Kể từ sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, một cộng đồng người Việt mới xuất hiện ở châu Âu, ngày càng đông đảo và lớn mạnh đồng thời một tầng lớp đại gia theo đó cũng ra đời, đặc điểm của lớp người giàu này là họ giàu lên trong buổi giao thời, để có được một khối tài sản to lớn trong thời gian ngắn ngủi kia họ đã phải trả giá với mồ hôi, nước mắt và cả bằng máu, bởi vậy nhu cầu tìm đến tâm linh vì thế có sự thôi thúc nội tâm rất lớn.
Nổi bật nhất trong trào lưu xây chùa, dựng tượng ở Châu Âu trong thời gian vừa qua đó là hiện tượng một số đại gia người Việt vừa tự bỏ tiền túi đồng thời vừa đứng lên kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng người Việt để kiến tạo nên một ngôi chùa nhằm phục vụ cho nhu cầu tâm linh của mình và cộng đồng, sự kiện ông Bùi Anh Thái xây chùa Thiên Việt vào năm 2004 tại Ba Lan là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu cho trào lưu này.
Từ những hành động xây chùa, dựng tượng tự phát, đơn lẻ lúc ban đầu của một số đại gia ở Ba Lan, Séc, Hung chỉ một thời gian sau đó đã thu hút được sự chú ý của giới chức ở trong nước, trong buổi gặp ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ nhiệm ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài vào năm 2008, đại đức Thích Thanh Phong đã kiến nghị “thời gian tới Nhà nước cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ xây dựng các trung tâm văn hóa người Việt tại mỗi nước – nơi có Việt kiều sinh sống.”
Và sau đó tuyên bố trong buổi trả lời phóng vấn báo Thế Giới và Việt Nam:
“Chúng tôi đã kết hợp với Uỷ ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, Đại sứ quán thành lập những ngôi chùa, những Hội phật tử.”
Thích Thanh Phong là ai mà đóng vai trò tiên phong trong sứ mệnh mang chuông đi đánh xứ người?
“Nam Phong – Bắc Quyết” là câu lưu truyền của người đời để chỉ quyền uy trùm thiên hạ của sư Thích Thanh Phong hiện nay, người kia là sư Thích Thanh Quyết.
Trong phần giới thiệu tiểu sử của đại biểu Quốc hội Phạm Đức Phong (Thích Thanh Phong) người ta được biết ông xuất gia tu học tại Chùa Quán Sứ năm 1983, là nơi được chọn làm văn phòng Trung ương của Giáo hội Phật giáo Nhà nước khi tổ chức này được Nhà nước lập nên cách đó 2 năm. Nhắc đến chi tiết này để thấy con đường danh vọng của sư Thích Thanh Phong là do chùa Quán Sứ trực tiếp tuyển chọn và đào tạo, nó hơi khác với sư Thích Thanh Quyết, từng tu học ở chùa khác, thầy khác rồi sau này mới được chùa Quán Sứ vời về.
Năm 1999, hoàn thành khóa tu nghiệp tại Đài loan trở về chỉ ít lâu sau đó sư Thích Thanh Phong đã được bổ nhiệm chức Quyền trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm tại thành phố Hồ Chí Minh, sở dĩ mới chỉ được bổ nhiệm là Quyền trụ trì ngôi chùa danh tiếng và quan trọng bậc nhất nơi trời Nam này là vì có sự trở ngại, đó là vị đệ tử ruột của cố hòa thượng trụ trì Thích Thanh Kiểm – sư Thích Giác Dũng.
Hòa thượng Thích Thanh Kiểm lúc tuổi đã xế chiều đã chọn đệ tử xuất sắc nhất của mình là sư Thích Giác Dũng làm người kế tục nhận lãnh trách nhiệm trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm sau khi ngài qua đời, để chuẩn bị cho bước đi này ngay từ đầu thập niên 90 hòa thượng Thích Thanh Kiểm đã gửi đệ tử của mình sang Nhật du học tại đại học đường Rissko nổi tiếng, nơi ngài trước kia cũng đã từng tu học tại đó. Trong suốt thời gian dài du học tại Nhật, sư Thích Giác Dũng đi biền biệt mà không trở về thăm Việt Nam được bởi luôn gặp trở ngại trong khâu thủ tục giấy tờ từ ĐSQ Việt Nam tại Nhật.
Năm 2000 hòa thượng Thích Thanh Kiểm đột ngột qua đời trong lúc đệ tử ruột của ngài còn tu học bên Nhật, chức Quyền trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã được trao cho sư Thích Thanh Phong trong bối cảnh đó.
Năm 2001 tháp đá Vĩnh Nghiêm, tháp đá cao và công phu nhất được khởi công xây dựng tại chùa Vĩnh Nghiêm, báo Nhân Dân đưa tin về sự kiện này như sau:
Theo đại đức Thích Thanh Phong – người phụ trách thiết kế và xây dựng ngôi tháp, thời điểm xây dựng ngôi tháp là cuối năm 2001. Tuy nhiên, trước đó gần hai năm ông cùng một số vị cao tăng, chủ trì các ngôi chùa nổi tiếng đất bắc đã lặn lội tới từng ngôi chùa cổ để chọn mẫu cho “Vĩnh Nghiêm tháp”.
Như vậy, sư Thích Thanh Phong, trưởng ban Kinh tế Tài chánh Trung ương, một người đi tu từ năm 15 tuổi nhưng không tụng nổi một phẩm kinh, sau khi cho dựng tháp đá Vĩnh Nghiêm để đánh dấu lãnh địa của mình thì đã tiếp tục mộng ước tạo được dấu ấn tiếp theo bằng sự nghiệp mang chuông đi đánh xứ người.
Sự phá sản của “Đạo Pháp- Dân Tộc- Chủ Nghĩa Xã Hội” nơi trời Âu
Với văn thư gửi Phật tử chùa Vĩnh Nghiêm ở CHLB Đức và CH Séc do chùa Vĩnh Nghiêm Nürnberg phổ biến, chính thức thừa nhận sự ly khai của hai nhà sư được chùa Vĩnh Nghiêm cử sang Đức, đánh dấu sự thất bại của chính sách dựng chùa, gửi tăng sang kết hợp với sự giám sát chặt chẽ của ĐSQ và tay chân thân tín, chúng ta nhận thấy rằng Công thức giáo hội Phật giáo nhà nước kết hợp với ủy ban nhà nước về người VN ở nước ngoài cùng ĐSQ thành lập chùa và hội Phật tử ở xứ người của sư Thích Thanh Phong đã đi vào hồi phá sản, những trò đánh phá điên cuồng, vu khống đê tiện đối với những nhà sư không theo định hướng XHCN của đám tay chân của sư Thích Thanh Phong trong BDH chùa Vĩnh Nghiêm Nürnberg trong thời gian qua càng chứng minh rõ sự phá sản này. Những tên lợi dụng núp bóng nhà chùa chuyên rình mò, nghe ngóng tin tức để báo cho ĐSQ mà tôi, tác giả bài viết này biết rõ tên tuổi, đã là nhân tố tích cực nhất để đưa cái nghiệp mang chuông của Thích Thanh Phong kết thúc nhục nhã nơi xứ người.
Âu cũng là nhân quả vậy.
Nhân ngày hội hoá trang Faschingsdienstag
Nguồn: Dân Luận