Nguồn: Richard Robison (1996). “The politics of ‘Asian values’”, The Pacific Review, Vol. 9, No. 3, pp. 309-327.
Biên dịch: Trần Anh Phúc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Bài viết này lập luận rằng một loạt các tư tưởng chính trị chuyên chế và bảo thủ đã được những người châu Á ủng hộ coi như là một cấu thành văn hóa trong xã hội Á châu. Thông qua đó, họ cố bảo vệ quan điểm của mình trước giới phê bình trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, những giá trị về hệ thống trung ương tập quyền ẩn chứa trong các “giá trị châu Á” phải hứng chịu sức ép khi mà chủ nghĩa tư bản công nghiệp làm chuyển đổi xã hội châu Á và các nền kinh tế khu vực trở nên quốc tế hóa. Trớ trêu thay, các giá trị châu Á được các nhà tân bảo thủ theo định hướng thị trường ở phương Tây mô tả như là mô hình cho tương lai. Các giá trị này kết hợp với nhau trong phức hợp giữa chủ nghĩa bảo thủ xã hội với các chính sách nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế.
Ý tưởng rằng châu Á và phương Tây là các thực thể riêng biệt không phải là mới. Cơ sở cho sự phân loại này được các nhà Đông phương học người Châu Âu, mà Marx và Webber là những đại diện tiêu biểu, đặt nền móng vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Đối với các nhà Đông phương học, phương Tây được xác định bởi các ý niệm về tính duy lý và sự tiến bộ, trong khi phương Đông thì gắn chặt với tôn giáo và các hệ thống chính trị mang tính gia trưởng chuyên quyền dễ nảy sinh các cuộc đấu đá nội bộ liên miên và không có khả năng thúc đẩy tiến bộ. Các nhà khoa học chính trị theo chủ nghĩa hành vi của Mỹ vẫn sử dụng lăng kính văn hóa để phân định “Đông” và “Tây” như những phạm trù phân tích chính yếu, đặt văn hóa mang tính thuần phục, gia trưởng và không chấp nhận các quan điểm khác biệt của phương Đông cạnh bên văn hóa chấp nhận sự khác biệt, chủ nghĩa cá nhân và tư duy lý tính của phương Tây (Huntington 1993; Pye 1985; Neher 1994).
Các quan điểm về châu Á của các nhà Đông phương học được bộc lộ trong chủ nghĩa lãng mạn của dân hip-pi (tức giới thanh niên lập dị) những năm 1960 và 1970. Thoát khỏi điều mà họ nhìn nhận như là một thế giới công nghiệp gây nên sự xa lánh và vô cảm, giới trẻ phương Tây cố tìm đến với thuyết thông linh, tính cộng đồng và lòng trắc ẩn của xã hội “phương Đông”. Một số lượng lớn các doanh nhân sùng đạo người châu Á sẵn sàng thúc đẩy ý tưởng này và làm nên cơ đồ trong quá trình đó. Mặc dù di sản của chủ nghĩa lãng mạn mang tính đa nguyên này vẫn dai dẳng trong các tàn dư của thuyết phụ thuộc (dependency theory), trong các phân tích theo thuyết tương đối hậu hiện đại (post-modernist relativist analysis) về phương Đông và trong sự kết hợp giữa các cách tiếp cận này, bức tranh châu Á lãng mạn này đã bị lụi tàn do một số diễn biến như: sự kết thúc chiến tranh Việt Nam, sự chiếm lĩnh thị trường phương Tây của các nhà đầu tư bất động sản và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, quang cảnh về nạn diệt chủng ở đất nước Phật giáo Campuchia, cũng như sự tích cực tiếp nhận một hình thức chủ nghĩa tư bản tham tàn tại Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông.
Với sự trỗi dậy của các quốc gia dân tộc tại châu Á hậu thực dân, và đặc biệt là nhiều trong số các quốc gia này phát triển nền tảng công nghiệp dưới các chế độ chính trị chuyên chế tập trung, một hình thái mới của chủ nghĩa Đông phương đã sớm xuất hiện. Đảo ngược lại những điểm mấu chốt của biến thể châu Âu thời thế kỷ 19, chủ nghĩa Đông phương hiện đại được dựa trên ý tưởng rằng, văn hóa châu Á đề cao tập thể hơn cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xã hội công nghiệp hiện đại. Ngược lại, chủ nghĩa tự do, đề cao các quyền và tự do của cá nhân được mô tả là đang tạo ra các xã hội đầy rẫy tội ác với sự băng hoại đạo đức, hầu như không có kỷ luật xã hội hay quan tâm đến các lợi ích lớn lao hơn của cộng đồng. Nói theo Mahathir Mohamad, “các nền dân chủ chỉ đang bắt đầu nhận ra rằng tự do quá mức là nguy hiểm” (1995b:16). Theo cách nhìn này, các giá trị và các mô hình châu Á về tổ chức kinh tế xã hội không phải là một giai đoạn trong quá trình tiến tới xã hội tự do mà là một giai đoạn tiến hóa tiếp sau của thời đại tự do.
Những giải thích về các yếu tố cấu thành nên các giá trị châu Á có sự khác biệt giữa các hệ tư tưởng cầm quyền chính thống cũng như cá nhân từng nhà ủng hộ khác nhau. Đôi khi các giá trị châu Á dường như là một cách gọi các giá trị “văn hóa Trung Quốc” hoặc Nho giáo, hoặc các lý tưởng về các chế độ được điều tiết và trung ương tập quyền cao như của Singapore. Trong các trường hợp khác, các chế độ thực dụng chủ yếu dựa trên các đặc lợi như ở Indonesia hoặc Trung Quốc, cũng sử dụng các “giá trị châu Á” để hợp pháp hóa quyền hành không bị hạn chế của các chế độ đầu sỏ quan liêu. Mặc dù vậy, điểm mấu chốt của các tuyên bố thường thấy là:(1)
– Cốt lõi của tổ chức xã hội và lòng trung thành không phải là nhà nước cũng không phải cá nhân mà là gia đình, và rằng chính gia đình cung cấp mô hình cho việc tổ chức quyền hành và trách nhiệm trong hệ thống chính trị;
– Lợi ích của cộng đồng hay tập thể được ưu tiên hơn những lợi ích riêng của các cá nhân. Do đó, nghĩa vụ cá nhân đối với cộng đồng được đặt trên các quyền và tự do cá nhân;
– Các quyết định chính trị đạt được bằng quá trình đồng thuận hơn là sự đối đầu thông qua các hệ thống chính trị đại diện;
– Sự gắn kết và hòa hợp xã hội là những ưu tiên, đạt được thông qua các nguyên tắc đạo đức và chính quyền vững mạnh;
– Sự phát triển và tăng trưởng kinh tế đi liền với sự gắn kết xã hội và chính quyền mạnh, và là quyền lợi của mỗi người dân, mỗi nước;
Trọng tâm của quan điểm về “các giá trị châu Á” là một cái nhìn hệ thống về xã hội, trong đó nhà nước đại diện và là người bảo vệ các lợi ích chung của xã hội, đứng trên và chống lại sự tranh giành lợi ích tư.(2) Quan niệm về xã hội bao gồm các lợi ích cạnh tranh nhau được thay thế bằng quan niệm về một xã hội bao gồm một loạt các yếu tố chức năng. Trong một hệ thống tổ chức hài hòa như vậy, sự tận lực đối với các lợi ích chung thay thế cho sự cạnh tranh chính trị. Sự đối lập trở nên lệch lạc và làm rối loạn chức năng.(3)
Trong khi mục đích chính ở đây không phải nhằm cung cấp một bài phê bình về chính bản chất của luận đề “giá trị châu Á”, thì việc đề cập ngắn gọn đến những mâu thuẫn nhất định là hợp lý. Đầu tiên là mối quan hệ không rõ ràng giữa việc coi trọng giá trị của sự đồng thuận trong việc ra quyết định và giá trị của các nhà nước vững mạnh và quyền thế. Sự đồng thuận ngụ ý sự đàm phán giữa một loạt các nhóm, mỗi nhóm trong số đó mang theo một mức độ quyền lực và tầm ảnh hưởng thực sự đến bàn đàm phán cùng với cả một tập hợp các thể chế và cơ chế mà trong đó quá trình đồng thuận đạt được. Tuy nhiên, những yếu tố này hiếm khi xuất hiện. Ở các quốc gia mạnh của châu Á, xu hướng là ép buộc người dân chấp nhận các ý thức hệ duy nhất, do nhà nước quy định. Thay vì là các cơ chế để đạt đồng thuận, các thể chế chính trị lại được thiết lập chủ yếu nhằm đảm bảo an ninh, kỷ cương xã hội và “tính trách nhiệm” trong suy nghĩ và biểu đạt, nhất là trên các phương tiện truyền thông.(4)
Thứ hai, vị trí của gia đình là không rõ ràng. Trong khi gia đình trong vai trò một mô hình chỉ sự hợp tác và sự quan tâm đến lợi ích tập thể, nó cũng có thể được xem như là một mô hình quyền thế gia trưởng và không tương thích với ý niệm về các giá trị cộng đoàn rộng lớn hơn. Xã hội đặc trưng bởi cấu trúc gia đình bền vững thường tạo ra điều kiện của chủ nghĩa gia đình phi luân lý, dẫn đến việc ngăn cản sự mở rộng của hệ thống luân lý vượt ra ngoài phạm vi gia đình hướng tới xã hội rộng lớn hơn (Banfield năm 1958; Bock 1969). Do đó, sức mạnh của thiết chế gia đình có thể được hiểu tương đương như là một trở ngại đối với sự hợp tác và gắn kết xã hội. Điều dường như là hấp dẫn nhất về gia đình trong hầu hết lời lẽ của các chính phủ châu Á là tính tiện ích của nó trong việc duy trì kỷ cương xã hội và chức năng của nó như là một thể chế phúc lợi xã hội, giúp giảm nhẹ các gánh nặng nghĩa vụ đó cho nhà nước.
Thứ ba, thị trường không tương thích với việc tổ chức sắp xếp các sự vật. Điều tạo ra sự khác biệt giữa chủ nghĩa bảo thủ của Lý Quang Diệu và Mahathir so với chủ nghĩa bảo thủ truyền thống chính là sự nhiệt huyết của họ đối với thị trường (mặc dù đó là các thị trường được quản lý mà trong đó nhà nước đóng vai trò trung tâm). Chính xác thì sự mâu thuẫn giữa các lợi ích cá nhân và tập thể trong phức hợp này được giải quyết như thế nào là không rõ ràng. Cả Lý Quang Diệu và Mahathir chắc chắn đều không sẵn sàng ủng hộ sự hoạt động tự do của cá nhân trên thị trường đến mức mà sự gắn kết xã hội (trật tự, kỷ cương) bị đe dọa hoặc quá trình tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia trong nền kinh tế thế giới bị làm cho suy yếu. Tuy nhiên, các lợi ích tập thể khác vốn có thể đi ngược lại đầu tư và tăng trưởng, chẳng hạn như quản lý môi trường và tài nguyên, thì lại bị sao lãng. Cho đến nay, một lý thuyết rõ ràng về thị trường và xã hội vẫn đang còn thiếu.(5)
Cũng giống như những người ủng hộ “giá trị châu Á” gặp phải khó khăn trong việc giải thích những mâu thuẫn này trong quan điểm riêng của họ về yếu tố cấu thành “các giá trị châu Á” hoặc mô hình châu Á, sự mô tả châm biếm của họ về “phương Tây” hoàn toàn không hữu ích trong việc xây dựng các phạm trù phân tích đúng nghĩa. Chân dung về sự đồi bại, tham lam và lãng phí vô độ (Mahbubani 1993; Mahathir 1995c: 40-3; 1995d: 10) minh họa cho sự thái quá của chủ nghĩa tự do Mỹ, qua đó bỏ qua các giá trị dân chủ xã hội bền vững chiếm ưu thế ở nhiều nước phương Tây cũng như vai trò mạnh mẽ của nhà nước và cộng đồng trong việc bảo vệ và thúc đẩy lợi ích tập thể. Không phải việc lựa chọn giữa lợi ích tập thể hay lợi ích cá nhân, mà chính mâu thuẫn giữa hai nhóm lợi ích đó mới là một mâu thuẫn cố hữu và cơ bản trong tất cả các xã hội tư bản.
Vấn đề khác cũng không rõ ràng là câu hỏi rằng sự biến đổi xã hội có liên quan như thế nào đến thay đổi ý thức hệ và liệu các mô hình “Đông”-“Tây” có loại trừ lẫn nhau hay không. Một mặt, chúng được miêu tả là bất khả biến và miễn nhiễm lẫn nhau. Mặt khác, những người ủng hộ “các giá trị châu Á” đã kêu gọi “phương Tây” hãy học hỏi từ “phương Đông” (Mahbubani 1993), và nhận thấy rằng “các giá trị châu Á” hiện tại đã từng là các “giá trị phương Tây” (Mahathir 1995a: 10). Những mâu thuẫn rõ ràng này cần có lời đáp. “Giá trị châu Á” có phải được xác định bằng các truyền thống văn hóa vĩnh cửu không hay là nó được gắn liền với cái cách mà đời sống kinh tế, xã hội được tổ chức và do đó phụ thuộc vào cả sự thay đổi và ảnh hưởng từ bên ngoài?
Cuối cùng, mối liên kết nhân quả giữa “giá trị châu Á” và phát triển kinh tế là một vấn đề gây tranh cãi. Nếu “giá trị châu Á” rất có lợi cho sự nỗ lực làm việc, tiết kiệm và đầu tư, thì tại sao cách mạng công nghiệp bắt đầu ở phương Tây tự do chứ không phải ở phương Đông Nho giáo? Sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế châu Á có phải chỉ đơn thuần là một hiện tượng bình thường của sự phát triển tư bản chủ nghĩa giai đoạn đầu hay không? Liệu có phải rằng sự thần kỳ của châu Á, nhờ vào số lượng đồng thời dựa trên khả năng kiềm chế lương và huy động nguồn tiền tiết kiệm, đang đòi hỏi phải có một quá trình chuyển đổi sang tăng trưởng “phụ thuộc vào chất lượng” mang tính đổi mới sáng tạo hơn, yếu tố mà đang kém tương thích với các cấu trúc chính trị và xã hội hiện nay? (Krugman 1994; Hicks 1995).
“Các giá trị châu Á”: mô hình của tương lai hay là một mô hình đang suy tàn?
Tầm quan trọng về mặt chính trị và kinh tế của “các giá trị châu Á” tách biệt với các vấn đề logic triết học. Trên thực tế, “giá trị châu Á” đã trở thành hệ tư tưởng của một loạt các chế độ kết hợp giữa một biến thể mang tính tập trung quyền lực của chủ nghĩa bảo thủ chính trị với nền kinh tế thị trường. “Giá trị châu Á” giành được tầm quan trọng đáng kể trong bối cảnh cạnh tranh chủ yếu đang diễn ra giữa các biến thể tập trung quyền lực, tự do và dân chủ xã hội của chủ nghĩa tư bản, chứ không phải sự cạnh tranh giữa “phương Đông” và “phương Tây”. Trong khi những người theo chủ nghĩa tự do phương Tây thường cho rằng châu Á đang chuyển hóa nhanh chóng thành một thế giới của các thị trường, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thực dụng khi mà chủ nghĩa tư bản và sự quốc tế hóa được củng cố, thì ngày càng có nhiều người trong số các nhà tân tự do phương Tây ủng hộ luồng quan điểm rằng sự ảnh hưởng có thể được lan tỏa theo một hướng khác, hoặc ít nhất là các mô hình châu Á có thể là một sự thay thế cho chủ nghĩa tự do. Fukuyama đã chỉ ra rằng, trong khi sự phát triển kinh tế nhanh chóng sẽ mang lại dân chủ, “nhưng các đặc điểm của nền dân chủ châu Á có thể rất khác so với đặc điểm nền dân chủ Mỹ đương đại vốn đã trải qua các vấn đề nghiêm trọng của riêng mình trong việc hòa hợp các quyền cá nhân với lợi ích của cộng đồng lớn hơn” (1995: 21).
Theo quan điểm của cả các nhà bảo thủ phương Tây lẫn những người ủng hộ “giá trị châu Á”, nền công nghiệp phương Tây được xây dựng vào thế kỷ 19 trên cơ sở các giá trị về chính quyền mạnh, khuôn phép đạo đức, sự chăm chỉ làm việc và tiết kiệm, tương tự như những giá trị đặc trưng cho “giá trị châu Á” ngày nay (Far Eastern Economic Review, ngày 23 tháng 6 năm 1994: 5; Mahathir 1995a: 10; Goh 1994: 4). Mahathir lưu ý “Tôi biết rằng nhiều trong số các “giá trị châu Á” từng là các “giá trị phương Tây”. Mặc dù ông nói thêm rằng “có những giá trị là hệ quả của giai đoạn phát triển của chúng ta và sẽ bị thách thức và loại bỏ trong tương lai” (1995a: 10), nhưng ông không cho rằng điều này sẽ liên quan đến một quá trình chuyển đổi tự do. Margaret Thatcher đã tán dương “các giá trị bền vững” của châu Á. Bà nói rằng người châu Á “rất chăm chỉ làm việc, họ rất quan tâm đến việc tự hoàn thiện bản thân, hướng về gia đình. Tất cả các giá trị này là một phần trong số các đức tính ưu việt giúp [các nước châu Á] có thể đạt được mức tăng trưởng phi thường” (Australian, ngày 18-19 tháng 11 năm 1995: 4).
Phương Tây được cho là đã tách ra khỏi các giá trị trên vì 2 lý do. Thứ nhất, quá trình suy thoái đạo đức cùng với sự nhu nhược và dần chấp nhận tính bê tha cá nhân như là nguyên tắc trọng tâm của đời sống kinh tế – xã hội phần lớn là do lối sống thanh nhàn trong một nền kinh tế thịnh vượng. Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cho rằng “các xã hội có thể đi sai đường một cách nhanh chóng. Xã hội Mỹ và Anh đã thay đổi sâu sắc trong 30 năm qua. Các xã hội này có tính kỷ luật, bảo thủ, trong đó gia đình đóng vai trò trụ cột chính cho đến đầu những năm 1960. Từ sau đó, cả Mỹ và Anh đã chứng kiến sự gia tăng đột biến số lượng gia đình bị đổ vỡ, những người mẹ độ tuổi thanh thiếu niên, trẻ ngoài giá thú, tội phạm vị thành niên, nạn phá hoại tài sản và tội phạm bạo lực” (1994: 4). Thứ hai, sự chấp nhận các thể chế dân chủ mang bản chất cực đoan đã tạo thuận lợi và thúc đẩy sự suy thoái. Mahathir cho rằng “các nền dân chủ chỉ mới bắt đầu nhận ra rằng tự do quá mức là nguy hiểm. Nhưng họ chưa sẵn sàng hành động để giải quyết vấn đề đó” (1995b: 14).
Theo quan điểm này, sự suy giảm về kinh tế và xã hội được viện dẫn của phương Tây chỉ có thể bị ngăn lại thông qua việc kiềm chế chủ nghĩa tự do “quá mức” và quay trở lại với các giá trị cũ. Châu Á được cho là đã hoạt động trên cơ sở các giá trị đó và vì vậy nắm giữ một lợi thế vốn có trong việc xây dựng xã hội gắn kết và thịnh vượng. Thách thức duy nhất của châu Á là việc chống lại sự suy giảm tương tự đã gây ảnh hưởng đến phương Tây. Riêng ở Singapore cũng như Malaysia và Trung Quốc, chúng ta đang chứng kiến sức kháng cự mạnh mẽ đối với “sự suy đồi đạo đức”. Tại Singapore, đạo luật mới đã được ban hành yêu cầu giới trẻ phải phụng dưỡng cha mẹ già yếu (Woon 1994), trong khi những bà mẹ độc thân bị từ chối tiếp cận nhà ở công cộng và các quảng cáo trong đó trẻ em thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với bố (hoặc mẹ) thì bị cấm (Straits Times ngày 27 tháng 8 năm 1994: 4). Phản ứng chống lại sự tiêm nhiễm tệ hại lối sống văn hóa phương Tây thông qua việc kiểm duyệt phim, văn học và giáo dục là phổ biến khắp toàn khu vực (BBC 11/3/1995).
Tuy nhiên, ý kiến rằng phương Tây đang suy tàn ở giai đoạn cuối và rằng Châu Á đã sẵn sàng để kế thừa thế giới thì không quá chắc chắn như Lý Quang Diệu và những người khác đề xuất. Tăng trưởng nhanh chóng phổ biến trong những năm đầu của chủ nghĩa tư bản công nghiệp khi mà thương mại hóa đời sống kinh tế trở nên phổ quát và các thị trường nội địa bùng nổ, trong khi nguồn cung lao động với mức lương thấp lại dồi dào và của cải có thể được tập trung vào tiền tiết kiệm và đầu tư. Thông thường, sự giàu lên quá nhanh chóng được bổ trợ bởi hoạt động tìm kiếm đặc lợi (rent-seeking) không bị ngăn chặn, và hoạt động kiểm soát, ăn bám của nhà nước dùng nguồn vốn để bôi trơn lợi nhuận và tạo ra một thiên đường cho những kẻ ngồi không hưởng lợi. Đó là một giai đoạn phát triển nhìn chung không phải gánh chịu các chi phí để tạo ra các lợi ích tập thể.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu tình trạng này có bền vững hay không. Ví dụ, chính phủ các nước châu Á ngày càng buộc phải chấp nhận các thỏa thuận về sở hữu trí tuệ, từ từ siết chặt sự tự do tiếp cận các sản phẩm trí tuệ của phương Tây và yêu cầu việc tăng chi phí đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Những tiến triển như vậy có thể làm suy yếu việc kiểm soát và kiềm chế đối với các ý tưởng, sự đổi mới sáng tạo, tự do ngôn luận và thông tin liên lạc vốn hiện đang bị áp đặt bởi các loại chế độ kiến tạo phát triển khác nhau. Việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên không bị giới hạn và xả thải không được kiểm soát là những hoạt động phổ biến có chi phí và giới hạn cấu trúc của chúng, khi mà các khu rừng và nguồn đánh bắt cá biến mất đồng thời các chi phí phục hồi hệ thống sông ngòi, đất đai tăng lên. Sự phản đối mạnh đối với hoạt động vơ vét nguồn lực cũng xuất phát từ các phong trào môi trường địa phương và quốc tế, các chủ đất và từ các đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Nói ngắn gọn, câu hỏi trọng tâm về tính khả thi của mô hình “Châu Á”, như được nêu ra bởi Krugman (1994) và Hicks (1995), là liệu có phải sự thành công của mô hình kinh tế châu Á chỉ xuất hiện trong giai đoạn mà tăng trưởng có thể được tạo ra nhờ sự huy động rất nhiều lao động và vốn, bên cạnh đó là môi trường mà lợi ích của giới ngồi không hưởng lợi không bị hạn chế? Một vấn đề cần phải được nêu lên là liệu các hệ thống tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội hiện hữu sẽ có khả năng tiến hành quá độ sang một giai đoạn đời sống kinh tế mới phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ và thông tin, và nơi mà các chính phủ phải giải quyết vấn đề lợi ích tập thể một cách nghiêm túc hơn hay không?
