là hai trường hợp khác bị đưa vào viện tâm thần, một biện pháp được giới hoạt động cho là nhằm khủng bố tinh thần để trả thù những người hoạt động nhân quyền.”

Hồi cuối tháng Ba, bà Hạnh cũng đưa tin về chuyện nhà hoạt động Lê Trọng Hùng bị bắt vì tự ứng cử Quốc hội, điều bà Hạnh cũng làm hồi năm 2016. Bà kêu gọi mọi người trợ giúp tài chính cho gia đình ông Hùng, người có vợ mù và hai con nhỏ.

Quỹ 50K mà bà Hạnh lập ra hồi năm 2018 để ủng hộ các tù nhân lương tâm và gia đình họ là cái gai trong mắt nhà cầm quyền. Mặc dù tuyên bố đóng quỹ hồi cuối năm 2020, bà Hạnh vẫn tiếp tục giúp đỡ các gia đình tù nhân lương tâm.

Nhà hoạt động Hoàng Dũng viết sau khi bà Hạnh bị bắt tạm giam: “Bắt đầu những cuộc làm việc bằng giấy triệu tập từ cuối 2020 và kết thúc bằng một lệnh bắt đầu tháng 4/2021. Đó là một hành trình dài, đủ để chị Hạnh biết mình có lẽ sẽ bị bắt. Nếu chị thực sự chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến quỹ 50k, chuyện hôm qua [7/4] đã không xảy ra. Nhưng vì những hoàn cảnh của gia đình các tù nhân lương tâm, chị không thể dừng lại.”

Quỹ 50K của bà Hạnh cũng đã được trao Giải thưởng mang tên tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng của tổ chức Việt Tân trong năm 2019.

Ngoài Quỹ 50K, bà Hạnh cũng quyên góp được trên nửa tỷ đồng tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình, người bị bắn chết tại gia khi công an ập vào nhà ông lúc tờ mờ sáng hồi tháng 1/2020 trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm. Toàn bộ số tiền này đã không bao giờ tới được gia đình ông Kình do bị chính quyền Việt Nam phong toả tài khoản của bà Hạnh ở ngân hàng Vietcombank.

Bà Hạnh cũng bị bắt trong bối cảnh Việt Nam có thủ tướng mới, bộ trưởng ngoại giao mới và Quốc hội mới sẽ được bầu ra vào ngày 23/5/2021./.

Blog VOA

 

JB Nguyễn Hữu Vinh:Vì sao Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt?

JB Nguyễn Hữu Vinh

9-4-2021

Nguyễn Thúy Hạnh, một phụ nữ chân yếu, tay mềm, tự vươn lên vượt qua khó khăn gian nan trong cuộc sống do hoàn cảnh cá nhân, để thành công trong sự nghiệp và cuộc sống, trở thành một con người có ích cho gia đình, bạn bè và xã hội cũng như đất nước Việt Nam.

Một người phụ nữ nhiệt thành, yêu ghét rõ ràng và đã từng một thời thần tượng “bác Hồ” đến mức cực đoan. Thời đó, nếu ai nói đến thần tượng của chị mà tỏ ý không tin tưởng tuyệt đối, thì đó sẽ là cơ hội cuối cùng gặp nhau.

Thế rồi khi bọn bành trướng càng hung hăng, mưu đồ xâm lược càng lộ rõ thì mọi tầng lớp nhân dân có suy nghĩ đều căm phẫn.

Hòa cùng dòng người xuống đường biểu thị tinh thần yêu nước, bày tỏ thái độ đối với kẻ thù, Thúy Hạnh đã xuống đường chống bành trướng xâm lược.

Ác nghiệt thay, bành trướng dù là kẻ thù của dân tộc, của đất nước và nhân dân, nhưng lại là bạn vàng, là quan thầy của đảng.

Những hành động của đảng đối phó với tinh thần yêu nước của người dân đã lộ rõ thái độ và mưu đồ của nhà cầm quyền: Quyết làm tay sai cho giặc, bán đứng đất nước, đưa dân vào chốn nô lệ.

Điều đó là làm Thúy Hạnh thức tỉnh và nhận thức lại những điều mình được nhồi sọ và dạy dỗ từ xa xưa.

Và sự thay đổi nhận thức bắt đầu từ đó.

Và Thúy Hạnh trở thành một trong những người đi đầu trong các cuộc biểu tình gìn giữ biên cương, biển đảo, tưởng niệm những người đã hy sinh cho đất nước trên biên giới và hải đảo.

Từ đó, Thúy Hạnh đồng hành với những người đau khổ, những nạn nhân của chế độ cộng sản bằng nhà tù, giam cầm, bắt bớ…

Thế rồi, Thúy Hạnh đã trở thành nạn nhân của đảng với nhiều trò bẩn thỉu.

Và hôm nay, chúng bắt Thúy Hạnh vào tù. Chúng bỏ tù một người yêu nước, chúng bỏ tù một người biết thương người, yêu nòi giống và hy sinh cho người dân.

Nhưng, điều đó là trái ý đảng.

Sự bắt bớ này, chỉ nói lên một thái độ của nhà cầm quyền: Hèn hạ và quyết làm tay sai cho giặc, coi người yêu nước là kẻ thù của mình.

Điều đó, cũng đồng nghĩa với hai chữ: “KHỐN NẠN” để dùng miêu tả một chế độ./.

Ân xá Quốc tế lên tiếng việc Hà Nội bắt giam bà Nguyễn Thúy Hạnh


Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 8/4/2021 kêu gọi Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh.

Hôm 8/4, tổ chức Ân xá Quốc tế lên tiếng việc công an Việt Nam bắt giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, cho rằng việc bắt bà có động cơ chính trị và vi phạm nhân quyền trắng trợn.

Bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết trong một thông báo: “Việc bắt giữ bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nỗ lực trắng trợn và có động cơ chính trị nhằm bịt miệng một trong những nhà đấu tranh nhân quyền được tôn trọng nhất trong nước.”

“Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một nhà hoạt động đầy cảm hứng, người đã làm việc không mệt mỏi để hỗ trợ những người bị giam giữ oan ức ở Việt Nam. Bất chấp sự đánh đập của công an và nhiều năm bị quấy rối, bà vẫn kiên định trong nỗ lực giúp đỡ và hỗ trợ những người đang gặp khó khăn,” bà Ming Yu Hah nói thêm.

Đại diện của Ân xá Quốc tế kêu gọi chính quyền Hà Nội phóng thích bà Thúy Hạnh: “Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Nguyễn Thúy Hạnh và chấm dứt các cuộc tấn công không ngừng vào những người bảo vệ nhân quyền và những người chỉ trích ôn hòa. Nhà chức trách phải tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy và thực hiện các quyền tự do ngôn luận, hội họp hòa bình và lập hội.”

Bà Nguyễn Thúy Hạnh là một người tranh đấu bảo vệ nhân quyền ở Hà Nội. Bà đã thành lập Quỹ 50K vào năm 2017, qua đó bà đã gây quỹ hỗ trợ cho các gia đình của những người bị giam giữ oan ức trên khắp Việt Nam, cũng theo tổ chức Ân xá Quốc tế.

Bà bị bắt vào ngày 7/4/2021 và bị buộc tội theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự với cáo buộc “truyền truyền chống nhà nước,” có thể bị phạt tù từ 5 đến 20 năm.

Ông Huỳnh Ngọc Chênh, chồng của bà Nguyễn Thúy Hạnh, nói với VOA:

“Họ có cớ này cớ khác để bắt. Tôi nghĩ Nguyễn Thúy Hạnh chả làm gì sai pháp luật, ngoài chuyện làm nhân đạo.”

Ông Chênh viết trên Facebook: “Khởi tố Hạnh về tội danh làm từ thiện thì không ổn nên đành phải mượn cớ khác.”

Bà Nguyễn Thúy Hạnh. Photo YouTube Vận động ứng cử ĐBQH 2016.

XEM THÊM:

Việt Nam bắt giam nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh

Hôm 8/4, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực châu Á, bình luận với BBC:

“Việc bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh cho thấy tuyên bố của Việt Nam rằng nước này luôn đảm bảo nhân quyền chỉ là trò đùa. Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Hà Nội luôn tìm cách thể hiện mình như là một nhà nước chừng mực, tiến bộ nhưng ở trong nước, chính phủ nước này lại đang mở rộng việc đàn áp bất cứ ai cả gan nghi vấn hoặc thách thức sự lãnh đạo chuyên chế của đảng cộng sản. Với việc tiếp tục bách hại những người như bà Hạnh, Việt Nam cho thấy đây vẫn là một trong những chính phủ áp bức nhất châu Á.”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết trên Facebook: “Theo các nhà quan sát, việc bắt giữ chị Nguyễn Thúy Hạnh có thể được xem như là một trong những cú dứt điểm của công an Hà Nội, để hoàn toàn quét sạch tất cả những trạm thông tin tự do, đem lại sự thật có thể gây bất lợi cho phía chính quyền.”

Truyền thông Việt Nam loan tin rằng công an Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh “về hành vi chống phá Nhà nước.”

 

Tuyên bố của Người Bảo vệ Nhân quyền về việc bắt giữ nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh

Defend the Defenders

7-4-2021

Tuyên bố của Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) về việc bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh

Người Bảo vệ Nhân quyền

Thông cáo báo chí, ngày 07/4/2021

Ngày 07/4, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thuý Hạnh tại nhà riêng của bà tại Hà Nội. Theo một số nguồn tin, lực lượng thực hiện vụ bắt giữ thuộc Bộ Công an cộng sản Việt Nam. Nhà chức trách chưa công bố cáo buộc chống lại bà Hạnh.

Bà Hạnh là một trong số những người hoạt động tích cực nhất cổ suý dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Bà là thành viên của tổ chức Hội Anh em Dân chủ, một nhóm bị đàn áp khốc liệt từ năm 2015 với nhiều thành viên chủ chốt bị bắt giữ và kết án tù dài hạn.

Bà đã thành lập Quỹ 50K để hỗ trợ tù nhân lương tâm ở Việt Nam, hỗ trợ hàng trăm người bị bắt giam hoặc bị đánh đập và sách nhiễu bởi nhà cầm quyền cộng sản chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận và thể hiện sự quan tâm đến hiện trạng của đất nước.

Năm 2020, bà kêu gọi người Việt trong nước và nước ngoài hỗ trợ gia đình cụ Lê Đình Kình, người bị công an cộng sản Việt Nam bắn chết trong đêm 09/01, và người dân oan Đồng Tâm sau vụ tấn công của hàng nghìn cảnh sát cơ động vào làng Hoành. Tuy nhiên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ra lệnh cho Vietcombank đóng băng tài khoản của bà và giữ lại hơn 500 triệu đồng, là số tiền mà nhiều người đã hỗ trợ gia đình cụ Kình. Cho đến nay, số tiền trên vẫn bị Vietcombank và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa trả lại cho bà.

Trong nhiều năm qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để đe doạ bà nhằm buộc bà phải dừng hoạt động của Quỹ 50K, bao gồm triệu tập lên đồn công an để tra khảo, canh giữ không cho bà đi ra ngoài trong nhiều sự kiện, và bôi xấu bà trên truyền thông. Đỉnh điểm của sự đàn áp là việc bắt giữ bà vào sáng thứ Tư.

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền cho rằng bà Hạnh chỉ hoạt động nhân quyền và không vi phạm luật pháp Việt Nam. Việc bắt giữ bà là bất hợp pháp và độc đoán, giống như hàng trăm vụ bắt giữ người hoạt động trong nhiều năm gần đây.

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Hạnh, thông báo về tình trạng của bà cho gia đình, và cho bà được tiếp cận với luật sư.

Để đất nước được phát triển bền vững, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cần tôn trọng nhân quyền của mọi người dân, thực hiện cam kết quốc tế về nhân quyền, và tạo điều kiện cho người bảo vệ nhân quyền hoạt động mà không sợ bị trả thù.

Chúng tôi kêu gọi người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ để nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chấm dứt việc đàn áp người hoạt động và người bảo vệ nhân quyền.

Thay mặt Người Bảo vệ Nhân quyền

Giám đốc Vũ Quốc Ngữ

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen