Phan Ba dịch từ tuần báo Die Zeit số 15 / 1968 (12/04/1968)
Cáo phó cho các bác sĩ Đức
Ba bác sĩ và một người nữ bác sĩ Đức, những người đã công tác nhiều năm trời ở Huế – họ đã chết. Họ đã bị Việt Cộng giết chết, được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể. Lời cáo phó sau đây là do Tiến sĩ H. C. Nonnemann viết, bác sĩ trưởng đầu tiên của tàu “Helgoland”. Một tường thuật về công việc của ông ấy ở Việt Nam đã được xuất bản dưới tựa “Chúng tôi không hỏi họ từ đâu đến / Bác sĩ ở Việt Nam” của nhà xuất bản Hoffmann & Campe.
Giữa tháng 3 năm 1966, tôi đáp xuống phi trường nhỏ bé ở Huế lần đầu tiên với một phần của phái đoàn chính phủ Đức. Chúng tôi muốn đến thăm các bác sĩ Đức đang giúp xây dựng Khoa Y tại trường Đại học ở đó. Từ căn nhà của phi trường mà hình dạng của nó trông hơi giống một ngôi nhà nông dân vùng Brandenburg, Giáo sư Krainick, bác sĩ nhi khoa, và Tiến sĩ Discher, bác sĩ nội khoa, bước đến phía chúng tôi.
Đối với chúng tôi thời đó, những người mới đến Việt Nam, chuyến đi Huế trong một chiếc DC-6 của Air Vietnam dường như là nguy hiểm. Nhưng những người Đức ở Huế khẳng định với chúng tôi rằng họ có cảm giác an toàn như trong lòng của Abraham vậy. Tuy nhiên, đêm nào Tiến sĩ Discher cũng đưa chúng tôi trở về khách sạn trên chiếc xe Volkswagen cũ kỹ của ông ấy, khách sạn mà thật ra chỉ đi bộ vài phút là đã đến nơi. Chúng tôi an toàn hơn trong chiếc ô tô của ông, ông thuyết phục chúng tôi: vì không ai biết chúng tôi cả, nhưng mọi người đều biết ông và chiếc xe VW của ông.
Lúc đó, Giáo sư Krainick và Tiến sĩ Discher cố tranh cãi cho bằng được, để có thể tiếp tục công việc của họ ở Huế. Năm năm trời, họ đã vượt qua được những khó khăn không thể tưởng tượng được, những cái đi cùng với công cuộc xây dựng khoa – ví dụ như Tiến sĩ Discher đã phải cần đến hơn một năm mới có được đường ống nước máy dẫn vào đến ngôi nhà của bệnh viện do ông chăm sóc. Nhưng những cuộc đấu tranh với các công sở ở Bonn và Sài Gòn còn khiến cho người ta kiệt sức nhiều hơn nữa. Có thời mà các bác sĩ Đức ở Huế còn chẳng biết được ai sẽ trả lương cho họ – và nói chung là liệu có hay không nữa. Chính phủ Nam Việt Nam, lúc nào cũng nghi ngờ Huế, đặc biệt là các phật tử và sinh viên của nó, trong trường hợp tốt nhất thì biểu lộ sự lãnh đạm nghi ngờ; họ thỉnh thoảng phong tỏa các phương tiện cần thiết và sự giúp đỡ. Và nước Cộng hòa Liên bang [Đức] có lúc không hề quan tâm đến các bác sĩ Đức.
Vì thế mà họ cố gắng dai dẳng và kiên quyết: không phải cho Bonn và không phải cho Sài Gòn, mà là vì họ đã nhận sự đau khổ của nhân dân Việt Nam làm việc của chính họ; vì trong đất nước này, một bác sĩ đứng đối diện với mười lăm ngàn tới hai mươi ngàn người dân; vì chỉ việc đào tạo bác sĩ Việt Nam về lâu dài mới cải thiện được sự chăm lo y tế cho người dân. Họ ở lại, ngay khi các khó khăn thường trông có vẻ như không thể vượt qua được. Hàng ngày, hàng tuần, họ bắt đầu lại từ đầu. Bệnh nhân và sinh viên của họ cảm ơn họ.
Rồi khi tôi trở lại Việt Nam trong tháng 9 năm 1966 với chiếc tàu bệnh viện Đức “Helgoland”, một sự cộng tác thân thiện đã tự phát xuất hiện, đặc biệt là với Tiến sĩ Discher, trong phạm vi mà các khả năng thông tin ít ỏi trong đất nước này nói chung là cho phép. Tôi thường cần một lời khuyên từ những người bác sĩ có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam này và đã học được ở họ những điều gì đấy. Đầu năm 1967, Tiến sĩ Alteköster cũng đến Việt Nam và làm việc ở Huế.
Tôi gặp Tiến sĩ Discher lần cuối cùng trong tháng 6 năm 1967. Trên sân hiên đã được mô tả nhiều của khách sạn Continental ở Sài Gòn, chúng tôi đã lập kế hoạch để có thể đánh lừa được sự quan liêu và tiếp tục xây dựng Khoa Y ở Huế mặc cho tất cả các thất bại gây nản lòng. “Anh chắc cũng giống như tôi”, Tiến sĩ Discher nói. “Một ngày nào đó, người ta nhận ra rằng mình yêu đất nước độc nhất vô nhị này và dân tộc này và gắn bó với nó.”
Thời điểm rời Việt Nam của riêng tôi tiến đến gần. Trong tiệc cưới của một đồng nghiệp, ở trên sân thượng của khách sạn Caravelle, tôi đứng với Tiến sĩ Alteköster ở cạnh lan can. Từ đó, người ta nhìn ra xa khắp Sài Gòn và tỉnh Gia Định. Hỏa châu lơ lững ở chân trời, những cái mà “spooky” – chiếc máy bay tuần tra về đêm – ném xuống thành hàng dài. “Tôi còn ở lại”, Tiến sĩ Alteköster nói.
Vào ngày 4 tháng 2 năm 1968, các bác sĩ Đức ở Huế mất tích; làn sóng tấn công của Mặt Trận Dân tộc Giải phóng đã tràn qua họ. Trong lúc đó, người bác sĩ thứ tư từ Huế, bác sĩ Wulff, đã trở về châu Âu từ đầu tháng 12, đang diễn thuyết ở Đức dưới lá cờ của Việt Cộng.
Nhưng không một ai, người đã quen biết với hoàn cảnh ở đó, lại không muốn tin rằng những người mất tích chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện. Họ đã sống nhiều năm trời vì người Việt kia mà? Tuần nào họ cũng chăm sóc các trạm xá trong vùng được gọi là vùng Việt Cộng kia mà? Tất cả chúng tôi đều tin rằng họ đang chăm sóc cho những người bị thương ở đâu đó trong rừng. Đối diện với sự thật, rằng chỉ có ba bác sĩ cho vô số những người bị thương trong thành phố Huế đã bị phá hủy, là một ý tưởng khiến cho người ta lo lắng nhưng tuy vậy vẫn có thể hiểu được.
Mãi đến ngày 3 tháng 4, tin tức mới về đến Đức, rằng Giáo sư Krainick và vợ của ông, Tiến sĩ Discher và Tiến sĩ Alteköster đã được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể ở gần Huế, bị quân đội của Mặt trận Dân tộc Giải phóng giết chết; tức là quân đội của phong trào đó, phong trào mà đối với nhiều người là một đại diện hợp pháp cho dân tộc mà những người bác sĩ này đã sống và làm việc cho họ nhiều năm trời.
Giới chính thức ở Bonn sửng sốt và đầu tiên là có một sự tự phát: bào chữa cho chính mình. Các bác sĩ đó đã được gọi về trước đây nhiều tháng rồi, và chỉ ở lại đó vì họ đã tự xin phép và theo quyết định riêng của họ. Người ta sẽ lo liệu cho tất cả, các thi thể và gia quyến. Người ta đang suy nghĩ, liệu sự giúp đỡ về người ở Việt Nam có thể được thay thế bằng sự giúp đỡ thuần túy về vật chất hay không.
Mỗi người sống trong thế giới của mình như thế đó. Thay thế lòng nhân đạo bằng vật chất? Những con người đó, những con người đã không được bên nào của cuộc chiến tranh này khoan dung, chào mời tiền thay vì bác sĩ?
Trong thế giới của ba người bác sĩ Đức ở Huế, cuộc sống và cái chết của họ cho thấy chỉ một điều là có ý nghĩa: tiếp tục mang ngọn đuốc đi, ở nơi mà nó đã trượt khỏi họ, tiếp tục công việc cho những người khốn cùng của thế giới này, ở nơi mà họ đã phải từ bỏ.
Trong thời mà hàng trăm ngàn người trên đường phố của châu Âu và châu Mỹ làm cho khái niệm Việt Nam ở thành câu khẩu hiệu, và biểu tình cho sự cải mới con người, ba người bác sĩ đó đã hoạt động cho tình người nhiều tới mức cây kim của chiếc cân ngã sang phía họ rất xa. Tất cả những cuộc biểu tình đó đã giữ được bao nhiêu mạng người? Mỗi một người trong số ba người bác sĩ này đã có thể giữ được bao nhiêu?
Đứng lên trên tất cả những tiếng hô Hồ Chí Minh bây giờ là tên họ của ba người bác sĩ bị giết chết và của một người phụ nữ: Elisabetha và Horst Günter Krainick, Raimund Discher và Alois Alteköster. Tên của họ đứng ở cạnh tên của Albert Schweitzer.
Phan Ba dịch từ
http://www.zeit.de/1968/15/mord-an-der-menschlichkeit