Seite auswählen
Diễm Thi, RFA
2019-02-26

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên máy bay Air Force One ngày 25 tháng 2 năm 2019 đến Việt Nam dự Thượng đỉnh Trump - Kim.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump lên máy bay Air Force One ngày 25 tháng 2 năm 2019 đến Việt Nam dự Thượng đỉnh Trump – Kim.

Hôm 25/2/2019, tờ The Guardian của Anh có bài viết nhan đề ‘Kiểm duyệt và im lặng: Các nước Đông Nam Á chịu đựng sự đàn áp’, trong đó có đoạn nhận định rằng dưới thời Tổng thống Donald Trump, tác động về nhân quyền của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á đã suy yếu đáng kể. Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác nhiều hơn về chiến lược và kinh tế, trong khi Hà Nội tiếp tục gia tăng bắt giữ, tra tấn và đàn áp các nhà báo cũng như các bloggers bất đồng chính kiến trong 18 tháng qua.

Nhà báo Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày, người bị kết tội chống Nhà nước – bị kết án 12 năm tù năm 2012, và bị đẩy sang Mỹ từ nhà tù cộng sản vào năm 2014 – nhận xét về tình hình nhân quyền Việt Nam cũng như một số nước khu vực Đông Nam Á đi xuống với ví dụ gần nhất là nhà báo Phillipines Maria Ressa bị bắt do chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte:

Thứ nhất là ê kíp của Nguyễn Phú Trọng lên có xu hướng bảo vệ quan điểm cổ lỗ của đảng cộng sản và thân Trung Quốc cho nên họ đàn áp phong trào đấu tranh dân chủ trong nước rất khốc liệt với nhiều bản án rất nặng nề.

Thứ hai là sự can thiệp từ cộng đồng quốc tế. Sự can thiệp mạnh mẽ và có áp lực chính trị nhất là của chính phủ Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Thời gian qua thì sự can thiệp cũng có nhưng chưa thường xuyên và mạnh mẽ như thời Tổng thống Obama.

Chỉ hai ngày trước thượng đỉnh Trump – Kim diễn ra tại Hà Nội, ông Francisco Bencosme, giám đốc vận động khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng ‘Tổng thống Trump đã nhiều lần phớt lờ vấn đề nhân quyền của người dân Bắc Hàn để làm hài lòng ông Kim Jong-un. Sự im lặng của Tổng thống Mỹ đã khiến nhân quyền Bắc Hàn bị vi phạm nghiêm trọng.’

Có thể đánh giá là thời kỳ của Trump với hơn hai năm đầu nhưng nhân quyền châu Á đi xuống, thậm chí có những nước đi xuống tồi tệ như Việt Nam. – Nhà báo Phạm Chí Dũng

Một tuần trước khi Tổng thống Donald Trump đến Việt Nam, các dân biểu lưỡng đảng trong Hạ viện Hoa Kỳ, gồm dân biểu Alan Lowelthal, dân biểu Chris Smith và dân biểu Zoe Lofgren đã ký thư yêu cầu Tổng thống Mỹ lên tiếng về vấn đề nhân quyền với các nhà lãnh đạo Việt Nam khi ông đến Hà Nội. Bức thư đề ngày 19/2/2019 nêu rõ Việt Nam có một thành tích đáng lo ngại về nhân quyền, đặc biệt là lĩnh vực tù nhân lương tâm. Theo một  danh sách do tổ chức Ân Xá Quốc Tế nêu ra thì trong năm 2018 có gần tù nhân lương tâm bị cầm tù bởi có quan điểm không được chính phủ Việt Nam chấp nhận.

Theo các nhà quan sát thì Tổng thống Donald Trump không quan tâm đến nhân quyền các nước Đông Nam Á với chính sách ngoại giao ‘Nước Mỹ trên hết’. Nhà báo Phạm Chí Dũng nhận định:

Có ít nhất ba ví dụ ở ba quốc gia. Thứ nhất là Thái Lan nhân quyền đi xuống, dần chuyển sang chế độ quân phiệt. Thứ hai là Singapore, nhân quyền cũng bị đánh giá thấp đi một chút, còn ở Việt Nam thì nổi bật. Từ năm Trump bắt đầu nhậm chức thì đặc biệt năm 2017 là năm đàn áp các nhà hoạt động khốc liệt nhất, bắt đến hơn 30 người và kéo dài đến năm 2018. Cho nên có thể đánh giá là thời kỳ của Trump với hơn hai năm đầu nhưng nhân quyền châu Á đi xuống, thậm chí có những nước đi xuống tồi tệ như Việt Nam.

Tuy đây không phải là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Donald Trump, nhưng theo Yonhap, Tổng thống Trump sẽ gặp các quan chức Việt Nam vào lúc 11h sáng 27/2. Ông dự kiến gặp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sau đó tham dự các cuộc đàm phán song phương mở rộng, “ký kết thương mại”, gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và ăn trưa với thủ tướng nước chủ nhà.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già lo ngại rằng sau Thượng đỉnh Trump – Kim thì nhân quyền Việt Nam sẽ tồi tệ hơn khi hình ảnh Việt Nam được ca ngợi như hình mẫu cho Triều Tiên học theo. Ông phân tích rằng nếu Hoa Kỳ tỏ thái độ mạnh về nhân quyền Việt Nam thì có thể phá vỡ sự tin tưởng của ông Kim Jong-un, điều đó bất lợi cho Hoa Kỳ, bởi trọng tâm của Hoa Kỳ là đang muốn thuyết phục ông Kim trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Nói về nhân quyền Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Già đưa ra bốn ý chính:

Sau Thượng đỉnh Trump – Kim thì nhân quyền Việt Nam sẽ tồi tệ hơn, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ leo thang đàn áp, bởi vì hình ảnh Việt Nam được ca ngợi như hình mẫu cho Triều Tiên học theo. – Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Thứ nhất là tình hình nhân quyền Việt Nam càng ngày càng đi xuống. Từ năm ngoái cho đến năm nay nhiều người đã bị bắt. Mới nhất là ông Huỳnh Đắc Túy bị quy cho tội tàng trữ, phát tán thông tin nhằm chống nhà nước theo Điều 117 BLHS. Có những trường hợp bị giam rất bất minh như trường hợp bác sĩ Nguyễn Thị Tố Nga, hay trường hợp nhà báo Trương Duy Nhất vẫn bặt vô âm tín cho đến hôm nay. Chúng ta thấy rõ tình hình nhân quyền của Việt Nam là một sự xuống dốc thảm hại.

Ý thứ hai là dù EVFTA tạm hoãn và EU đang đặt vấn đề nhân quyền trở lại thành trọng tâm trong việc ký kết hiệp định, nhưng tôi cho rằng EU không đủ biện pháp để ảnh hưởng đến nhà cầm quyền Việt Nam.

Ý thứ ba là người ta nói rằng dưới thời Tổng thống Trump, ông không quan tâm lắm tới nhân quyền Việt Nam cũng như một số các quốc gia Đông Nam Á khác thì tôi cho rằng điều này là có căn cứ, và tôi nghĩ rằng sau Thượng đỉnh Trump – Kim thì nhân quyền Việt Nam sẽ tồi tệ hơn, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ leo thang đàn áp, bởi vì hình ảnh Việt Nam được ca ngợi như hình mẫu cho Triều Tiên học theo.

Ý thứ tư là nguyên tắc chung của các quốc gia, nếu nước khác không có động thái nào đe dọa an ninh quốc gia họ thì sẽ khó mà kêu gọi họ lên tiếng cho nhân quyền quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng.

Trường hợp Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là một ví dụ vì đó là động thái đe dọa an ninh quốc gia của Đức và họ buộc phải can thiệp.”

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch chia sẻ với RFA hôm 19/2/2019 rằng ông hy vọng sẽ nhìn thấy sự quan tâm nhiều hơn về vấn đề nhân quyền Việt Nam của Chính phủ Mỹ, cũng như Hoa Kỳ sẽ đặt nặng vấn đề nhân quyền trong mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

Nguồn: RFA