Một khuyết điểm nghiêm trọng khác trong phân tích về các “giá trị châu Á” là ý kiến cho rằng những vấn đề được xem như bằng chứng của sự suy thoái ở “phương Tây” gồm tội phạm, sự mục ruỗng của đời sống đô thị, tăng trưởng kinh tế chậm lại, tiêu chuẩn giáo dục suy giảm, chính là kết quả của tình trạng suy đồi đạo đức và dân chủ quá mức. Việc cho rằng các vấn đề kinh tế, xã hội của phương Tây chủ yếu bắt nguồn từ sự suy đồi đạo đức và dân chủ là nhằm đảo ngược các động lực thực sự đang hiện hữu. Dân chủ, hệ thống phúc lợi xã hội, các khuôn khổ văn hóa mới không phải là nguyên nhân mà là các sản phẩm của sự thay đổi xã hội vốn gắn liền với quá trình phát triển của xã hội tư bản; những thay đổi đó đang nhanh chóng trở nên rõ ràng ở châu Á. Đô thị hóa và sự chuyển đổi sang lao động trả lương theo giờ thường tạo ra những loại hình thất nghiệp và thiếu việc làm khác nhau cũng như những thay đổi trong cấu trúc gia đình. Tờ Economist (ngày 28 tháng 5 năm 1994: 31-2) đánh giá rằng ngay cả các mối quan hệ giữa nam và nữ, giữa giới trẻ và già, giữa cha mẹ và con cái hiện cũng không tránh khỏi sự biến đổi. Những hình thức phân tách xã hội mới đã xuất hiện. Số người nghèo mới, người thất nghiệp và người già khó hòa nhập vào các cấu trúc gia đình đang thu hẹp nhanh chóng. Do đó, áp lực cho hoạt động cứu trợ của nhà nước trở nên ngày càng lớn hơn (Asher 1995: 16).
“Các giá trị châu Á” hứng chịu áp lực: Hình thái nhà nước bảo hộ
Trong lòng xã hội tư bản ở Châu Á-Thái Bình Dương, các chế độ chính trị thường có đặc trưng là sự hợp nhất giữa nhà nước, đảng và chính quyền quan liêu trong các thể chế như Quốc Dân Đảng (KMT), Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), và Đảng Nhân dân Hành động (PAP); đó là chưa tính đến các đảng cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam. Trong các trường hợp khác, đặc biệt là Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc, chính các bộ máy quan liêu quân sự và dân sự đã giành lấy chính quyền và thống trị các đảng phái dưới hình thức khác. Nhưng nhìn chung, trong mọi trường hợp, nhà lãnh đạo chính trị có vai trò trong cả nhà nước, đảng và chính quyền như kiểu “kiềng 3 chân”.
Uy thế của giới tinh hoa trong đảng và bộ máy chính quyền cũng như sự chiếm giữ bộ máy nhà nước của họ đã không được thừa nhận rộng rãi ở châu Á như là một chuẩn mực văn hóa châu Á. Khi các lực lượng xã hội mới ngày càng tự chủ và có tiềm lực mạnh nổi lên, thì các nhu cầu cải cách đã phát sinh từ tầng lớp trung lưu, giai cấp công nhân thành thị và từ các yếu tố của chính giai cấp tư sản. Những cải cách đó bao gồm việc mở rộng chính trường – mặc dù không phải luôn luôn theo hướng dân chủ tự do – cũng như tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quy trình chính trị và hành chính (Hewison 1993; Anderson 1990; Rodan 1996).
Chính trong bối cảnh có những lời chỉ trích và yêu cầu cải cách chính trị và xã hội từ các đối thủ trong nước như thế, các chế độ chính trị bảo hộ (chuyên quyền) đã sử dụng “các giá trị châu Á” như là những tuyên bố ý thức hệ về lợi ích của họ. Các định hướng trung ương tập quyền biện minh cho quyền tự chủ, không chịu trách nhiệm giải trình dựa trên cơ sở quan điểm của Hegel về sự hòa hợp giữa nhà nước và “lợi ích quốc gia”, phủ nhận chính tính hợp pháp của phe đối lập trong một xã hội được cho là có sự hài hòa và thống nhất chức năng trong toàn hệ thống. Việc khơi gợi thái độ thù ghét ở châu Á đối với sự đối đầu và biểu tình công khai có dụng ý nhằm dập tắt sự phản kháng. Chống chủ nghĩa cộng sản đã được thay thế bằng chống chủ nghĩa tự do như là nỗi ám ảnh chính trị trung tâm của các tầng lớp tinh hoa này.
