Ngoài tác động của AI lên việc làm, Stiglitz còn thấy nhiều tác lực nguy hiểm khác. Được trang bị với AI, các công ty công nghệ có thể trích xuất ý nghĩa từ dữ liệu mà chúng ta cung cấp khi tìm kiếm, mua sắm và nhắn tin cho bạn bè của mình. Bề ngoài dữ liệu đó được sử dụng để cung cấp một dịch vụ được cá nhân hóa nhiều hơn. Đó là một viễn cảnh. Mặt khác là dữ liệu của chúng ta được sử dụng để chống lại chúng ta.Stiglitz được trao giải Nobel kinh tế năm 2001 vì những phân tích của ông về thông tin không hoàn hảo trên thị trường. Một năm sau, ông xuất bản cuốn Globalisation and Its Discontents [Toàn cầu hoá và những mặt trái của nó], một cuốn sách đã bóc trần sự vỡ mộng của ông đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế – tổ chức liên kết với Ngân hàng Thế giới – và, rộng, cả với Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Ông lập luận rằng các cuộc đàm phán thương mại bị giật dây bởi các tập đoàn đa quốc gia, gây bất lợi cho người lao động và người dân thường. “Điều tôi muốn nhấn mạnh là đã đến lúc phải tập trung vào những vấn đề chính sách công xung quanh AI, bởi vì những lo ngại [của người lao động và người dân] là một sự tiếp diễn những lo ngại mà quá trình toàn cầu hóa và đổi mới đã mang lại cho chúng ta. Chúng ta đã chậm chạp trong việc nắm bắt những gì họ đang làm và chúng ta không nên lặp lại sai lầm đó một lần nữa.”
Chúng ta đã đi từ một tuần làm việc 60 giờ sang một tuần làm việc 45 giờ và chúng ta có thể đi đến một tuần làm việc 30 hoặc 25 giờ. – Joseph Stiglitz
Tiềm năng các bộ dữ liệu được kết hợp là điều mà Stiglitz lo lắng nhiều nhất. Ví dụ, giờ đây, các nhà bán lẻ có thể theo dõi khách hàng thông qua chiếc điện thoại thông minh của khách hàng, khi họ di chuyển quanh các cửa hàng và có thể thu thập dữ liệu về những gì bắt mắt khách hàng và hiển thị những gì khách hàng bỏ qua.
“Khi tương tác với Google, Facebook, Twitter và các nhà mạng khác, họ thu thập rất nhiều dữ liệu về bạn. Nếu các dữ liệu đó được kết hợp với các dữ liệu khác, thì các công ty có rất nhiều thông tin về bạn như là một cá nhân – nhiều thông tin hơn bạn có về bản thân mình”, ông nói.
“Ví dụ, họ biết rằng những người tìm kiếm theo cách này luôn sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn. Họ biết mọi cửa hàng mà bạn tham quan. Điều đó có nghĩa là cuộc sống ngày càng trở nên không dễ chịu, bởi vì mỗi lần bạn quyết định mua sắm tại một cửa hàng nào đó có thể khiến bạn phải chi trả nhiều tiền hơn. Trong phạm vi mà con người nhận thức được trò chơi này, thì nó đã bóp méo hành vi của họ. Điều rõ ràng là nó mang lại một mức độ lo lắng trong mọi thứ chúng ta làm và làm tăng nhiều hơn nữa tình trạng bất bình đẳng.”
Stiglitz đặt ra một câu hỏi mà ông hoài nghi các công ty công nghệ đã phải đối mặt trong nội bộ. “Cách nào dễ hơn để kiếm tiền: tìm ra một cách tốt hơn để khai thác một ai đó, hay tạo ra một sản phẩm tốt hơn? Với kỹ thuật mới về AI, có vẻ như câu trả lời là tìm một cách tốt hơn để khai thác một ai đó.”
Những tiết lộ nghiêm trọng về cách thức nước Nga sử dụng Facebook, Twitter và Google để can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ cho thấy mức độ hiệu quả mà con người có thể bị chọn làm mục tiêu với những thông điệp cho từng đối tượng. Stiglitz lo ngại rằng các công ty đang sử dụng, hoặc sẽ sử dụng, những chiến thuật tương tự để khai thác khách hàng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như người nghiện mua sắm. “Trái ngược với một bác sĩ có thể giúp chúng ta quản lý nhược điểm của mình, mục tiêu của họ là tận dụng bạn nhiều nhất có thể” ông nói. “Tất cả những xu hướng tồi tệ nhất của khu vực tư nhân trong việc lợi dụng con người được các công nghệ mới này làm trầm trọng thêm.”
Stiglitz lập luận rằng cho đến nay chưa có một chính phủ nào cũng như một công ty công nghệ nào đã làm điều gì đó đủ để ngăn chặn những hành vi lạm dụng như vậy. “Những gì chúng ta có bây giờ là hoàn toàn không thỏa đáng,” ông nói. “Không có hành động gì để hạn chế kiểu hành vi xấu này, và chúng ta có đủ bằng chứng cho thấy có những người sẵn sàng làm điều đó, những người không hề hối hận về mặt đạo đức.”
Stiglitz tin rằng, đặc biệt ở Hoa Kỳ, đã từng có một sự sẵn sàng để các công ty công nghệ giải quyết các quy tắc ứng xử và tuân thủ chúng. Một trong nhiều lý do là sự phức tạp của công nghệ có thể khiến nó trở nên đáng sợ. “Nó lấn át rất nhiều người và phản ứng của họ là: ‘Chúng ta không thể làm điều đó, chính phủ không thể làm điều đó, chúng ta phải để chuyện đó cho những gã khổng lồ về công nghệ.’”
Nhưng Stiglitz nghĩ rằng quan điểm trên đang thay đổi. Có một nhận thức ngày càng tăng về cách thức các công ty có thể sử dụng dữ liệu để nhắm khách hàng làm mục tiêu, ông tin như vậy. “Ban đầu, rất nhiều bạn trẻ đã quan niệm rằng tôi không có gì để che giấu: nếu bạn cư xử tốt, thì có gì phải sợ? Mọi người suy nghĩ: “Có gì hại với điều đó?” Còn giờ đây họ nhận ra có thể có rất nhiều điều tai hại. Tôi nghĩ một bộ phận lớn người Mỹ không còn tin điều tốt về các công ty công nghệ.”
Vì vậy, làm thế nào để trở lại đúng hướng? Những biện pháp mà Stiglitz đề xuất là rất rộng và khó có thể hình dung cách thức chúng có thể được đưa vào thực hiện một cách nhanh chóng. Cấu trúc điều tiết phải được quyết định một cách công khai, ông nói. Điều này sẽ bao gồm những dữ liệu nào mà các công ty công nghệ có thể lưu trữ; những dữ liệu nào mà họ có thể sử dụng; liệu họ có thể hợp nhất nhiều bộ dữ liệu khác nhau hay không; họ có thể sử dụng dữ liệu đó vì những mục đích gì; và mức độ minh bạch mà họ phải cung cấp về những gì họ làm với dữ liệu. “Đây là tất cả các vấn đề cần phải được quyết định”, ông nói. “Bạn không thể cho phép những gã khổng lồ về công nghệ làm điều đó. Điều đó phải được thực hiện một cách công khai với nhận thức về nguy cơ mà các công ty công nghệ đại diện.”
Cần phải có những chính sách mới để kiềm chế thế mạnh độc quyền và phân phối lại của cải to lớn được tập trung vào trong tay của các công ty AI hàng đầu, ông nói thêm. Tháng này, Amazon trở thành công ty thứ hai, sau Apple, đạt được một giá trị thị trường lên đến 1 nghìn tỷ US$. Giá trị thị trường của hai công ty này giờ đây nhiều hơn giá trị thị trường của 10 công ty dầu hỏa hàng đầu kết hợp lại. Stiglitz nói: “Khi bạn có quá nhiều của cải tập trung vào trong tay của một số tương đối ít người, thì bạn có một xã hội bất bình đẳng nhiều hơn và đó là điều xấu cho nền dân chủ của chúng ta.”
Thuế không chưa đủ hiệu quả. Đối với Stiglitz, đây là vấn đề về sức mạnh thương lượng lao động, quyền sở hữu trí tuệ, xác định lại và thực thi các luật cạnh tranh, luật quản trị doanh nghiệp và cách thức hoạt động của hệ thống tài chính. “Đó là một nghị trình rộng lớn hơn nhiều so với chỉ vấn đề phân phối lại [thu nhập]”, ông nói.
Stiglitz không phải là người hâm mộ thu nhập cơ bản phổ quát [UBI], một đề xuất theo đó mọi người đều nhận được một khoản trợ cấp không ràng buộc để trang trải chi phí sinh hoạt. Những người ủng hộ tranh luận rằng, khi các công ty công nghệ thu được nhiều của cải hơn, thì UBI có thể giúp phân phối lại thu nhập và đảm bảo rằng mọi người đều được hưởng lợi. Nhưng, với Stiglitz, UBI là một cái cớ để lẩn tránh trách nhiệm. Ông không tin đó là điều mà hầu hết người dân mong muốn.
“Nếu không thay đổi khung tổng thể về kinh tế và chính sách của chúng ta, thì những gì chúng ta đang hướng tới là sự bất bình đẳng lớn hơn về tiền lương, sự bất bình đẳng lớn hơn về thu nhập và của cải, và một tỷ lệ thất nghiệp chắc chắn cao hơn và một xã hội phân hóa nhiều hơn. Nhưng không có điều nào kể trên là không thể tránh khỏi” ông nói. “Bằng cách thay đổi các quy tắc, chúng ta có thể tiến đến một xã hội giàu hơn, với những thành quả được phân chia bình đẳng hơn, và có nhiều khả năng mọi người có tuần làm việc ngắn hơn. Chúng ta đã đi từ một tuần làm việc 60 giờ sang một tuần làm việc 45 giờ và chúng ta có thể đi đến một tuần làm việc 30 hoặc 25 giờ.”
Ông cảnh báo không có điều gì nói trên sẽ xảy ra ngay tức thì. Cần phải có một cuộc tranh luận công khai mạnh mẽ hơn về AI và việc làm để đưa ra những ý tưởng mới, để bắt đầu. “Thung lũng Silicon có thể thuê một phần không cân xứng [những người làm việc trong lĩnh vực AI], nhưng có thể không có nhiều người hiểu được điều đó, kể cả những người từ Thung lũng Silicon, những người đã trở nên bất bình với những gì đang diễn ra”, ông nói. “Mọi người sẽ, và đã bắt đầu, suy nghĩ về những ý tưởng mới. Sẽ có những người có kỹ năng, cố gắng tìm ra các giải pháp.”
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Phân tích kinh tế, Joseph Stiglitz on artificial intelligence: “We’re going towards a more divided society”, The Guardian, Sep 08, 2018.