Seite auswählen

 

Minh Minh dịch

Giới thiệu
Trong thế kỉ 20, nhà nghiên cứu lịch sử các ý tưởng, Isaiah Berlin (1909 – 1998), đã cố gắng phân biệt giữa, như ông gọi, khái niệm tự do “tích cực” và khái niệm tự do “tiêu cực” trong lịch sử tư tưởng chính trị. Trong tập tiểu luận danh tiếng và nhiều ảnh hưởng, “Hai khái niệm Tự do” (1958), ông nghiên cứu các cách giải thích trong quá khứ về tự do, đồng thời chỉ ra sự tương đồng và khác nhau giữa chúng. Ông cũng tìm cách phân tích và đánh giá hai khái niệm khác nhau về tự do như chúng đã được các nhà tư tưởng chính trị phát triển, và đưa ra một lập luận thuyết phục của riêng ông về sự ưu việt hơn của khái niệm tự do tiêu cực so với khái niệm tự do tích cực.
Phân tích của Berlin mang lại một khuôn khổ chặt chẽ và hữu ích để khảo sát các cách giải thích khác nhau và các truyền thống tư duy khác nhau về tự do. Thực vậy, dễ dàng nhận ra ảnh hưởng trí tuệ mà sự phân biệt này mang lại, theo John Gray, nó cung cấp cả “chủ đề chủ đạo trong các suy tư gần đây về tự do” lẫn “điểm trung tâm trong các thảo luận thời hậu chiến về tự do trong triết học chính trị và trong lịch sử của các ý tưởng chính trị”.
Trong số các truyền thống tư duy khác nhau về tự do được đưa vào trong phân tích của Berlin, chắc chắn hai truyền thống ảnh hưởng nhất trong hơn 350 năm qua đó là truyền thống tư tưởng tự do và truyền thống tư tưởng duy tâm.
Truyền thống tư tưởng tự do phát triển ở phương tây trong hơn 300 năm qua từ khi lần đầu tiên được trình bày rõ ràng trong triết học chính trị của John Locke. Nó tập trung vào ý tưởng cho rằng sự tự do thuộc quyền sở hữu cá nhân, và tự do thực chất là sự vắng mặt của sự ràng buộc, hay sự can thiệp vào các hành động của họ bởi nhà nước hay các cá nhân khác. Trái lại, truyền thống tư tưởng duy tâm xuất hiện trong tư tưởng chính trị hiện đại từ khi nó được trình bày rõ ràng trong lý thuyết chính trị của Rousseau. Nó tập trung vào ý tưởng cho rằng tự do liên quan chặt chẽ với những sức mạnh nội tại vốn quy định cách thức mà chúng ta hành động. Theo quan điểm này, tự do thực chất là sự tự hướng dẫn duy lý của cá nhân – tức khả năng để hành động theo ước muốn và niềm tin duy lý “đúng đắn” hơn là theo những thôi thúc phi lý.
Trên cơ sở sự phân biệt này của Berlin giữa tự do “tích cực” và “tiêu cực”, từ năm 1945 các nhà triết học chính trị cũng như các nhà lịch sử tư tưởng chính trị đã phân tích các cách giải thích quan trọng về tự do được phát triển trong truyền thống tự do cũng như truyền thống duy tâm. Nói rộng hơn, truyền thống tự do thường gắn liền với khái niệm tự do theo nghĩa tiêu cực, hay “tự do khỏi”, trong khi truyền thống duy tâm gắn liền với khái niệm tự do theo nghĩa tích cực, hay “tự do để”.
Berlin định nghĩa tự do tiêu cực, về bản chất, là sự vắng mặt của các ràng buộc đối với cá nhân, và đặc biệt là sự vắng mặt của các ràng buộc bắt nguồn từ các hành động có chủ định của con người – như của nhà nước hay của các cá nhân khác. Tóm lại, tự do tiêu cực là “lĩnh vực trong đó con người có thể hành động mà không bị người khác cản trở”. Và, điều này tạo thành điều mà D.D. Raphael gọi là “cảm quan thông thường về tự do”, gợi ý rằng ai đó là tự do, “trong trừng mực anh ta không bị cản trở khỏi làm những điều anh ta muốn làm hoặc điều anh ta lựa chọn làm nếu anh ta biết anh ta có thể”.
Ngoài ra, đằng sau ý nghĩa tiêu cực này về tự do là hai giải định quan trọng. Thứ nhất, là sự nhấn mạnh vào nhu cầu riêng tư – với sự phân biệt rõ ràng giữa lĩnh vực “công” và lĩnh vực “tư” trong đời sống con người. Điều này đi cùng với niềm tin cho rằng lĩnh vực tư – trong đó cá nhân tự do hành động, suy nghĩ, bày tỏ theo cách mà họ chọn – sẽ được bảo vệ và thậm chí mở rộng, và bất cứ sự xâm phạm nào đến sự riêng tư của cá nhân bởi nhà nước hay cá nhân khác là vi phạm quyền tự do của anh ta.
Giả định thứ hai đằng sau ý nghĩa tiêu cực này về tự do, vốn phát triển suốt truyền thống tự do Tây phương, là giả định về tính duy lý của con người, hay niềm tin cho rằng cá nhân có khả năng đưa ra các lựa chọn khôn ngoan và duy lý trong cuộc sống, vì vậy phải tự do khỏi sự ép buộc hay can thiệp. Hơn nữa, quá trình đưa ra quyết định duy lý này được các nhà tư tưởng tự do xem như là phương tiện qua đó cá nhân chịu trách nhiệm cho cuộc đời của anh ta, và từ đó có được cơ hội cho sự tự phát triển và tự hoàn thành ước nguyện của mình.
Trái lại, quan điểm tích cực về tự do được Berlin định nghĩa như liên quan đến, không phải “lĩnh vực trong đó chủ thể – cá nhân hay nhóm người – được phép làm hoặc trở thành những gì anh ta muốn mà không có sự can thiệp của người khác” (lĩnh vực của tự do tiêu cực), nhưng thay vào đó liên quan đến “nguồn gốc của sự kiểm soát hay sự can thiệp mà có thể quyết định ai đó phải làm, hay phải trở thành điều này thay vì điều khác”. Cụ thể hơn, sự tự do tích cực hàm ý khả năng làm điều gì đó tích cực, đáng giá bằng cách theo đuổi các mục tiêu, lý tưởng thông qua thực hành một số năng lực nào đó.
Trong lịch sử tư tưởng chính trị hiện đại, đặc biệt trong triết học chính trị của Rousseau, khái niệm tự do tích cực này bao gồm quan niệm về sự tự hướng dẫn duy lý và tự làm chủ – tức niềm tin cho rằng cá nhân có thể kiểm soát cái tôi phi lý, “thấp kém”, từ đó vượt qua những chướng ngại bên trong để đạt được sự tự do “thực sự” vốn nằm sẵn trong trái tim và khối óc của cá nhân. Từ Rousseau trở đi, quan niệm này được mở rộng thành ý tưởng về cơ hội rộng mở nhất cho cá nhân kiểm soát các điều kiện sống của anh ta – không chỉ ở mức độ tự làm chủ cá nhân, mà còn đạt được sự tự quản trong lĩnh vực chính trị.

Giải thích về tự do “tiêu cực” trong lich sử tư tưởng chính trị hiện đại
Từ thế kỉ 17, hai giải thích ảnh hưởng nhất về tự do tiêu cực, theo định nghĩa Berlin ở trên, là các giải thích của John Lock (1632 – 1704), và John Stuart Mill (1806 – 1873). Trong bối các cảnh lịch sử rất khác nhau, cả hai nhà tư tưởng tự do này đều bảo vệ sự tự do trong lĩnh vực riêng tư, nơi mà cá nhân được phép sống cuộc sống của họ tự do khỏi mọi sự ép buộc có chủ đích của nhà nước, nhà thờ, quan điểm của công chúng, hay các cá nhân khác trong xã hội.
Trong triết học chính trị của Locke, tự do theo nghĩa tiêu cực liên quan mật thiết với ý niệm về các quyền mà cá nhân có chống lại nhà nước hoặc các cá nhân khác. Trong giải thích về tự do của Locke, được phát triển trong Khảo luận thứ hai về chính quyền (1689), có một sự nhấn mạnh vào nhu cầu cho một khung khổ pháp lý định nghĩa không những các quyền tự do tự nhiên của cá nhân mà còn nghĩa vụ tự nhiên của anh ta nhằm tôn trọng cho các quyền tương tự của ngưới khác. Vì, như Locke lập luân, “mục đích của Luật không phải là bãi bỏ hay hạn chế, nhưng là duy trì và mở rộng tự do”.
Từ bối cảnh lịch sử nước Anh thế kỉ 17, Locke đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ sự tự do trước sự cai trị chuyên chế của Giáo hội công giáo và nền quân chủ chuyên chế Stuart. Hay tổng quát hơn, ông quan tâm đến việc bảo vệ sự tự do khỏi mọi sự ép buộc của các chính phủ độc tài. Trái lại, triết gia tự do người Anh thế kỉ 19, John Stuart Mill, trong tiểu luận Bàn về tự do (1859), một phát biểu kinh điển về tư tưởng tự do, tập trung sự chú ý của ông vào nhu cầu tự do khỏi ảnh hưởng ngột ngạt của các quan điểm của đa số, và do vậy, nhu cầu tự do khỏi chủ nghĩa tuân thủ trên bình diện đạo đức và xã hội.
Mill trình bày một sự bảo vệ hùng hồn cho sự tự do theo nghĩa tiêu cực dưới dạng bảo vệ cho sự tự do của các hành động tự liên quan – nghĩa là, những hành động chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với cá nhân, đặc biệt là các dạng thức khác nhau của sự tự do ngôn luận. Ông khẳng định, xã hội và nhà nước chỉ có quyền can thiệp vào sự tự do của cá nhân để bảo vệ các cá nhân khác khỏi sự tổn hại. Tuy nhiên, Mill cũng mang đến cho sự tự do tiêu cực này một đặc điểm tích cực bằng cách khẳng định giá trị của tự do như một phương tiện cho sự tự phát triển – cả về đạo đức lẫn trí tuệ – của mỗi cá nhân.
Khái niệm tự do tiêu cực có ảnh hưởng rất lớn, và phổ biến trong truyền thống tự do thế kỉ 19 – không chỉ trong các tác phẩm chính trị của John Stuart Mill mà còn trong tư tưởng công lợi Anh (mà ông bị ảnh hưởng sâu sắc), cũng như trong lý thuyết chính trị của triết gia chống tập quyền Herber Spencer (1820 – 1903) và trong tư tưởng của các nhà kinh tế học cổ điển, nổi bật trong số họ là David Ricardo (1772 – 1823).
Trong suốt thể kỉ 19, truyền thống tự do nhấn mạnh đến sự tự do tiêu cực này có những ẩn ý ý thức hệ rõ ràng về vai trò của nhà nước. Vì, theo quan điểm của các nhà tự do cổ điển, sự tự do theo nghĩa tiêu cực yêu cầu một vai trò giới hạn của nhà nước nhằm bảo vệ và thúc đẩy sự tự do – cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội.
Sự nhấn mạnh này thay đổi khi truyền thống tự do Phương tây dịch chuyển từ giai đoạn cổ điển của nó (xấp xỉ khoảng từ cuối thế kỉ 18 đến những năm 1860) tới giai đoạn xét lại, giai đoạn tự do xã hội bắt đầu từ những năm 1870 về sau. Từ bối cảnh của sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa và nền dân chủ đại chúng, sự đi lên của chủ nghĩa tự do xã hội tạo ra một sự biện minh mới về mặt lý thuyết cho rất nhiều dạng can thiệp nhà nước. Những sự can thiệp này được ủng hộ bởi nhiều triết gia tự do, mà điển đình là T.H.Green (1836-1882), dựa trên quan điểm cho rằng nhà nước có thể thúc đẩy sự tự do theo nghĩa tích cực.
Tuy nhiên, trong thế kỉ 20, đặc biệt sau năm 1945, sự cam kết của chủ nghĩa tự do cổ điển với sự tự do tiêu cực được làm sống lại và được mở rộng bởi rất nhiều nhà tư tưởng kinh tế và chính trị, những người này ủng hộ quan điểm về một nhà nước giới hạn và nền kinh tế thị trường. Đáng chú ý trong số đó là nhà tư tưởng chính trị, nhà kinh tế học người Áo F. V. Hayek (1899 – 1992), nhà triết học chính trị tự do người Mỹ Rober Nozik, nhà kinh tế thị trường tự do người Mỹ Milton Friedman và nhà lịch sử ý tưởng Isaiah Berlin như đã nhắc đến.

Giải thích về sự do “tích cực” trong lịch sử tư tưởng chính trị.
Trái lại, truyền thống tư duy về sự tự do theo nghĩa tích cực, được Berlin nghiên cứu khảo sát tỉ mỉ trong tập tiểu luận (1958), có thể truy nguyên đến triết học chính trị của Rousseau (1712-1778). Trong tác phẩm chính của ông, Khế ước xã hội (1762), nhà tư tưởng chính trị người Pháp khẳng định rằng sự tự do thực sự không nằm ở sự thỏa mãn các ước muốn vị kỉ, nhưng là tuân theo luật đạo đức bắt nguồn từ, theo cách gọi của ông, ý chí chung, hay quan điểm tập thể về cái gì là lợi ích chung. Rousseau nhấn mạnh, một luật như vậy là thứ mà các công dân tạo ra và áp đặt lên chính họ trong khuôn khổ của các thể chế chính trị tham dự.
Hơn nưa, Rousseau khẳng định rằng nếu, sau khi tham dự vào các thể chế như vậy, một công dân cá nhân thấy mình mâu thuẫn với ý chí chung, thì người đó thực sự là nô lệ cho ý chí tư lợi và cái tôi thấp kém của mình, và vì vậy, không thực sự tự do. Trong hoàn cảnh như vậy, Rousseau kết luận, cộng đồng có thể được biện minh, dù có vẻ mâu thuẫn, khi buộc cá nhân chống lại xã hội đó phải tự do.
Khái niệm của Rousseau về sự tự do tích cực tập trung vào ý tưởng về sự tự làm chủ của cá nhân, về sự kiểm soát duy lý đối với những sức mạnh bên trong gây phá hủy. Do vậy, nó dựa vào quan điểm về một cái tôi phân chia – nghĩa là, cái tôi bao gồm các kích thức cao hơn và duy lý, và các kích thước thấp hơn và phi lý. Quan điểm đó bị Berlin và những người khác công kích khi chứa đựng nhiều gợi ý đạo đức và ý thức hệ nguy hiểm.
Tuy nhiên, trên tất cả, quan niệm của Rousseau về tự do như là sự tự hướng dẫn duy lý, và từ đây như là một điều kiện của cái tôi, đã định hình sự phát triển tư duy về tự do tích cực của truyền thống duy tâm. Điều này dễ thấy vào cuối thế kỉ 19 trong tư tưởng chính trị của T.H. Green. Từ lập trường trí tuệ của thuyết duy tâm triết học và lập trường chính trị của chủ nghĩa tự do xã hội, Green áp dụng khái niệm tự do tích cực để khảo sát về các vấn đề kinh tế xã hội đương đại, đáng chú ý trong bài giảng “Sự lập pháp tự do và Sự tự do khế ước” (1881).
Khi phát triển định nghĩa riêng của ông về tự do, Green, cũng như Rousseau, không thực sự sử dụng cụm từ “tự do tích cực”. Tuy nhiên, ông sử dụng thuật ngữ “tích cực” để giải thích rằng, với ông sự tự do có nghĩa “một năng lực hay khả năng tích cực để làm hay hưởng thụ một thứ gì đó đáng làm hay đáng hưởng thụ”. Ông quan tâm đến “sự tự do theo nghĩa tích cực: nói cách khác, đến sự giải phóng tất cả năng lực của tất cả mọi người để đóng góp cho sự tốt đẹp chung”.
Đối với Green, sự tự do có nghĩa không chỉ là sự vắng mặt của sự ràng buộc hay sự can thiệp. Nhưng, sự tự do nằm ở năng lực hữu hiệu của cá nhân, và từ đó là cơ hội, để hành động – một năng lực thường bị kiềm chế không chỉ bởi sự lập pháp của nhà nước, mà còn bởi những rào cản về kinh tế xã hội, bao gồm nghèo đói, thất nghiệp, ốm yếu, bệnh tật. Nhìn chung, Green đồng nhất “tự do theo nghĩa tích cực” với việc đạt được trọn vẹn sự tự hiện thực hóa của cá nhân khi đối mặt với những cản trở như vậy và với sự theo đuổi mục tiêu chung đáng mong muốn trong xã hội dân sự.
Trong truyền thống duy tâm này, các nhà tư tưởng chính trị thế kỉ 19 khác đã phát triển các khái niệm tự do tích cực riêng của họ vốn tương tự với khái niệm của Green. G. H. F Hegel (1770 – 1831), triết gia duy tâm Đức, đã phát triển ý tưởng về sự hiện thực hóa sự tự do nội tại của cá nhân thông qua việc đồng nhất ý chí của anh ta với ý chí nhà nước trong tác phẩm triết học chính trị chính của ông, Các bộ phận của triết học pháp quyền (1821). Trong triết học chính trị của Hegel, nhà nước được mô tả như một thực thể đạo đức, vị tha, vốn tượng trưng cho một sự bày tỏ công khai, ngoại tại của ý chí cá nhân và tìm kiếm thúc đẩy các mục tiêu chung.
Dưới ảnh hưởng của triết học Hegel, nhà lịch sử kinh tế, nhà tư tưởng xã hội cách mạng người Đức, Karl Marx (1818 – 1883) xem việc đạt được sự tự do như là một phần của quá trình lịch sử trong đó cá nhân đồng nhất với ý chí của giai cấp vô sản [chiến thắng], giai cấp nổi dậy trong xã hội tư bản. Trên các phương diện triết học nền tảng hơn, được phát biểu trong các tác phẩm thời kì đầu của ông, như Bản thảo kinh tế và chính trị (1844), và Ý thức hệ Đức (1846), Marx coi sự tự do cá nhân chính là sự kiểm soát duy lý của giai cấp công nhân công nghiệp đối với quá trình sản xuất. Ông nhấn mạnh, điều kiện lý tưởng đó tương phản hoàn toàn với tình trạng bị nô lệ và xa lạ của người lao động ăn lương trong xã hội tư bản, những người mà, do không sở hữu tư liệu sản xuất, không thể đưa bất cứ sự ảnh hưởng sáng tạo nào lên sản phẩm mà họ tạo ra.

Kết luận
Trong phần tiếp theo, đặc biệt khi xem xét tư tưởng chính trị của Rousseau, chúng ta sẽ xác định một số sự phản bác quan trọng mà Berlin và những người khác nhằm vào khái niệm tự do tích cực này. Còn bây giờ, chúng ta có thể kết luận đối với phần giải thích dẫn nhập về sự thay đổi các quan điểm tự do trong lịch sử tư tưởng chính trị hiện đại này bằng hai nhận xét. Thứ nhất, cần phải nhớ rằng việc hiểu và đánh giá đầy đủ về ý nghĩa và bản chất của tự do đòi hỏi sự chú ý tới các ý tưởng và cách nhìn của cả hai truyền thống tư tưởng chính về tự do, hay hai “gia đình các ý tưởng” theo cách gọi của Miller, – truyền thống tự do và truyền thống duy tâm – đã được phác thảo ở trên. Ngoài ra, chính Miller đã thêm một truyền thống thứ ba, cổ điển hơn – đó là truyền thống “cộng hòa” – vào sự tương phản hai mặt này. Truyền thống tư tưởng này, vốn gắn liền với các triết gia Hilap cổ đại, với một khái niệm về sự tự do chính trị được hiểu như là tình trạng của một ai đó với tư cách là công dân của một cộng đồng tự trị, sống trong các điều kiện chính trị và xã hội mà anh ta tham gia định hình nên. Quan điểm này về tự do ảnh hưởng đến triết học chính trị của Rousseau, như sẽ thấy sau trong chương này.
Theo tôi, điểm đáng chú ý thứ hai, đó là để hiểu sâu sắc tư tưởng tự do của cả truyền thống tự do lẫn truyền thông duy tâm đòi hỏi một sự linh hoạt khi xem xét khuôn khổ khái niệm chính – sự phân biệt của Berlin giữa tự do tích cực và tự do tiêu cực – mà những truyền thống này thường được khảo sát. Nói cách khác, khả năng để kết hợp tự do tích cực và tự do tiêu cực thành một định nghĩa đầy đủ về tự do là có thể.
Đây chắc chắn là quan điểm được chấp nhận bởi một số triết gia chính trị kể từ tập tiểu luận (1958) của Berlin được xuất bản. Đặc biệt, vào năm 1967, Gerald MacCallum đã nỗ lực để hình thành một định nghĩa trung lập về một khái niệm tự do đơn giản theo quan hệ ba mặt. Theo quan điểm này, tất cả câu hỏi, phát biểu về sự tự do của một người có thể phân tích theo công thức:
X (tác nhân) tự do khỏi Y (cản trở) để làm hoặc để trở thành Z (mục tiêu).
MacCallum và những người ủng hộ ông khẳng định rằng công thức này cung cấp một định nghĩa trung lập về khái niệm tự do, và có thể được chấp nhận rộng rãi bởi những người có quan điểm đa nguyên về ý thức hệ, chính trị, và đạo đức.
Tuy nhiên, tranh cãi vẫn dữ dội trong triết học chính trị về bản chất chính xác của biến Y (cản trở) trong công thức của MacCallum là gì. Liệu nó có phải là sự ép buộc có chủ ý của con người, như quan điểm tiêu cực của Berlin và những người khác, trong truyền thống tự do, hay nó cũng bao gồm những giới hạn về kinh tế, xã hội, như quan điểm tích cực của truyền thống duy tâm.
Tranh cãi này giúp giải thích tại sao người ta bất đồng, và người ta bất đồng như thế nào về ý nghĩa và bản chất của tự do – không chỉ trên phương diện triết học trừu tượng, mà còn liên quan đến những vấn đề, những mối bận tâm về chính trị, kinh tế, và xã hội.
Do vậy, sự phần tích này mà MacCallum và những người khác, ít nhất cũng giúp làm sáng tỏ những mối liên quan về mặt khái niệm chung giữa các giải thích khác nhau về tự do trong lịch sử tư tưởng chính trị hiện đại, dù bối cảnh chính trị và trí tuệ khác nhau của chúng. Những phân tích như vậy cũng giúp nhấn mạnh sự khác biệt về cách thức trong đó những sự ràng buộc lên sự tự do cá nhân được xác định và giải thích trong các truyền thống tư duy khác nhau về tự do. Trong phấn kế tiếp chúng ta sẽ khảo sát bốn khái niệm khác nhau về tự do được rút ra từ truyền thống tự do và truyền thống duy tâm – đó là khái niệm của Locke và John Stuart Mill ở một phía, và của Rousseau và T.H. Green ở phía bên kia.
Nguồn: “Moderm Political Thinhkers and Ideas”, Routledge, Tinh Thần Khai Minh