Seite auswählen

Khi cho rằng mức cầu là động lực của sản xuất, việc làm và thu nhập, Keynes đã cách mạng hóa phân tích kinh tế. Việc rất nhiều nhà kinh tế viện dẫn đến ông phản ánh mức độ ảnh hưởng đáng kể của bậc thầy thế kỷ XX này.

John Maynard Keynes chủ trương kết hợp giữa hiệu quả kinh tế, tự do chính trị và công bằng xã hội.

Không nghi ngờ gì khi cho rằng John Maynard Keynes là nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX và là một trong những người nổi tiếng nhất trong lịch sử. Giống như trường hợp của Marx, tên ông được đặt cho một dòng tư tưởng. Tuy nhiên, cũng giống như Marx và nhiều nhà tư tưởng lớn khác trong ngành này, ông không có bằng kinh tế. Ông nghiên cứu chủ yếu về toán học và triết học, và dành mười lăm năm cuộc đời ông để chuẩn bị cho việc ra đời một cuốn sách viết về những cơ sở logic của xác suất. Khi đã trở thành nhà kinh tế số một trong thời đại ông, nhưng Keynes vẫn tin rằng kinh tế học là một ngành thứ cấp, một kỹ thuật phụ, chỉ chiếm ghế sau của một chiếc xe mà sự điều hành phải thuộc về đạo đức học và chính trị học.

Vị thế hàng đầu của đời sống riêng tư

Cuộc đời ông, vô cùng năng động, minh họa cho hệ thống thứ bậc ấy giữa các chiều kích của hiện sinh con người. Ở vị trí hàng đầu là đời sống riêng tư, lãnh vực của tình bạn, tình yêu, nghệ thuật, mưu cầu hạnh phúc. Cùng với những tra vấn rộng lớn về triết học, đó chính là những chủ đề được thảo luận trong một nhóm bí mật có tên gọi là “Apôtres (Tông Đồ)”, một tổ chức mà ông đã gia nhập từ ngày đầu đến Cambridge và đã tập hợp được, từ ngày đầu thành lập năm 1820 cho đến ngày nay, một phần tầng lớp trí thức tinh hoa của nước Anh. Ở đó ông đã gặp nhà triết học George Moore, mà tác phẩm Principia Ethica, được xuất bản năm 1903, là cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đối với ông và các bạn bè ông trong nhóm Bloomsbury. Với những thành phần chủ yếu là các nghệ sĩ và nhà văn, như Virginia Woolf, Vanessa Bell, Duncan Grant và Lytton Strachey, nhóm này được coi là mũi nhọn của cuộc nổi dậy chống lại đạo đức thời nữ hoàng Victoria và của sự nổi lên của tính hiện đại. Cho đến cuối đời ông, Bloomsbury là trung tâm đời sống nội tâm của Keynes.

Theo ông, để đạt được những lý tưởng đạo đức của Moore và của Bloomsbury, tức là một thế giới hòa bình có thì giờ để chăm chút nghệ thuật sống, thì điều cần thiết là phải đánh một đường vòng qua đời sống công cộng, chính trị và kinh tế. Keynes dành cả cuộc đời cho những lý tưởng ấy, theo đúng nghĩa đen, bởi vì những cuộc đàm phán mà ông đã thực hiện cho nước Anh vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã vắt kiệt sức khỏe yếu kém của ông, khi ông đã 62 tuổi. Ông tự nhận mình là một nhà chính luận, một nhà tiên tri kêu gọi người đương thời thực hiện những cải cách cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ của một nền văn minh mỏng manh, bị đe dọa bởi sức quyến rũ của phản động và cách mạng, dưới hình thức của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa bônsêvíc.

Để thực hiện tốt đẹp nhiệm vụ trên, cần phải có nguồn lực vật chất. Tuy là người phê phán giới tài chính, sự đầu cơ và tình yêu tiền bạc, nhưng Keynes cũng đã tích lũy được một khối tài sản rất lớn, chủ yếu từ sự đầu cơ, nhưng ngoài ra còn từ hoạt động báo chí, từ các cuốn sách của ông, từ công việc giảng dạy và từ các hoạt động như là một doanh nhân và chủ trang trại. Làm chủ một cách tuyệt hảo tiếng Anh, ngòi bút của Keynes tỏ ra xuất sắc trong mọi thể loại, từ một bài báo đến một chuyên luận trừu tượng. Chính thông qua những tác phẩm này mà ảnh hưởng của ông trở nên lâu bền nhất.

Nhưng, lúc sinh thời, ảnh hưởng của ông được phát huy qua các hoạt động của một “nhà cố vấn cho quân vương“, như là chuyên gia Bộ Tài chính, thành viên các ủy ban, nhà đàm phán. Ông cũng hành xử như một nhà hoạt động chính trị. Từ ngày đến Cambridge cho đến khi chết, ông là một đảng viên hoạt động tích cực của Đảng Tự do. Không phải vì ông đánh giá khả quan đảng ấy, nhưng vì ông dị ứng với các ý tưởng của Đảng Bảo thủ và, mặc dù gần gũi hơn với các ý tưởng của Đảng Lao động, ông phê phán đảng này đã dung nạp trong hàng ngủ của mình những người ủng hộ cách mạng. Trong số những người theo phái tự do, ông là nhà lãnh đạo một trào lưu chủ trương xét lại chủ nghĩa tự do kinh tế truyền thống gắn với chủ nghĩa tự do kinh doanh. Từ nay, đã đến lúc chính trị phải nắm lấy kinh tế. Chỉ với điều kiện này thì mới có thể thực thi dự án được Keynes và các bạn ông gọi bằng chủ nghĩa tự do mới, một sự kết hợp hiệu quả kinh tế, tự do chính trị và công bằng xã hội, mà đương nhiên không nên nhầm lẫn với chủ nghĩa tân tự do[1].

Cần phải duy lý hóa dự án ấy. Đấy là ý nghĩa của công trình lý thuyết của Keynes, mà bản thân ông mô tả trong một bức thư gửi cho người bạn của ông George Bernard Shaw, như là một cuộc cách mạng. Trong những năm 1920, Keynes tuyên bố ngày tàn của chủ nghĩa tự do kinh doanh và nhấn mạnh rằng tình trạng thất nghiệp, một sự lãng phí kinh tế phi lý, không những không thể chấp nhận về mặt đạo đức, mà hơn nữa còn nguy hiểm về mặt chính trị, bởi nó có thể gây ra những cuộc nổi dậy cách mạng. Ngược với lời khuyên của nhiều đồng nghiệp, ông cho rằng việc giảm lương không phải là cách để khôi phục việc làm. Thay vào đó, cần phải có một sự can thiệp tích cực của các chính phủ, đặc biệt là các chương trình lớn về công trình công cộng. Đó là những biện pháp mà Đảng Tự do đề xuất trong kỳ bầu cử năm 1929, một kỳ bầu cử thắng lợi cho Đảng lao động, và đảng này sẽ nhờ đến Keynes để tư vấn. Tuy nhiên, họ không làm theo lời khuyên của ông và theo đuổi một chính sách kinh tế chính thống.

Một phân tích mới về chủ nghĩa tư bản

Tác phẩm đồ sộ Treatise on Money (Luận thuyết về tiền tệ), mà Keynes xuất bản năm 1930, không có những luận cứ lý thuyết thỏa đáng về các chính sách mà ông chủ trương. Những luận cứ ấy chỉ được tìm thấy trong tác phẩmGeneral Theory (Lý thuyết tổng quát), được xuất bản năm 1936, kết quả của một quá trình suy tưởng miệt mài, được sự giúp đỡ của bạn bè và đồng nghiệp. Ông mở đầu cuốn sách của ông bằng một công kích có bài bản chống lại cái mà ông gọi là lý thuyết cổ điển, được đa số nhà kinh tế trước ông chấp nhận. Ông phê phán họ xem mức sản lượng quốc gia, và do đó mức của việc làm và thu nhập, là cho trước và chỉ quan tâm đến sự phân phối của sản lượng này. Hơn nữa, họ mặc nhiên cho rằng nếu các lực của thị trường được buông thả tự nhiên, thì chúng sẽ tự phát tạo ra toàn dụng lao động. Niềm tin ấy dựa trên lý thuyết định lượng tiền tệ, được trình bày từ nhiều thế kỷ trước, theo đó tiền tệ là trung tính và bất kỳ sự biến thiên nào của lượng tiền cũng không ảnh hưởng đến mức giá chung. Lý thuyết đó gắn chặt với định luật tiêu trường, hay định luật Say, theo đó cung tạo ra cầu, ở cấp độ tổng gộp[2].

Trái lại, theo Keynes, chính cầu mới là động lực của sản xuất, việc làm và thu nhập. Trong một nền kinh tế thị trường, không có gì đảm bảo rằng mức cầu thực tế là đủ để đảm bảo toàn dụng lao động. Mục đích chính của tác phẩm Lý thuyết tổng quát là phân tích cái gì xác định mức cầu ấy. Cầu được chia thành hai phần lớn, cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Đằng sau cầu tiêu dùng là một hàm có tính tâm lý, tức khuynh hướng tiêu dùng, theo đó, khi thu nhập tăng, thì tiêu dùng cũng tăng, nhưng theo một tỉ lệ nhỏ hơn.

Đằng sau cầu đầu tư, phần cấu thành nhân tố bất ổn nhất và như vậy mang tính quyết định nhất, là hai hàm tâm lý khác: hiệu quả cận biên của tư bản, dựa trên những dự kiến về thu nhập trong tương lai của các nhà đầu tư, và sự ưa thích thanh khoản, thước đo số tiền trả cho người nắm giữ tiền tệ để họ đóng băng tiền của họ lại trong một thời gian dài.

Những vấn đề của chủ nghĩa tư bản đương đại phát sinh từ sự tồn tại đồng thời của một khuynh hướng tiêu dùng và một hiệu quả cận biên của tư bản quá thấp cùng với ưa thích thanh khoản quá cao. Những giải pháp sẽ bao gồm việc các cơ quan công quyền phải tác động đến các biến này và tự tạo thêm một mức cầu riêng qua khả năng chi tiêu của họ. Nhưng trên tất cả, ở phần cuối cuốn sách của ông, Keynes gợi ra những cải cách mang tính triệt để hơn khi đề cập đến việc xã hội hóa đầu tư và sự diệt vong nhẹ nhàng của nhà tư bản thực lợi.

Trong lý thuyết cổ điển, Keynes không chỉ bác bỏ các phân tích và kết luận mà còn cả các phương pháp và quan niệm về kinh tế học. Vì vậy, ông phê phán nó đã bỏ qua yếu tố thời gian, sự bất trắc và những dự kiến, toàn những yếu tố đặc trưng cho mọi vấn đề của con người, đặc biệt là vấn đề kinh tế. Theo quan điểm này, có một mối liên kết chặt giữa tác phẩm Treatise on Probability (Luận thuyết về xác suất), được Keynes công bố năm 1921, và nói chung được các nhà kinh tế xem nhẹ, và tác phẩm Lý thuyết tổng quát của ông. Trong tác phẩm Treatise on Probability, ông nhấn mạnh đến đặc tính không thể định lượng của phần lớn các xác suất, khi liên quan đến các vấn đề của con người. Ông kết luận rằng sẽ không thực tế nếu áp dụng vào các khoa học nhân văn cùng những phương pháp được áp dụng cho các khoa học tự nhiên. Vả lại, ông gọi kinh tế học là một “khoa học đạo đức“, một khoa học liên quan đến những dự kiến, xung lực, ý chí con người. Điều này dẫn ông đến việc phê phán phong trào toán học hoá kinh tế học, và đặc biệt là kinh trắc học mới ra đời, nhưng không vì thế mà đặt lại vấn đề tính lợi ích của số liệu thống kê khi được sử dụng một cách có cân nhắc.

Bằng một sự đảo ngược kì lạ, chỉ sau khi Keynes chết, người ta mới chứng kiến công việc diễn dịch toán học tác phẩm của ông. Cùng với việc diễn dịch này, người ta liên kết một toan tính tổng hợp giữa kinh tế học vĩ mô keynesian, tuy nhiên bị loại đi bớt yếu tố thời gian và những dự kiến, với kinh tế học vi mô tân cổ điển, trong phiên bản của Walras[3]. Đó là điều mà người ta gọi là “tổng hợp tân cổ điển“, đã từng thống trị bộ môn cho đến những năm 1970, trước khi bị trường phái trọng tiền và trường phái kinh tế học cổ điển mới đặt lại vấn đề. Song song đó, một dòng tư tưởng hậu keynesian, đặc biệt được Joan Robinson thể hiện, đã tìm cách bảo tồn một di sản mang tính triệt để hơn. Việc nhân bội những thuyết thuộc phái Keynes minh họa sự phức tạp và những mâu thuẫn trong tư tưởng của bậc thầy.

Keynes qua vài năm tháng

1883: sinh ngày 05 tháng 6 tại Cambridge, Anh.

1902-1906: học tại Đại học Cambridge.

1903: ứng cử vào tổ chức Apôtres (Tông Đồ).

1906-1908: làm việc tại Bộ sự vụ Ấn Độ.

1909: ứng cử vào trường King’s College, Cambridge, sau khi nộp một luận án về đề tài xác suất, và khởi nghiệp nghề giảng dạy về kinh tế.

1911: giám đốc tòa báo Economic Journal.

1913: Indian Currency and Finance (Tiền tệ và tài chính Ấn Độ).

1915-1919: làm việc tại Bộ tài chính Anh. Ông đại diện cho Bộ tài chính tại Hội nghị hòa bình Paris; từ chức trước khi ký hiệp ước Versailles.

1919: The Economic Consequences of the Peace (Những hệ quả kinh tế của hòa bình).

1921: A Treatise on Probability (Một luận thuyết về xác suất).

1923: A Tract on Monetary Reform (Một tiểu luận về cải cách tiền tệ).

1925: kết hôn với Lydia Lopokova, một vũ công ballet người gốc Nga.

1926: The End of Laisser-faire (Ngày tàn của thuyết tự do kinh doanh).

1930: A Treatise on Money (Một luận thuyết về tiền tệ).

1931: Essays in Persuasion (Các tiểu luận về sự thuyết phục).

1933: Essays in Biography (Các tiểu luận về tiểu sử).

1936: The General Theory of Employment, Interest and Money (Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ).

1937: bị sốc tim lần đầu.

1940: How to Pay for the War (Làm thế nào để thanh toán cho chiến tranh).

1940-1946: phục vụ cho Bộ tài chính Anh, nhờ đó mà ông thực hiện nhiều chuyến đi đến Hoa Kỳ.

1942: chủ tịch Uỷ ban xúc tiến vì âm nhạc và nghệ thuật, Hội đồng các ngành nghệ thuật nước Anh trong tương lai.

1944: lãnh đạo phái đoàn của nước Anh tại hội nghị Bretton Woods.

1946: Keynes chết vì bị sốc tim, trong căn nhà của ông ở vùng thôn quê Titon, Sussex, đúng ngày Chủ nhật Phục sinh, 21 Tháng Tư.

Gilles Dostaler

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch.

Nguồn: “John Maynard Keynes ou l’économie au service du politique et du social” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no57, tháng 10 năm 2012.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen