Chúng ta thường nghe nói về thuật ngữ Tù nhân lương tâm Việt Nam nhưng chưa biết rõ vì sao có tên gọi này, và căn cứ vào đâu để Ân xá Quốc tế hình thành danh sách được nhiều người biết đến này.
Đài Á Châu Tự Do có cuộc phỏng vấn với anh Nguyễn Trường Sơn, hiện là người làm chiến dịch cho tổ chức Ân xá Quốc tế cho 2 nước Campuchia và Việt Nam.
RFA: Vừa qua tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo báo chí, gọi người tài xế chống các dự án BOT không minh bạch – Hà Văn Nam là một Tù nhân lương tâm (TNLT), một thuật ngữ người ta thường thấy dành cho những người bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng ông Nam không hoạt động chính trị, vậy cơ sở nào để Ân xá Quốc tế có thông cáo này?
Nguyễn Trường Sơn: Đối với Ân xá Quốc tế (AXQT) thì chúng ta phải hiểu thuật ngữ “Tù nhân lương tâm” được tạo ra từ chính tổ chức AXQT, đây là tổ chức nhân quyền đầu tiên trên thế giới sử dụng thuật ngữ này. Trước khi thuật ngữ TNLT được sử dụng thì trước đây người ta thường sử dụng thuật ngữ “Tù nhân chính trị”.
Tuy nhiên AXQT nhận thấy có rất nhiều người, người ta không hề hoạt động chính trị, mà chỉ đơn thuần thực hiện các quyền con người cơ bản của mình, hoặc các quyền công dân của mình, vì thế mà họ phải chịu cảnh tù đày, bắt bớ, đàn áp.
Ông Hà Văn Nam
Những người như vậy nếu xét theo tiêu chuẩn của một tù nhân chính trị thì không phải, cho nên AXQT đã nghĩ ra một khái niệm mới, đó là TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM.
Thế thì TNLT là ai? TNLT là tất cả những người chịu cảnh tù đày chỉ vì thực hành và bảo vệ những cái quyền con người và quyền công dân của mình một cách ôn hòa, thì đó là một tù nhân lương tâm.
Quay lại trường hợp của Hà Văn Nam, ông này hội đủ các yếu tố để được gọi là một TNLT, trước hết anh là một tù nhân, chúng ta không cần phải bàn cãi gì điều này. Anh đã bị bắt và hiện đang ở trong trại tạm giam, anh ấy đã mất đi sự tự do của mình.
Thứ hai, lý do anh bị bắt ở đây, mặc dù cáo trạng của công an tỉnh Bắc Ninh đưa ra là anh “gây rối trật tự công cộng”, nhưng thông qua những sự theo dõi phương tiện truyền thông đại chúng, qua Mạng xã hội, cũng như AXQT cũng đã thực hiện những cuộc điều tra riêng của mình thì chúng tôi nhận thấy Hà Văn Nam đã không phạm bất cứ một tội nào cả.
Tất cả những gì anh đó làm là thực hiện những quyền con người cơ bản của mình như là quyền tự do hội họp, quyền tự do biểu đạt và ngoài ra đối với chúng tôi việc Hà Văn Nam bị bắt bớ có động cơ chính trị ở đây.
Tức là nhà cầm quyền nhận thấy rằng Hà Văn Nam đang đe dọa lợi ích của họ nên họ bắt bớ Hà Văn Nam để dập tắt đi tiếng nói của anh.
Đối với AXQT thì rõ ràng Hà Văn Nam là một tù nhân lương tâm.
RFA: Ông có nói “nhà cầm quyền thấy ông Nam đang đe dọa lợi ích của họ”, tuy nhiên người tài xế này chỉ tham gia phản đối những dự án BOT của những công ty tư nhân. Ông giải thích thế nào về điều này?
Nguyễn Trường Sơn: Một trong những hoạt động chính của ông Nam đó là phản đối những dự án BOT mà không chỉ ông này, mà còn rất nhiều người dân nhận thấy có lợi ích nhóm trong đó.
Lợi ích nhóm ở đây là cái việc mà người dân nghi ngờ rằng cái công ty cho dù với tên gọi là công ty tư nhân, nhưng lại được trao những hợp đồng xây dựng những công trình như thế này là có gắn với lợi ích của chính quyền địa phương thậm chí là chính quyền trung ương.
Một trong những bằng chứng mà người dân cũng như các tổ chức đặt ra giả thiết này chính là việc mà chính quyền địa phương tham gia bảo vệ những cái công ty này và cử những lực lượng thường phục trấn áp, đe dọa những nhà hoạt động phản đối những dự án này.
Chính vì sự mập mờ giữa mối quan hệ của các công ty với chính quyền địa phương và trung ương là lý do để chúng tôi nghi ngờ rằng vì sao việc chính quyền bắt Hà Văn Nam là một hành động để họ chặn đứng thứ mà họ cho rằng đó là “mối đe dọa’ đến từ Hà Văn Nam và các hoạt động chống lại các dự án BOT bất hợp lý hiện nay.
RFA: Chúng tôi nhận thấy danh sách Tù nhân lương tâm của các tổ chức làm về nhân quyền Việt Nam lên đến con số 200 người và có thể hơn nữa, tuy nhiên danh sách TNLT mà Ân xá Quốc tế cung cấp mới nhất hồi năm ngoái chỉ có dưới 100 người. Quy trình của AXQT như thế nào để một người hoạt động được đưa vào danh sách TNLT?
Nguyễn Trường Sơn: Khi Ân xá Quốc tế công bố danh sách TNLT Việt Nam thì chúng tôi có nói rất rõ đây chỉ là những TNLT mà chúng tôi biết và chúng tôi tin rằng còn đó rất nhiều TNLT hay là còn đó rất nhiều những tù nhân đủ điều kiện để được gọi là một TNLT nhưng chúng tôi không biết đến.
Vì có thể là chúng tôi không có thông tin về họ, thứ h AXQT chúng tôi không có đầy đủ chứng cứ để gọi họ là 1 TNLT. Như tôi đã nói, TNLT là người bị bắt vì thực hành và bảo vệ quyền con người của mình một cách ôn hòa, đối với AXQT khi chúng tôi đưa AXQT đó vào daanh sách TNLT thì chúng tôi nghiên cứu rất kỹ.
Khi chúng tôi có đầy đủ bằng chứng, chứng minh được rằng người đó hội tụ các yếu tố để chắc chắn có thể gọi họ là 1 TNLY thì chúng tôi mới đưa họ vào danh sách.
Bởi vì đối với AXQT thì một người TNLT là một người không cổ vũ bạo lực, không sử dụng bạo lực và không bao giờ được thể hiện sự phân biệt đối xử và không được lan truyền sự thù hận. Đó là cái khó khăn khi chúng tôi tìm hiểu về các tù nhân lương tâm VN để đưa họ vào danh sách Tù nhân lương tâm.
RFA: Một người trở thành TNLT thì sẽ được “quyền lợi” như thế nào? Liệu có khác gì đối với những người tranh đấu nhưng sử dụng vũ lực?
Nguyễn Trường Sơn: Đối với AXQT nói riêng và tôi tin rằng những tổ chức nhân quyền đều có một quan điểm chung đó là khi chúng ta đấu tranh cho nhân quyền thì chúng ta phải khước từ bạo lực, khước từ sự phân biệt đối xử.
Nếu một người nào đó nhân danh nhân quyền, nhân danh đấu tranh cho tự do nhưng lại đấu tranh bằng bạo lực, lại tất là phương pháp đấu tranh của họ lại vi phạm nhân quyền của một người khác hay một cộng đồng khác.
Vì khi chúng ta nói đến bạo lực thì chắc chắn sẽ có nạn nhân, nói đến phân biệt đối xử thì chắc chắc phải có nạn nhân, nói đến thù hận thì phải có đối tượng của sự thù hận. Khi chúng ta nói đến đấu tranh cho nhân quyền thì chúng ta không bao giờ được sử dụng những phương pháp đấu tranh đó.
Đối với những người được gọi là TNLT, chúng tôi không muốn dùng cái từ “lợi ích”. Khi AXQT lên tiếng về một TNLT, chúng tôi luôn luôn khẳng định rằng đó là những người không nên bị cầm tù. Tức là những công việc của họ, những lý tưởng của họ xung quanh việc thực hành quyền của họ cũng như bảo vệ quyền của người khác là một việc làm hết sức chính đáng.
Nhà nước đáng lẽ ra phải bảo vệ và khuyến khích thay vì cầm tù họ. Đối với những TNLT thì chúng tôi chắc chắn sẽ dốc sức để đòi hỏi cho sự tự do của họ.
AXQT là 1 tổ chức được thành lập dựa trên việc đấu tranh cho TNLT, khi luật sư Peter Benenson, một người Anh sáng lập ra tổ chức AXQT thì việc đầu tiên ông làm là đấu tranh cho TNLT.
Đó là một trong những tiêu chí hàng đầu của AXQT, không chỉ ở VN mà còn trên toàn thế giới đó là chúng tôi luôn tìm hiểu về các TNLT và cố gắng đòi hỏi sự tự do cho họ và chúng tôi vẫn làm việc cho đến khi nào còn có TNLT ở trong nhà tù.
RFA: Cảm ơn ông Nguyễn Trường Sơn đã đến với cuộc phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do.
Nguồn: RFA