Seite auswählen

Ngân sách quốc phòng mới của Mỹ tập trung đối phó Trung cộng

Hình minh họa. Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình duyệt binh ở Hong Kong hôm 30/6/2017  AFP

Ngân sách quốc phòng mới được Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất tập trung vào việc đối phó với nguy cơ từ Trung cộng khi nước này đang gia tăng hiện đại hoá quân đội với những vũ khí hiện đại. Hãng tin AP loan tin này hôm 16/3.

Phát biểu trước buổi điều trần tại Uỷ ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm, ngày 14/3 vừa qua, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói Hoa Kỳ đã bỏ qua vấn đề này quá lâu. Quyền Bộ trưởng Shanahan viết trong báo cáo gửi Thượng viện Mỹ rằng: “ Trung cộng đang tích cực hiện đại hoá quân đội, ăn cắp một cách có hệ thống khoa học và công nghệ và tìm kiếm lợi thế quân sự qua chiến lược kết hợp quốc phòng và dân sự’.

Trong ngân sách đề nghị 718 tỷ đô la, Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị chi 25 tỷ đô la cho năm 2020 vào vũ khí hạt nhân để vượt hẳn Trung cộng về kho vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói Trung cộng hiện đang phát triển máy bay ném bom tầm xa cso thể mang vũ khí hạt nhân và nếu thành công thì sẽ trở thành một trong ba nước bao gồm Mỹ, Nga, Trung cộng có vũ khí hạt nhân cả trên biển, bờ và trên không.

Shanahan không phải là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên bày tỏ những lo ngại về sự đe doạ từ Trung cộng. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cũng đã đặt Trung cộng vào hàng đầu danh sách những vấn đề mà Mỹ phải đối phó trong chiến lược quốc phòng quốc gia của Mỹ.

Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ chỉ rõ cùng với việc phát triển kinh tế và quốc phòng, Trung cộng sẽ tiếp tục theo đuổi hiện đại hoá quân sự để tìm cách bành trướng ra khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương trong thời gian gần và tìm cách thay thế Mỹ trong tương lai.

RFA (16.03.2019)

Ai cứu tàu ngư dân Việt bị Trung cộng đâm chìm?

Tàu đánh cá Đà Nẵng số hiệu DNA 90152 bị tàu Trung cộng đánh chìm hôm 2/6/2014.  AFP

Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, hôm sáu tháng ba vừa qua, một tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 TS/05 bị tàu Trung cộng số hiệu BKS 44101 đâm chìm trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vị trí tàu bị đâm cách phía đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý. Năm ngư dân đã được tàu cá QNg 90620 TS tiếp cận cứu vớt an toàn và rời khỏi khu vực trên.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung cộng sau đó viết rằng một tàu của nước này đã cứu năm người trên một tàu đánh cá ngư dân Việt Nam vì họ gặp nạn, đồng thời dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung cộng Lục Khảng bác bỏ các tin tức trước đó nói rằng một tàu của Trung cộng đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Ông Tiêu Viết Thạnh, từng là trưởng công an xã Bình Châu, Quảng Ngãi nói lên suy nghĩ của mình khi nghe tin tàu Trung cộng cứu giúp ngư dân Việt Nam hôm 6/3 vừa qua:

“Không đúng đâu cô. Nó cố tình đâm chìm. Nó sợ thế giới lên tiếng thì nó nói vậy thôi chứ không bao giờ nó cứu mình.”

Bà Phụng, vợ ngư dân Nguyễn Tấn Luận ở Quảng Ngãi khẳng định không bao giờ có chuyện Trung cộng giúp ngư dân Việt đâu mà trong thực tế tàu của ngư dân Việt theo bà biết bị phía Trung cộng đuổi bắt, phun nước, cướp hải sản, ngư cụ, thậm chí bắn phá:

“Nó dí nó tông thì mình chìm thôi. Nó nói được phần của nó thôi. Làm gì mà nó cứu mình. Ở đây ai cũng biết chuyện đó mà.”

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng khẳng định rằng Trung cộng chưa bao giờ nhận đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam. Ông xác nhận hôm 6/3 vừa qua, ngư dân Quảng Ngãi đã vớt năm ngư dân của chiếc tàu bị chìm, đưa lên tàu và tiếp tục đi đánh cá đến nay chưa về. Ông cho biết chỉ tin tưởng vào ngư dân Việt Nam mà thôi và hiện cũng đang chờ thêm thông tin cụ thể:

“Họ giúp gì trong khi ngư dân Việt nam đã vớt nhau lên rồi còn đâu họ giúp. Giúp gì được? Với những thông tin như thế thì thật ra bây giờ tụi tui cũng đâu có đi đôi co được. Bây giờ tụi tôi chỉ dựa vào thông tin người Việt Nam của chúng tôi mà thôi. ”

Tuy bị phía Trung cộng hăm dọa, rượt bắt, cướp nghư cụ, thậm chí bắn chết, nhưng ngư dân Việt nam vẫn ra khơi, vẫn đến Hoàng Sa đánh bắt cá vì đó là ngư trường truyền thống từ lâu đời của ngư dân Việt từ đời cha ông. Nếu có tàu bị đâm các tàu cùng đoàn cứu nhau rồi cùng chạy. Bà Phụng khẳng định:

“Họ vẫn đi chứ. Bị dí, bị chìm thì họ vẫn cứ đi. Thấy nó thì chạy chứ gọi phía Việt Nam ra được thì nó nhận chìm mình rồi. Từ đất liền ra tới Hoàng Sa đi một ngày một đêm, sao mà ra cho kịp. Nếu có xảy ra chuyện gì thì trước mắt là cơ quan chức năng Việt Nam điện cho các tàu cá gần đó tới cứu trước rồi cứu hộ cứu nạn ra sau. Cứu hộ cứu nạn ra thì cũng trễ.”

Một ngư dân Việt cuốn lưới trên tàu đánh cá tại cảng Thọ Quang, Đà Nẵng, hôm 26/3/2016. AFP

Đây không phải là lần đầu tiên tàu Trung cộng đâm chìm tàu cá Việt Nam. Tuy vậy cho đến nay chưa có một con số thống kê cụ thể nào.

Ông Tiêu Viết Thạnh xác nhận chuyện Trung cộng từng bắn ngư dân Việt ở Hoàng Sa:

“ Nói chung là ra đảo Hoàng Sa làm thì Trung cộng nó dí nó bắn. Hoàng Sa là của mình nhưng khu quân sự nó đóng từ hồi ‘giải phóng’. Nó đóng riết tới bây giờ luôn.

Mấy năm đầu thì dân mình ra làm được, nó cũng vẫn vui vẻ, xin nó cũng cho. Sau này dân mình ra làm nhiều quá thì nó xua đuổi nhưng dân mình cũng cương quyết làm, nó bắn chết hai, ba người ở Bình Châu rồi. Mấy năm trước nó phun nước làm tàu mình chạy không kịp.

Nói chung thì ngư dân vẫn ra làm dù nó đuổi nó dí. Họ ghi lại số tàu rồi về báo với chính quyền địa phương, báo với biên phòng. Mình kiến nghị nhiều lần nhưng cũng vậy. Dân thì vẫn ra làm nhưng nhìn ống dòm thấy nó là tránh, không dám làm liều như trước nữa.”

Tại buổi họp báo chiều 14/3, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lập trường của Việt Nam về một số vụ việc và hoạt động gần đây của các nước trên Biển Đông rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế.”

Tuy nhiên khi trả lời câu hỏi về vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm ngày 6/3, bà chỉ cho biết Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng đã có thông tin về việc này rằng tàu QNg 90819 TS/05 gặp nạn và năm ngư dân trên tàu đã được tàu Việt Nam cứu hộ an toàn. Các ngư dân đã tiếp tục hải trình và đến nay vẫn chưa quay về đất liền.

Bà không đề cập gì đến yếu tố tàu cá Việt Nam bị tàu Trung cộng đâm chìm hay phát biểu của ông Lục Khảng rằng phía Trung cộng cứu ngư dân Việt chứ không đâm chìm tàu.

Và cũng như mọi khi, bà cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục xác minh làm rõ thông tin vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Năm ngư dân trên chiếc QNg 90819 TS/05 không mất mạng; tuy vậy chiếc tàu bị chìm mất. Đó là cả tài sản của chủ chiếc tàu mà họ phải chắt chiu mới có hay phải vay mượn ngân hàng. Thực tế cho thấy nhiều ngư dân Việt Nam rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần từ những vụ đâm chìm do tàu Trung cộng gây nên như thế rồi.

RFA (15.03.2019)

Hết máy bay ném bom, tới tàu chiến Mỹ băng qua Biển Đông

USS Blue Ridge, tàu chỉ huy của Hạm đội 7, Hải quân Hoa Kỳ ghé thăm cảng Manila, Phi Luật Tân ngày 13/3/2019. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Dylan McKay)

Tàu chỉ huy của Hải quân Hoa Kỳ USS Blue Ridge vừa băng qua Biển Đông trong khi chỉ huy tàu tái khẳng định lập trường của Washington, sẽ tiếp tục “điều tàu và máy bay qua lại trên Biển Đông, và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, bất chấp Trung cộng phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp.

Hãng tin AP dẫn lời Đại Tá hải quân Eric Anduze, Hạm trưởng của USS Blue Ridge, nói với các nhà báo có mặt trên chiếc tàu chỉ huy của Hạm đội 7, rằng chuyến đi này là nhằm tái khẳng định quan hệ liên minh chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân. Chiến hạm này đang neo trong Vịnh Manila hôm thứ Tư 14/3.

Hãng tin AP dẫn lời Đại tá Anduze, phát biểu: “Hai nước chúng ta có một lịch sử lâu dài… Chúng tôi có mặt ở đây để khẳng định với các bạn rằng quan hệ đối tác của chúng ta vẫn vững mạnh hơn bao giờ hết.”

Trả lời câu hỏi của nhà báo, liệu tàu của ông có gặp tàu hải quân Trung cộng trong khu vực hay không, Đại tá Anduze đáp rằng có, ông nói thêm rằng “tất cả những sự tương tác giữa hai bên đều an toàn và có tính cách chuyên nghiệp”, ông không cho biết thêm chi tiết nào khác.

Một lần nữa, người chỉ huy soái hạm Blue Ridge nhấn mạnh:

“Chúng tôi sẽ điều tàu bè, máy bay qua lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp cho phép.”

Taiwan News dẫn lời Phó Đô đốc Hải quân Phil Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7, nói trong một thông cáo, rằng mục đích của chuyến đi thăm Manila của soái hạm Blue Ridge là để “củng cố sự cam kết của cả hai nước cho một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Trong chuyến đi thăm Manila vào đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cũng nhắc đến cam kết của Hoa Kỳ, đảm bảo Biển Đông sẽ vẫn mở rộng cho tất cả các hoạt động giao thông đường thủy. Ông tuyên bố Trung cộng “không phải là một mối đe dọa” có thể đóng cửa các tuyến hàng hải tại đây.

Phản ứng từ Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung cộng Lục Khảng nói rằng Trung cộng và các nước xung quanh Biển Đông cam kết sẽ duy trì hòa bình và ổn định khu vực để thương thuyết hầu đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển, nhằm tránh leo thang tranh chấp.

Lục Khảng nêu đích danh Hoa Kỳ, nói rằng người Mỹ “không nên can thiệp và gây rối” ở Biển Đông. “Nếu các nước bên ngoài khu vực, như Hoa Kỳ chẳng hạn, thực sự nghĩ tới hòa bình và an sinh của dân trong khu vực, thì họ không nên gây rối trong khu vực.”

