Seite auswählen


11h ngày hôm sau, tuyến đường này vẫn bị ngập sâu lút bánh xe máy. Zing

26/11/2018

Usagi – trận bão thứ 9 trong năm nay – đã tan nhưng ở nhiều nơi tại Sài Gòn, dân chúng không bì bõm di chuyển trong nước thì cũng đang hì hục dọn dẹp nhà cửa. Sài Gòn lại bị dìm trong biển nước.

Đến sáng 26 tháng 11, có không ít nơi giống như đường Phan Huy Ích, đoạn chạy ngang phường 15, quận Tân Bình, các loại xe bốn bánh vẫn nằm ngổn ngang, bập bềnh giống như đồng loạt rớt xuống sông (1).

Đâu chỉ có sinh hoạt hàng ngày của tất cả các giới thuộc mọi lĩnh vực bị xáo trộn, ngập đã hủy hoại đủ loại tài sản của hàng trăm ngàn gia đình (xe hai bánh gắn máy, xe hơi, giường, tủ, bàn, ghế, ti vi, tủ lạnh,…). Ngập không còn là chuyện nhỏ khi người ta có nhà mà không thể về, vật dụng rẻ tiền hay đắt giá đều trở thành đồ vứt đi…

Tuy các cơ quan dự báo khí tượng – thủy văn giải thích, Sài Gòn ngập trên diện rộng, ngập lâu và ngập sâu vì vũ lượng do các trận mưa liên quan đến bão Usahi thuộc loại chưa từng có trong lịch sử (400 mm) nhưng điều đó không chính xác.

Bão Usagi đổ nước xuống Sài Gòn từ 25 tháng 11 nhưng trước đó, Sài Gòn đã không ít lần ngập trên diện rộng, ngập rất sâu và ngập rất lâu, kể cả ở những khu vực được xem là hết sức sang trọng như Thảo Điền (phường An Phú, quận 2).

Vài tháng trước bão Usagi, báo chí Việt Nam đã từng thi nhau tường thuật cảnh “nhà giàu cũng khóc” vì những khu dân cư cao cấp như Thảo Điền liên tục chìm trong nước mưa hòa cùng nước cống rãnh, kênh rạch (2). Sang hay hèn giờ cũng khốn khổ như nhau.

***

Có một điều đáng ngạc nhiên là báo chí Việt Nam đã thôi không đả động gì đến trách nhiệm chống ngập ở Sài Gòn dù hết núi tiền này tới núi tiền khác đã thi nhau trôi sạch theo nước cống.

Chỉ trong vòng mười năm từ 2004 đến 2014, hệ thống công quyền đã dùng hết 24.300 tỉ vào chuyện chống ngập cho Sài Gòn, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (3).

Bởi ngập lụt tại Sài Gòn không những không giảm mà liên tục leo từ chỗ chưa từng có này lên chỗ chưa từng có khác, năm 2015, chính quyền Việt Nam phê duyệt một kế hoạch khác vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất để tiếp tục chống ngập ở Sài Gòn!

Ba khu đất ở quận 7 và quận 9 đã được đem đổi lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch mà các chuyên gia từng cảnh báo nhiều lần rằng sẽ chẳng đi đến đâu. Thêm 68.000 tỉ đồng nữa để đổi lấy một Sài Gòn dễ ngập và ngập trầm trọng hơn như vừa chứng kiến (4).

Tương lai của Sài Gòn không chỉ thê thảm với các công trình chống ngập! Làm sao chống được ngập khi những cá nhân soạn, lập – phê duyệt qui hoạch đã thiếu kiến thức lại không bận tâm đến phát triển bền vững và chẳng bao giờ phải chịu trách nhiệm.

Dẫu việc thoát nước ở Sài Gòn dựa vào hệ thống sông và kênh, rạch tự nhiên nhưng dựa trên… qui hoạch, từ 1996 đến 2008, hệ thống công quyền ở TP.HCM đã ra lệnh lấp khoảng 30% diện tích sông và kênh, rạch (tổng diện tích khoảng 4.000 héc ta) (5).

Rồi cũng theo… qui hoạch, lại chi thêm 3.000 tỉ để khôi phục lại một phần những dòng kênh, đoạn rạch đã từng lấp để chống ngập (6). Bao nhiêu trăm ngàn tỉ thì đủ cho việc lấp và khôi phục lại theo các qui hoạch hoặc sửa chữa chúng?

Một số người bảo rằng, Sài Gòn tan nát, thê thảm vì những cá nhân vừa ngu dốt, vừa tham lam nhưng có quyền định đoạt mọi thứ mà giới lãnh đạo hệ thống công quyền ở TP.HCM hiện nay gọi là “thế hệ tiền nhiệm”!

Nhận định ấy đúng nhưng chưa đủ. Liệu giới lãnh đạo hệ thống công quyền ở TP.HCM hiện nay có tâm và có tầm hơn? Cứ nhìn vào thực tế sẽ thấy câu trả lời là không. Sài Gòn vốn đã nát sẽ nát hơn.

Tháng 8 vừa rồi, ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cảnh báo, trong vòng từ 30 năm đến 100 năm nữa, phần lớn Sài Gòn sẽ thành đầm lầy (8).

Cảnh báo đó thật ra không mới, nhiều chuyên gia đã đề cập đến viễn cảnh này cách nay hàng chục năm vì mỗi năm, bề mặt Sài Gòn lún khoảng 7cm. Trong bối cảnh mực nước biển dâng lên cao hơn, bề mặt lún nhanh và đều như thế thì thảm họa là tất nhiên.

Tuy các chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp để hạn chế thiệt hại: Ngưng khai thác nước ngầm, hạn chế bê tông hóa bề mặt, kiểm soát kỹ lưỡng việc cho phép xây dựng các công trình đồ sộ,… kềm giữ tốc độ sụt lún nhưng có viên chức hữu trách nào bận tâm không?

Câu trả lời là không! Chẳng riêng “thế hệ tiền nhiệm” mà “thế hệ đương nhiệm” cũng làm ngơ. Dựa trên qui hoạch, hàng loạt cảng được di dời nhưng cũng dựa trên qui hoạch, hàng loạt cao ốc mọc lên thế chỗ với giá ngất ngưởng vì có… “view” (9).

Các siêu dự án kiểu như Vinhomes Central Park chễm chệ sát các bờ sông không chỉ đẩy nhanh quá trình sụt lún mà còn thay đổi dòng chảy, gia tăng nguy cơ sạt lở, thu hẹp hành lang thoát lũ (10).

Khuyến cáo, bao gồm các dẫn chứng vi phạm luật pháp hiện hành, kể cả phân tích thiệt – hơn, hay – dở,… vẫn như những tiếng kêu trong hoang mạc. Tương lai của một đô thị như Sài Gòn không quan trọng bằng giá trị tài sản của một số cá nhân.

***

Năm 2000, hồ Bình Tiên, kênh Hàng Bàng ở quận 6 bị lấp. Quan tâm hay không cũng ít ai nghĩ chỉ 15 năm sau, sự im lặng trước quyết định này khiến hàng trăm ngàn căn nhà tọa lạc trong các quận 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh bị dìm trong nước và làm chừng hai triệu người cư ngụ ở khu vực này lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười. Chưa ai biết dùng xong 3.000 tỉ để khôi phục những thứ đã bị lấp có hiệu quả hay không?

Giờ có khác gì? Các qui hoạch vẫn được lập, vẫn được duyệt theo khuynh hướng y hệt như vậy. Chẳng lẽ tương lai, tài sản, thậm chí tính mạng của nhiều triệu người vẫn không đáng bận tâm, không đáng để dõi theo và cương quyết nói không với những qui hoạch mà ai cũng có thể thấy chỉ khiến Sài Gòn càng ngày càng thê thảm?

Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ.

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/oto-chet-may-nam-ngon-ngang-tren-duong-tu-dem-toi-sang-20181126100342307.htm

(2) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/khu-nha-giau-sai-gon-ngap-toe-tua-dan-rung-minh-loi-nuoc-ban-480307.html#inner-article

(3) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html

(4) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html

(5) https://laodong.vn/xa-hoi/kenh-rach-bi-lap-kin-khong-ngap-moi-la-373442.bld

(6) http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/bai-hoc-nghin-ty-tu-viec-dao-kenh-rach-da-lap-a170845.html

(7) http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/tphcm-truoc-nguy-co-thanh-dam-lay-94287.html

(8) http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/tphcm-truoc-nguy-co-thanh-dam-lay-94287.html

(9) http://vietnamfinance.vn/di-doi-cang-tren-song-sai-gon-lo-dien-nhung-manh-dat-vang-20180504224212061.htm

(10) http://www.phunuonline.com.vn/thoi-su/central-park-giong-het-cai-mo-han-de-doa-song-sai-gon-136152/

