Quốc Phương
5 tháng 2 2019
Một trong những thách đố của Việt Nam hiện nay là chạy đua với thời gian để bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử trong bối cảnh các áp lực của phát triển đô thị, kinh tế và công nghiệp.
Hai chuyên gia từ các lĩnh vực lịch sử nghệ thuật và dân tộc học từ thủ đô Paris của Pháp cùng đưa ra một số nhận xét và chia sẻ kinh nghiệm về câu chuyện không hoàn toàn đơn giản này.
“Bảo tồn di sản ở bên Việt Nam có hai vấn đề. Thứ nhất là khi những di tích lịch sử bị hư hại thì thường không nghiên cứu kỹ,” bà Loan de Fontbrune, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật nói với BBC.
“Có thể thấy đa số chỉ lấy sơn sơn lên. Hiện nay các di tích lịch sử ở Việt Nam đều thấy có một màu vàng rất là đậm, rất là xấu, hoặc những gì sơn son thếp vàng thì phết một màu sơn đỏ lòe loẹt – như ở Kinh thành Huế, rất là ghê, và nhiều di tích khác cũng như vậy.
“Vấn đề thứ hai tôi thấy là có nhiều chùa có từ lâu, không bị hư hại gì mà lại bị đập phá để mà xây mới.”
‘Chỉ mua sơn phết lên’
Truyền thông Việt Nam cho hay nhà nước đã tiếp nhận được nhiều sự hỗ trợ của quốc tế và khu vực, nhất là trong giới chuyên gia, từ các dự án trao đổi kinh nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ và can thiệp v.v… nhằm giúp cải thiện cho công việc trùng tu, phục chế, bảo tồn di sản.
Khi được hỏi nếu đã có những hỗ trợ như vậy, tại sao vẫn còn những vấn đề như được nêu ở trên và cần có giải pháp gì khắc phục, bà Loan de Fontbrune đáp:
“Tôi nghĩ là có rất nhiều di tích, cho nên không phải chỗ nào mà cũng có thể có những phái đoàn đến đủ. Nhiều nơi, những làng nhỏ mà không quan trọng lắm thì người dân tự làm.
“Trước hết, theo tôi phải rút kinh nghiệm những nơi đã được trùng tu mà đàng hoàng. Và trước khi trùng tu một nơi thì phải suy nghĩ chín chắn, còn chỉ mua sơn mà sơn lên như vậy thì không được.”
Còn từ góc độ của một nhà dân tộc thực vật học, nhà nghiên cứu Đinh Trọng Hiếu, nguyên giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) nói:
“Có nhiều lắm những điều có thể chia sẻ, nhưng muốn thế phải cụ thể. Tôi có một ước ao từ lâu lắm là cứu vãn những cây cổ ở Việt Nam. Bởi vì những cây cổ đó là đặc trưng của Việt Nam, khác hẳn với những nước láng giềng, nhất là khác với Trung Quốc.
“Chùa chiền Trung Quốc không bao giờ thấy bóng dáng cây muỗm, cây đa, cây gạo, trong khi ở Việt Nam cây gạo, cây đa, cây muỗm và các cổ thụ khác luôn luôn có mặt. Mất đi những cây cổ đó thì chùa chiền mất đi những vẻ dáng đẹp đẽ của mình.
“Nhưng cây không chỉ đóng góp về mỹ thuật, mà cây là môi trường. Môi trường đây là thiên nhiên, mà thiên nhiên ở nhiều nơi khác thì phải đi thật xa mới thấy, còn thiên nhiên ở Việt Nam là ở ngay trong bối cảnh của một đô thị.
“Ở Huế, chúng ta có cung điện đầy cây cỏ. Có ai chăm sóc những cây đó không? Ở Hà Nội, ở nhiều nơi như Hội An cũng thế. Còn có nhiều nơi khác nữa ví dụ đường hành hương lên núi Yên Tử, đường Tùng có từ 800 năm, nay đã hư hỏng rất nhiều và nghiêm trọng. Ai nghĩ đến để mà trùng tu thực vật cổ như vậy?
“Đường hành hương ở Chùa Hương cũng thế, ở Hội An cũng vậy. Những hàng lim cổ thụ – chuyên gia nào của UNESCO để ý đến? Mình còn không biết của của mình quý ở nơi nào, thì nhờ gì ở chuyên gia nước khác đến để người ta thấy hộ?
“Mình phải chỉ cho người ta, chứ không phải đợi cho người ta chỉ cho mình. Mà mình không biết của báu của mình ở đâu, thì khó chỉ cho thiên hạ lắm! Cho nên những nơi tôi thấy có vấn đề nghiêm trọng như Chùa Thầy – là một thắng cảnh đẹp như thế, thờ Đức Từ Đạo Hạnh, là một ông Thánh không phải của ngoại lai mà là của chính bản địa – mà lại không biết giữ gìn!
“Cây gạo đến mùa nở hoa thì cụt mất đầu, mà đức Từ Đạo Hạnh thờ ở trong chùa, gian giữa, mà bây giờ phết son lên mặt, trông thấy hổ tủi! Nhưng mà những chuyện đó không phải chúng ta hùng biện nói với nhau ở đây mà thôi, mà phải nhìn thấy hình ảnh.”
‘Vốn quý mà không biết’
Và nhà dân tộc thực vật học nói thêm:
“Tôi chụp một bức ảnh từ 1982, đưa lên một bức ảnh bây giờ thì thấy một sự khác biệt. Nơi am nhỏ ở giữa hồ để dùng làm chỗ cho múa rối nước. Múa rối nước cũng là một nghệ thuật. Khi thiên hạ hành hương tới, thì dùng múa rối nước vừa là một thứ hiến dâng cho thánh thần, vừa là một thứ giải trí cho công chúng. Bây giờ nơi như thế, đằng sau nhà cửa mọc tùm lum, quét sơn vàng, sơn xanh, sơn đỏ, chẳng ra một thể thống gì.
“Bây giờ mình còn làm kinh tế, mình còn lấy du khách thập phương, người ta không đếm xỉa đến những chuyện đó, người ta chỉ tính đến chuyện lấy ngoại tệ hoặc thu tiền, nhưng mai du khách họ sẽ khó khăn hơn, họ sẽ có cái nhìn phê phán. Họ càng ngày càng được thông tin, thì càng biết nét đặc thù của Việt Nam là gì, họ sẽ không đến những nơi đó nữa.
“Dần dà như thế, vốn liếng của mình, mình không biết, không giữ, thì làm sao thu hút khách thập phương được? Thành ra càng ngày càng mất mát đi!”
Về kinh nghiệm đã thành công và chưa thành công trong lĩnh vực trùng tu, bảo tồn văn hóa, nhà nghiên cứu Loan de Fontbrune đưa ra một số nhận xét:
“Ở Việt Nam, tôi thấy có một nơi mà giữ được là ở Hội An, Hội An không có xe cộ, không có xây cất nhà cao tầng. Hiện giờ ở phía bên kia bờ sông hình như là có bắt đầu xây, nhưng thành phố cổ Hội An thì chỉ có đi bộ, không có xe, không xây cất, không ồn ào, thì cái đó rất là tốt.
“Ngoài ra, ông Đinh Trọng Hiếu nói đúng, ngày xưa chúng ta đi chùa Thầy – một nơi rất đẹp, bây giờ đến chùa Thầy không có thể chụp một tấm hình của chỗ múa rối vì xung quanh nhà cao, rồi buôn bán tùm lum cả.
“Những nơi cổ kính như vậy, như Mỹ Sơn, khi tôi đến nơi, nhạc múa om sòm, nghĩa là không còn cổ kính nữa. Đấy là vấn đề.”
‘Đừng vì lợi ích nhỏ’
Giữa một bên là nhu cầu trùng tu, bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử, một bên khác là nhu cầu phát triển, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp, đô thị, khi nảy sinh xung đột sẽ cần phải giải quyết như thế nào cho hợp tình, hợp lý. Về thách đố này, bà Loan de Fontbrune chia sẻ:
“Chúng ta nên lấy những ví dụ của nước ngoài như thành phố Paris, như những thành phố cổ kính ở châu Âu. Những gì cổ kính thì phải tôn trọng, chúng ta đưa xây cất đi ra ngoại ô.
“Những nơi nào mà có di tích lịch sử, vấn đề du khách cũng không thể để tùm lum được. Giống như bên Angkor Wat ở Campuchia bây giờ cũng có quá nhiều du khách. Cho nên những cái đó phải rất kỹ lưỡng. Nếu không các di tích lịch sử sẽ bị hư hại vì số đông, vì ô nhiễm. Những vấn đề đó rất quan trọng.”
Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật lấy thêm một ví dụ khác từ các quốc gia trong khu vực, cận kề Việt Nam như một bài học tham khảo, bà nói:
“Lấy một ví dụ là Singapore, hồi xưa Singapore cũng vậy, cũng đập phá hết những gì là xưa. Rồi sau đó một thời gian họ mới thấy đó là một vấn đề nghiêm trọng khi phá hoại như vậy. Bây giờ họ lại xây trở lại những nơi rất đẹp và du khách đến đông hơn, ví dụ như vậy.”
Nhà nghiên cứu dân tộc thực vật học Đinh Trọng Hiếu đưa ra thêm một số ví dụ về cách thức ứng xử với văn hóa, môi trường, cảnh quan liên quan tới hệ thực vật lâu niên và cổ gắn với đời sống văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, ông nói:
“Tôi không lấy ví dụ Hà Nội bởi vì chúng ta quá biết nhiều rồi, nhưng muốn nói thì nói, cây đa ở cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn đó bây giờ đâu? Mất tiêu rồi! Cây đa ở Cổ Loa đẹp như thế! Biết bao nhà nhiếp ảnh, nhà quay phim Liên Xô trước đây đến quay phim. Bây giờ còn gì đâu?
“Nhưng tôi sẽ không nói chuyện đó. Tôi nói đến hai trường hợp chè cổ thụ ở Suối Giàng, không biết quý vị đã được dùng thứ chè Sơn Tuyết chưa? Nó thơm ngon vô cùng và không có độc hại. Đó là một đặc sản kinh tế ở Việt Nam. Người ta không biết giữ, người ta bứng những cây đó đưa về Hà Nội để làm cây cảnh cho những dinh thự của đại gia.
“Tôi thấy cái này vi phạm về môi trường, vi phạm nền văn hóa cổ của người H’mông ở vùng Yên Bái. Trước khi hái chè, người ta còn thờ cúng. Thế mà bây giờ bứng cả cây về Hà Nội để làm gì? Nay mai các cây đó chết thôi vì đó không phải là môi trường tự nhiên của các cây đó. Chúng không thể sống được và đấy là một thí dụ.
“Còn xóa đói giảm nghèo, ta lấy thí dụ chùa Trăm Gian, ở tháp chuông đẹp như thế, chung quanh có bốn cây thông cổ mà thiên hạ tưởng xóa đói giảm nghèo, mỗi ngày đi vặt một miếng vỏ để lấy nhựa thông. Đấy là cái nhìn rất ngắn hạn.
“Nếu chúng ta có cái nhìn quán xuyến, sâu suốt từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, thì ta sẽ thấy đấy là một cảnh quan rất đẹp, có thể thu hút hơn hàng nghìn lần cái tiền lấy từ nhựa thông ra làm sơn. Cái lợi ích đó nhỏ lắm, đấy không phải là phương thức xóa đói giảm nghèo dài hạn.”
Cần lưu ý thế nào?
Trước câu hỏi, nếu được mời tham gia trong một dự án trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử ở Việt Nam, thì các nhà nghiên cứu sẽ lưu ý chính quyền điều gì khi tư vấn, trước tiên bà Loan de Fontbrune nói:
“Tư vấn thì thứ nhất là khi chưa biết rõ, chưa chắc chắn phải làm gì, thì tốt nhất nên giữ (nguyên trạng) như vậy, rồi để thời gian nghiên cứu, còn nếu không thì sẽ làm hư hại. Mà một khi đã hư hại rồi thì không thể nào cứu vãn. Nghĩa là mất luôn! Một sự mất mát rất lớn cho các thế hệ sau.”
Đến lượt mình, ông Đinh Trọng Hiếu nói:
“Tôi lấy ví dụ rất cụ thể. Không phải là chúng tôi sẽ về đề chỉ giảng bài học cho chính quyền mà cho dân gian, mà chính chuyên gia trong nước nên học dân chúng trước đã. Những chuyện nhỏ nhặt lắm là chuyện chặt cây, chặt cành. Chặt cành thì chặt sát nách cây cối, để những phần còn lại nó không bị nước mưa ẩm làm hư hỏng và nó sẽ liền da, liền vỏ.
“Những chuyện này chúng ta cứ nói là bảo quản cây cổ, cây di sản, rồi gắn cả huy chương cho cây di sản nữa, nhưng mà chặt cành không tốt thì một ngày kia nó thối, nó hư, mục, nó đổ. Đó là những cây long não cổ mà không biết bao nhiêu người đến chụp hình ảnh lưu niệm chung quanh, nhưng nhìn một cái lên trên, tôi hết hồn. Bởi vì cành đó mục, không biết sẽ rơi vào đầu những người đến chụp hình lưu niệm vào lúc nào.
“Thế mà cây đó có mấy trăm năm rồi, ít nhất là 400 năm, mà không thấy những chuyện đó để mà giữ gìn nó. Ví dụ khác là cây long não ở Việt Nam hay có những trường hợp như chim ăn quả đa rồi phóng uế trên cành. Rồi hạt đa ký sinh luôn trên cổ thụ và như thế chung quanh chằng chịt rễ. Đấy là trường hợp cây ‘bóp cổ’. Chỉ cần hai, ba cho đến mười năm, cây là cổ thụ mà trên đó có cây đa ‘bóp cổ’ như thế sẽ chết.
“Thế mà nhìn một cái như thế mà không biết chăm sóc. Người khác từ phương xa về để chỉ, trong khi kinh nghiệm của dân chúng thì vườn cây của người ta có những trường hợp như thế đâu. Thế nhưng tại sao nơi công cộng, họ lại không góp ý. Tại sao chính quyền lại không nghe người ta? Mất hết,” ông Hiếu bình luận.
“Cha ông có bao nhiêu kinh nghiệm để lại từ xưa đến giờ thì nên học hỏi, học hỏi những người lớn tuổi, từ xưa đến giờ họ biết hết những chuyện đó, nên học hỏi họ trước hết,” bà Loan de Fontbrune nói thêm với BBC.
Nguồn: BBC