Trả lời câu hỏi của quốc tế trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tại Geneve hôm 22/1, đại diện Việt Nam nói vẫn duy trì án tử hình cho tội phạm đặc biệt nguy hiểm và cần luật ANM để ngăn tội phạm trên mạng.
Trong số 125 quốc gia nêu khuyến nghị với chính phủ Việt Nam về tình hình nhân quyền tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR – Universal Periodic Review) diễn ra ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, có một số nước đặc biệt quan tâm tới luật An ninh mạng và việc thi hành án tử hình tại Việt Nam.
Việt Nam hiện có gần 900 cơ quan báo chí, 18.000 nhà báo được cấp thẻ. Số lượng người dùng internet ở VN hiện khoảng 50 triệu người, chiếm 54% dân số. Số tài khoản Facebook đang hoạt động là 58 triệu, đứng thứ 7 trên thế giới. (Phát biểu của đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngày 22/1/2019)
‘Luật ANM để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố’
Hoa Kỳ đặt câu hỏi:
“Chính phủ Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo rằng bất kỳ luật lệ nào về an ninh mạng cũng không xâm phạm quyền riêng tư, tự do ngôn luận, hoặc khả năng truy cập thông tin của người dùng? Liệu chính phủ Việt Nam có thể giải thích rõ cách sử dụng, quản lý, và bảo vệ các dữ liệu được lưu trữ nội địa không?”
Đáp lại, đại diện Việt Nam nói “quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ, quyền tiếp cận thông tin của người dân đã được đảm bảo tốt hơn, với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí, internet, và mạng xã hội.”
Việt Nam cho hay để bắt kịp cách mạng công nghệ 4.0 thì không gian mạng trở thành “hạ tầng thiết yếu”, nhưng “cũng tồn tại những đe dọa, thách thức tới an ninh”.
“Các tổ chức như Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cũng đã có nhiều văn kiện đề cập đến các tội phạm mạng và có nhu cầu hợp tác với các quốc gia để ứng phó với tội phạm mạng. Do vậy, nhiều quốc gia đã ban hành các đạo luật về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ tốt quyền lợi của người sử dụng internet.”
“Tại Việt Nam, hoạt động tội phạm mạng thời gian qua có tốc độ gia tăng. Thông tin sai sự thật, vu khống các cá nhân, các tổ chức lan truyền trên mạng, nguy cơ khủng bố và đe dọa tới an ninh quốc gia. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cho chính phủ Việt Nam phải xây dựng luật ANM.”
Đại diện Bộ Công an nói hiện ở Việt Nam có “ba triệu blogger đang hoạt động bình thường” nhưng “việc bày tỏ chính kiến phải tuân thủ pháp luật, và không được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm các quyền, lợi ích khác.”
“Ở Việt Nam, không có cái gọi là gia tăng bắt giữ, kết án những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động bày tỏ chính kiến một cách hòa bình,” đại diện Bộ Công an khẳng định.
Việt Nam đã thực hiện 175 trong số 182 khuyến nghị chấp thuận tại UPR chu kỳ 2, chiếm hơn 96%. (Phát biểu của đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc ngày 22/1/2019)
Báo cáo của Việt Nam dường như mâu thuẫn với bản Phúc trình về Tình hình nhân quyền tại Việt Nam do Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) công bố hôm 17/1.
Bản phúc trình 2019 của HRW lên án Việt Nam ‘gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống lên quyền dân sự và chính trị cơ bản’ với nhận định ‘nhân quyền Việt Nam xuống cấp nguyên trọng’.
Báo cáo này đơn cử việc chính quyền Việt Nam không cho báo chí tư nhân hoạt động, ngoài ra còn cấm người dân thành lập các tổ chức nhân quyền, công đoàn độc lập hay các nhóm chính trị. Báo cáo cũng nêu lên việc những người ‘dám’ đặt câu hỏi về các dự án, chính sách của chính phủ, hoặc tìm cách bảo vệ đất đai và tài nguyên địa phương thì sẽ bị theo dõi, tước quyền đi lại, quản thúc tại gia, giam giữ tùy tiện và bị thẩm vấn.
“Trong khi đó, côn đồ dường như hợp tác với công an trong các vụ đàn áp các nhà hoạt động. Cảnh sát thẩm vấn kéo dài người bất đồng chính kiến, giam giữ họ trong nhiều tháng mà không cho gặp gia đình hoặc tư vấn pháp lý. Các tòa án thì được chỉ đạo để ra bản án trong các vụ án chính trị với án tù ngày ngày nặng hơn.”
Bản phúc trình cũng điểm lại danh sách 12 nhà bất đồng chính kiến bị Việt Nam bỏ tù năm 2018 với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Ngoài ra, báo cáo đề cập đến các vụ tấn công người bất đồng chính kiến như ném đá và vật liệu nổ tự chế vào nhà hoạt động công đoàn độc lập Nguyễn Thị Minh Hạnh, không cấp hộ chiếu cho luật sư Lê Công Định, tạm giữ tiến sỹ Nguyễn Quang A trong nhiều giờ để ngăn cản ông bay đi Australia…Hiện có hơn 180 tù nhân chính trị Việt Nam còn bị giam cầm trong các nhà tù trên khắp Việt Nam, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế.
Duy trì án tử hình
Liên quan đến một số kiến nghị về giảm án tử hình từ một số nước như Nauy, Italy, Bồ Đào Nha, đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam nói “Việt Nam vẫn duy trì án tử hình, xem đây là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”, và rằng điều này hoàn toàn phù hợp với công ước quốc tế.
Đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết đang sửa đổi Bộ Luật hình sự theo hướng hạn chế án tử hình, đồng thời đang xem xét gia nhập công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) để tiến tới xem xét bãi bỏ án tử hình.
Vị này nói việc thi hành án tử hình của Việt Nam luôn ‘công khai và đúng thủ tục của Bộ Luật Tố tụng hình sự’, nhưng từ chối bố số liệu án tử hình và giải thích rằng nó “liên quan đến bí mật nhà nước của quốc gia”.
Theo truyền thông Việt Nam hồi tháng 2/2017, Bộ Công an công bố Báo cáo thi hành án hình sự trong 5 năm (2011-2016) tiết lộ Việt Nam có 1.134 tử tù.
Trong ba năm (2013-2016), có 429 phạm nhân bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và còn một nửa trong số đó chưa thi hành án.
Hai án tử hình gây xôn xao dư luận thời gian qua tại Việt Nam có thể kể đến án của nông dân Đặng Văn Hiến và án của Hồ Duy Hải.
Vụ ông Hiến dùng súng hoa cả tự chế bắn vào đoàn người cho xe ủi vào tàn phá ruộng rẫy nhà ông ở Đắk Nông khiến ba người thiệt mạng, 13 người bị thương đã kéo daift ừ năm 2005 tới nay. Hồi tháng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã yêu cầu xem xét lại vụ án.
Trong khi đó, vụ án Hồ Duy Hải dai dẳng từ năm 2008 tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Ông Hải, sinh năm 1985, bị kết án tử hình trong vụ giết hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Vụ án sau đó được cho là có dấu hiệu bị rút bớt hồ sơ, làm sai lệch bản chất vụ án. Tuy nhiên chục năm nay mẹ và em gái Hồ Duy Hải vẫn phải tiếp tục hành trình kêu cứu, đòi công lý chưa có điểm dừng.
Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền năm 2019 của Việt Nam diễn ra khi vụ việc chính quyền cưỡng chế đất của người dân vườn rau Lộc Hưng tại TP Hồ Chí Minh chưa bớt nóng.
Trước đó, vụ Thủ Thiêm gây nhiều phẫn nộ trong dư luận với hàng trăm hộ dân 20 năm qua tìm công lý, đòi lại nhà, đất bị chính quyền lấy ngoài quy hoạch.
Nguồn: BBC