Seite auswählen

3-3-2019

LTS: Chúng tôi có nhận được tài liệu “Triệu Tử Dương – Những câu chuyện khi bị giam lỏng” do TS Nguyễn Quang A gửi tới. TS Nguyễn Quang A viết:

“Tôi đọc xong Hồi Ký của Triệu Tử Dương (2009) thấy quá hay. Không rõ có ai dịch ra tiếng Việt chưa? Tôi hỏi các bậc am tưởng về chính trị và chữ TQ đều bảo chưa đọc. Tôi nghĩ không lẽ cuốn hay như vậy mà không dịch ra tiếng Việt (không xuất bản được thì chí ít cho giới lãnh đạo đọc) nên nhờ người tìm hiểu xe, Viện Trung Quốc có dịch không?

Tôi vui khi nghe nói có dịch từ lâu rồi, nhưng không được in [không rõ các vị trong danh mục email này có ai đọc được bản dịch chưa?]. Bưng bít thông tin là một tội lớn đối với dân tộc!

May tôi kiếm được bản mềm, hoá ra không phải hồi ký của Triệu Tử Dương mà tôi đã đọc bản tiếng Anh, mà là cuốn “Những câu chuyện của Triệu Tử Dương khi bị giam lỏng” do bạn già của ông là Tôn Phượng Minh ghi chép (cho đến vài tuần trước khi Tử Dương mất). Nó bổ sung cho Hồi ký của TTD (dường như hoàn tất trước năm 2000), như thế những ghi chép trước cũng nhất quán với Hồi Ký, nhưng còn thêm được khoảng 4 năm nữa.

Nhất quyết phải dịch Hồi Ký Triệu Tử Dương, nhưng đợi đến khi có bản tiếng Việt, tôi trân trọng đề nghị quý vị đọc cuốn của Tôn Phượng Minh và gửi cho càng nhiều người đọc càng tốt (nhất là các vị lãnh đạo hiện nay và các vị có tiềm năng trở thành lãnh đạo).

Rất cảm ơn.

Nguyễn Quang A

Triệu Tử Dương (giản thể: 赵紫阳; phồn thể: 趙紫陽; bính âm: Zhào Zǐyáng; 17 tháng 10 năm 1919 – 17 tháng 1 năm 2005) là một chính trị gia Trung Quốc. Ông từng giữ chức vụ Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ năm 1980 tới 1987 và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1987 tới 1989. Là một quan chức cao cấp trong chính phủ, ông đã lãnh đạo phe cải cách tiến hành những biện pháp cải cách thị trường đóng góp lớn vào tăng trưởng sản xuất và tìm kiếm các biện pháp giải quyết tình trạng quan liêu cũng như chiến đấu chống tham nhũng. Từng được đề cử là người kế tục Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương đã bị thanh trừng vì có tình cảm với những sinh viên tham gia biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và sống mười lăm năm cuối cuộc đời trong hoàn cảnh bị quản thúc tại gia. (theo Wikipedia)

***

Trích: Sau khi Tử Dương bị giam lỏng, tôi đã trực tiếp gặp ông ba lần. Hai lần tại nhà riêng của ông, một lần là tại phòng bệnh ông nằm.

Hai lần gặp Tử Dương tại nhà riêng, một lần tôi đi một mình, một lần tôi cùng đi với Tôn Phượng Minh2. Chúng tôi thảo luận rất nhiều vấn đề.

Nhớ khi đó, tôi từng đề nghị Tử Dương viết hồi ký, viết ra những sự việc quan trọng đã trải qua, nhất là sự kiện “4 tháng 6” để lưu lại lịch sử chân thực cho đời sau. Ông là người trong cuộc của rất nhiều sự kiện lịch sử đương đại Trung Quốc. Nếu ông không nói ra, có thể thế hệ sau sẽ không hiểu rõ những sự kiện lịch sử quan trọng này. Tử Dương nói, sẽ suy nghĩ về đề nghị của tôi. Sau đó, ông nhờ riêng Tôn Phượng Minh nói với tôi, để tôi yên tâm, chí ít thì ông cũng lưu được những tài liệu có liên quan đến sự kiện “ngày 4 tháng 6” (4), sẽ nói lại cho thế hệ sau đúng sự thực về những sự việc mà ông đã trải qua, đã biết có liên quan đến sự kiện “ngày 4 tháng 6”.

Vẫn nhớ khi đó, Tử Dương đã canh cánh trong lòng việc Ngô Giang viết sai về mình. Trong cuốn “Con đường mười năm – Những năm tháng cùng ở với Hồ Diệu Bang”, Ngô có nói năm 1984 Tử Dương đã gửi một bức thư cho Đặng Tiểu Bình và Trần Vân. Nội dung bức thư là tố cáo tội của Hồ Diệu Bang. Tử Dương nói với tôi, đúng là lúc đó có gửi thư cho Đặng Tiểu Bình và Trần Vân, nhưng nội dung thư lại bàn đến việc khác, chứ không phải là tố cáo tội Hồ Diệu Bang. Rất may là còn giữ lại được bản thảo gốc của bức thư, xin gửi anh một bản phôtô. Tử Dương còn nói, mình đang ở vào tình trạng bị giam lỏng, không thể đứng lên để nói rõ sự tình, phân tích thật giả, chỉ hy vọng Ngô Giang nên có một bài thuyết minh cải chính; thế nhưng Ngô Giang mặc kệ, khiến Tử Dương vô cùng đau buồn. Nghe những thuyết minh của Tử Dương, đọc nguyên văn bức thư của ông, tôi cảm thấy những điều ông nói là rất thực.

Hôm gặp Tử Dương ở phòng bệnh tôi đi cùng với vợ tôi. Nhờ vợ tôi kiên trì, chúng tôi đứng một hồi lâu trước cửa phòng, mới được cho vào thăm. Sau khi gặp mặt, tôi đại diện nhiều đồng chí cũ hỏi thăm Tử Dương, mong đồng chí chú ý điều dưỡng hơn. Trong khi nói chuyện, chúng tôi đề cập đến hai cuốn sách, một cuốn có tên “Lý tưởng, niềm tin, sự theo đuổi” của Tôn Phượng Minh, một cuốn là “Cuộc đấu tranh chính trị trong những năm tháng cải cách của Trung Quốc” của Dương Kế Thằng. Cả hai cuốn sách đều nói đến Tử Dương và đường lối cải cách Trung Quốc do ông đề xuất cùng những đối xử bất công mà ông phải chịu.

Tử Dương rất quan tâm đến cảnh ngộ của hai tác giả, chỉ lo hai tác giả vì nói thay mình mà bị liên lụy. Tôi nói với Tử Dương, lãnh đạo đơn vị của hai tác giả này đều đã tìm họ nói chuyện, thẩm tra truy hỏi vì sao lại ra hai cuốn sách đó; thế nhưng trước mắt họ vẫn sinh hoạt bình thường. Tử Dương nói: “Thế thì tôi yên tâm”.

Đây là lần gặp mặt cuối cùng của tôi với Triệu Tử Dương. Hơn mười ngày sau ông từ trần. Có lẽ tôi là một lão đồng chí mà ông gặp mặt cuối cùng.

***

Sách dài 504 trang, hơn 239.000 từ. Kính mời quý độc giả bấm vào link đọc tiếp: Triệu Tử Dương – Những câu chuyện khi bị giam lỏng

Từ Trang nhà.

Nguồn: Tiếng Dân

Xem thêm: Triệu Tử Dương tiết lộ những gì?