Seite auswählen

17.1.2019

Việt Nam đã gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2018.

Đây là nội dung được đề cập đến trong bản Phúc trình toàn cầu 2019 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch đưa ra vào ngày 17/1.

Bản Phúc trình 2019 dài 674 trang của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã xem xét các hoạt động nhân quyền tại hơn 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Theo bản phúc trình, các hình thức đàn áp của chính phủ Hà Nội bao gồm các cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, hội họp, và quyền tự do tôn giáo. Theo Human Rigths Watch, mặc dù tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng tồi tệ, nhưng nhiều nhà tài trợ và đối tác thương mại vẫn phớt lờ và tiếp tục làm ăn với Việt Nam như bình thường.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban châu Á của Tổ chức theo dõi nhân quyền cho biết chính sách leo thang đàn áp và các bản án tù ngày càng khắc nghiệt cho thấy nỗ lực của chính phủ trong việc cố gắng đàn áp ý chí của những người đấu tranh cho nhân quyền, nhưng lại phản tác dụng khi ngày càng nhiều người đứng lên đòi hỏi quyền lợi.

Ông Phil cũng cho rằng các nhà tài trợ và đối tác thương mại quốc tế nên công khai ủng hộ những người bảo vệ nhân quyền dũng cảm này.

Theo Human Rights Watch, trong năm 2018, chính quyền Việt Nam đã tìm cách phá vỡ một số mạng lưới bất đồng chính kiến. Ít nhất 42 người đã bị kết án vì bày tỏ ý kiến ​​chỉ trích chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình một cách ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ.

Trong đó bao gồm 9 thành viên của Hội Anh em Dân chủ và 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết. Vào tháng 6, hai trong số các thành viên của Hội Anh em Dân chủ, Luật sư Nguyễn Văn Đài và cô Lê Thu Hà, đã chấp nhận được ra tù và lưu vong ở Đức.

Theo phúc trình của Human Rights Watch, công an Việt Nam đã sử dụng nhiều chiến thuật đàn áp và hạn chế các nhà hoạt động và bloggers, bao gồm giám sát, quấy rối, quản thúc tại gia, cấm đi lại, giam cầm, dọa nạt và thậm chí tra tấn trong khi thẩm vấn.

Cảnh sát đã bắt giữ những người bị nghi ngờ vi phạm an ninh quốc gia, điều tra trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm nhưng không cho họ tiếp cận với gia đình hoặc luật sư.

Côn đồ được chính phủ dung túng đã tấn công các nhà hoạt động và các blogger. Trong một số trường hợp, cảnh sát đã ở gần nhưng không làm gì để ngăn chặn các cuộc tấn công.

Vẫn theo ông Phil Robertson, chính quyền Việt Nam tuyên bố không liên quan gì đến các cuộc tấn công chống lại các nhà phê bình và các nhà hoạt động, nhưng sự thật là những kẻ côn đồ không bao giờ phải chịu trách nhiệm. Chính phủ từ chối thực hiện các cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Theo Human Rights Watch, tất cả các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước và đảng. Luật an ninh mạng là cách mới nhất mà các nhà chức trách đang cố gắng kiểm soát internet và cắt đứt mọi người truy cập vào các quan điểm độc lập.

Nguồn: RFA