Theo Military.com, chiến hạm Blue Ridge được coi như trung tâm chỉ huy các hoạt động tác chiến xa bờ của quân đội Mỹ, và được trang bị hệ thống máy tính và hệ thống thông tin liên lạc hiện đại nhất của hải quân Mỹ. Tàu có chiều dài 194m, rộng 33m. Thủy thủ đoàn gồm hơn 1000 người. Trong các tình huống khẩn cấp, tàu Blue Ridge có thể chở tới 3.000 người.

RFA (15.03.2019)

Lần thứ hai trong vòng 10 ngày, Mỹ điều B-52 đến Biển Đông

 Hai oanh tạc cơ B52 của Không Quân Hoa Kỳ @media.defense.gov

Hai máy bay ném bom B-52 của Không quân Hoa Kỳ lại bay qua Biển Đông hôm 13/3, Bộ Chỉ huy Không quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (PACAF) thông báo.

Đài CNN trích dẫn một người phát ngôn của PACAF hôm 14/3 xác nhận hai chiếc máy bay thả bom chiến lược B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, để tiến hành hoạt động huấn luyện thường lệ trên vùng biển gần Biển Đông vào ngày 13/3/2019, trước khi trở về căn cứ.

Trang mạng Military.com đăng thông cáo của PACAF trong đó có đoạn:

“Máy bay thường xuyên hoạt động trên Biển Đông để hỗ trợ các đồng minh, và để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Đây là lần thứ nhì nội trong vòng 10 ngày, Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-52 tới Biển Đông trong một sứ mạng tuần tiễu thường lệ để thách thức các “tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung cộng” trên hầu hết vùng biển này.

Bản tin đăng trên trang mạng tờ Hoa Nam Buổi Sáng hôm 14/3 tường thuật rằng trong hơn một thập niên qua, các máy bay ném bom thuộc Bộ chỉ huy Không quân Thái Bình Dương thường xuyên cất cánh từ Guam để thực hiện sứ mệnh duy trì sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Cách đây 10 ngày, hai chiếc B-52, cũng xuất phát từ đảo Guam, đã thực hiện các hoạt động huấn luyện trong khu vực này. Một chiếc bay trên biển Hoa Đông, nơi Trung cộng tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, và một chiếc hoạt động trên Biển Đông, nơi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, tranh chấp chủ quyền với Trung cộng.

Trung cộng cũng có thể phải đối mặt với thái độ kiên quyết hơn của Nhật Bản trong việc bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang có tranh chấp với Bắc Kinh. Theo trang Asia Times ngày 13/03, trong vòng 10 năm, Nhật Bản sẽ hạ thủy 12 tầu trinh sát và giám sát thế hệ mới để thay thế đội tầu đang tuần tra quanh quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Đội tầu mới sẽ có lượng giãn nước khoảng 1.300 tấn, với thủy thủ đoàn 30 người.

VOA (15.03.2019)

Pompeo: Trung cộng ngăn chặn các nước châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng lượng

© AFP 2018 / POOL / RITCHIE B. TONGO

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố Trung cộng đang ngăn chặn sự tiếp cận của các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với nguồn năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la.

“Việc Trung cộng xây dựng đảo bất hợp pháp trong vùng biển quốc tế không chỉ là vấn đề an ninh. Bằng cách ngăn chặn tiếp cận năng lượng, Trung cộng tước quyền truy cập của các thành viên ASEAN vào nguồn tài nguyên trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la”, — ông Pompeo phát biểu tại hội nghị năng lượng ở Texas.

Washington cáo buộc Bắc Kinh đầu tư ngân sách xây dựng đảo nhân tạo và mở rộng lãnh hải. Phía Trung cộng không đồng ý với những tuyên bố này và chỉ ra những nỗ lực của Mỹ nhằm làm trầm trọng thêm tình hình ở khu vực châu Á — Thái Bình Dương. Trung cộng phủ nhận cáo buộc của Mỹ về quân sự hóa Biển Đông, tuyên bố họ có quyền chủ quyền để tiến hành bất kỳ hoạt động nào và định vị bất kỳ cơ sở hạ tầng nào trên lãnh thổ của mình.

Trong hai năm qua, đã có một số sự cố xảy ra với tàu khu trục Mỹ. Hoa Kỳ thường xuyên điều chiến hạm đi tuần tra vùng biển ở Biển Đông, gần các đảo tranh chấp mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền. Bất chấp sự phản đối từ Bắc Kinh, Washington tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động hàng hải bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Sputnik News (13.03.2019)

‘Trung cộng muốn kiểm soát trọn Biển Đông qua bộ Quy Tắc Ứng Xử có lợi cho họ’

Tiến Sĩ Patrick Cronin – Asia Pacific Security Chair, Hudson Institute. (Photo courtesy of Doanh Vu)


Ngày 19.02.2019, Genie Nguyễn của Voice of Vietnamese Americans phỏng vấn Dr. Patrick Cronin về tình hình Biển Đông sau khi ông tham dự cuộc họp với các nước ASEAN tuần trước đó.

Genie Nguyễn: Thưa Tiến Sĩ, được biết ông vừa tham dự hội nghị tại Đông Nam Á. Xin ông vui lòng chia sẻ nhận định về tình hình Biển Đông, các khó khăn Trung Cộng gây ra cho Đông Nam Á và Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông giữa Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á và Trung Cộng.

TS Cronin: Tôi đã có cuộc thảo luận sâu rộng cả ở Phi Luật Tân và Nam Dương. Tại Nam Dương, chúng tôi tham dự một cuộc Hội Thảo với tất cả các thành viên của ASEAN – Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á. Thật khó tóm tắt tất cả các điều thảo luận trong vài phút .

Tôi nghĩ vấn đề Biển Đông là đề tài chính. Và an ninh hàng hải. Cả hai liên quan đến kinh tế, sự quan trọng của tất cả mọi thứ từ cá đến tài nguyên biển, đến sự giao thương, nhưng cũng tối quan yếu cho sự độc lập và chủ quyền của các nước Đông Nam Á.

Tiến Sĩ Dewi Fortuna Anwar, một trong những trí thức được kính trọng nhất tại Nam Dương, và là một trong những người sáng suốt nhất tôi biết, diễn tả rất đúng sự thách thức các nước Đông Nam Á phải đối mặt để bảo vệ quyền tự chủ về chiến lược của mình trong tương lai. Phải có sự hợp tác với các nước bên ngoài, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, nếu Đông Nam Á không muốn bị ép buộc phải chấp nhận một bản Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông ngược với quyền lợi của họ .

Một trong những quan tâm tại Đông Nam Á hiện nay là Trung cộng đã thay đổi chiến thuật đối với Quy Tắc Ứng Xử Tại Biển Đông. Sau nhiều năm cố tình kéo dài thời gian thương thảo về Bộ Quy Tắc Ứng Xử, bây giờ Bắc Kinh lại hối hả thúc đẩy một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Tại Biển Đông thuận lợi cho mình và theo luật lệ của mình.

Trung cộng cho thấy hai ưu tiên then chốt của họ trong bản nháp Quy Tắc Ứng Xử:

  1. Trung cộng muốn có quyền phủ quyết các tập dượt quân sự hay chuyển binh của các lực lượng quân đội bên ngoài khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là quân đội Hoa Kỳ, như các cuộc Diễn Tập Tự Do Hàng Hải của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thực tập 15 cuộc Diễn Tập Tự Do Hàng Hải này từ năm 2015. Các cuộc diễn tập này được chia đều ra giữa các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với một lần tại Scarabrough Shoal. Nhưng nếu Trung cộng có thể ngăn cản các cuộc Diễn Tập Tự Do Hàng Hải này, thì họ có thể uy hiếp các lực lượng Hải Quân của các quốc gia Đông Nam Á một cách dễ dàng, tùy tiện, và họ biết chắc như vậy .
  2. Trung cộng muốn kiểm soát sự khai thác tài nguyên và phát triển. Việt Nam có kinh nghiệm này đầu tiên, năm 2014 với giàn khoan dầu Hải Dương 981 mà Trung cộng đã ngang ngược đặt trong hải phận Việt Nam. Việt Nam đã bị Trung cộng bắt nạt. Họ sử dụng chiến thuật đâm tàu. Tôi còn nhớ đã từng thăm một chiếc tàu cá Việt Nam bị đâm bởi Trung cộng, với “chiến lược bắp cải”, khi họ sử dụng nhiều vòng vây hàng hàng lớp lớp, bắt đầu là những tàu biển có trang bị, giả dạng làm ngư dân, nhưng không hề có lưới hay dây câu vì họ không thực tâm câu cá. Họ là những lực lượng bán quân sự, bao quanh họ là lực lượng tuần dương, mà dưới quyền Tập Cận Bình trực thuộc quyền chỉ huy quân sự, không phải dân sự, và rồi sau cùng là lực lượng hải quân chính quy của Trung cộng. Như vậy đây chính là một cách uy hiếp, dọa nạt, một cách kiểm soát mà Trung cộng thực thi.

Tôi vừa ở Phi Luật Tân, và chúng tôi thấy tận mắt họ sử dụng chiến thuật này hôm nay, tại Phi Luật Tân, tại Thitu và Pegasa, hai đảo nhỏ của quần đảo Trường Sa. Người Phi đang tìm cách sửa lại đường bay của họ trên rặng Pegasa. Trung cộng đã bồi cát với mức độ chưa từng thấy, rồi quân sự hóa các đảo nhân tạo này, gồm cả 3 đường bay quân sự vĩ đại tại Trường Sa, mỗi sân bay dài bằng phi trường Changi của Singapore, phi trường hiện đại nhất Đông Nam Á. Đáng lẽ để yên cho Phi Luật Tân sửa lại đường bay của họ, Trung Cộng phát động chiến dịch “vòng vây bắp cải” này, hàng hàng lớp lớp, dân quân ở 2 dặm sát bờ biển, rồi lính tuần dương, rồi hải quân Trung cộng, 95 chiến thuyền tụ lại trong tháng 12. 95 chiến thuyền đối với những người Phi Luật Tân nhỏ bé trên đảo, đó có phải là dọa nạt và uy hiếp không?

Rồi Trung cộng nói: “Chúng tôi muốn viết lại luật lệ”. Đó là những điều họ muốn viết trong Bộ Quy Luật Ứng Xử. Họ không muốn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào có thể bảo vệ chủ quyền, độc lập, và được thịnh vượng. Họ muốn các quốc gia Đông Nam Á phải van lạy Bắc Kinh.

Việt Nam đã luôn đi đầu trong việc phản đối Trung cộng, và điều tôi lo sợ, đây là điều đúc kết chính trong cuộc thảo luận về Biển Đông vừa qua, là Việt Nam sẽ bị cô lập bởi các nước Đông Nam Á khác, các thành viên của ASEAN – Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á. Bởi vì Tổng Thống Duterte tại Manila đã bị mua chuộc bởi Trung cộng, và ông ta là người thực tế, do đó ông ta sẽ cân nhắc các lựa chọn của mình, và nếu thấy không thể đánh lại Trung cộng, thì ông ta sẽ theo Trung cộng, sẽ bị kéo theo.

Trong khi ấy, thì Thái Lan – một đồng minh khác của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á lại đang nhận nhiều đầu tư lớn từ Trung cộng, và đang sắp có cuộc bầu cử năm nay. Thái Lan cũng đang giữ chức Chủ Tịch ASEAN năm 2019. Việt Nam sẽ là Chủ Tịch ASEAN năm tới. Như vậy mọi chuyện có thể được sắp xếp cho năm nay, hay năm tới, và Việt Nam sẽ ở trong thế vô cùng khó xử, hoặc chấp nhận Bộ Quy Tắc Ứng Xử mà tất cả các thành viên khác đều đồng ý trừ Việt Nam, hay sẽ bị thất bại trong vai trò Chủ Tịch ASEAN.

Chính vì thế mà chúng ta cần bảo đảm rằng Việt Nam không bị cô lập và bị rơi vào thế khó xử kia.

Tôi xin đổi đề tài. Tổng Thống Trump vừa đến Hà Nội. Ông đã thăm Việt Nam hai lần, trong hai năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào. Tổng Thống Trump đã chứng tỏ sự hỗ trợ của ông cho một bang giao Việt – Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, xây dựng từ chính quyền trước đến chính quyền này. Đây là một khuynh hướng rất tốt, rất tích cực và quan trọng cho quan hệ Việt – Mỹ.

Nói chung, tại Đông Nam Á, tôi nghĩ Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn, có nhiều cơ hội lắm. Chúng ta cần có một vị Thứ Trưởng Ngoại Giao Đặc Trách Á Châu, một Đại Sứ tại Singapore, một Đại Sứ tại ASEAN… Nhưng đó chỉ là những điều nhỏ. Tôi nghĩ điều chính là chúng ta đang đi đúng hướng, và chúng ta cần cùng làm việc với khối dân Đông Nam Á trẻ trung đầy sức sống này, vì họ chính là trung tâm của một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở.​

Genie Nguyễn: Ông có nghĩ rằng chính quyền Việt Nam đã hợp tác đúng mức với Hoa Kỳ trên các lãnh vực an ninh quốc phòng, hay họ vẫn nghiêng về Trung Cộng nhiều hơn?

Dr. Cronin: Tôi nghĩ Việt Nam có chính sách đối nội khác với chính sách đối ngoại.

Về đối ngoại và an ninh, chính sách của chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đi sát hơn với Hoa Kỳ, làm việc với Nhật Bản, làm việc với các nước bên ngoài. Thực ra, họ tiếp tục chính sách cân bằng các thế lực với rất nhiều nước khác, để Trung cộng không thể có quá nhiều ưu thế.

Về chính sách đối nội thì phức tạp hơn. Chúng ta rất mong được thấy Việt Nam cải thiện một cách nghiêm túc. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải thực tế hơn về sự thay đổi ấy sẽ diễn ra thế nào. Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai tại Hoa Kỳ muốn thúc giục Việt Nam thay đổi, nhưng chúng ta thực lòng muốn thấy dân Việt được thịnh vượng, có tự do, và không bị đẩy vào sự áp đặt như ở Trung cộng. Hiện nay Trung cộng đang gia tăng sự đàn áp lên dân chúng, không chỉ ở Tân Cương, mà nói thẳng ra là những trí thức, luật sư nhân quyền, đủ thứ người tại Trung cộng bị đàn áp. Chúng ta muốn thấy Việt Nam chuyển đổi ngược với hướng đi của Trung cộng. Bởi vì dân chúng Việt Nam rất kỳ diệu. Như chúng ta nghe thấy Tom Rose nói hôm nay, những người tỵ nạn Mỹ gốc Việt đã đóng góp rất nhiều vào xã hội Hoa Kỳ.

Chúng ta đã chia sẻ một lịch sử chuyển từ chiến tranh sang bình thường hóa quan hệ rồi trở thành bạn thân. Chúng ta có thể tiếp tục phát triển tương quan này lên đến mức độ chiến lược. Việt Nam cần Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rất muốn xây dựng quan hệ chiến lược với Việt Nam. Do đó tôi hy vọng rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam sẽ dần dần tương hợp với sự phát triển quan hệ này.

Genie Giao Nguyen (Voice of Vietnamese Americans)

VOA (14.03.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen