Seite auswählen
Nguyễn Ngọc Kiên

Ngày 28 tháng 10 năm 2014

Thành ngữ “bãi bể nương dâu” nói về những thay đổi lớn trong cuộc đời và trong xã hội. Thành ngữ này bắt nguồn từ thành ngữ tiếng Hán “滄海桑田” [thương hải tang điền], liên quan tới câu chuyện tiên Phật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tương truyền, thời Đông Hán có ông Phương Bình, học giỏi tài cao, thi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời gian thi thố với đời, Phương Bình đã bỏ quan đi tu. Sau đó, ông đắc đạo và trở thành Phật. Một lần Phật Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán) cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô nói với Phương Bình rằng: “接侍以来已见,东海三为桑田” [Tiếp thị dĩ lai dĩ kiến, Đông hải tam vi tang điền]; nghĩa là “Từ khi hầu chuyện với ông, tôi đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu”.

Câu chuyện này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian và được người đời chắt lọc lấy cái tinh chất để phản ánh sự đổi thay của trời đất và cuộc sống. Trong văn học Trung Quốc, hình ảnh “bãi bể nương dâu” trở thành tứ cho nhiều câu thơ, bài thơ nổi tiếng. Chẳng hạn, trong một bài thơ của Tô Thức đời Tống có câu: “不惊渤澥桑田变” [Bất kinh bột giải tang điền biến]. Nghĩa là: “Không sợ bể Đông biến thành ruộng dâu”. Cũng nhờ câu chuyện trên mà về sau trong tiếng Hán xuất hiện thành ngữ “滄海桑田” [thương hải tang điền]. 

Bài hát mở đầu và kết thúc bộ phim “Tây du kí” của đạo diễn Dương Khiết có tên “Ngũ bách niên tang điền thương hải”, nhạc Hứa Cảnh Thanh, lời Diêm Túc có đoạn: 

五百年桑田滄海, 
頑石也長滿青苔, 
長滿青苔。 
五百年桑田滄海, 
頑石也長滿青苔, 
長滿青苔。 
只一顆心兒未死, 
向往看逍遙自在, 
逍遙自在。
哪怕是野火焚燒

[Ngũ bách niên tang điền thương hải, 
Ngoan thạch dã trường mãn thanh đài, 
Trường mãn thanh đài. 
Ngũ bách niên tang điền thương hải, 
Ngoan thạch dã trường mãn thanh đài, 
Trường mãn thanh đài
Chỉ nhất khoả tâm nhi vị tử, 
Hướng vãng khán tiêu dao tự tại, 
Tiêu dao tự tại. 
Na phạ thị dã hoả phần thiêu] 

(Dịch thơ: Năm trăm năm vật đổi sao dời 
Đá vô tri cũng ngậm ngùi rêu xanh, 
Năm trăm năm! năm trăm năm! 
Ngũ hành Sơn nặng, giam cầm thân ta. 
Bao ngày bão tuyết sương sa 
Chim bay hút bóng, mắt nhoà cánh chim… 
Còn đây rừng rực trái tim, 
Thương về chốn cũ dõi tìm tiêu dao. 
Anh hùng ngang dọc Trời cao, 
Sá chi lửa đốt, sợ nào giá băng.)
(Bản dịch Hoàng Tâm)

Tiếng Việt đã mượn thành ngữ này theo lối mượn ý dịch lời. Về ý nghĩa, “bãi bể nương dâu” cũng nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi. Nó thường xuất hiện trong văn học cổ điển. Chẳng hạn, trong bài “Ai tư vãn” của Lê ngọc Hân khóc vua Quang Trung:
Phút giây bãi bể nương dâu 
Cuộc đời là thế biết hầu nài sao.
Hoặc:
Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
Ai bày trò bãi bể nương dâu.
(Nguyễn Gia Thiều – Cung oán ngâm khúc)

Trong khi sử dụng, các tác giả thường rút gọn “bãi bể nương dâu” thành “bể dâu” hay “dâu bể”. Dạng thức này sở dĩ tồn tại được vì nó vẫn có khả năng khiến cho người đọc liên tưởng tới điển tích đã nói trên. Trong kiệt tác “Truyện Kiều” Nguyễn Du đã không dưới hai lần dùng thành ngữ này ở dạng rút gọn:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Cơ trời dâu bể đa đoan
Một nhà để chị riêng oan một mình
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Gần nghĩa với “bãi bể nương dâu”, trong tiếng Việt còn có các thành ngữ “sông cạn đá mòn” và “vật đổi sao dời” (Xem thêm phần I của bài viết này). Những thành ngữ này đều nói về sự thay đổi lớn lao của cuộc đời, của sự thế, nhưng không có sắc thái ngậm ngùi, nuối tiếc như “bãi bể nương dâu”. Về phạm vi sử dụng, các thành ngữ “vật đổi sao dời”, “sông cạn đá mòn” thường chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, của trời đất trong sự so sánh với cái bất biến của tấm lòng son sắt, chung thủy. Chẳng hạn:
Dù cho sông cạn đá mòn
Bắc Nam ta vẫn là con một nhà
(Ca dao)
Đặc biệt, những thành ngữ này thường dùng trong những lời thề ước, chẳng hạn :
Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh
(Nguyễn Du – Truyện Kiều)
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước vẫn còn thề xưa
(Tản Đà – Thề non nước)

Nguồn: Trần Nhương