Vào cuối tháng hai vừa qua, nhận được thư mời tham dự Lễ Hai Bà Trưng do Hội Phụ Nữ Văn Hóa Tự Do Đức Quốc tổ chức tại Wiesbaden vào ngày 24.02.2019, một nhóm anh em thuộc Cộng Đồng Người Việt Tự Do München Bayern đã „cơm ghe bè bạn“ cùng rủ nhau đi tham dự. Đi sớm một ngày, anh em đã tiện thể ghé vào Bad Homburg để thăm viếng võ sư Vovinam Trần Phước Thiện hiện đang nghỉ dưỡng bệnh tại nhà sau chuyến đi công tác tại Hoa Kỳ.
Được biết vs Trần Phước Thiện là một trong những vị võ sư trong môn phái Vovinam hiện đang sinh sống tại vùng Trung Đức rất lưu tâm đến hiện tình đất nước; tuy sinh hoạt chính trị toàn thời, ông vẫn cùng một số huynh đệ mở võ đường Vovinam huấn luyện tại vùng Frankfurt. Ông luôn chủ trương đem sự đào tạo võ thuật, truyền bá võ đạo đến với mọi người Việt, nhất là giới trẻ tỵ nạn tại vùng Trung Đức. Lâu nay, vs Trần Phước Thiện vẫn là người luôn yểm trợ và khích lệ tinh thần các anh em Cộng Đồng người Việt sinh hoạt tại München Bayern trong mọi tình huống và những khi có điều kiện, ông đều về München tham gia những sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt do München tổ chức như lễ Tết Nguyên Đán, Giỗ Tổ Hùng Vương…
Chiều tối thứ bảy 23.02.2019, anh em đã đến Wiesbaden vào nhà giáo sư Nguyễn Thanh Châu. Trước đây, qua một dịp may, anh em chúng tôi được quen biết vị giáo sư cao niên (96 tuổi) đã trải qua hai triều đại Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học bên Pháp và bên Anh quốc, cụ được TT Diệm mời về giảng dậy tại trường Đại học Quân sự Đà Lạt mà sau này được đổi tên thành trường Cao đẳng Quốc Phòng chuyên dạy cho những vị tướng hoặc chuẩn bị lên cấp tướng của quân đội VNCH.
Bữa cơm tối do cụ Châu khoản đãi tại nhà thật thịnh soạn và vui. „Các ông cứ yên tâm mà ăn uống tự nhiên, nhiều thức ăn lắm, con cháu tôi đã chuẩn bị đầy đủ hết rồi!“, giọng cụ Châu ân cần mời mọc. Bữa cơm gia đình càng thêm đông đủ và ấm áp vì có thêm vợ chồng anh Nghĩa chị Nga đến từ địa phương. Cả hai vợ chồng đều có tài lại thêm tính năng động , xông xáo; vợ hoạt động cho Hội Phụ Nữ Đức quốc, còn chồng thì sinh hoạt bên Hội Người Việt Wiesbaden. Với kiến thức sâu rộng của giáo sư Châu, anh em tha hồ mà hỏi han, thắc mắc gì cứ hỏi, câu nào cụ cũng có lời giải thích rõ ràng, đầy đủ. Nhiều lúc anh em cứ hỏi mà quên cả ăn, còn giáo sư Châu thì mải trả lời quên cả nâng ly rượu hoặc mồi thêm điếu thuốc. Bữa họp mặt cứ như thế kéo dài đến khuya.
Ngày hôm sau, chúng tôi cùng với giáo sư Châu đến hội trường Geschwister-Schollstr. thành phố Wiesbaden, địa điểm tổ chức lễ Giỗ Hai Bà Trưng. Tuy thời gian sửa soạn không có nhiều vì tin nhận được hội trường đến trễ, theo như lời BTC kể lại nhưng buổi lễ đã được các bà các cô, các chị em thuộc Hội Phụ Nữ dàn dựng kỹ lưỡng và chuẩn bị thật chu đáo: Từ sân khấu , bàn thờ, nghi thức tế lễ, chương trình văn nghệ cho đến đủ loại thức ăn Việt ngon lành bày đầy hai dãy büffet. „Có thêm sự tiếp tay của các đấng nam nhi thuộc hội Người Việt tỵ nạn tại Wiesbaden nữa đó!“, lời của chị Mỹ Nga, hội Phó Ngoại Vụ cho biết.