Yếu tố quyền lực tập trung của các giá trị châu Á đã chứng tỏ không chỉ hữu ích trong việc đối phó với những thách thức như vậy. Tư tưởng chống chủ nghĩa phương Tây phổ biến trong luận đề về các “giá trị châu Á” cho phép các chế độ chuyên chế khoác lên mình vỏ bọc chủ nghĩa dân tộc và quy cho những nhà cải cách là “phi châu Á”. Garry Rodan (1995) đã cho thấy một biến thể của quá trình này hoạt động như thế nào trong trường hợp Singapore. Trường hợp Indonesia minh hoạ cho việc hệ tư tưởng này đã được huy động cho các mục đích tương tự trong một xã hội hoàn toàn khác như thế nào. Một đạo luật gần đây đã bắt buộc tất cả các đảng phái chính trị và các tổ chức quần chúng phải thừa nhận hệ tư tưởng nhà nước, gọi là Pancasila. Đó là một ý thức hệ hiện thân của sự tập trung quyền lực quá mức vào trung ương trong đó các lý tưởng về sự hòa hợp, giá trị gia đình, quá trình ra quyết định thông qua sự đồng thuận cùng với sự gắn liền các lợi ích quốc gia vào trong chính thể nhà nước đòi hỏi phải loại bỏ nhu cầu tồn tại đối lập chính trị và các quan điểm dân chủ tự do (Reeve 1990; Lubis 1990: 166-72; 212-45). Tổng thống Soeharto đã tuyên bố rằng:
Nền dân chủ Pancasila không có chỗ cho sự đối lập như ở phương Tây. Trong môi trường dân chủ Pancasila, chúng ta đã quen thuộc với việc tranh luận… để có được sự đồng thuận của nhân dân. Bằng cách này, người dân tin tưởng vào các đại diện của họ. Vì vậy, các đại diện này sẽ đứng ra tranh luận. (1989: 346).
Yếu tố phát triển kinh tế trong những năm đầu của “Trật tự Mới” (New Order – thuật ngữ chỉ chế độ của Soeharto) đã được đưa ra như là một điều kiện tiên quyết hướng tới nền dân chủ và là một quy trình kỹ thuật tốt nhất nên được các nhà kỹ trị kinh tế quyết định và không tương thích với sự bất ổn mà cạnh tranh chính trị do dân chủ tự do gây ra (Moertopo 1973). Tương tự, các mối quan hệ lao động dựa trên sự đối kháng lợi ích giai cấp giữa người lao động và giới chủ đã bị bác bỏ theo hướng ủng hộ sự hợp nhất tất cả các tổ chức lao động thành một liên đoàn duy nhất do nhà nước kiểm soát vì điều này phù hợp với Pancasila, với việc ra quyết định bằng sự đồng thuận và nguyên tắc gia đình (Moertopo 1974: 14).
Trong thập kỷ qua, chủ nghĩa tự do đã thay thế cách mạng cộng sản và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo để trở thành mối đe dọa chính đối với Trật tự Mới, khi mà sự thịnh vượng, quyền lực và thông tin bên ngoài nhà nước ngày càng tăng tạo ra áp lực đòi hỏi các quyền tự do cá nhân lớn hơn cũng như cải cách chính trị. Các nhà lãnh đạo Trật tự Mới, bao gồm Soeharto, Ngoại trưởng Moerdiono, và cựu Tham mưu trưởng Rudini, đã phản ứng lại bằng các cuộc tấn công vào bản chất phá hoại và đối đầu của chủ nghĩa tự do phương Tây, nhấn mạnh trật tự xã hội như là một điều kiện tiên quyết của phát triển kinh tế và dân chủ, đồng thời tuyên bố rằng, trong mọi trường hợp, quan niệm của Indonesia về dân chủ và nhân quyền luôn dựa trên mô hình gia đình (Soeharto 1990: 12; Kompas ngày 06 tháng 6 năm 1989; ngày 21 tháng 10 năm 1990; Jakarta Post 18 tháng 12 năm 1993; Indonesia Obsever ngày 22 tháng 12 1993).
Những nỗ lực nhằm duy trì nguyên vẹn các chế độ chuyên quyền này vừa đạt được thành công vừa thất bại. Ngay cả trong những chế độ thành công nhất, những nỗ lực nhằm miêu tả các chế độ và lợi ích của họ như là mang bản chất đặc trưng châu Á cũng đã vấp phải sự chỉ trích đáng kể từ các nhà hoạt động chính trị và các nhà bình luận đến từ một tầng lớp trung lưu ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn. Ở Indonesia, các tuyên bố gắn liền với triết lý nhà nước mang tính bắt buộc Pancasila theo như cách diễn giải của Trật tự Mới đã bị các nhà lãnh đạo đối lập gồm Abdurahman Wahid và Sri Bintang bác bỏ rộng rãi bởi các yêu sách đó không khác gì các lợi ích trá hình của giới giàu có và quyền thế.(7) Trớ trêu thay, luập luận về “giá trị châu Á” lại là một con dao hai lưỡi và cũng đã được các nhà phê bình sử dụng để công kích tệ tham nhũng và các cartel đóng vai trò trung tâm trong Trật tự Mới. Phát biểu trước một đám đông người Hồi giáo, cựu Bộ trưởng Emil Salim cho rằng “nhiều chủ thể kinh tế, kể cả các tập đoàn, xem việc tham nhũng và thông đồng với các quan chức chỉ là lẽ thường, bởi vì họ chịu ảnh hưởng của các giá trị phương Tây. Theo ông, Hồi giáo dựa trên nền tảng các giá trị trái ngược với tính tham lam và chủ nghĩa cá nhân của phương Tây (Jakarta Post ngày 26 tháng 9 năm 1995: 2).
Giống như Wahid, Bintang, Toer và những người khác trong trường hợp Indonesia, một loạt các nhà lãnh đạo chính trị châu Á đã tranh cãi rằng những lý tưởng về “giá trị châu Á” tiêu biểu cho một số yếu tố cốt lõi của châu Á. Kim Dae Jung (1994), trong một bài viết quan trọng, đã lập luận rằng những lý tưởng dân chủ và mối quan tâm về dân chủ và quyền con người cũng là một phần trọng tâm trong truyền thống chính trị châu Á. Nhiệm vụ đối phó với những người châu Á chỉ trích luận đề “giá trị Á châu” càng trở nên khó khăn hơn khi ngày càng có nhiều quốc gia châu Á – gần đây nhất là Đài Loan và Hàn Quốc – tiến hành thay đổi căn bản chế độ chính trị xã hội của họ, trong đó đã loại bỏ nhiều yếu tố trọng tâm của “giá trị châu Á”. Điều này đã đặt những người ủng hộ các giá trị châu Á vào thế khó. Họ không có lý thuyết xã hội để giải thích cho những chuyển biến và trường hợp riêng lẻ như thế, ngoại trừ việc giải thích chúng theo những thuật ngữ hành vi như sự lệch lạc văn hóa hoặc các lựa chọn sai lầm vốn mâu thuẫn với thực tế văn hóa – xã hội của châu Á.
Nghe có vẻ ngày càng giống như một nhà bảo thủ phương Tây đang rao giảng về tình trạng suy tàn về mặt đạo đức và xã hội đang cận kề, Mahathir cảnh báo “những nước Châu Á nào đã tiếp nhận ồ ạt các tư tưởng phương Tây về dân chủ đang nhận thấy việc cai trị đất nước của họ khá khó khăn. Những cuộc bạo loạn và đình công gây rối làm suy yếu nền kinh tế và khiến cho cuộc sống người dân vất vả. Việc hủy bỏ giảng dạy tôn giáo trong các trường công, trong khi lại cho phép tự do tín ngưỡng tuyệt đối, đã dẫn đến sự mất phương hướng và xuất hiện rất nhiều giáo phái, trong đó có một số giáo phái bạo lực” (Mahathir 1995b: 14).
Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu kết luận rằng những lý tưởng chính trị trung ương tập quyền chắc chắn sẽ bị xói mòn bởi chủ nghĩa tự do. Trong nhiều trường hợp, tầng lớp trung lưu đang phất nhanh ở một chừng mực nào đó đã được hợp nhất vào khuôn khổ thể chế và ý thức hệ của các chế độ trên. Ở Indonesia, sự khởi đầu của một tầng lớp trung lưu chống chủ nghĩa tự do đã được thực hiện bằng cách hợp nhất vào chế độ cầm quyền các thể chế tuyển dụng mới vốn từng nằm ngoài các cấu trúc hành chính và quân sự cũ, đáng kể nhất là Hiệp hội các nhà trí thức Hồi giáo (ICMI) có tầm ảnh hưởng lớn. Trong khi cơ hội cho sự nghiệp chính trị và kinh doanh trong khuôn khổ của chế độ có thể là điểm thu hút chính đối với các thành viên mới, Trật tự Mới cũng đang dần thuyết phục tầng lớp trung lưu Hồi giáo mới nổi về một biểu tượng của niềm tự hào dân tộc và Hồi giáo, điều thách thức phương Tây theo nhiều cách khác nhau, không chỉ trong kế hoạch kinh tế đầy tham vọng của Habibie nhằm vượt qua phương Tây thông qua việc đầu tư vào công nghệ.(8)
Tất cả các yếu tố như niềm tự hào dân tộc, cảm giác oán giận đối với thế thống trị của phương Tây ngay cả ở nơi mà các sản phẩm vật chất và giá trị của phương Tây được chấp nhận, những cơ hội nghề nghiệp và lợi ích của sự gia tăng thịnh vượng là những điểm cuốn hút tầng lớp trung lưu chấp nhận các chế độ chuyên quyền. Việc khơi gợi tinh thần dân tộc chủ nghĩa hoặc “giá trị châu Á” cũng làm tăng rủi ro của những người đối lập bằng cách đẩy họ ra ngoài khuôn khổ hoạt động chính trị hợp pháp. Nhưng đồng thời nó cũng làm tăng rủi ro cho chính những người trong chế độ theo hướng thúc ép họ phải bó hẹp khuôn khổ hoạt động chính trị hợp pháp và khiến cho chế độ phải phụ thuộc vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng thịnh vượng. Liệu những chế độ như vậy có thể tồn tại hay không trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản chín muồi, được đặc trưng bởi mức tăng trưởng thấp hơn, là vấn đề khó biết chắc.
Nguồn: Nghiên cứu quốc tế