Seite auswählen

“Mọi thứ từ bàn tay tạo hóa mà ra đều tốt; mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người. Con người bắt ép một chất đất phải nuôi các sản phẩm của chất đất khác, một cái cây phải mang quả của cây khác … họ không muốn cái gì y nguyên như tự nhiên đã tạo ra, ngay cả con người cũng thế; họ phải rèn tập con người cho họ, như một con ngựa để kéo cỗ máy; họ phải uốn vặn con người theo kiểu cách của họ, như một cái cây trong vườn nhà họ”.

Mở đầu cuốn Émile hay là về giáo dục bằng những lời lẽ đanh thép ấy, triết gia người Pháp Jean-Jacques Rousseau đã nêu bật ra một câu hỏi chất vấn thời đại: Rốt cuộc, sứ mệnh của giáo dục là gì?

Vào thời của Rousseau vào thế kỷ 18 ở phương Tây, giáo dục được coi là nhằm tạo ra những con người biết phụng sự cho nhà nước và nhà thờ. Cá nhân, với tư cách là một nhân tố của cộng đồng, cần phải được giáo dục để trở thành công cụ đắc lực của xã hội. Chính vì vậy mà ở các trường học buổi ấy, chỉ có một số nghề chuyên môn được đưa vào dạy, chẳng hạn các chức vụ tôn giáo như thầy dòng, nữ tu sỹ; hoặc các công việc thiết yếu như thầy thuốc, luật sư.

Trong bối cảnh ấy, tác phẩm Émile của Rousseau ra đời năm 1762 đã đảo ngược mọi quan niệm truyền thống về giáo dục, khi Rousseau thẳng thừng đưa ra một triết lý rằng: “Trong trật tự tự nhiên, nơi con người đều bình đẳng, thì làm người là nghề nghiệp chung của họ. Và hễ ai đã được giáo dục để làm người, ắt không thể thất bại trong việc hoàn thành mọi nhiệm vụ đặt ra cho mình”.

Mọi thứ từ bàn tay tạo hóa mà ra đều tốt…

Bìa sách “Luận về bất bình đẳng”. Ảnh: Penguin.

Rousseau có một tuổi thơ không êm ả. Trong cuốn Những lời bộc bạch, Rousseau kể lại rằng mẹ mất vài ngày sau khi sinh ra cậu. Khi cậu mới mười tuổi, cha đã phải bỏ xứ lưu vong vì đấu kiếm làm một đại úy bị thương.

Rousseau chuyển đến sống với người bà con, được gửi đi học nội trú tại nhà giám mục Lambercier nơi miền quê thôn dã. Tới mười sáu tuổi, Rousseau bỏ nhà đi Paris và bắt đầu cuộc đời lưu lạc, kiếm sống chủ yếu bằng nghề chép nhạc, và nhiều nghề khác như thư ký, gia sư, rồi làm việc trong ngoại giao đoàn.

Rousseau đặt bước chân đầu tiên của mình vào giới hàn lâm khi tham gia cuộc thi viết của Viện Dijon với đề tài: “Phải chăng sự tiến bộ của các ngành khoa học và nghệ thuật đã góp phần làm lành mạnh hóa phong tục?”.

Câu trả lời “không” của Rousseau trong Luận về Nghệ thuật và Khoa học, với luận điểm chỉ trích các dạng thức xã hội giả tạo đã làm xói mòn bản tính tốt đẹp của con người, đã đem lại cho ông không chỉ giải nhất của cuộc thi mà còn cả danh tiếng trong giới học thuật.

Bốn năm sau, ở tuổi 42, Rousseau lại tiếp tục “gây bão” với bài luận thứ hai Luận về Nguồn gốc Bất bình đẳng trả lời cho câu hỏi: “Đâu là nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa con người và phải chăng nó được biện minh bằng pháp quyền tự nhiên?”. Chính ở đây, Rousseau đã triển khai quan niệm của mình về cái tốt đẹp của trạng thái tự nhiên. Ông cho rằng vốn dĩ con người trong tự nhiên mang đức tính tốt đẹp và cao quý, song xã hội dân sự đã khiến con người bị thoái hóa và đồi bại, và đó là nguồn cơn gây nên bất bình đẳng.

Hai luận văn kể trên đã mở đường cho tư tưởng triết học duy nhiên của Rousseau, để rồi về sau đi vào trong hai tác phẩm để đời: Khế ước Xã hội  Émile hay là về giáo dục.

Nếu như Khế ước xã hội bảo vệ sự tự do của con người trên cơ sở rằng mối quan hệ giữa công dân với nhà nước đến từ sự đồng thuận, thì Émile đưa ra một triết lý đào tạo nên con người tự do ấy từ tính thiện cố hữu của con người tự nhiên.

Bàn chi tiết về khía cạnh này trong Émile, Rousseau cho rằng con người tự nhiên không biết tới những khái niệm về sở hữu, tích trữ lương thực, của cải để lo lắng cho ngày mai.

Họ chỉ đi theo thiên hướng của mình, chính vì thế mà họ sống tự do với cuộc sống thực tại của mình, không ganh ghét, không đố kỵ, không phân chia giai cấp hay phân biệt giàu nghèo. Cá nhân ấy tuy hoang dã nhưng cao quý, hạnh phúc, và tốt lành.

…mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người

Thế nhưng, theo Rousseau, khi trải qua lịch sử văn minh, con người tham gia vào đời sống xã hội, họ bắt đầu có những mối lệ thuộc đối với mọi người xung quanh và với môi trường. Lúc ấy, họ luôn đánh giá mình thông qua cách nhìn nhận của xã hội, và giá trị của họ là do xã hội định đoạt.

Mặt khác, trong xã hội dân sự sẽ có sự phân chia giai cấp, giàu nghèo, gây nên bất bình đẳng. Con người ở đó luôn có những ham muốn vượt lên trên khả năng của bản thân, chính vì thế mà họ đau khổ, và tâm hồn họ bị băng hoại.

Rousseau, từ đó, đã cho rằng: “Tự nhiên là tốt, chính xã hội mới làm con người trở nên đồi bại”, và “con người dân sự ra đời, sống và chết đi trong sự nô lệ”.

Kết quả là, con người không có được sự tự do ngay trong việc nắm quyền quyết định cuộc sống của mình. Họ do dự giữa thiên hướng và bổn phận, bấp bênh giữa ước muốn của bản thân và ý muốn của xã hội, dẫn đến không biết mình muốn gì.

Nền giáo dục coi con người là công cụ

Kể từ thời Hy Lạp cổ đại, “việc giáo dục hoàn toàn nhằm đào luyện đứa trẻ chịu đựng gian khổ, huấn luyện đứa trẻ tuân theo kỷ luật, nuôi dưỡng đứa trẻ có tâm hồn tin tưởng, tinh thần hy sinh vì thành quốc”, theo như lời thuật của học giả J. B. Burry trong cuốn Lịch sử Hy Lạp. [1]

Cho tới Kỷ nguyên Khai Sáng vào thế kỷ 17, chính triết gia John Locke cũng cổ xúy hệ thống giáo dục công. Trong cuốn Vài suy nghĩ về giáo dục, Locke chủ trương huấn luyện theo cách khiến trẻ tuân theo kỷ luật, có thói quen uốn nắn theo lẽ phải, để đi theo con đường mà lý trí dẫn dắt, chống lại các ham muốn bản năng. [2] Locke đề xuất dạy cho trẻ về phẩm hạnh và tri thức bằng cách áp dụng lý lẽ và các lập luận đạo đức. Con người của phương pháp giáo dục ấy sẽ trở thành một thiếu niên gia giáo, có tư cách, có học thức và đức hạnh. [3]

Triết gia người Anh John Locke (1632-1704). Ảnh: LearnLiberty.

Hệ thống giáo dục phương Tây vào thời đại Rousseau chính là dựa trên cương lĩnh giáo dục công này. Họ đào tạo bằng phương pháp lý tính của John Locke, nhưng mục đích là để tạo ra con người như Plato đề xuất trong cuốn Cộng hòa: Con người được giáo dục để trở thành công dân của xã hội.

Cũng tương tự như thế trong tinh thần triết học giáo dục của Aristoteles, giáo dục được coi là công cụ rèn luyện con người trên con đường duy thực, hướng đến phát triển tri thức, để người học vận dụng khả năng của mình vào các công việc của xã hội.

Bạn đọc có thể hình dung lối giáo dục này trong bộ phim Dead Poets Society mô phỏng hệ thống giáo dục của phương Tây trước đây, chẳng hạn trong phân cảnh ông bố ép buộc cậu bé Neil rằng: “Sau khi con học xong trường y và con có thể tự lập thì con muốn làm gì cũng được. Nhưng cho đến lúc đó thì con phải làm theo những gì bố nói, rõ không?” Chính cái ý muốn biến người học thành công cụ của xã hội ấy, cuối cùng, đã đẩy Neil tới chỗ tự sát.

Triết lý giáo dục coi con người là trung tâm

Bìa sách “Émile hay là về giáo dục”. Ảnh: NXB Tri Thức.

Trong bối cảnh đó, Émile đã thổi một làn gió mới vào hệ thống giáo dục cũ mòn. Kể lại trong hồi ký đời mình, Rousseau nhớ lại khoảng thời gian viết cuốn Émile là giai đoạn ông chìm trong đau ốm, bệnh tật, hoài nghi, và khi tới tay công chúng thì tác phẩm bị Pháp viện Paris lên án. Thế nhưng điều đó lại càng khiến cho cuốn sách được săn đón nhiều hơn.

Trong Émile, Rousseau cho rằng xã hội đã cướp đi mất tính tự do của con người tự nhiên. Chính vì vậy, giáo dục phải có sứ mệnh lấy lại cái tốt đẹp của con người, bảo tồn bản chất tự nhiên nơi con người vốn đã bị xã hội làm cho băng hoại.

Thế nhưng, tất cả những gì ông thấy trong tình cảnh hiện tại lại là một “sự giáo dục man rợ hy sinh hiện tại cho một tương lai vô định, sự giáo dục bắt đứa trẻ mang đủ loại xiềng xích, và khởi đầu bằng việc làm nó thành khốn khổ, để chuẩn bị từ xa cho nó một thứ hạnh phúc gì chẳng biết mà có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ thụ hưởng.”

Chính nền giáo dục này đã tạo ra những con người “vừa là nô lệ vừa là bạo chúa, đầy kiến thức và thiếu lương tri, yếu đuối bạc nhược về thể chất cũng như tâm hồn, và bị quẳng vào xã hội.”

Trước cái nạn đặt xã hội lên trên cá nhân và bắt cá nhân phải hy sinh cho xã hội ấy, theo Rousseau, nhiệm vụ của giáo dục là cần phải khôi phục lại sự hài hòa. Giáo dục phải cho phép con người vừa tham gia vào xã hội, vừa có được sự tự do để thực hiện ý muốn bản thân dựa trên khả năng của mình, từ đó đưa con người trở về với chính anh ta.

Rõ ràng, Rousseau đã một mình chống lại cả thời cuộc: con người đang bị coi là đối tượng cần rèn luyện, với mục đích phát triển xã hội; thì Rousseau lại coi con người là chủ thể của giáo dục, với mục đích phát triển giá trị nội tại ở mỗi cá nhân.

Chính vì lý do “phản thời cuộc” ấy, nên khi mới ra mắt lần đầu, cuốn Émile đã bị cấm và tất cả những bản in đều bị thiêu hủy, thậm chí chính quyền còn ban lệnh truy nã Rousseau khiến ông phải lánh sang Thụy Sỹ.

Ảnh hưởng và tranh cãi

Để diễn giải triết lý giáo dục của mình, Rousseau đã tưởng tượng ra một cậu bé Émile giả tưởng, và Rousseau chính là người thầy của cậu. Hai thầy trò đã thực hiện phương pháp giáo dục dựa trên triết lý duy nhiên xuyên suốt tác phẩm gồm năm quyển, mỗi quyển tương ứng với một giai đoạn trưởng thành của trẻ.

Rousseau đề ra hai hệ thống giáo dục. Từ quyển I đến quyển III bàn về hệ thống giáo dục phòng vệ, tức là tránh xa khỏi sự ảnh hưởng từ xã hội, để trẻ phát triển tự do trong môi trường thiên nhiên dưới sự dẫn dắt của người thầy. Quyển IV là hệ thống giáo dục chủ động đưa cậu bé Émile từ thiên nhiên đi vào xã hội dân sự, sống cuộc sống cá nhân đồng thời thực hiện nghĩa vụ mà xã hội đặt ra cho mình. Riêng quyển V được Rousseau dành riêng để viết về giáo dục nữ giới.

Quan điểm giáo dục phòng vệ của Rousseau là trung tâm của những lời đả kích, khi ông đem đứa trẻ dưới tuổi 15 tách rời hoàn toàn khỏi môi trường xã hội một cách cực đoan, viện cớ mọi quan hệ xã hội đều khiến đứa trẻ trở nên tồi bại.

Không những thế, người thầy trong triết thuyết của Rousseau hóa ra lại ngầm điều khiển sự tự do của trẻ, đi ngược lại với chính tư tưởng của Rousseau vốn coi con người là một chủ thể thay vì một đối tượng, rằng “các vị chẳng làm chủ trong việc huy động nó theo ý thích của các vị hay sao? Các việc làm của nó, các trò chơi của nó, các thú vui, các nỗi buồn khổ của nó, tất cả chẳng ở trong tay các vị mà nó không biết hay sao? Hẳn nó chỉ phải làm những gì nó muốn mà thôi, nhưng nó ắt chỉ muốn những gì các vị muốn nó làm mà thôi…”

Riêng ở quyển V, giờ đây hẳn các nhà nữ quyền của thế kỷ 21 sẽ không thể nào chấp nhận nổi lời giáo huấn của Rousseau: “người đàn bà được đặc biệt tạo ra để làm đẹp lòng người đàn ông”.

Song tất cả những chỉ trích nêu trên cũng không thể khiến người ta chối bỏ một sự thật rằng tư tưởng của Rousseau đã tác động rất lớn tới nền giáo dục Tây phương ngày nay.

Triết lý giáo dục “coi con người là trung tâm” của Rousseau để lại ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều nhà giáo dục học hiện đại và hậu hiện đại. Trong số đó, phải kể tới John Dewey trong cuốn Dân chủ và giáo dục, Maria Montessori trong nhiều nghiên cứu về dạy trẻ tuổi ấu thơ, hay những tư tưởng giáo dục của Humboldt, Froebel, và nhiều người khác nữa.

Các trích đoạn trong bài viết này được trích từ bản dịch Émile hay là về giáo dục của dịch giả Lê Hồng Sâm và Trần Quốc Dương, tái bản lần thứ nhất, do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm 2010.

Chú thích

  1. J. B. Bury, 1996, History of Greece, St Martins Pr, trang 132.
  2. John Locke, 1693, Some Thoughts Concerning Education, đoạn 34.
  3. John Locke, 1693, Some Thoughts Concerning Education, đoạn 133.