Seite auswählen
Amie Mui Lee cùng người bạn học phổ thông ở Quảng Ninh trong chuyến về Việt Nam năm 2015. Amie Mui Lee cùng người bạn học phổ thông ở Quảng Ninh trong chuyến về Việt Nam năm 2015.

Amie Mui Lee, người phụ nữ gốc Hoa sinh ra ở Việt Nam, không ngần ngại kể tiếp khi tôi hỏi thêm chi tiết về hành trình vượt biển của chị và gia đình năm 1979.

Tôi cố tưởng tượng ra cảm giác của cô bé Amie chín tuổi khi bước lên chiếc thuyền đánh cá của người bác từ Bắc Hải để lên đường tìm miền đất hứa.

Amie kể chị cảm thấy bất an vì không biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chị có thể cảm nhận được nỗi sợ từ người lớn xung quanh.

“Nghĩ lại những gì chúng tôi đã trải qua, có những lúc tưởng như sắp phải bỏ mạng, tôi thấy mình thật là may mắn,” Amie trầm ngâm khi nhớ lại chuyến đi biển ba ngày hai đêm.

127 người trên chiếc thuyền nhỏ

Bước lên con thuyền chủ yếu chạy bằng sức gió, 127 con người cả già trẻ lớn bé cùng chung một giấc mơ được tới nơi họ được sống yên ổn và an toàn.

“Tất cả những người có mặt trên chiếc thuyền đều là người làng tôi ở Việt Nam,” Amie kể.

“Tôi nhớ là trên thuyền, mọi người hay đánh nhau để tranh giành đồ ăn và nước uống.

“Thật kinh khủng vì có rất nhiều vụ đánh lộn.

“Và còn có cả nạn chấy nữa.”

Người Việt tỵ nạn trên chiếc đi Hong Kong những năm 1980 (ảnh minh họa)GETTY IMAGES Người Việt tỵ nạn trên chiếc đi Hong Kong những năm 1980 (ảnh tư liệu chỉ có tính minh họa)

Và tai họa rình rập chiếc thuyền nhỏ cùng nhóm người sợ hãi vào một đêm khi thuyền đến khu vực gần Macau.

Một cơn bão to ập đến, khiến con thuyền chao đảo trong sóng gió.

“Gần đó có một con thuyền đánh cá khác. Vậy là chúng tôi nháo nhào tìm tất cả số vàng còn dắt theo người.

“Chúng tôi trả họ vàng để họ kéo thuyền chúng tôi ra khỏi cơn bão.

“Sáng hôm sau, chúng tôi cập bến an toàn tại Hong Kong.”

Món ăn xa xỉ nhất là mỳ ăn liền

Hong Kong hóa ra lại không phải là ‘miền đất hứa’ mà gia đình Amie khao khát.

“Khi chúng tôi đến Hong Kong, tôi nhớ là chúng tôi bị đối xử rất tàn tệ. Họ rất là thô bạo.

“Là dân tỵ nạn, chúng tôi bị đưa vào một nhà kho, và chúng tôi nằm ngủ trên sàn nhà. Về sau, tôi được biết đây là một trại tập trung cho tù nhân,” chị Amie kể tiếp.

Hàng ngày, những người tỵ nạn được phân phát đồ hộp như cá mòi, thịt hộp, đậu hộp – những món ăn ‘khó nuốt’ đối với người châu Á.

Người tỵ nạn từ Việt Nam trong một trại ở Hong Kong năm 1980GETTY IMAGES Người tỵ nạn từ Việt Nam trong một trại ở Hong Kong năm 1980

“Họ phát cho chúng tôi đồ hộp nhưng không cấp cái mở nắp. Thế nên mọi người phải mài hộp xuống nền nhà để mở hộp lấy thức ăn,” Amie tả lại cảm giác “nhục nhã” trong thời gian ở trại.

“Sau đó chúng tôi được chuyển đến một nơi gọi là Timun. Ở đó, chúng tôi được tự do ra ngoài tìm việc. Và lúc đó, chúng tôi không còn cần đồ ăn viện trợ nữa. Nhìn chung, chúng tôi có cuộc sống tự lập.

“Thời gian đó, món ăn xa xỉ nhất của chúng tôi là mỳ ăn liền. Thật là sự thay đổi khẩu vị dễ chịu so với món thịt hộp.”

Cuộc sống ở Hong Kong cứ tiếp tục như vậy cho gia đình Amie trong khoảng 18 tháng, cho đến khi một số quốc gia bắt đầu nhận người tỵ nạn.

“Thế là chúng tôi phỏng vấn xin đi tất cả các nước trong danh sách – Canada, Mỹ, Thuỵ Sỹ vân vân nhưng chúng tôi trượt hết. Để được vào các nước đó, chúng tôi phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, mà chúng tôi lại không đạt.

“Nước duy nhất sẵn sàng nhận chúng tôi là Anh Quốc. Họ như sẵn sàng nhận chúng tôi có thế nào thì cứ như vậy thôi.”

Tôi muốn là một người cho đi

Amie kể cho tôi nhiều về những khó khăn, bỡ ngỡ khi mới đặt chân đến Anh Quốc, cũng như thái độ kỳ thị với sắc dân Trung Quốc ở nước Anh trong những năm 1980 mà tôi không có điều kiện viết hết trong bài này.

Tôi không thể không hỏi chị nghĩ gì về Việt Nam, Trung Quốc và nơi nào chị thấy gắn bó nhất.

Amie trò chuyện cùng khách hàng trong nhà hàng của chị ở Surbiton, London Amie trò chuyện cùng khách hàng trong nhà hàng của chị ở Surbiton, London

“Tôi không có tình cảm gì nhiều về Trung Quốc vì chúng tôi chỉ sống ở đó một thời gian ngắn. Tôi có nhiều kỷ niệm về Việt Nam hơn, tôi vẫn còn một ông chú sống ở đó.

“Một điều quan trọng đối với tôi là biết về gốc gác của mình – Việt Nam.”

Đến đây tôi đã hiểu vì sao chị lại đặt tên cho quỹ từ thiện nhỏ của chị là “Quê”. Dù phải bất đắc dĩ rời Việt Nam, đối với Amie, quê hương vẫn chính là Việt Nam.

“Tôi về thăm Việt Nam vài lần rồi,” Amie kể, “Mỗi chuyến về lại gợi nhớ cho tôi rất nhiều kỷ niệm, nhắc lại cho tôi cuộc sống trước đây ở Việt Nam ra sao.”

“Và ngày nay cuộc đời tôi được như thế này, tôi cảm thấy thật là may mắn.”

Các con của Amie cùng chị tới thăm bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Hà Nội hồi 2015

 AMIE MUI LEE  Các con của Amie cùng chị tới thăm bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Hà Nội hồi 2015

“Khi chúng tôi đặt chân đến nước Anh, chúng tôi nhận được nhiều đồ viện trợ và quà tặng, và chúng tôi ngửa tay chờ được phân phát.

“Tôi không muốn như thế cả đời. Tôi muốn là người cho đi.

“Và để trở thành một người cho đi, bạn phải trở thành một con người khác hẳn.

“Bạn phải đứng ra chịu trách nhiệm về cuộc đời của bạn, tất cả các quyết định và hành động của bạn.”

Chính quyết tâm được khẳng định bản thân, được trở thành một người cho chứ không phải người nhận, đã thôi thúc Amie thay đổi.

Tận dụng khả năng và các mối quan hệ, chị tổ chức sự kiện gây quỹ từ thiện hàng năm tại nhà hàng của mình. Mỗi lần về Việt Nam, chị tới thăm và trợ giúp phụ nữ và trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn, trong đó có những người ở ngôi làng cũ của chị ở Quảng Ninh.

Amie (áo hồng thứ hai hàng trên từ trái) cùng gia đình tặng quà cho trẻ em khó khăn ở Việt Nam hồi 2015 Amie (áo hồng thứ hai hàng trên từ trái) cùng gia đình tặng quà cho trẻ em khó khăn ở Việt Nam hồi 2015

“Khi tôi còn nhỏ, tôi chỉ mong muốn được hoà nhập, nhưng điều đó chẳng bao giờ xảy ra.

“Giờ đây khi tôi nhiều tuổi hơn, tôi nhận ra rằng điều đó chẳng quan trọng.

“Nếu chúng ta bỏ đi lớp da bên ngoài, chúng ta đều như nhau, thực sự là như nhau.

“Chúng ta thật sự đều là con người, cố gắng cùng chung sống. Cho dù chúng ta da đen, da vàng hay gì đi nữa, chẳng quan trọng chút nào.”

Tôi hỏi Amie những trải nghiệm của chị đã tác động đến chị ra sao, liệu chúng giúp có gì cho chị?

Câu trả lời của chị không làm tôi ngạc nhiên. Chị nói chị thấy mình thật may mắn và quý trọng những điều giản dị nhất trong cuộc đời.

“Trải nghiệm của tôi làm cho tôi thấy khiêm nhường, thực tiễn, thấy quý cuộc đời.

“Có lẽ, nếu tôi không trải qua cơ cực, tôi sẽ không là tôi ngày hôm nay.”

Chia tay với Amie, tôi nghĩ nhiều về câu chuyện cảm động của chị.

Tình người cuối cùng vẫn là điều vượt qua mọi biên giới, mọi trắc trở.

Nguồn: BBC

Phần 1