10 điều về cơn bão USAGI

Sau khi cơn bão USAGI đổ bộ vào Việt Nam ngày hôm qua – 25/11/2018, chúng tôi đã ghi nhận lại được những điều sau đây để tất cả chúng ta rút kinh nghiệm:

1. Theo thống kê của NOAA-GFS(Meteo) (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ) và GDACS/JTWC (Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp giữa Hải quân và Không quân Hoa Kỳ), cùng với Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (Japan Meteorological Agency), cơn bão USAGI-18 có khả năng tàn phá thuộc loại cao đối với các quốc gia mà nó ảnh hưởng, vì đã trở thành siêu bão Cat.1 trên thang đo quốc tế Saffir–Simpson, với sức gió mạnh nhất là 130km/g.

2. Bão có đường đi phức tạp từ Philippines đến Việt Nam, tăng cấp khi bắt đầu vào Biển Đông, và hoàn toàn lệch về phía Nam so với dự báo ban đầu của nhiều cơ quan khí tượng. Lẽ ra cơn bão này đã đổ bộ vào Bình Thuận – Khánh Hòa, nhưng đã đi về phía Nam và đổ bộ vào cửa biển sông Sài Gòn – miền Đông Nam Bộ. Vào thời điểm đổ bộ vào Việt Nam, hoàn lưu của bão ảnh hưởng đến ít nhất 19,5 triệu người Việt Nam.

3. Bão đổ bộ vào bờ biển Việt Nam chậm hơn 6 tiếng đồng hồ so với dự kiến, vì đã có một giai đoạn tích thêm nhiệt và hơi nước trước khi đổ bộ. Dù được dự báo giảm cấp thành bão nhiệt đới cấp 12 theo thang đo Việt Nam trước khi tiến vào bờ biển Cần Giờ, cơn bão đã ngậm thêm rất nhiều hơi nước và đã trút trung bình 250-300mm nước mưa trên mỗi 10km đường đi của nó.

4. Giờ đổ bộ vào cửa biển Cần Giờ là gần 1 giờ chiều ngày 25/11/2018, và đến tận 4 giờ chiều cùng ngày, bão mới bắt đầu ảnh hưởng nặng nề đến đô thị đông dân nhất miền Nam là Sài Gòn. Đó là điều khiến tất cả cơ quan dự báo thời tiết đều sai (dự báo thời gian bão đổ bộ lúc 7 giờ sáng) và gây cho người dân Nam Bộ – không có kinh nghiệm về bão – sự chủ quan và coi thường mối hiểm họa.

5. Tuy bão giảm cấp xuống áp thấp nhiệt đới, nhưng thật ra, nó vẫn là một cơn bão cấp 9-10, giật cấp 12 theo thang đo quốc gia. Đó hoàn toàn không phải là một cơn áp thấp bình thường như người ta lầm tưởng, vì có lịch sử di chuyển từ vùng Tây Thái Bình Dương qua Biển Đông và đánh vào miền Nam Việt Nam. Nó tích tụ nhiều hơi nước, có đường đi phức tạp, có độ phủ hoàn lưu bão rộng hơn 100km về bán kính, có “đuôi nhiễu loạn thời tiết” gây mưa lớn và gió to cho khu vực sau khi nó đi qua. Thậm chí, vùng nhiễu loạn này còn trải dài ra tận ngoài Khánh Hòa – Bình Thuận.

6. Khi đổ bộ vào Cần Giờ – Bà Rịa Vũng Tàu, bão đã bứng đi gần 100 cây cổ thụ. Điều đó chứng tỏ sức gió của nó vẫn đang tiệm cận ở mức trên 100 km/g mới có thể gây trốc gốc các cây cổ thụ có rễ cọc đâm sâu ít nhất 1 mét đất.

7. Khi vào đến Sài Gòn, bão đã gây ngập sâu gần như 3/4 diện tích thành phố này. Điều đó chứng tỏ hạ tầng cơ sở của đô thị đông dân nhất Việt Nam này không có khả năng chống chịu được một thảm họa do một cơn bão có sức mạnh tối thiểu Cat.1. Và trong tương lai, sẽ có rất nhiều bão Cat.1, Cat.2 hoặc Cat.3 vào miền Nam Việt Nam.

8. Về phần Sài Gòn qua cơn bão này, rất tiếc là Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm chưa hình thành và chưa có nhiều người ở nên không có nhiều hình ảnh truyền thông để chứng minh được rằng, vùng này thấp và dễ trở thành nơi “bẫy con người trong thảm họa siêu bão” theo nhận định của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn qua những khu vực ngập nước nặng ở Sài Gòn, như Q.7, Q.2 (Thảo Điền), Q. Bình Thạnh, Huyện Bình Chánh, Q. Tân Phú, Q. 11, Q.12 – đều là những nơi có đất thấp và lịch sử địa hình ngậm nước, thì Thủ Thiêm sẽ còn tệ hơn thế trong tương lai, khi mà một cơn bão Cat.1 đổ bộ vào cửa biển Cần Giờ như hôm nay.

9. Cho đến tận buổi tối ngày 25/11/2018, báo chí còn đưa tin rất nhiều phụ huynh thắc mắc gọi điện thoại cho thầy cô giáo, để hỏi xem có nên đưa con đi học vào ngày hôm sau – 26/11/2018 hay không. Còn thầy cô giáo thì chờ chỉ đạo từ Sở Giáo Dục Tp.HCM. Chẳng lẽ phụ huynh không đọc thấy các tin về thiệt hại, chết người và ngập nặng trên toàn thành phố của họ chăng? Chẳng lẽ là các bậc cha mẹ, nhìn thấy thực tế bên ngoài đường, họ cũng không đủ khả năng để nhận định tình hình và quyết định điều gì là an toàn và tốt cho chính con cái của họ, nhất là nếu một thảm họa tự nhiên xảy ra? Tại sao họ lại phải cần chờ đợi đến quyết định của người khác, những người chẳng liên quan gì đến tính mạng và sức khỏe của con cái mình? Điều đó cho thấy phụ huynh ở tại thành phố này hoàn toàn chưa trưởng thành, chưa hiểu điều gì cần thiết cho gia đình của mình, và chưa độc lập trong ý thức làm cha làm mẹ. Đây là mầm mống chắc chắn dẫn đến một xã hội loạn lạc khi thảm họa xảy ra. Người lớn còn không đủ kỹ năng và khả năng nhận định tình hình trong trường hợp khẩn cấp, thì làm sao che chở và bảo vệ cho con cái và cháu chắt của mình?

10. Đây là dịp để người dân Sài Gòn biết thế nào là bão thực sự. Vì vậy, chúng ta đừng chủ quan và xem thường thảm họa do khí hậu và thiên nhiên mang lại nữa. Đây là lúc bắt đầu kỷ nguyên Biến đổi Khí hậu rồi, và bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, bất ngờ, cực đoan và rất tàn khốc. Do đó, người khôn ngoan thì biết xây nhà trên đá, chứ không phải trên cát.

Nguồn: FB Nguyen Dat An

Bão số 9 gây ngập tứ bề ở Sài Gòn: ‘Đừng đổ lỗi cho thiên tai’

29/11/2018

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia quy hoạch đô thị tại TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận quy hoạch chống ngập tại TP lớn nhất nước đang có vấn đề.

Đừng đổ lỗi cho mưa quá lớn”

Mở đầu cuộc trao đổi với PV VietNamNet về trận ngập chưa từng có ở Sài Gòn do ảnh hưởng cơn bão số 9 vừa qua, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – chuyên gia quy hoạch đô thị thẳng thắn cho rằng quy hoạch chống ngập đang có vấn đề.

“Trận mưa vừa rồi, nhà chuyên môn nói có lượng mưa lên đến 300-400mm quá lớn nên chưa có phương án, kịch bản dự phòng. Nói như thế là chưa đầy đủ” – ông Sơn nhận xét.

Theo chuyên gia này, thiết kế hạ tầng chống ngập được chia làm 2 phần bao gồm thiết kế hạ tầng cơ bản và dự án dự phòng chống ngập. Trong đó, hệ thống hạ tầng cơ bản chỉ đảm bảo mưa từ 100-200mm không bị ngập. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng dự phòng để chống ngập cho những trận mưa cực đoan lại chưa nhiều.

“Hệ thống dự phòng là trong quy hoạch, mình phải có không gian hồ điều tiết cũng như bể chứa nước ngầm, không gian cây xanh kết hợp với hệ thống cống. Khi lượng mưa quá lớn, nước không thoát kịp sẽ được tạm trữ trong không gian dự phòng đó rồi từ từ thoát ra sông, kênh rạch”- ông Nam nói.

Đường Sài Gòn ngập nặng trong trận mưa kỷ lục, có nơi đo được hơn 400mm

Ông cũng cho biết, rất tiếc hiện nay hệ thống dự phòng của TP còn quá nhiều hạn chế: “Nếu mình làm đúng quy hoạch, TP không đến nỗi như vừa rồi. Như vậy, trong quản lý đô thị vẫn còn có thiếu sót, có vấn đề?”- ông khẳng định.

Theo ông Sơn, hiện nay đô thị mới mọc lên quá nhiều, loạn cốt nền, dự án chống ngập nhiều nhưng đứng riêng lẻ cũng là yếu tố tác động, gây ngập nặng, điển hình như khu Gò Vấp, Bình Tân…

Ông Sơn cho biết lúc trước, các khu vực này là đồng ruộng. Đây là những hồ chứa nước tự nhiên. Quá trình đô thị hóa không tính toán đến hạ tầng chống ngập bài bản, cùng với sự thiếu quản lý đô thị mới, không giữ không gian xanh…khiến khu vực này phải gánh chịu cảnh ngập nặng.

Ngoài ra, hiện TP vẫn còn loạn cốt nền dù các chuyên gia đã cảnh báo từ mấy chục năm qua. Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường… chưa phối hợp với nhau. Mỗi đơn vị có một quy chuẩn cốt nền dẫn đến tình trạng đua nhau nâng đường.

“Mạnh ai nấy nâng đường khiến nước chảy lung tung. Những dự án chống ngập đứng riêng lẽ không bao giờ giải quyết triệt để ngập úng tại TP”- ông nhận xét thêm.

Qua đó, ông Sơn kiến nghị giải pháp xây dựng cống rãnh hạ tầng phải kết hợp đê bao đi đôi với phê duyệt quy hoạch, phát triển đô thị như mật độ dân số, hồ điều tiết, hồ dự trữ nước ngầm, không gian cây xanh.

“Không thể giao việc chống ngập cho một trung tâm mà phải là sự phối hợp của nhiều cơ quan chuyên ngành. Phải có một nhạc trưởng, người này là đầu tàu lãnh đạo và chịu trách nhiệm giải quyết rốt ráo chuyện chống ngập đang rất nan giải của TP” – ông Sơn nói.

Ông cũng cảnh báo, nếu không có sự đồng bộ, trách nhiệm thì có đưa thêm các dự án chống ngập chục nghìn tỷ đồng và thậm chí gấp 10 lần nữa cũng không thể chống ngập hiệu quả, “bít được đầu này rồi lại xì chỗ kia thôi’.

“Không thể chỉ trông chờ vào hệ thống thoát nước”

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC – Đại học Quốc gia TP.HCM về việc chống ngập tại TP.HCM nhìn nhận hạ tầng dự phòng của TP vẫn còn hạn chế.

Tiến sĩ Phi nhận định, không bao giờ có thể lường trước được hậu quả của thiên tai. Tất cả các dự báo đều có thể sai, nên tốt nhất cần có các phương án dự phòng.

Nói về việc TP đang sử dụng máy bơm dã chiến để chống ngập thời gian qua, ông Phi cho rằng giải pháp này không thể nói là không hiệu quả. Phương án này chỉ có hiệu quả trên một hệ thống thoát nước căn bản và hệ thống ngăn triều ổn định. Do đó, phương án này chỉ được xem là hỗ trợ cho công tác chống ngập khi xảy ra mưa cực đoan.

“Trong quy hoạch đã có khảo sát hệ thống thoát nước, hệ thống ngăn triều, hệ thống trạm bơm, gần đây có cả hồ điều tiết nữa. Nhưng thực tế quy hoạch đó chưa làm được bao nhiêu hết. Vấn đề chúng ta cần đặt ra là tốc độ thực hiện quá chậm”- vị chuyên gia nhận xét.

“TP phải mất từ 10-20 năm nữa mới có thể xây dựng xong hạ tầng chống ngập cơ bản. Do đó, trong thời gian chờ đợi, chúng ta phải dự phòng tình huống sớm nhất, làm giảm nhẹ thiệt hại, chứ còn trông chờ vào việc chống ngập không thì không ổn…”- chuyên gia cảnh báo.

Cũng theo ông, trận mưa lớn lịch sử như vừa rồi sẽ không còn hiếm trong tương lai.

“Mức độ rủi ro do thiên tai ngày càng cao, thành ra giải pháp tối ưu nhất là thích nghi từng bước các giải pháp xây dựng công trình, thay đổi thói quen sinh hoạ cũng như là sắp xếp lại không gian sống, không gian làm việc để giảm được thiệt hại…”- ông Long khuyến cáo.

Vietnamnet

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen