Seite auswählen

Ảnh chụp bài phỏng vấn nhà văn Phạm Thị Hoài trên tạp chí GEO số Đặc biệt về du lịch Việt Nam.

 Hiếu Bá Linh

 17-1-2019

 

Ngày 16.01.2019, tạp chí GEO (tiếng Đức) ra số Đặc biệt về du lịch Việt Nam, trong đó có bài phỏng vấn nhà văn Phạm Thị Hoài, hiện định cư tại Berlin.

 Tựa đề bài phỏng vấn “Việt Nam gây nghiện” chắc chắn sẽ hấp dẫn sự chú ý tò mò của những người Đức đang có ý định du lịch Việt Nam hoặc đang tìm hiểu để chuẩn bị cho chuyến du lịch Việt Nam.

 Hình như không có dân tộc nào trên thế giới có tinh thần lạc quan cao như người Việt Nam, cho nên mở đầu bài phỏng vấn, Phạm Thị Hoài đã ví von Việt Nam như “con tàu đi không bao giờ đến nơi“. Nơi đến là tương lai, như tạp chí GEO gọi “Việt Nam là một đất nước đang trên đường tới tương lai”.

 “Con tàu Việt Nam trên đường chạy về hướng tương lai và tất cả người dân Việt Nam ở trên con tàu này. Họ tràn đầy hy vọng và tin tưởng rằng tương lai đang chờ đón ở nhà ga sắp tới. Nếu không phải, thì họ hy vọng vào nhà ga kế tiếp, v.v… cứ thế, đến lúc nào đó hạnh phúc sẽ vẫy tay chào đón họ ở sân ga. Cái không khí phấn khởi này có từ hàng chục năm nay“, Phạm Thị Hoài nói.

 Bà Hoài nhấn mạnh rằng, mặc dù, theo cách nói của báo chí truyền thông phương Tây là nền kinh tế Việt Nam đang bùng nổ, đầu tư nước ngoài chảy vào, các thành phố lớn mọc lên ngày càng nhiều những tòa nhà chọc trời và các trung tâm mua sắm, nhưng “tổng sản lượng quốc nội một năm của cả nước Việt Nam với 95 triệu dân hiện chỉ bằng doanh thu một năm của hãng xe VW của Đức (Volkswagen)“.

 “Trong khi thu nhập đầu người bình quân một năm hiện nay là khoảng 2000 Euro, giới thượng lưu khoe khoang vô độ cuộc sống xa hoa của họ, và con cái của họ cũng như của giới trung lưu được đưa sang Mỹ du học, thì người dân nông thôn phải xoay xở với thu nhập thấp hơn 2 Euro mỗi ngày. Nó trông không giống như một quốc gia đã cập bến tương lai”, bà Hoài giải thích.

 Về câu hỏi phỏng vấn “Mặc dù thế nhưng mọi người vẫn vững tin, tại sao vậy?“, nhà văn Phạm Thị Hoài trả lời:

 “Sự lạc quan rõ nét này chỉ đơn giản là thái độ sống của hầu hết người Việt Nam, và lòng tin rằng mọi chuyện chỉ có thể trở nên tốt hơn cho mình và gia đình. Hơn nữa, gia đình là quan trọng nhất đối với người Việt Nam. Thế giới có thể lặng lẽ sụp đổ, mặc kệ, miễn là gia đình họ yên ổn là được“.

Khi được hỏi “Người Việt còn có đặc trưng nào nữa“, bà Hoài nói:

 “Ở Đức người châu Á được coi là khá rụt rè và trầm lặng, tuy nhiên, ở quê hương, người Việt Nam dễ phản ứng với ảnh hưởng bên ngoài. Người Việt rất cởi mở, hòa đồng, cũng thường ồn ào và hiếu động.

 Có một điều không trong sáng lắm là tất cả người Việt Nam đều thống nhất: có khuynh hướng chống Trung Quốc. Nguyên do là vì Việt Nam đã bị Trung Quốc đô hộ suốt 1000 năm và thường xuyên là nạn nhân hoặc con cờ trong chính sách cường quốc của Trung Quốc”.

 Tuy rằng đây là tạp chí số đặc biệt với chuyên đề về Du lịch Việt Nam, nhưng trong bài phỏng vấn, Phạm Thị Hoài cũng nhiều lần nêu ra tình trạng nhân quyền tại Việt Nam: “Về mặt chính trị, Đảng Cộng sản vẫn thống trị Việt Nam với những giáo điều nghiêm ngặt. Kiểm duyệt và kiểm soát diễn ra hàng ngày.

 

 Vấn đề về tự do báo chí còn tệ hại hơn. Trong bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên không biên giới, Việt Nam hiện đứng hạng thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia.

 Hơn 10 năm tù cho các nhà hoạt động nhân quyền và các nhà hoạt động môi trường, những người bày tỏ ý kiến của họ trên các mạng xã hội. Việc kết án nặng nề này đã xảy ra liên tục đến nỗi nó trở nên gần như là một sự bình thường.

 Cách đây vài tháng, một nhà hoạt động bị kết án 14 năm tù, một nhà hoạt động khác 20 năm tù và một luật sư 15 năm tù. Phần lớn công chúng bị bưng bít không biết chuyện này“.

 Bà Hoài cũng đề cập đến tình trạng cưỡng chiếm đất đai của người dân. “Mặc dù phản kháng hết sức mình, nhưng trong vụ nào cũng vậy, cuối cùng người dân vẫn luôn thuộc về bên thua cuộc. Tuy nhà nước hỗn loạn và bất lực, nhưng nó vẫn nắm vững nghệ thuật áp bức một cách hoàn hảo“.

 “Nhiều người Việt Nam mơ đến một nhà độc tài ‘trắng’ (trong sạch) như ở Singapore, nó sẽ làm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trở nên xán lạn. Nhưng nhân vật đó, không thể tìm thấy“, nhà văn Phạm Thị Hoài nói.

 Nguồn: Tiếng Dân