Seite auswählen

Từ bài tiểu luận “End of History” Francis Fukuyama được xem như là one hit wonder (người chỉ cần một bài viết mà được nổi tiếng) vĩ đại nhất của lịch sử lý thuyết mới. Tuy nhiên, ông tiếp tục dạy học, tiếp tục suy tưởng. Cuốn sách dịch ra tiếng Đức với tựa là “Identität” vừa được xuất bản, trong đó ông thử giải thích tại sao chủ nghĩa Dân túy đang mạnh trở lại. Một cuộc nói chuyện về những phân hóa xã hội hiện thời.

 GREGOR QUACK

5.2.2019

Cho dù nó trông rất đẹp trong khuôn viên của Đại học Stanford ở Palo Alto – ai xem xét kỹ các bảng hiệu tại các tòa nhà có mái lợp bằng sa thạch đỏ có thể cảm thấy như đang có mặt trong một cuốn phim về Chiến tranh Lạnh. Khi Francis Fukuyama không làm việc trong vai trò là giám đốc của Trung tâm về Dân chủ, Phát triển và Luật pháp, người ta có thể tìm ra ông trong văn phòng của ông tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman-Spogli. Các trang trí ở đó thì đa dạng. Ở phía bên trái cửa vào là những bánh xe cầu nguyện Phật giáo được vít vào tường. Các kệ như dự kiến ​​tràn ngập sách và những bài in ra. Giữa chúng tôi trên bàn tiếp khách nhỏ, Fukuyama đã để một loại dùi cui bằng gỗ nặng. Ông Fukuyama cho biết đã mua nó ở Ukraine khi vuốt tay dọc theo những chiếc gai kim loại. Ngay cả sau khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, cây dùi cui vẫn còn nằm trên bàn. Nó dường như đã tìm thấy ở đây một chỗ thích hợp, một nền dân chủ tranh cãi.

 

Ông Fukuyama, ít nhất là tại Hoa Kỳ, tên của ông được nhắc tới tại hầu hết các hội thảo đại học về lịch sử thời hậu chiến. Đó là về một thuật ngữ ông đặt ra khi bắt đầu sự nghiệp hàn lâm của mình – với một bài viết vào năm 1989 được xuất bản trên một tạp chí nhỏ – “End of History”.

Vâng. Và những gì được nói về tôi không phải lúc nào cũng hay ho, tốt đẹp. Tôi không có gì chống lại những lời chỉ trích. Điều làm phiền tôi là bài viết của tôi thường bị xuyên tạc hoàn toàn – thường bởi những người rõ ràng không đọc nó. Khi tôi viết về phần cuối của câu chuyện, tôi không có ý nói rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Mà nó nói về “lịch sử” như Hegel và Marx hiểu nó – như một quá trình hiện đại hóa và phát triển xã hội. Câu hỏi của tôi là: Lịch sử hiện đại sẽ gặp điểm cuối và mục tiêu nào? Marx đã nói rằng, mục tiêu là chủ nghĩa cộng sản, và vào năm 1989, dường như điểm cuối của tôi là sự kết hợp giữa nền dân chủ tự do và nền kinh tế thị trường. Bài báo sau đó cũng được phát triển thành cuốn sách “Sự kết thúc của lịch sử và người đàn ông cuối cùng” (The End of History and the Last Man) của tôi. Và theo một cách nào đó, tôi đã dành phần lớn trong 25 năm qua để viết lại và chỉnh sửa các ý tưởng trong cuốn sách này. Phải thừa nhận rằng điều này bao gồm một số sửa đổi quan trọng. Ví dụ, trong cuốn sách của tôi, tôi đã không nghĩ về khả năng suy sụp chính trị – về khả năng một nền dân chủ có uy tín có thể đi lùi lại.

Điều này đưa chúng tôi đến cuốn sách mới của ông, „Identität“ (Identity: The Demand for Dignity and the Politics of Resentment). Mới đây, “Shutdown” của Donald Trump đã làm tê liệt chính phủ trong vài tuần.

Đối với tôi năm 2016 là một cú sốc. Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ và dân chúng Vương quốc Anh đã bỏ phiếu cho Brexit. Trớ trêu thay, ở hai quốc gia đã phát minh ra trật tự thế giới tự do, nó hiện đang gặp nguy cơ. Đối với tôi, là một người quan tâm sâu sắc đến trật tự dân chủ tự do, thật khó để tiêu hóa. Cuốn sách mới là phản ứng của tôi trước sự gia tăng của khuynh hướng dân túy trong thế giới dân chủ. Trong những thập kỷ gần đây, nền dân chủ đã bị đe dọa từ bên ngoài, bởi các quốc gia độc tài chuyên chế như Trung Quốc hay Liên Xô. Nhưng bây giờ mối đe dọa đến từ bên trong. Chúng tôi có một tổng thống dân túy không tôn trọng các ý tưởng tự do hoặc cộng hòa gì hết. Vấn đề bây giờ là chính những người được gọi là tinh hoa, những người mà bị Trump đang kích động những người ủng hộ ông chống lại, họ hoàn toàn hiểu sai nguyên nhân của sự phát triển này.

