5.2.2019
Y Chan
Tháng 5/2018, trong một video ngắn xuất hiện trên mạng xã hội ở Bỉ, Tổng thống Mỹ Donald Trump với phong thái bộc trực thường thấy, nhìn thẳng vào ống kính, nói với người dân Bỉ:
“Các bạn thấy đó, tôi đã có gan để rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, và các bạn cũng nên làm vậy. Vì ở Bỉ các bạn đang làm việc rất tệ. Các bạn gật đầu ký tên, nhưng chẳng có bất kỳ hành động cụ thể nào, chỉ có blè blè bô lô ba la. Các bạn thậm chí còn thải ra nhiều chất ô nhiễm hơn cả trước khi ký hiệp định. Nhục! Quá nhục! Ít nhất tôi còn dám chơi dám làm. Mọi người yêu mến tôi vì tôi chơi được. Tôi là người chơi được nhất trên quả đất này. Vậy nên, người Bỉ, đừng đạo đức giả nữa, hãy rút khỏi Hiệp định khí hậu.”
Đoạn phim ngắn này lập tức tạo phản ứng mạnh với nhiều bình luận nổi giận trút xuống “kẻ láo toét” Trump, không lo giải quyết hàng ngàn vấn đề nội bộ của nước mình mà dám chĩa mỏ vào dạy đời người khác.
Donald Trump không lạ gì với những phát ngôn gây kích động, chia rẽ, từ nhiều năm trước khi ngồi lên ghế Tổng thống. Nhưng lần này Trump bị oan.
Đoạn phim là “tác phẩm” được một đảng cánh tả ở Bỉ, Socialistische Partij Anders, đặt hàng một studio thực hiện, với ý định “gây chú ý, sau đó hướng mọi người đến việc kêu gọi chính phủ Bỉ hành động quyết liệt hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu”.
Nhưng khi nhận ra có quá nhiều “công dân nghiêm túc” tưởng đây là thật, những người đăng đã phải chữa cháy bằng việc đính chính với từng người một rằng “Này, cái đấy là đùa thôi. Trump không nói vậy đâu.”
Trả lời phỏng vấn, những tác giả của đoạn phim chế cho rằng với chất lượng hình ảnh kém và những cử động không hoàn toàn khớp với lời nói, người xem phải dễ dàng nhận ra nó không có thực. Chưa kể, họ đã “cho” Donald Trump nói lời cuối cùng trong đoạn phim, “Biến đổi khí hậu là xạo thôi, giống như cái video này vậy.” (Câu cuối đó không được dịch phụ đề tiếng Bỉ, thay vào là thông điệp hành động và đường link dẫn đến bản kiến nghị về biến đổi khí hậu)
Có lẽ người ta đã đánh giá quá cao năng lực xét đoán của người xem.
Trước đó, vào tháng 4/2018, trong một video ngắn do đạo diễn Jordan Peele thực hiện, được trang BuzzFeed tung ra, người xem thấy cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi người kế nhiệm Trump là “một cục cức đần thộn” (tạm dịch từ “a total and complete dipshit”). Video này được đưa ra để minh họa về mối nguy hại của những đoạn phim chế do máy tính dàn dựng.
Những video chế này, dù chất lượng còn kém, đã gây hoang mang dư luận về một hiểm họa mới: “deepfake” (siêu giả), công nghệ mà người ta có thể dùng để tạo ra những video trông như thật.
“Deepfake” được xem là ghép từ “deep learning” (thuật ngữ dùng để chỉ phương thức tự học, tự đào sâu khai thác dữ liệu của trí tuệ nhân tạo) và “fake news” (tin vịt/ tin giả). Nó dùng để chỉ những nội dung giả được tạo ra bằng việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence).
Nhiều người làm truyền thông và giới chính trị gia đã sốt sắng bàn thảo cách để đối phó trước “thảm họa” này.
Liệu “deepfake” có trở thành ngày tàn của sự thật? Hay người ta đã mất niềm tin vào sự thật từ lâu, khi ở đâu cũng thấy nhan nhản hai chữ “tin vịt”, và khi mà “facts” (sự thật) có vẻ như không còn chỗ đứng trước cơn sóng thần “fake” (giả tạo)?
Rốt cục thì “fake news” là gì? Từ đâu ra? Có bao nhiêu loại? Làm sao xóa hết “fake news”? …
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những góc cạnh về một trong những chủ đề nóng hổi nhất hiện nay.
“Tin vịt” là gì?
Hai chữ “fake news” cùng với sự lên ngôi của nó có lẽ là một trong những “thành tựu” mà Donald Trump tự hào, khi Trump nhận mình là người đầu tiên dùng thuật ngữ này.
Bản thân việc Trump nhận là người đầu tiên đó đã là một “fake news”, vì từ này đã được sử dụng từ ít nhất là hơn một thế kỷ trước đó.
Donald Trump không phải là người đầu tiên sáng tạo hay sử dụng hai chữ “fake news”, nhưng nhiều người đồng ý rằng Trump là một trong những công thần biến từ đó trở thành một thuật ngữ “thời thượng” như hiện nay.
Trong suốt thời gian vận động tranh cử và sau khi thắng cử vào năm 2016 cho tới nay, Trump đã dùng “fake news” để chỉ gần như bất kỳ nội dung tin tức nào mang tính tiêu cực về mình.
Hiệu ứng của cuộc bầu cử tổng thống ồn ào ở Mỹ đã lan khắp thế giới cùng với sự phổ biến của “fake news”, cả về tên gọi lẫn nội dung của nó.
Vậy “fake news” là gì?
Nó đơn giản nghĩa là “tin vịt” (hay tin láo, tin giả).
Thế nào là “tin vịt”?
Hỏi 13 người, hết 13 sẽ trả lời đó là tin không thật. (Đây là kết quả theo khảo sát bỏ túi của người viết, khuyến khích bạn đọc tự làm khảo sát của riêng mình)
Vậy để định nghĩa “tin vịt”, nhất định ta phải định nghĩa được “tin thật”, hay “thật” là gì.
Theo cách hiểu đơn giản nhất, “thật” (real) là một tính chất gắn liền với “thực tế”, hay “hiện thực” (reality).
Cái gì là “thực tế”, là “hiện thực”?
Bất kỳ thứ gì mà sự tồn tại của nó có thể được xác nhận (verify/ confirm).
Xác nhận bằng cách nào? Bằng những công cụ mà nhân loại sở hữu.
Thứ công cụ cơ bản nhất mà con người có để xác nhận thực tế chính là các giác quan. Những thứ có thể dùng mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm và cơ thể chạm vào, ta xem nó là thật.
Nếu chỉ có nhiêu đó, thế giới thực của nhân loại hẳn là sẽ không rộng hơn bao nhiêu so với các loài động vật khác, có khi còn nhỏ bé hơn.
Cái làm cho thế giới thực của con người rộng lớn và phức tạp hơn ngàn lần các loài khác là các công cụ mở rộng. Những công cụ như kính viễn vọng, máy thu âm, máy chụp X-quang, tai nghe, điện thoại, máy chụp hình … giúp chúng ta xác nhận được gấp nhiều lần những thông tin về thế giới này so với việc chỉ dùng các giác quan có sẵn.
Làm sao ta biết được những thông tin có được từ các công cụ đó là thật? Vì ta biết được cách chúng hoạt động, và tương ứng với nó là cách thế giới này hoạt động. Ta biết được cách ánh sáng hoạt động, từ đó tạo ra công cụ để thu lại hình ảnh. Ta khám phá và biết được cách hoạt động của tia X, từ đó tạo ra công cụ để ứng dụng nó nhìn những thứ mà mắt thường không thấy được. Ta biết cách âm thanh được truyền tải, từ đó tạo ra những công cụ để thu lại tín hiệu tương ứng.
Tuy nhiên, thứ giúp cho thực tại của nhân loại mở rộng ra gần như vô hạn không phải là những công cụ mở rộng đó, mà là công cụ tư duy, trong đó có khả năng tư duy logic và trí tưởng tượng.
Nếu đang đi ngoài đường và bỗng thấy tóc mình nhờn nhợt ươn ướt, đưa tay lên phát hiện đang chạm vào một thứ nhão nhão thối thối, cùng lúc một chú chim bay lướt qua đầu, bạn hoàn toàn có thể kết luận chú chim kia là tác giả của đống phân trên đầu mình, dù không hề trực tiếp chứng kiến bắt quả tang hành động đó.
Đó là vì bạn biết trọng lực trên trái đất hoạt động thế nào (một thứ chỉ rớt từ trên xuống chứ không rơi từ dưới đất lên), bạn biết cơ chế sinh học của sinh vật nói chung và chim nói riêng (mọi sinh vật đều thải ra phân), bạn biết đặc điểm của phân (không hề thơm), và đặc biệt là nếu đã từng có trải nghiệm ngọt ngào với phân chim, bạn chắc chắn xác lập được thực tế chuyện gì đã xảy ra.
(Đương nhiên đó là khi bạn đã loại trừ đi những khả năng khác, ví dụ như có người gần đó cố tình chơi khăm, hoặc bạn đã “dính đạn” từ trước đó nhưng không để ý cho tới khi chú chim vô tội này vô tình bay qua bị kết án oan…)
Như vậy, thực tế, hay những gì được xem là thật, hoàn toàn phụ thuộc vào hiểu biết của bạn về thế giới này.
Đây là điều có vẻ quá hiển nhiên nhưng cực kỳ quan trọng, luôn phải ghi nhớ.
Hiểu biết về thế giới bị bó hẹp, khả năng phân biệt thật – giả sẽ bị hạn chế theo.
Tóm lại, nếu tin thật là những thứ có thể xác nhận sự tồn tại, thì tin vịt là những thứ được xác nhận là không tồn tại.
Đó là cách hiểu theo logic. Trên thực tế, phạm vi của “fake news” (tin vịt) bao gồm cả những nội dung không/ chưa thể xác nhận sự tồn tại. Lý do là vì những tin không/ chưa thể xác nhận đó được sử dụng phổ biến như tin thật, gây tác hại cũng tương tự như những tin đã được xác nhận là giả.
Chính những nội dung không/ chưa thể xác nhận này mới chiếm đa số và cách người ta ứng xử với chúng là thứ gây phiền toái nhiều nhất.
Tin vịt từ đâu ra?
Nếu hiểu tin vịt theo định nghĩa ở trên, ta dễ dàng nhận ra thứ gọi là “fake news” không hề mới mẻ. Nó xuất hiện từ cả trăm ngàn năm nay. Nó là một tác dụng phụ của trí thông minh: khả năng nói dối.
(Bạn cũng có thể cho nó là tác dụng chính của trí thông minh, nếu nhớ lại những truyện cổ tích như “Trí khôn của ta đây”, hay cả “Tấm Cám”)
Từ khi biết nói, con người đã biết dối. Thời kỳ sơ khai, việc lan truyền lời nói dối (tin vịt) chủ yếu thực hiện qua phương thức truyền miệng. Ai nói giỏi hơn, nói to hơn, sẽ truyền được nhiều tin hơn. Phe nào có nhiều người nói hơn, tin tức của phe đó sẽ lan đi rộng hơn. Từ thuở ban đầu đó, những người kể chuyện và những người truyền tin đã đóng vai trò quan trọng.
Người ta vẫn còn nhớ truyền thuyết về nguồn gốc của môn chạy việt dã, khi Pheidippides chạy bộ một mạch từ Marathon, nơi diễn ra trận quyết chiến giữa quân Ba Tư xâm lược và quân Hy Lạp, về đến Athens để báo tin chiến thắng. Theo lời kể, Pheidippides khi về đến Athens chỉ kịp nói lên mấy tiếng “Chúng ta đã thắng” rồi ngã gục xuống chết.
Các loại tin vịt xuất hiện nhiều nhất ở những chiến dịch tuyên truyền trong các cuộc xung đột. Từ chiến thắng vang dội ở Kadesh của người Ai Cập vào thế kỷ 13 trước Công nguyên (thực chất là đánh hòa) cho đến những tin đồn râm ran góp phần dẫn đến cái chết của Mark Antony, một trong những vị tướng nổi tiếng của đế chế La Mã, vào thế kỷ thứ Nhất trước Công nguyên. Khi các tôn giáo tranh giành ảnh hưởng với nhau, những tin tức tiêu cực về “phe kia” cũng xuất hiện ngày một nhiều. Từ tin đồn người Thiên Chúa giáo có các nghi lễ ăn thịt người và loạn luân cho đến tin đồn người Do Thái giết trẻ con theo đạo Thiên Chúa để lấy máu cho các nghi lễ của họ.
Cho đến trước thế kỷ 15, ưu thế về lan truyền tin tức, và cùng với đó là tin vịt, thuộc về những người có quyền lực, địa vị, và giàu có. Họ có thể dùng lực lượng chuyên nghiệp để truyền tin, tạo ra ấn tượng về độ phủ và sự tin cậy. Chữ viết và kỹ thuật in ấn dù đã được phát minh ra vài ngàn năm trước đó nhưng vẫn chưa được phổ biến đến toàn dân. Các công cụ đó, và những tri thức được truyền tải, chủ yếu do tầng lớp quý tộc, có đặc quyền đặc lợi nắm giữ.
Định kiến phải nghe lời, tuân phục những người có quyền lực (authority bias) một phần xuất phát từ đây.
Sau thế kỷ 15, khi Cách mạng in ấn diễn ra, việc lan truyền thông tin, phổ biến ý tưởng mới được “dân chủ hóa”. In giấy báo, tờ rơi, sách truyện … không còn là đặc quyền của một nhóm nhỏ người. Số người nắm giữ các công cụ truyền tin hiện đại giờ đây tăng theo cấp số nhân. Cuộc cách mạng này dẫn đến sự ra đời của một lực lượng quyền lực quan trọng: báo chí.
Báo chí giúp phá bỏ thế độc quyền về tin tức của chính quyền, lan tỏa kiến thức đến số đông người dân. Nhưng những người làm báo cũng có trí thông minh, và vì vậy cũng chịu tác dụng phụ của nó. Những tin vịt cùng với đó bắt đầu sinh sôi nảy nở.
Một trong những trường hợp kinh điển thường được nhắc đến là “Cú lừa đảo mặt trăng” (The Great Moon Hoax). Năm 1835, tờ báo The Sun ở thành phố New York đăng bài viết nhiều kỳ về khám phá thế kỷ: tìm ra nền văn minh mới trên mặt trăng.
Minh họa về “nền văn minh” được khám phá trên mặt trăng – Ảnh từ The Sun vào thời điểm phát hành. Nguồn: Wikipedia.
Bài viết tường thuật về nghiên cứu của nhà thiên văn nổi tiếng vào thời đó, John Herschel, mô tả ông đã quan sát mặt trăng qua viễn vọng kính và kinh ngạc thế nào về những khám phá vô tiền khoáng hậu của mình.
John Herschel, cách đó vài ngàn km, không hay biết gì về “thành tựu vĩ đại” này của mình cho tới vài tuần sau đó.
Vào thời đó, các “nhà láo” như của The Sun có thể ung dung lôi kéo độc giả suốt nhiều kỳ của câu chuyện tưởng tượng này vì tốc độ phản hồi vẫn còn chậm, nhanh nhất cũng mất vài tuần “nạn nhân” mới biết tin và có thể phản hồi xác minh.
Việc phổ cập in ấn, sau đó là phát minh ra điện, rồi ứng dụng của điện trong việc tạo các thiết bị truyền thanh, truyền hình càng chắp thêm cánh cho việc lan truyền tin tức. Tốc độ sản xuất, truyền đạt và tiếp nhận thông tin được rút ngắn từ đơn vị tháng, tuần xuống còn ngày, giờ. Số lượng tin tức, và đi cùng với đó, luôn luôn, là số lượng tin vịt, cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Đến khi Internet được phát minh, các thiết bị vi tính cá nhân được phổ cập (từ máy tính để bàn đến laptop và đặc biệt là điện thoại thông minh ngày nay), cùng với sự ra đời của mạng xã hội, thì tốc độ tạo ra, lan truyền nội dung tin tức lại được rút xuống; từ tính theo ngày, giờ chỉ còn tính theo phút, giây. Sự phổ cập của các công cụ giúp cho bất kỳ ai, chỉ cần một chút hiểu biết, có thể tự mình tham gia cuộc chơi, vừa là người tạo ra nội dung, vừa chủ động lan truyền thông tin.
Nó khiến nhiều người nhận định chúng ta đang ở trong “thời đại hoàng kim của tin vịt”.
Có thật là vậy không?
Bản thân nhận định trên đã có thể được xem là một loại “tin vịt”: một nhận định dựa trên dữ liệu thiên lệch, bị bứng ra khỏi ngữ cảnh.
Ngữ cảnh, hay bức tranh đầy đủ, là chúng ta đang ở trong thời đại hoàng kim của tất cả các loại tin tức, tri thức nói chung. Sự nở rộ các thể loại tin tức tri thức đó, giống như lịch sử xuyên suốt của nhân loại, luôn luôn đi kèm với các loại tin tức bịp bợm, kiến thức lừa phỉnh.
Hai cách nói này có gì khác nhau?
Thoạt nhìn qua nó đều dẫn đến cùng một kết luận: tin vịt đang nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng đây là hai cách tiếp cận vấn đề rất khác biệt, và từ đó cũng dẫn đến cách phản ứng rất trái ngược nhau.
Có thể liên tưởng đến hình ảnh các con đường. Thuở ban đầu, không ai làm đường. Đường đi có được là từ bước chân những người đi qua mà thành. Số lượng người lưu thông qua lại hạn chế. Số lượng tai nạn giao thông (TNGT) tương ứng cũng thấp. Cho đến khi phát minh ra bánh xe, có xe ngựa, con người bắt đầu có nhu cầu làm đường cho bằng phẳng. Rồi đến các phát minh về động cơ, nhu cầu mở rộng làm đường càng tăng. Đường dễ đi, lại đi được nhanh, số lượng người tham gia giao thông tăng gấp bội. Tương ứng với nó là số TNGT cũng tăng lên gấp nhiều lần so với trước.
Nếu nhận định kiểu đường đi rộng, phương tiện thuận lợi làm tăng TNGT, sẽ dẫn đến kết luận lười biếng: cứ dẹp hết đường, cấm hết phương tiện, khỏi ai đi lại, không còn TNGT.
Không có mấy người thông minh nào có cái nhìn phiến diện như vậy về TNGT. Nhưng nhiều người lại đang áp dụng đúng thứ lý sự cùn này để hô hào hạn chế Internet, cấm mạng xã hội, chặn các trang web “có hại”, áp đặt kiểm soát vô lối lên tư tưởng của người dân, chỉ vì những nỗi sợ hãi mơ hồ của họ.
Tin vịt không phải là sản phẩm của Internet, của mạng xã hội, hay của phát minh công nghệ nào. Nó là thứ đã, đang và sẽ tồn tại trong suốt hành trình của nhân loại.
Chống lại tin vịt vì vậy không phụ thuộc vào giải pháp công nghệ.
Nó phải là giải pháp nhắm đến từng con người.
Có bao nhiêu loại tin vịt?
Tùy vào cách phân loại. Có người chia ra bốn loại, có người chia ra năm loại, có người lại chia thành bảy, lại có người chia thành 10 loại.
Một trong những cách xếp loại được trích dẫn phổ biến là của Claire Wardle từ First Draft News, với bảy loại tin vịt:
- Châm biếm (satire/ parody): người tạo ra nội dung này không có dụng ý cố tình lừa gạt để gây hại, nhưng vẫn có thể có người đọc hiểu lầm đó là thật.
- Tạo liên tưởng sai (false connection): dùng cách đặt tít, hình ảnh hoặc chú thích không phù hợp với nội dung.
- Nội dung dẫn dắt không trung thực (misleading content): trình bày thông tin theo cách chụp mũ vấn đề, dẫn dắt người đọc.
- Ngữ cảnh sai (false content): nội dung có thật nhưng trình bày trong ngữ cảnh sai lệch.
- Nguồn tin giả tạo (imposter content): nguồn tin thật bị thay bằng nguồn giả tạo.
- Nội dung bị “chế biến” (manipulated content): thông tin hoặc hình ảnh thật bị cắt xén, thêm thắt, chế lại để lừa gạt.
- Nội dung hoàn toàn ngụy tạo (fabricated content): 100% thông tin sai lệch, không đúng sự thật, tạo ra với mục đích lừa gạt, gây hại.
Nếu cảm thấy bảy loại là quá nhiều, ta có thể đơn giản hóa bằng việc phân loại theo nguồn, hoặc động cơ, tạo ra tin vịt.
Phân theo nguồn sẽ có ba loại: những người thích đùa, những người thích lừa, và những người tốt dễ dãi.
Những người thích đùa là những người tạo ra nội dung giả với mục đích châm biếm, trêu đùa. Những thông tin này của họ thường dễ nhận biết. Bản thân người tạo tin cũng chủ động xác nhận sự sáng tạo này, thay vì chủ ý mập mờ để đánh lừa người khác. Những thông tin từ nguồn này đa phần đều vô hại.
Những người thích lừa là những người chủ động tạo ra tin tức giả để đánh lừa người khác. Họ là nhà máy sản xuất chính cho các tin vịt. Cố gắng phân chia các thể loại tin vịt từ những người này là một việc khó khăn, vì họ sẽ luôn tạo ra những thể loại giả mới, miễn đạt được mục đích của mình.
Có một thực tế là những tin vịt đa phần do những người thích lừa tạo ra, nhưng công lan truyền phổ biến nó lại không phải do họ. Nó là nhờ vào những người bị lừa. Hay những người tốt dễ dãi.
Những người thích lừa chỉ chiếm số ít, những người tốt, hay muốn làm người tốt, lại luôn chiếm số đông. Ấn tượng của chúng ta về một xã hội đầy rẫy tin vịt không đến từ số lượng nội dung giả tạo được dựng nên. Nó đến từ số lượng, hay số lượt chia sẻ, lan truyền các loại tin vịt đó.
Có gì khác nhau?
Rất khác biệt.
Thay vì tập trung nguồn lực để chặn đứng nguồn tạo tin vịt, nếu dùng nguồn lực đó giúp những người tốt, ngoài việc chỉ tốt cái bụng, giờ tốt thêm cái đầu, biết cách tư duy hợp lý, tác dụng chặn đứng tin vịt sẽ hiệu quả gấp bội.
Nếu xem tin vịt là lửa thì những người tốt tiếp tay lan truyền giống như thổi oxy vào cho ngọn lửa bùng lên. Chỉ cần chặn đứng nguồn tiếp oxy này, ngọn lửa tin vịt sẽ lụi tàn.
Vì sao lại châm biếm những người lan truyền tin vịt là “người tốt”?
Bản chất của con người là hướng thiện (chính xác hơn thì đó là kết quả tiến hóa qua hàng trăm ngàn năm). Động cơ làm điều tốt là một trong những động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy con người.
Gần như tất cả những tai ương trong lịch sử nhân loại đều được gắn với những “mục đích tốt đẹp, cao cả, linh thiêng…”.
Hitler phát động Thế Chiến II không phải để giết sạch nhân loại, mà là để “xây dựng tương lai tốt đẹp cho chủng tộc thượng đẳng Aryan”. Những kẻ khủng bố đặt bom giết người vô tội để “thực hiện nghĩa vụ linh thiêng của Chúa Trời giao cho”. Những đạo quân xâm lược luôn hô to chiêu bài hoặc “giải phóng người dân bị áp bức”, hoặc “bảo vệ lợi ích của dân tộc mình”. Những kẻ bạo quyền ngang ngược áp bức thống trị người khác luôn có lý do “chống phản loạn, bảo vệ bình yên, ổn định cho đất nước”.
Tất cả đều dùng những động cơ tốt đẹp. Vì họ cần sự ủng hộ của những người tốt.
Những kẻ tạo ra tin vịt cũng vậy. Chúng luôn dùng những chiêu bài “chính nghĩa”, “chống bất công”, “bảo vệ người tốt”, “chống ngoại bang”, “chống phản động”… để lợi dụng sự nhiệt tình của những người tốt đó.
Như chân lý “nhiệt tình cộng với ngu dốt thành phá hoại”, lòng tốt dễ dãi không suy xét, để bị dẫn dắt không khác gì đồng lõa với cái ác.
Có bao nhiêu lần chúng ta (những người tốt dễ dãi) vô tư chia sẻ những tin tức về “bắt cóc”, về “chương trình phẫu thuật miễn phí”, “kim tiêm HIV giấu dưới ghế trong rạp phim”, “trái cây nhiễm độc từ Trung Quốc”, “công an đánh người”, “phản động gây rối”… mà không một lần mảy may chịu kiểm chứng, gọi cho số điện thoại trong bài để xác minh, tra cứu xác thực hình ảnh minh họa, hay chỉ đơn giản hỏi người chia sẻ đã lấy tin từ đâu ra?
Internet, và đặc biệt là mạng xã hội, tặng cho chúng ta một ảo tưởng vĩ đại: làm người tốt rất dễ.
Chỉ cần một nút bấm là hoàn thành nghĩa vụ làm việc tốt.
Hiếm có ảo tưởng nào tai hại hơn. Nó khiến chúng ta hành động trong vô thức, từ bỏ tất cả mọi trách nhiệm của cá nhân.
“Tôi chỉ chia sẻ thôi!”.
“Tôi đâu tạo ra tin đó!”
“Lỡ nó đúng thì sao?”
“Thấy nhiều người chia sẻ mà!”
…
Chỉ có dẹp bỏ ảo tưởng “làm người tốt thật dễ”, học chịu trách nhiệm cho từng hành động nhỏ của mình, chúng ta mới có thể cùng bảo vệ được sự thật.
Tin ai bây giờ?
Có nhiều tổ chức và cá nhân, từ cấp chính phủ đến phi chính phủ, đã và đang đưa ra những biện pháp để hạn chế nạn tin vịt.
Nhiều chính phủ ban hành các luật mới chống tin vịt, thành lập các lực lượng chuyên trách để kiểm soát. Các biện pháp kiểm soát của chính phủ đều phải cẩn trọng nếu không muốn đi quá giới hạn, xâm phạm quyền tự do của cá nhân. Luật An ninh mạng của Việt Nam là một ví dụ điển hình của việc nhập nhằng giữa mục đích chống nạn tin vịt và áp đặt kiểm soát tự do ngôn luận, dùng các khái niệm mập mờ dễ dẫn đến hành vi lạm quyền của lực lượng công vụ.
Lại có những chính phủ như Đài Loan, nhân cơ hội này đưa chương trình “tư duy phản biện” (critical thinking) vào trường học để giúp học sinh được trang bị những tri thức và công cụ tư duy cần thiết, có thể độc lập suy nghĩ, xác nhận thật giả.
Các tổ chức, cá nhân phi chính phủ đấu tranh chống tin vịt theo những cách riêng của họ. Từ việc lập ra các trang web chuyên kiểm tra xác thực thông tin (fact-checking) như FactCheck, Snopes, Politifact … đến đưa ra các hướng dẫn để người dùng tự học cách xác định mức độ tin cậy của tin tức.
Theo hướng dẫn của IFLA (Liên đoàn quốc tế của các Học viện và Hiệp hội Thư viện), có tám bước có thể làm để xác nhận một thông tin:
- Kiểm tra nguồn tin (để hiểu được nhiệm vụ và mục đích của họ)
- Đừng chỉ đọc có tiêu đề (đọc cả nội dung để biết toàn bộ câu chuyện)
- Kiểm tra tác giả (xem thử nhân vật đó có thật và đáng tin không)
- Kiểm tra các nguồn tham khảo (để đảm bảo nó nói đúng những gì đã trình bày)
- Kiểm tra ngày xuất bản, thời gian ra đời của bản tin (để xem thông tin đó có lỗi thời chưa, có còn liên quan tới tình hình hiện nay không)
- Hỏi lại xem đây là đùa hay thật (để xác nhận nội dung đó có phải là châm biếm hay không)
- Kiểm tra lại định kiến của bản thân (để đảm bảo nhận định của bạn không bị định kiến đó ảnh hưởng)
- Hỏi chuyên gia (tìm kiếm xác nhận từ những người không có liên hệ tới nội dung nhưng có kiến thức trong lĩnh vực đó)
Nói ngắn gọn, để chống lại tin vịt, bạn chỉ cần làm ba việc: kiểm tra, kiểm tra, và kiểm tra.
Kiểm tra tất cả các nguồn tin. Kiểm tra cả “những người đáng tin”. Và đặc biệt là kiểm tra chính bản thân mình.
Tất cả các nguồn tin đều phải được kiểm tra
Nguyên tắc có vẻ hiển nhiên này lại rất thường xuyên bị bỏ qua, khi chúng ta khắt khe với những nội dung trái quan điểm của mình mà lại dễ dãi gật đầu trước những tin tức củng cố cho niềm tin sẵn có.
Nếu bạn ghét công an, sẽ rất dễ dàng gặp phải tình huống đọc thấy một nội dung tiêu cực về lực lượng công an, lập tức bất bình nổi giận, sẵn sàng bình luận ủng hộ, và chia sẻ nhiệt tình để “chống tiêu cực”, “bảo vệ chính nghĩa”… mà không mảy may đưa ra bất kỳ câu hỏi chất vấn nào với nguồn đưa tin. Còn khi gặp những bản tin tích cực về họ, bạn lại rất tỉnh táo truy vấn mổ xẻ từng chi tiết một.
Tương tự với một người ghét Mỹ (hay Trung Quốc), bất kỳ tin tức nào tiêu cực về Mỹ (hay Trung Quốc) đều sẽ được tiếp nhận chia sẻ ngay, còn những nội dung tích cực sẽ được phân tích tìm hiểu “đa chiều” rất cẩn thận.
Đó là biểu hiện của “thiên kiến xác nhận” (confirmation bias), loại thành kiến cơ bản nhất mà bất kỳ ai cũng có: ưu tiên tiếp nhận những thông tin phù hợp với thế giới quan của mình, và loại bỏ những thông tin trái ngược với quan điểm đó.
Nếu không chống lại, hay ít nhất không nhận thức được thiên kiến này, thế giới quan của một người sẽ càng lúc càng bó hẹp, như con ếch trong cái giếng, càng lúc càng tụt xuống sâu, càng lúc càng xa rời thế giới thực bên ngoài.
Thứ đối nghịch với “thiên kiến xác nhận” là “tư duy cẩn trọng” (skepticism) của những người làm khoa học. Nó cũng gần giống với nguyên tắc “nghi ngờ hợp lý/ chính đáng” (reasonable doubt) trong tư pháp.
Một thứ nếu chưa được xác nhận, nó không phải là sự thật; không thể tin vào nó, lại càng không thể dựa vào đó để ra quyết định.
Kiểm tra cả “những người đáng tin”
Trong khảo sát bỏ túi của người viết, trả lời cho câu hỏi “đọc tin tức từ đâu” hoặc “làm sao chống được tin vịt”, có 9/13 người trả lời “đọc từ nguồn chính thống/ uy tín”.
Gần như tất cả chúng ta đều có ít nhất một nguồn tin mà mình cho là đáng tin cậy. Đó là việc bình thường. Nhưng sẽ là sai lầm chết người nếu xem nguồn đáng tin đó là ngoại lệ, không cần kiểm tra.
Những bài viết nhan nhản trên mạng xã hội với khẩu hiệu “share không cần hỏi” lại chính là những nội dung phải dừng lại để kiểm tra kỹ càng nhất.
Đơn giản vì những nguồn tin đó, hoặc là tổ chức, hoặc là cá nhân, và đặc biệt là “chuyên gia”, tất cả đều có thiên kiến của riêng họ, đều có thể dễ dàng bị dắt mũi, bị lừa phỉnh như tất cả mọi người khác.
Trong lịch sử, không thiếu trường hợp những tờ báo uy tín lâu năm ngậm quả đắng khi là nguồn phát tán tin vịt trong một thời gian dài.
The New York Times, một trong những tờ báo uy tín nhất nước Mỹ, vào năm 1990 đã phải đăng đàn thừa nhận chuỗi tin bài về Liên Xô vào những năm 1932-1933 nằm “trong số những bản tin báo chí tệ hại nhất từng xuất hiện trong lịch sử tờ báo”. Walter Duranty, phóng viên được The Times cử đi Liên Xô làm việc, trong suốt thời gian dài đã đưa tin phiến diện, sai sự thật, và đặc biệt là phủ nhận sự tồn tại của nạn đói lịch sử ở Xô Viết vào năm 1932-1933, vốn là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng triệu người. Duranty thậm chí còn được trao giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer vào năm 1934 cho những thành tích báo chí “có chất lượng học thuật, công tâm, sáng suốt”. Mọi sự chỉ vỡ lở nhiều năm sau đó.
Gần đây hơn, tháng 12/2018, tạp chí có lượng xuất bản lớn nhất ở châu Âu Der Spiegel đã phải muối mặt dành 23 trang báo để thừa nhận một trong những scandal tồi tệ nhất trong lịch sử của họ. Claas Relotius, một trong những phóng viên trẻ tài năng, đoạt nhiều giải thưởng báo chí quốc tế, bị phanh phui đã ngụy tạo mười mấy bài phóng sự đăng trên Der Spiegel trong nhiều năm trời.
Thiên kiến dành cho “nguồn chính thống” còn xuất hiện khi nhiều tờ báo cùng đăng một nội dung. Nó khiến người đọc “an tâm” không cần phải kiểm tra.
Vào năm 2017, hai tập hồi ký của Lý Quang Diệu được dịch ra và xuất bản long trọng tại Việt Nam. Các tờ báo ở Việt Nam đều đồng loạt đưa tin và trích dẫn các nội dung của sách. Nội dung được dẫn nhiều nhất là phần Lý Quang Diệu nói về Việt Nam trong chương 19 của tập 2 quyển hồi ký.
Các phần trích dẫn lẫn bản dịch tiếng Việt của quyển sách đều bỏ đi 3 trang đầu nói về căng thẳng trong quan hệ giữa Singapore và Việt Nam vào những năm 1977 (sau vụ không tặc cướp máy bay đáp xuống Singapore) và 1978 (ấn tượng xấu của Lý Quang Diệu với thái độ “ngạo mạn” của lãnh đạo Việt Nam khi đòi Singapore có “nghĩa vụ giúp đỡ Việt Nam vì đã hưởng lợi trong cuộc chiến tranh khi bán hàng cho Mỹ”).
Những đoạn này đều bị bỏ đi, và câu chuyện về Việt Nam được “kể lại” bắt đầu từ cuộc gặp năm 1990 ở Davos giữa Lý Quang Diệu với Võ Văn Kiệt. Trong cuộc gặp tiếp theo vào năm 1991, bản dịch đã tường thuật lại phản ứng của Lý Quang Diệu khi nghe Võ Văn Kiệt đưa ra lời mời ông làm cố vấn kinh tế cho Việt Nam: “Tôi không nói nên lời”. Một số tờ báo của Việt Nam vài năm trước đó cũng đã lược dịch đoạn này với câu “Tôi lặng người đi”. (Nguyên văn bản tiếng Anh: “I was speechless”). Tất cả các tờ báo và bản dịch sách tiếng Việt đều bỏ đi câu tiếp theo trong bản gốc vốn dùng để giải thích cho trạng thái “không nói nên lời” (speechless) của ông Lý.
“Trước đó tôi đã là mục tiêu công kích độc địa của họ kể từ khi họ chiếm đóng Campuchia.” (“I had been the target of their virulent attacks since their occupation of Cambodia”)
Việc cắt đầu cắt đuôi lời của Lý Quang Diệu đã khiến người đọc ở Việt Nam có cảm giác sai lầm về ấn tượng “lặng người đi” của ông Lý, rằng ông đang “cảm động” trước lời mời của lãnh đạo Việt Nam, và rằng ông có “tình cảm đặc biệt” với nước Việt. Một việc hoàn toàn sai lạc so với lời kể của Lý Quang Diệu.
Đây chỉ là một trong vô số ví dụ về hậu quả của việc kiểm duyệt nội dung, tạo ra những thông tin “trông có vẻ thật” nhưng thực chất lại bị dẫn dắt theo hướng hoàn toàn khác.
Ngay cả những thông tin từ bài viết này, nếu bạn tự động xếp nó vào mục “đáng tin”, bạn cũng đang làm trái với nguyên tắc cẩn trọng và nghi ngờ hợp lý.
Một ví dụ là “khảo sát bỏ túi” mà người viết đã nhắc đến hai lần trong bài. Nếu bạn không tin vào những con số mà người viết đưa ra, muốn chất vấn kết quả, đặt ra nghi ngờ về các câu hỏi khảo sát, nhận định số lượng mẫu 13 người là quá ít để có thể cho bất kỳ kết luận đáng tin nào, và thậm chí nghi ngờ khảo sát này có thật hay là ngụy tạo… thì chúc mừng, bạn đã tự tiêm được một liều vaccine chống tin vịt dành cho mình.
(Khảo sát này có thật, nhưng khuyến khích bạn nên tự làm khảo sát cho riêng mình)
Kiểm tra chính bản thân mình
Cuối cùng, thứ duy nhất có thể giữ chân của bạn ở lại với bờ sự thật thay vì bị những cơn sóng tin vịt cuốn đi xa, chỉ có bản thân bạn.
Như đã đề cập lúc đầu, hiện thực của một người phụ thuộc hoàn toàn vào hiểu biết của người đó về thế giới này.
Nếu kiến thức còn hạn hẹp, họ sẽ dễ dàng bị dắt mũi. Nếu chưa biết gì về công nghệ cắt ghép chỉnh sửa ảnh, họ sẽ tin như sấm tất cả những hình ảnh mình xem được, cho dù nó có được chế thô vụng tới đâu. Nếu chưa biết gì về các hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt, họ sẽ ngỡ tất cả những gì chiếu trong phim, trên TV, trên Internet đều không thể là giả được. Nếu không biết ngoại ngữ, họ sẽ chỉ có thể đọc tin “nhai lại”, phụ thuộc người khác mà không có khả năng kiểm chứng. Nếu không biết sử dụng những công cụ, họ sẽ không có khả năng lẫn động lực kiểm tra những thông tin mình nhận được… và còn vô số cái “nếu” khác.
Quan trọng nhất, nếu nhất định “chọn phe” ngay từ đầu, họ sẽ tạo cơ hội cho những loại thiên kiến được sinh sôi nảy nở trong đầu, và đơm ra đủ thứ hoa độc trái giả.
Việc chọn phe cũng giống như gắn sẵn cái lõi lọc trong đầu. Một cái lõi lọc có tốt đến đâu, sau một thời gian cũng dính đầy cặn, phải được thay ra. Cái lọc gắn trong đầu thì rất hiếm khi được thay, vì bản thân người gắn không nhìn thấy được nó đã bám bao nhiêu cặn, tích bao nhiêu thứ dơ bên trong.
Chỉ có một cái đầu mở, tự do mới có thể nhận thức đầy đủ về thế giới xung quanh.
Giống như thế giới này, vốn rộng lớn hơn cả triệu lần so với việc kẻ vạch phân ô “phe ta” và “phe địch”, các tin tức xuất hiện trên đời cũng không bị gói gọn trong hai khái niệm “thật” hay “giả”.
Phần lớn nhất của nó không phải là “thật”, lại càng không phải “giả”, mà là phần “chưa biết”.
Không nhìn ra chân lý đó, sa đà lãng phí thời gian vào những cuộc tranh cãi cho những thứ “không thể xác nhận” nguy hại không kém gì việc tin vào những thứ không có thật.
Rốt cục thì trong bất kỳ thời đại nào, thứ quan trọng nhất không phải là nên “tin ai” hay được “ai tin”.
Điều quan trọng nhất là mỗi người nhận thức được mình biết cái gì, và không biết cái gì.
Làm được điều đó, cho dù là ở thời đại của “fake news” (tin vịt), “deepfake” (siêu vịt) hay cả “quantum-fake” (vịt siêu đẳng) sau này, bạn cũng không có lý do gì phải lo lắng.
Nguồn: Luật Khoa