Sau nghi lễ chào quốc kỳ là tiết mục tế lễ thật trang nghiêm do các bà các cô thuộc Hội Phụ Nữ đảm trách.
Lời văn tế âm vang, hồi trống chiêng thúc dục, tiếng nhã nhạc réo rắt khiến liên tuởng: Hai ngàn năm trước, giặc Đông Hán tràn lan Giao Chỉ, quân Hai Bà reo hò, nhạc ngựa réo rắt, đầu voi cờ vàng phát hiệu, quân bộ cờ ngũ hành lên theo theo hồi trống dục, đồng tiến công reo hò, quân tướng giặc tháo chạy, 65 thành trì thu về một mối, Trưng Vương lên ngôi, bờ cõi Việt Lạc thanh bình âu ca, một triều đại độc lập mới bắt đầu.
Người tham dự rưng rưng đồng cảm, người đứng lễ bàn thờ xúc động, khách ngồi yên lòng thương cảm phận nữ nhi quốc biến. „Nợ nước phó tay người nhi-nữ, Tình riêng cứu nguy cho toàn-dân,…“ Lời bài hợp ca Trưng Nữ Vương của Nhạc sĩ Thẩm Oánh do các chị em trình diễn đã diễn tả đầy đủ tâm tình, ý tưởng người tham dự hôm nay.
Nhân dịp này, giáo sư Nguyễn Thành Châu đã trình bày về đề tài „Cờ ngũ hành – tại sao cờ ngũ hành mà không phải là cờ ngũ sắc?“. Ngũ Hành, Kinh Dịch thuộc bản sắc văn minh lúa nước đặc biệt của dân tộc Việt Lạc, bắt nguồn hơn bốn ngàn năm trước từ vùng hồ Động Đình, Lĩnh Nam. Văn hoá trồng lúa nước, thuận theo âm dương tứ thời bát tiết, biết tương sinh tương khắc của năm loại khí chất, đưa đến mùa màng thu hoạch thuận lợi. Từ đó sinh ra triết lý ngũ hành, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, căn bản của kinh Dịch. Ngũ Hành, Kinh Dịch là của người Việt.
Chân thành cám ơn giáo sư Châu đã diễn giải thật chí lý, chi tiết và mạch lạc về nguồn gốc ngũ hành, kinh dịch.
Phần văn nghệ cây nhà lá vườn với những bài hát lịch sử, quê hương đấu tranh đã làm cho buổi lễ được thêm phần đầy đủ và trọn vẹn. Và vì đây cũng là buổi họp mặt đầu năm của hội nên có thêm vở hài kịch „Táo quân họp mặt trên thiên đình“ mà các chị cho biết là tự biên trong thời gian ngắn nhất và không có tập dợt chung gì cả và đây là buổi diễn đầu tiên (Uraufführung). Vở kịch thật hay và vui nhộn, ai dám bảo các bà không biết diễn trò hài hước.
Chương trình buổi lễ đã được kết thúc bằng một bữa tiệc Büffet thịnh soạn thật ngon lành do chính các chị trong hội nấu nướng sửa soạn. Đây cũng là dịp mọi người thuộc các hội đoàn từ khắp nơi gặp nhau chuyện trò trao đổi.
Vì đường xa nên nhóm anh em München phải chia tay và ra về sớm vào khoảng 18 giờ.
Hôm nay viết lại những dòng này để bày tỏ lòng cảm phục cũng như để chân thành cám ơn tất cả các vị nữ lưu thuộc hội Phụ Nữ, nhất là các chị Phi Nga, Mỹ Nga đã thực hiện thành công buổi lễ giỗ nhị vị họ Trưng.
Và lời cuối cũng xin chân thành cám ơn giáo sư Châu không quản ngại tuổi già, nhà chật đã „cưu mang“ thu xếp miếng ăn chỗ ngủ tươm tất cho nhóm anh em München cũng như đã tận tâm giải thích, chỉ dẫn tường tận mọi câu hỏi, mọi vấn đề thắc mắc của anh em trong những giờ gần bên cụ.
CĐNVTD-München Bayern