Ola Nguyễn cho rằng nguyên liệu phong phú mở ra cảm hứng vô tận để cô tạo nên những món ăn khác lạ.
26.12.2018
Khi trả lời tin nhắn đề nghị phỏng vấn của VnExpress, Ola Nguyễn, tên tiếng Việt là Nguyễn Hoàng Minh Tâm cho biết cô sẽ nói bằng tiếng mẹ đẻ. Gia đình Tâm rời quê Thái Bình sang Ba Lan định cư từ khi cô mới 7 tuổi.
“Tôi rất bất ngờ và vui mừng khi được xướng tên là người chiến thắng trong cuộc thi Masterchef của Ba Lan”, cô gái 21 tuổi chia sẻ.
Tâm đến với cuộc thi Masterchef mùa thứ 7 trong thời gian nghỉ hè hồi tháng ba, khi không tìm thấy “việc gì đủ hấp dẫn” để làm như mọi năm như đi làm thêm hoặc từ thiện. Là fan của chương trình Masterchef từ lâu nên Tâm cũng muốn thử sức.
Tâm không ngờ hành trình đầy lôi cuốn chiếm nhiều thời gian hơn so với dự tính, cô đã phải gửi đơn cho Trường Kinh tế SGH Warsaw xin nghỉ học để hoàn thành cuộc thi vào giữa tháng 7. May mắn, trường không quá khắt khe trong lịch học của sinh viên. Đến tháng 9, Tâm vừa phải ôn để thi lại tất cả các môn vừa tập trung viết cuốn sách dạy nấu ăn của riêng mình với tư cách “tân vương” đầu bếp.
“Áp lực về thời gian rất căng thẳng nhưng tôi thấy việc đó rất xứng đáng, vì tôi đã chứng tỏ cho bố mẹ thấy mình có thể làm được những điều khác biệt”, Tâm nói.
Cô gái trẻ cười lớn khi thừa nhận gần đây cô phát hiện ra mình không còn ham thích chuyên ngành kinh tế – tài chính đang theo học. Tâm từng đạt giải trong chung kết cuộc thi Olympiad kinh tế khi học trung học và sẽ hoàn thành chương trình của trường SGH Warsaw cuối năm nay.
Bố mẹ Tâm, những người làm nghề kinh doanh ở Warszawa, mong muốn con cái học chuyên ngành “thiết thực”, có thể kiếm được việc làm tốt. Trong khi đó, Tâm lại chuyển hướng sang yêu thích nấu ăn, “có chút nghệ thuật” vì cô có thể chế biến những món ăn khác lạ, tùy theo sở thích của mình. Do vậy, thành công bất ngờ trong cuộc thi Masterchef giúp Tâm “có quyền” mơ mộng, theo đuổi con đường riêng sau này.
Làm quen với nấu ăn từ khi 10 tuổi, Tâm cảm thấy khá “áp lực” khi mẹ cô nói rằng người châu Á quan niệm con gái phải biết nội trợ để sau này còn lấy chồng. Mẹ cũng nói rõ các loại thực phẩm nào phải đi kèm với gia vị nào cho phù hợp, nhưng Tâm không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy tắc có sẵn.
“Tôi thích xem các video trên mạng, xem có thể kết hợp các loại nguyên liệu và gia vị khác nhau như thế nào. Vì thế có thể làm vô số món mới lạ”, Tâm nói.
Người có ảnh hưởng lớn đến việc Tâm thích nấu ăn chính là bà nội. Vì bố mẹ bận việc buôn bán, từ nhỏ cô và các anh em hay ở nhà với bà. Đến giờ nấu cơm, bà thường gọi Tâm đến xem để học làm. Cô thích nhất là món chả kèm trứng, thêm rau mùi, canh phi hành cà chua của bà. Đó là những món ăn đơn giản, không cầu kỳ nhưng mỗi khi nhớ đến cô cảm thấy rất ấm lòng.
Hai món ở chặng cuối của cuộc thi Masterchef giúp Tâm giành chiến thắng là lưỡi lợn và cá hun khói. Với món lưỡi lợn, Tâm cho vào nồi áp suất ninh cho mềm, thêm gừng, dấm, khi bày lên có thêm dứa, rau răm, rau húng, phồng tôm và bánh đa nem.
“Tôi muốn cho mọi người thấy sự khác biệt rõ của ẩm thực Á và Âu qua hai món ăn này. Nếu như cá hun khói là thuần đồ Âu thì món lưỡi lợn hội tụ các đặc trưng của món ăn Việt, hơi dai và dậy mùi nhờ các loại rau thơm”, Tâm miêu tả.
Đây là các món ăn mà cô gái trẻ nảy ra ý tưởng trong tập cuối của chương trình Masterchef và chưa từng thử làm. Tâm đoán chiến thắng của cô là vì ban giám khảo thích sự độc đáo, sáng tạo trong biến tấu các món ăn. Ở phần thi làm món tráng miệng, Tâm đã cho thêm khoai tây vào món Tiramisu có nguồn gốc từ Italy.
Dự định tương lai
Với quyền xuất bản cuốn sách dạy nấu ăn riêng, Tâm đã hoàn thành tác phẩm đầu tay với thực đơn gồm 78 món. Bên cạnh những đồ ăn đặc trưng của Việt Nam như thịt kho tàu, canh dưa chua, canh cá chua, rau cải muối, Tâm còn có nhiều món do cô tự nghĩ ra, trong đó có món châu Á có thể tìm được nguyên liệu ở Ba Lan.
“Tôi thấy mình có lợi thế rất lớn là được thụ hưởng hai nền văn hoá Việt Nam và Ba Lan, vì thế tôi sẽ chế biến các món ngon nhất của hai nước. Tôi muốn tập trung dùng kỹ thuật của Pháp hay châu Âu, để nấu các món có nguyên liệu châu Á”, Tâm chia sẻ.
Cùng với việc hoàn thành chương trình Cử nhân ở trường SGH Warsaw, Tâm đang tính đến việc “mở một cái gì đó” của riêng mình, dù cô chưa định hình rõ. Cô muốn thay đổi thực tế là trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan chưa có những nhà hàng cao cấp, chủ yếu là các hàng bình dân. Trước mắt cô sẽ đi học việc ở các nhà hàng để biết các công việc cụ thể.
Ngồi bên cạnh con gái để hỗ trợ nói những câu tiếng Việt khó, chị Hoàng Thị Ngoan, cho biết mình rất vui vì Tâm giành được giải thưởng Masterchef. Chị tự hào vì nhận nhiều lời chúc mừng của người Việt sinh sống ở Warszawar. Chị cũng rất bất ngờ khi con gái “thay đổi 180 độ”, chuyển từ thích học kinh tế sang học nấu ăn nhưng gia đình tôn trọng điều đó.
Chị Ngoan cho hay người Việt ở Ba Lan có thói quen ăn uống không khác nhiều so với ở trong nước, mùa nào thức nấy nhờ nguyên liệu đầy đủ và tươi ngon được nhập về nhiều nơi. Mùa hè là rau muống xào hay luộc, canh cua, mùa đông có canh cá, canh chua theo thực đơn của Bắc, Trung, Nam Việt Nam. Tâm cũng có cơ hội thưởng thức các món ăn thuần Việt sau 4 lần về thăm quê, lần gần nhất là năm 2011.
Là chị cả trong gia đình có ba chị em, Tâm luôn thể hiện sự tự tin và kiên trì khi theo đuổi điều gì đó. “Con bé đã thích gì sẽ làm bằng được. Dù bố mẹ có nhắc nhở, nó vẫn thức nhiều đêm để mày mò”, chị nói.
Trước một số ý kiến cho rằng Tâm không xứng đáng là Vua đầu bếp của Ba Lan vì là người nhập cư, chị Ngoan cho biết quan điểm đó là bình thường.
“Tôi không cảm thấy giận hay phiền lòng, chuyện này cũng giống như người Việt Nam khi xem bóng đá thì ủng hộ tuyển Việt Nam. Điều quan trọng là Tâm phải nỗ lực thể hiện rằng mình là Vua đầu bếp thực sự”, chị nói, cho biết thêm Tâm cũng không để ý nhiều đến chuyện bị kỳ thị vì cô còn trẻ và không phải chịu nhiều áp lực với chiến thắng. Với các con của mình, vợ chồng chị Ngoan luôn nhắc phải nỗ lực học tốt ở trường, biết cư xử để tạo hình ảnh đẹp về người Việt ở Ba Lan.
Nói về khoản tiền thưởng của Masterchef 26.300 USD, Tâm cho biết đang chờ thủ tục nhận của ban tổ chức.
“Trước đây tôi thích sắm ôtô để đi chu du đến các nước khác, nhưng bây giờ thì tôi nghĩ mình nên dành tiền để đầu tư vào cái gì đó để đảm bảo ổn định tài chính. Như thế thì mới theo đuổi ước mơ được”, Tâm cho biết.
Khánh Lynh
Nguồn: VNExpress
MasterChef Polska: Giải nhất về tay Ola Nguyễn ở Warsaw
10.12.2018
Chiều chủ nhật qua, ngày 9/12 cuộc thi trên truyền hình TVN ở Ba Lan, MasterChef Polska đã khép lại và người đoạt giải là nữ sinh viên gốc Việt, Ola Nguyễn, 21 tuổi.
Đây là lần đầu tiên có người Việt tham gia cuộc thi MasterChef Ba Lan và Ola Nguyễn là người đoạt giải Vua đầu bếp nghiệp dư trẻ nhất của giải này tại Ba Lan.
Vào cuộc thi chung kết Ola Nguyen đọ sức với hai đầu bếp dày dạn kinh nghiệm hơn mình rất nhiều: Martyna Chomacka, huấn luyện viên thể hình cá nhân 30 tuổi và Laurentiu “Lorek” Zediu, 31 tuổi người gốc Romania, đã có nhiều kinh nghiệm đầu bếp tại Pháp, Tây Ban Nha và là người đã tham gia MasterChef năm ngoái nhưng phải bỏ dở vì lý do cá nhân.
Sang Ba Lan từ nhỏ
Ola Nguyen, mà tên họ chính thức là Nguyễn Hoàng Minh Tâm, theo mẹ sang sinh sống cùng bố tại Ba Lan khi mới 7 tuổi.
Như nhiều trẻ em Việt Nam khác sang Ba Lan theo bố mẹ, Minh Tâm đi học tiểu học Ba Lan khi một „tiếng Ba Lan bẻ đôi không biết”.
Với nhiều nỗ lực cố gắng cô đã tốt nghiệp trung học và đỗ vào một trong những trường đại học danh tiếng nhất của Ba Lan- SGH Warsaw School of Economics, trường đại học kinh tế lâu đời nhất của Ba Lan.
Hiện bạn đang học tài chính năm thứ 3 và nói tiếng Ba Lan lưu loát, khiến khán giả Ba Lan nghĩ rằng Ola sinh ra tại đây.
Là người quan tâm đến chủ đề ẩm thực Việt Nam, tôi đã theo dõi cuộc thi MasterChef Polska từ đầu.
Theo quan sát cá nhân tôi, bạn Ola luôn tỏ ra chín chắn, sáng tạo làm chủ tình huống và luôn dùng trí thông minh để giải quyết các vấn đề xuất phát, lấy thế mạnh của tuổi trẻ để vượt qua những thiếu sót về nghiệm trải trong công việc của người đầu bếp, nhất là khi làm các món ngọt tráng miệng, một điểm yếu của nhiều đầu bếp nghiệp dư Việt Nam.
Tất nhiên Minh Tâm luôn nhấn mạnh gốc Việt Nam, gốc Á châu của mình và lấy đó làm thế mạnh.
Đôi khi chính Ola bằng tính hài hước thông mình còn tự dễu cợt rằng sẵn sàng thêm nước mắm vào món ngọt tráng miệng của mình.
Theo truyền thông Ba Lan, giải nhất bao gồm 100 nghìn zloty (27 nghìn USD), và danh hiệu Vua đầu bếp, và quyền phát hành một cuốn sách về ẩm thực. Ban Giám khảo gồm Anna Starmach, Michel Moran và Magda Gessler.
Không nghi ngờ gì nữa giải thưởng MasterChef của Ola Nguyen là niềm tự hào của người Việt tại Ba Lan, là nguồn quảng bá cho ẩm thực Việt Nam tại đây.
Có thể nói mấy năm gần đây, mà đặc biệt là năm nay, ẩm thực Việt Nam được mùa tại Ba Lan, tận dụng được tiềm năng sẵn có từ hơn hai chục năm có mặt tại rộng khắp tại thị trường này.
Đầu năm nay, với sự ra đời của cuốn sách về ẩm thực Việt Nam và cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan mà người viết những dòng này là đồng tác giả, truyền thông Ba Lan đặc biệt quan tâm đến ẩm thực Việt Nam.
Các chế biến thực phẩm, gia vị rau thơm truyền thống từ Việt Nam đều được chú ý nhiều.
Tất cả các đài truyền hình lớn tại Ba Lan đều có chương trình về cuốn sách và nhiều đài truyền hình còn có các phóng sự tịch cực về cộng đống Việt Nam tại đây (Dzień Dobry TVN, Polak z wyboru, của Canal+ và Discovery.
Ngoài ra là các đài phát thanh và các tạp chí. Các bloger về ẩm thực không ngừng viết và tranh luận về ẩm thực Việt Nam.
Trả lời nhanh chóng về cảm tưởng của mình Ola cho bài viết này để gửi tới BBC News Tiếng Việt, Ola Nguyễn nhấn mạnh đến việc quyết tâm thực hiện ước mơ, tin tưởng vào bản thân mình.
Cô cũng cảm ơn đại gia đình của mình, đề tặng chiếc Cup MasterChef cho bà nội, người đứng đầu đại gia đình đông đảo các bác các chú, cô gì, con cháu nội ngoại có nguồn gốc từ thảm lúa Thái Bình.
Ngô Văn Tưởng (BBC)