23-11-2018
Báo chí quốc tế đưa tin vụ cô Lê Thu Hà không được nhập cảnh vào Việt Nam và trục xuất trở lại Đức
23-11-2018
Nhật báo TAZ của Đức viết: “Lê Thu Hà là công dân của nước Việt Nam, cô không có quốc tịch nào khác. Một quốc gia từ khước từ, không cho công dân của mình nhập cảnh là một hành vi vi phạm Công pháp quốc tế”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không xác nhận cô Hà bị trục xuất, nhưng cho biết trước đây cô đã được phép đi Đức vì lý do “nhân đạo”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói với Hãng Thông tấn Pháp AFP.
Tại sao Lê Thu Hà phải chờ đợi tại sân bay Bangkok, Thái Lan cả ngày trước khi bay sang Đức?
Hôm thứ Tư 21.11.2018, hãng Thông tấn Pháp AFP đưa tin, Lê Thu Hà, cộng sự cho một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, đã bị trục xuất khỏi quê hương hôm thứ Tư, sau khi cô ấy cố trở về nhà để gặp gia đình mình.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không xác nhận tin cô Hà bị trục xuất, nhưng cho biết trước đây cô đã được phép đi Đức vì lý do “nhân đạo”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói với AFP.
Đầu tháng 6 năm nay, Lê Thu Hà và Nguyễn Văn Đài được thả ra khỏi tù với điều kiện họ sẽ rời Việt Nam và không được phép trở về.
Hôm thứ năm 22.11.2018, nhật báo TAZ của Đức viết rằng: “Điều đáng chú ý trong vụ việc này: Cô Hà là công dân nước Việt Nam, cô không có quốc tịch nào khác. Một quốc gia khước từ, không cho công dân của mình nhập cảnh là một hành vi vi phạm Công pháp quốc tế”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết, cô Lê Thu Hà vẫn còn quốc tịch Việt Nam, bằng chứng là cô Hà trở về nước bằng hộ chiếu Việt Nam: “Visa mà đại sứ quán Đức đóng ở hộ chiếu Việt Nam của cô Hà đã hết hạn từ tháng 9, còn hộ chiếu Việt Nam của cô thì sắp hết hạn vào cuối tháng 11 này, có lẽ vì thế nên cô đã vội vã quyết định trở về nước”.
Trái với lời đồn đoán cho rằng, Lê Thu Hà và Nguyễn Văn Đài đã bị tước quốc tịch Việt Nam khi bị đưa thẳng từ nhà tù ra sân bay Nội Bài để trục xuất sang Đức. Ngay cả Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng xác nhận với Hãng Thông tấn Pháp AFP là cô Hà được phép đi Đức vì lý do “nhân đạo”. Nghĩa là không có chuyện tước quốc tịch.
Luật sư Nguyễn Văn Đài cũng cho biết, “cô Hà được Đức cấp giấy tờ có hiệu lực 3 năm ở Đức bắt đầu từ ngày 1/11, bao gồm Sổ thông hành, giấy phép định cư, giấy phép lao động mà cô ấy không nhận, vẫn tiếp tục sử dụng hộ chiếu Việt Nam với giấy phép định cư cấp tạm thời sắp hết hạn vào 31/12/2018, không biết cô ấy có cầm theo giấy tờ khi về Việt Nam không hay nếu cô ấy vứt đi thì sẽ rất khó khăn khi cô ấy bay về sân bay bên Đức. Cho nên mọi cái họ đang thương thảo để giải quyết tại Bangkok”.
Có lẽ vì lý do này mà Lê Thu Hà phải chờ đợi tại sân bay Bangkok, Thái Lan cả ngày trước khi bay sang Đức. Đại sứ quán Đức tại Bangkok phải xin ý kiến của Bộ Ngoại giao Đức và sau khi nhận được trả lời đồng ý, Đại sứ quán Đức mới cấp visa nhập cảnh vào Đức cho cô Hà.
Hội Anh em Dân chủ mà cô Hà là thành viên, thông báo, cô Hà đã về đến Đức an toàn lúc trưa ngày 22/11/2018 giờ Việt Nam (LS Đài cho biết khoảng 8:30 giờ sáng ở Đức) sau khi bị cấm nhập cảnh ở sân bay Nội Bài hôm 21/11/2018.
Chiều 22/11/2018 giờ Việt Nam, bà Hoàng Thị Bình Minh, mẹ của cô Hà xác nhận thông tin này với chúng tôi qua điện thoại từ quê nhà ở Quảng Trị, nhưng cho hay cô Hà không nói gì thêm vì mệt.
“Hà tới Đức lúc nào không biết, nhưng Hà có nhắn là con đã tới Đức rồi, gần 2 tiếng đồng hồ, chỉ nhắn 1 dòng tin như thế thôi nhưng sau đó Hà mệt và tắt máy“, bà Bình Minh thuật lại lời nhắn của con mình.
Suy ngẫm
Câu chuyện chị Lê Thu Hà, cộng sự của Luật sư Nguyễn Văn Đài, được nước Đức đưa thẳng từ nhà tù cộng sản sang Đức tị nạn, đã tự nguyện quay về Việt Nam, để rồi lại bị đẩy ngược lại Đức, không khỏi làm cho nhiều người phải suy ngẫm. Có ít người đã phân tích trên nền một bài học khôn-dại, nhưng phần đông có lẽ đó là một tình cảm buồn thương, chia sẻ.
Điều đây tiên, cảm ơn chị Hà đã cho chúng tôi thấy cần phải suy ngẫm thêm. Hiện nay, ngày càng có nhiều người dấn thân đấu tranh, bị tù đày và bị cộng sản đẩy thẳng ra nước ngoài. Ở môi trường mới, có người vẫn phát huy được năng lực của mình để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả. Nhưng cũng có không ít người, vì lý do này khác, họ không còn được như xưa.
Những người dấn thân thường là những người năng động, họ ít khi chấp nhận mình không còn tác dụng. Nhất là, ít khi họ chấp nhận chỉ được « hưởng » mà không cống hiến. Tôi suy nghĩ có lẽ Hà ở trong tình trạng này, chính vì vậy mà sự cô đơn, bất lực còn đáng sợ hơn là chấp nhận mạo hiểm nhà tù.
Đó là điều cộng đồng hải ngoại phải suy ngẫm. Sẽ có thêm nhiều chị Hà tham gia vào cuộc đấu tranh tại hải ngoại. Để họ còn có thể tiếp tục phát triển năng lực, góp phần mình vào công cuộc đấu tranh chung, họ cần được thường xuyên nâng đỡ và hỏi han, tạo điều kiện để họ luôn được sử dụng và được ghi nhận. Vì lý do nào đó, họ không còn thể tiếp tục được như xưa, lúc này họ hay rơi vào tình trạng tủi thân, thì những đóng góp và hành động của họ trong quá khứ cũng vẫn cần ghị nhận xứng đáng và nhắc nhớ thường xuyên.
Điều thứ hai, cảm ơn chị Hà đã làm một phép thử để chứng minh một sự thật. Trong thâm tâm, chắc chị Hà cũng đã suy nghĩ, chế độ này có thế nào chăng nữa thì họ cũng sẽ chấp nhận đứa con « chót lầm lỡ » quay trở về. Chị đã chứng minh cho toàn thể nhân loại này biết rằng họ vẫn chỉ là những kẻ tiểu nhân hèn mạt nhất, trong họ chẳng có chút tình thương công dân, đồng bào nào cả. Đối với họ tất cả chỉ là chiếm giữ và bảo vệ quyền lực, ngay cả trước một người con gái yếu đuối, đơn côi.
Cuối cùng, cảm ơn chị Hà đã cho chúng tôi một kết luận. Đó là, muốn trở về Việt Nam chỉ có một con đường. Xóa bỏ cộng sản, xóa bỏ chế độ công an toàn trị, xây dựng một chế độ mới dân chủ, công bằng, văn minh.
Chị Hà ơi, sẽ có một ngày chị sẽ ngẩng cao đầu trở về Việt Nam, chị sẽ được đón chào như một người con gái Việt Nam anh hùng.
Tôi xin chép tặng chị bài hát Đường về quê hương của Lam Phương, để chúng ta cùng hát nhắc nhở nhau cho một ngày về.
“Đến bao giờ trở về Việt Nam, thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang.
Đường mòn quanh co ôm chân hàng tre thắm, nghe gió chiều nhẹ đưa.
Đến bao giờ ta được nhìn ta, ta được nhìn ta trong niềm vui phố xưa.
Cô em đôi mắt ướt mang sầu chia ly ra mừng đón anh về.
Quê hương ơi, Việt Nam nước tôi, tôi mong ngày về từng phút người ơi.
Quê hương tôi nằm cạnh biển khơi, cho tôi tiếng khóc từ khi ra đời.
Bây giờ mình đã đôi nơi, bây giờ buồn lắm người ơi.
Thương cho ai chờ mong héo hắt, nhắc qua để rồi đêm xuống ngậm ngùi.
Mấy năm rồi tưởng chừng ngày qua, đêm nằm nhớ nhà, nhớ thương từng bạn xa
Bạn vào rừng sâu, hay ra vùng sỏi đá, thương tiếc một thời qua.
Nếu mai này muôn lòng nở hoa, ta lìa đất mới trong niềm vui chứa chan.
Quê hương yêu dấu với con đường thênh thang tưng bừng đón ta về”.
Xem thêm: Lê Thu Hà, người cộng sự của Ls Nguyễn Văn Đài, đã trở về Việt Nam