Như thế nào?

Các chính trị gia và nhà bình luận tập trung chủ yếu vào các nguyên nhân kinh tế đưa đến chủ nghĩa dân túy, quên đi các nguyên nhân văn hóa quan trọng không kém của sự phát triển này. Trong cuộc tranh luận về Brexit, những người muốn ở lại EU đã cảnh báo một cách đúng đắn trước những hậu quả kinh tế của một Brexit. Vấn đề là họ không khai triển thêm. Họ nghĩ rằng cảnh báo về sự sụt giảm trong tổng sản phẩm quốc gia sẽ đủ để các cử tri có một quyết định hợp lý. Hầu hết những người ủng hộ Brexit không thực sự quan tâm đến kinh tế, nhưng đặc biệt là về các mối đe dọa văn hóa mà họ tin là từ người di cư. Đối với nhiều người, thiệt hại ngắn hạn có vẻ chấp nhận được, bởi vì mối đe dọa văn hóa có vẻ cấp bách hơn đối với họ.

Ông thấy chìa khóa của tình hình hiện tại nằm trong khái niệm “bản sắc”. Ý tưởng này hiện đang được tranh luận sôi nổi ở Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa gì trong trường hợp của ông?

Theo tôi, toàn cả vấn đề có thể được truy cứu gốc tích từ Plato. Cuốn sách “Phaidros” phân biệt ba phần của tâm hồn con người. Hai cái đầu được xác định bởi lý trí và mong muốn. Tôi muốn nói về phần thứ ba, mà ông ấy gọi là “Thymos”. Đó là phần của con người khao khát được công nhận và nhân phẩm. Phần động lực này của con người là vô cùng quan trọng và phổ quát. Nhưng bởi vì nó có liên quan nhiều đến cảm xúc hơn là ra quyết định hợp lý, nên người ta bỏ qua nó một cách dễ dàng, nếu người ta suy nghĩ hoàn toàn về kinh tế.

Theo ý tưởng này, tất cả mọi người khao khát được công nhận theo một cách nào đó.

Các phong trào quốc gia châu Âu của thế kỷ XIX – người Serb, người Séc, người Đức, người Ba Lan – đều quan tâm trên hết đến việc vạch ra ranh giới để người ta có thể cảm nhận về mặt văn hóa và ngôn ngữ ở chính đất nước mình. Tương tự như vậy, phong trào #Metoo hiện tại được tạo thành từ những người phụ nữ coi quấy rối tình dục là vi phạm phẩm giá của họ và là một dấu hiệu cho thấy họ không nhận được sự công nhận thích đáng ở nơi làm việc. Tất cả điều này đối với tôi là chính trị công nhận hoặc bản sắc. Ngay cả một số trường phái Hồi giáo, theo tôi, nên được hiểu là chính trị bản sắc hơn là các phong trào tôn giáo.

Với quan điểm như vậy, ông gộp các nhóm chính trị có khuynh hướng chính trị đối lập nhau làm một. Ông có muốn so sánh phong trào #Metoo với khuynh hướng Hồi giáo quá khích không?

Từ khía cạnh đạo đức, các phong trào này tất nhiên là hoàn toàn khác nhau. Một người da đen bị phân biệt đối xử vì màu da của anh ta có một yêu cầu đúng đắn về mặt đạo đức rằng xã hội phải thay đổi để tốt hơn. Một người theo chủ nghĩa dân tộc trở nên điên rồ hoặc một kẻ khủng bố Hồi giáo không có gì để bào chữa về mặt đạo đức cả. Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả các phong trào này đều tương tự trong cấu trúc tâm lý của chúng. Trong mọi trường hợp, đó là về việc những người này nhận thấy bản sắc nhóm của họ không được công nhận đầy đủ.

Tại Hoa Kỳ, trong những năm gần đây, đã có nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ cánh Hữu, về các phong trào chính trị bản sắc như #MeToo hay „Black Lives Matter“. Đối với ông, chính trị bản sắc là động cơ ở cả hai đầu của quang phổ chính trị. Và ông dường như cũng nhận ra rằng, một số dạng chính trị bản sắc là quan trọng và hữu ích. Câu hỏi còn lại là: Làm thế nào để nhận biết khi nào bản sắc là hữu ích và khi nào nó có hại?

Đó là một câu hỏi rất quan trọng. Khi bạn sống trong một nền dân chủ, bạn thường nghe rằng mọi công dân đều có quyền bình đẳng: tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, v.v. Tuy nhiên, ít nhất là kể từ phong trào dân quyền trong thập niên 1960, lịch sử Hoa Kỳ đã bị chi phối bởi các phong trào chính trị, mà khởi đầu do các quyền này thường không được phản ánh trong thực tế xã hội – ví dụ, vì phân biệt chủng tộc. Những phong trào như vậy là vô cùng quan trọng đối với cuộc đấu tranh cho công bằng xã hội. Nó chỉ trở thành vấn đề nếu việc tập trung vào liên kết nhóm làm cho tất cả các cân nhắc khác không thể thực hiện được. Ví dụ, tại các trường đại học Mỹ người ta thường nghe nói rằng, người da trắng không bao giờ nhận thức đầy đủ về những khó khăn mà các dân tộc thiểu số đang phải đối mặt ở Mỹ. Điều đó cũng có thể có ý tốt trong nhiều trường hợp, nhưng theo tôi về cơ bản là sai.

Tại sao?

Nếu về cơ bản là không thể đồng cảm với những người có những trải nghiệm sống khác, thì sẽ không bao giờ có thể vượt qua sự chia rẽ xã hội. Tôi coi sự hiểu biết nghiêm khắc về ý thức hệ của đa văn hóa cũng là một vấn đề tương tự. Một mặt, tất nhiên, không thể phủ nhận rằng hầu hết các xã hội phương Tây ngày nay là đa văn hóa trên thực tế. Mặt khác, không thể không chỉ trích một số quyết định dựa trên văn hóa. Vấn đề nằm ở chỗ một xã hội tự do chủ yếu không bao gồm các nền văn hóa khác nhau, mà trước hết bao gồm các cá nhân. Vì vậy, ví dụ, nếu một gia đình Hồi giáo bảo thủ gửi con gái của họ trở lại Marocco hoặc Pakistan để kết hôn ở đó trái với ý muốn của cô đó, thì trong một nền dân chủ tự do, điều đó không thể được bảo vệ dưới danh nghĩa tự quyết về văn hóa. Một nhà nước tự do, dân chủ phải bảo vệ quyền cá nhân của người con gái trong trường hợp đó, chứ không phải quyền của gia đình dựa vào bản sắc văn hóa. Tuy nhiên, mối nguy hiểm lớn nhất, theo tôi, hiện đang dựa trên phiên bản cánh hữu của chính trị bản sắc. Ví dụ, tại Hoa Kỳ, người ta nhìn thấy trong những năm gần đây ngày càng có nhiều người, những người muốn đưa đất nước trở lại xã hội ở mức trước năm 1960. Đáng sợ nhất là có nhiều người mà cho là một người Mỹ thực sự có thể được nhận ra được qua màu da. Và tồi tệ nhất là việc ông tổng thống của chúng tôi cũng thuộc nhóm người đó.

Ông đề nghị, để giải quyết vấn đề, các xã hội tự do nên tìm cách thay thế những bản sắc được xác định hẹp như vậy bằng các hình thức mới của bản sắc dân tộc. Ông hình dung nó như thế nào? Ở Đức, chẳng hạn, ý tưởng về lòng yêu nước qua yêu hiến pháp đã có từ lâu, nhưng cảm xúc mãnh liệt cho những ý tưởng như vậy luôn có vẻ khá hạn chế. Các văn bản pháp lý và tài liệu sáng lập có thực sự là cơ sở tốt nhất cho các hình thức tự hào dân tộc mới?

Ít nhất chúng là một khởi đầu tốt. Nhưng ông nói đúng: nó thực sự hơi mỏng nếu một bản sắc dân tộc chỉ bao gồm việc đồng ý tuân theo một vài điều luật. Ngoài ra, có một nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy các mối quan hệ tình cảm đối với cấu trúc dân chủ lớn hơn này và truyền đạt cho dân chúng làm việc hướng tới một mục tiêu chung. Càng phong phú các mối quan hệ tình cảm với các biểu tượng quốc gia mới, thì càng tốt.

Bạn có thể nghĩ về một ví dụ thành công? Dường như nhiều biểu tượng quốc gia hoặc bị phớt lờ đi hoặc được sử dụng theo truyền thống để loại trừ các nhóm riêng lẻ.

Một ví dụ hay mà tôi đối diện, khi gần đây tôi xem cuốn phim “Invictus”. Nó nói về Nam Phi của những năm chín mươi. Vấn đề là trước khi kết thúc phân biệt chủng tộc, đất nước này được chia thành một nhóm thiểu số chơi bóng bầu dục người da trắng và đa số chơi bóng đá người da đen. Cuốn phim kể câu chuyện có thật về cách mà Nelson Mandela đã cố gắng làm người dân da đen cổ võ cho đội tuyển bóng bầu dục, đội Springboks. Nó thể hiện rất hay, lý do tại sao Nelson Mandela là một chính trị gia vĩ đại như vậy: Ông ta hiểu rõ hơn nhiều so với những người kế nhiệm, có bao nhiêu sự chia rẽ xã hội có thể gây tổn hại cho một xã hội dân chủ. Có một câu chuyện rất tương tự ở Hoa Kỳ. Bóng chày được phát minh đặc biệt vào thế kỷ XIX để đánh lạc hướng dân chúng khỏi những vết thương và sự thù địch cũ của cuộc Nội chiến. Và một phần, điều đó thực sự có hiệu quả.

Và chức năng này có thể làm gì hôm nay?

Trong cuốn sách tôi đưa ra một vài gợi ý thận trọng: Một loại năm phục vụ xã hội, một “dịch vụ quốc gia”, sau trung học theo quan điểm của tôi sẽ là một ý tưởng tuyệt vời, ngay cả khi điều đó có thể không thực tế lắm.

Coi như một loại nghĩa vụ quân sự không có súng?

Tại sao không? Các đội quân tình nguyện lớn có thể đã mất đi ý nghĩa quân sự, nhưng người ta không được quên rằng trong nhiều xã hội, quân đội có truyền thống là một trong những cỗ máy hội nhập mạnh mẽ nhất. Ở đâu khác, chả hạn tại Hoa Kỳ, mà ông có thể tìm thấy một nhóm người trong quần chúng từ mọi chủng tộc, giai cấp, tôn giáo?

Thật thú vị khi ngày nay bạn nói về thời kỳ của tổng thống Reagan. Do bài viết „End of History“ của ông, nhiều người ngày nay vẫn coi ông như là những người Bảo thủ Mới điển hình. Ông tự phân loại mình ở đâu trong quang phổ của chính trị Mỹ?

Đúng là tôi bắt đầu như là một người bảo thủ. Nhưng ngày nay tôi sẽ gọi mình là “trung tả”. Có thể nói rằng thực tế đã làm thay đổi tôi. Hai sự kiện đặc biệt có tác động mạnh mẽ. Một là chiến tranh Iraq. Mặc dù ban đầu tôi ủng hộ nó, tôi ngày càng phát triển sự hoài nghi về ý tưởng Bảo thủ Mới là người ta có thể đơn giản cài đặt dân chủ bằng giải pháp quân sự. Sự kiện thứ hai là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những người đoạt giải Nobel đã tuyên bố rằng thị trường tự do sẽ tự điều chỉnh – cho đến khi đột nhiên chúng không làm điều đó nữa. Cuối cùng, bạn cần một nhà nước đặt ra những quy tắc. Tuy nhiên, trên hết, bây giờ tôi tin rằng bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng là một trong những hậu quả quan trọng nhất của những cải cách kinh tế tự do mới (neoliberal). Và nếu người ta không xem xét những phát triển như vậy trên thế giới, thì theo tôi, họ không trung thực. Hiện tại tôi nghĩ chúng ta có thể cần những nguyên tắc Dân chủ Xã hội nhiều hơn ở Hoa Kỳ.

Còn đồng nghiệp và bạn bè của bạn nghĩ gì về vấn đề này? Họ có ý thức hệ linh hoạt và di động như bạn?

Không, nói chung, thật đáng tiếc, hiếm khi các nhà bình luận chính trị thích ứng ý kiến ​​của họ với một thực tế thay đổi. Nhưng một điều thú vị đã xảy ra trong hai năm qua. Khi tôi thay đổi suy nghĩ về cuộc chiến ở Iraq, tất cả những người bạn bảo thủ mới đồng hành của tôi đều từ bỏ tình bạn với tôi. Bill Kristol, Max Boat, David Frum – tất cả các nhà lãnh đạo quan điểm quan trọng hoặc cựu cộng sự của George W. Bush. Trong mười năm chúng tôi không nói chuyện với nhau. Nhưng khi Trump đắc cử, ngay cả những người Cộng hòa cũ này cũng đã làm điều đúng đắn và công khai phản đối các kế hoạch về chính sách đối ngoại của ông ta. Đến bây giờ họ là một trong những nhà phê bình hay được nghe thấy nhất trên các phương tiện truyền thông, và đột nhiên chúng tôi lại có cùng một quan điểm về rất nhiều điều.

Francis Fukuyama: „Identität. Wie der Verlust der Würde unsere Demokratie gefährdet“. Übersetzt von Bernd Rullkötter. Verlag Hoffmann & Campe, 240 Seiten, 22 Euro.

Nguồn: Der Feind kommt von innen , FAZ

VNChi dịch

Quan điểm của F.Fukuyama: 

Thách thức đối với quyền tự do tích cực: Phỏng vấn Francis Fukuyama

“Hoàng đế xấu xa” của Trung Quốc tái xuất

TIẾP SAU CHỦ NGHĨA BẢO THỦ MỚI

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen