Tiêu Dao Bảo Cự
Người ta thường gọi Đà Lạt là “Thành phố hoa” nhưng thực ra ấn tượng đặc trưng đầu tiên của du khách khi đến Đà Lạt không phải là hoa, lại càng không phải là hoa dã quỳ. Dã quỳ không chỉ của riêng Đà Lạt mà là nét chung cho cả Tây Nguyên. Vào giữa đông, bắt đầu mùa khô, đi theo quốc lộ 20 dọc theo Tây Nguyên, ta sẽ thấy sắc hoa quỳ vàng rực rỡ khắp các thung lũng, sườn đồi của Đà Lạt, Ban Mê Thuột, Pleiku chói chang trong nắng ấm. Còn hoa, với phương pháp trồng cấy và trưng bày hiện đại, hoa có thể hiện diện khắp mọi nẻo đường ở bất kỳ thành phố nào. Dĩ nhiên khi được mệnh danh là “Thành phố hoa”, Đà Lạt phải có cái gì hơn hẳn các thành phố khác về hoa, nhưng đó là khi người ta có đủ thời gian để đi sâu khám phá.
Dù lên Đà Lạt bằng đường đèo Prenn hay đèo Dran, du khách sẽ chìm ngập giữa đồi núi chập chùng và rừng thông bát ngát trong một màu xanh êm dịu mượt mà của những sợi lá kim vi vu trong gió. Vào đến trong phố, ta vẫn không xa thông vì phố ở trong rừng hay rừng đi vào trong phố. Rồi đi khắp nơi ta vẫn thấy thông gần gũi, nhất là bên những mặt hồ lung linh soi bóng bầu trời hay chung quanh những công trình kiến trúc kiểu Pháp còn lại với dấu vết thời gian rêu phong.
Bạt ngàn thông nhưng không hề đơn điệu. Có thể là vô vàn hàng cây thân thẳng tắp song song với cành lá giao hoà làm thành màu xanh êm dịu của núi rừng. Có thể là những cổ thụ riêng lẻ nằm bên đường với gốc vững vàng sù sì thô nhám, cành uốn lượn vươn tỏa bóng mát bình an trăm năm, thách thức thời gian dâu biển. Có thể là muôn nghìn búp non thắp nến trên vạn cành mới đong đưa trong gió. Có thể là những cây non tơ xanh mướt đầy sức sống hình chóp nhọn tuyệt đẹp hứa hẹn một mai đâm thẳng tới trời xanh. Có thể không còn là cây mà trở thành vô số cảnh sắc khác biệt mang chứa màu sắc, mùi hương, vị ngọt và rung động của cảm giác, cảm xúc và tâm tình của những người đã một lần trải qua kỷ niệm dưới bóng mát chở che dịu dàng của chỉ một cành thông hay ngàn thông từ vạn cổ.
Ấn tượng thông đầu tiên của Đà Lạt nhất định phải là trên những con đường quanh co mềm mại của đèo Prenn hướng nam từ Sài Gòn lên hay đèo Dran hướng đông sau khi khách từ đồng bằng ven biển vượt qua đèo Ngọan Mục. Hai ngọn đèo thông dịu dàng này là hai lối vào tuyệt đẹp đưa đến xứ sở giữa chốn lưng trời lãng đãng sương mù. Dù là với những tia nắng óng vàng xuyên qua tán lá buổi hừng đông hay sương khói mịt mờ lúc hoàng hôn, hay ngay cả lúc mưa gió nhoà nhoẹt, rừng thông vẫn cho bạn cảm giác thật êm đềm, dịu dàng và mơ mộng mà có lẽ không ngọn đèo nào trên đất nước này có được.
Ấn tượng đó lại càng mạnh mẽ khi bạn có thời gian lang thang trong những cánh rừng thông ven Thung lũng Tình Yêu, hồ Tuyền Lâm, hồ Than Thở hay cả vùng Suối Vàng rộng lớn nguyên sơ. Ấn tượng đó vẫn không phai khi bạn ngước mắt ngắm nhìn những công trình kiến trúc nổi tiếng của quá khứ vẫn còn tồn tại ẩn hiện dưới hàng thông hay những cánh rừng nho nhỏ như Dinh 1, Dinh 2, Dinh 3, Trường Yersin (nay là Trường Cao Đẳng Sư Phạm), Trường Đại Học Đà Lạt, Giáo Hoàng Học Viện (nay là Trường Đại Học Dân Lập Yersin), Khách sạn Palace, Nhà hàng Xuân Hương, Dòng Chúa Cứu Thế (nay là Phân viện Sinh Học Việt Nam), nhà thờ Con Gà, nhà thờ Saint Domaine, Bệnh viện Sohier (nay là nhà nghỉ Công Đoàn), hay khu biệt thự phong cách Pháp đường Trần Hưng Đạo, đường Lê Lai, đường Nguyễn Du (nơi có resort Hoàng Anh – Gia Lai mới xây dựng)…
Bạn đứng đó chiêm ngưỡng hay nhìn vào những tấm ảnh và thử tưởng tượng những công trình kiến trúc này không có hàng thông vây phủ sẽ như thế nào, có còn giữ được vẻ đẹp hút hồn lữ khách như chúng vốn có? Hay là sẽ trơ trụi, cộc cằn, thậm chí trơ trẽn như một số công trình mới xây dựng gần đây dù theo kiểu cọ nào cũng chỉ là bê tông với xi măng, sắt thép cứng nhắc vô hồn. Ngay cả nhà Ga Đà Lạt, Cục Bản Đồ hay Trường Yersin với đường cong tuyệt mỹ bằng gạch mộc và tháp chuông hình cô gái trùm khăn xám có một không hai, nổi tiếng là những công trình kiến trúc đẹp bậc nhất Đông Nam Á, nay chỉ còn lại mấy hàng thông hay mấy cây thưa thớt, cũng đã giảm đi sức quyến rũ mấy phần so với ngày trước.
Nếu tiếp tục nhớ lại ngày xưa, ta sẽ còn tiếc nuối những cánh rừng thông nho nhỏ trong phố như bên sườn đồi đường Bùi Thị Xuân, đường Hải Thượng Lãn Ông, đường Hà Huy Tập… nay đã bị phá gần sạch, phố hoá với nhà cửa lô xô xanh đỏ trong cơn sốt chiếm lĩnh nhà đất của nền kinh tế thị trường, chỉ còn lại vài cây lạc lõng cô đơn, ta sẽ thấy thông cần thiết đối với vẻ đẹp và sức quyến rũ của thành phố này như thế nào. Thôi dù sao quá khứ đó không thể sửa chữa. Chỉ mong sao sự tàn phá được dừng lại kịp thời và mãi mãi để thành phố này nổi tiếng là “Thành phố ngàn thông” trước khi là “Thành phố hoa” độc nhất vô nhị của đất nước này, một danh hiệu có sức mời gọi mãnh liệt đối với nhiều loại du khách trong và ngoài nước. Đó cũng là “thương hiệu”, một cách làm kinh tế, làm du lịch bằng sức hấp dẫn của cảnh quan môi trường chứ không phải chỉ là nhà hàng khách sạn, dịch vụ ăn uống vốn không phải là thế mạnh của Đà Lạt.
Dưới thông thường là thảm cỏ. Có thể là cỏ tự nhiên lá rộng, cỏ may hay cỏ Nhật, cỏ Mỹ mới được trồng gần đây ở các sân golf, khách sạn, công viên, khu du lịch. Đẹp hoang dại là cỏ tự nhiên lá rộng xanh mướt xen lẫn với cỏ may phớt tím và lá thông rụng màu nâu trải thảm mượt mà mời gọi đến mê hồn. Vô số cư dân Đà Lạt và khách du lịch bốn phương đã có bao nhiêu kỷ niệm không quên đối với thảm cỏ tự do của Đồi Cù Đà Lạt ngày nào. Đó là tuổi thơ vô tư chạy nhảy, lăn tròn, chơi đùa thỏa thích trên thảm cỏ bình an dưới cặp mắt hạnh phúc của bố mẹ. Đó là tuổi trẻ trong tay người yêu dạo chơi hay ngồi bên nhau thì thầm trên bãi xanh mượt mà dưới hàng thông dịu dàng trong hoàng hôn hay đêm trăng mà khi về lưu vết chứng nhân vẫn còn là những bông hoa cỏ may tinh nghịch ghim vào quần áo. Đó là tuổi trung niên và tuổi già với điếu thuốc trên môi hay cuốn sách trong tay, ngồi trên thảm cỏ, đọc và tư lự về thế sự. Đó là… không thể kể hết được. Tin chắc rằng nếu phát động một cuộc thi viết về kỷ niệm trên bãi cỏ Đồi Cù, ta sẽ nhận được hàng ngàn, hàng vạn bài cảm động không những từ khắp mọi miền của đất nước mà còn từ khắp nơi trên thế giới. Phải chăng đây cũng là một ý tưởng để “tiếp thị” hình ảnh của Đà Lạt trong công tác du lịch?
Đồi Cù bây giờ là sân golf hiện đại. Thông được trồng thêm, cỏ được trồng lại và chăm sóc kỹ lưỡng, xanh hơn, mượt mà hơn, trông xa như tranh vẽ nhưng có cảm giác giả tạo với “hoa chăm cỏ bón lối thẳng cây trồng”. Tuy nhiên điều quan trọng là bãi cỏ lớn nhất Đà Lạt này không còn là bãi cỏ tự do của Đồi Cù năm xưa mà đã nằm trong vòng rào chắc chắn và kín đáo, đứng ngoài chỉ thấy thấp thoáng. Bãi cỏ lớn nhất ngay giữa trung tâm thành phố nhưng chỉ dành riêng độc quyền cho một số rất ít người giàu có đến để chơi trò thể thao thư giãn. Điều này ngay từ đầu khi Đồi Cù được cho thuê để làm sân golf đã bị đông đảo cư dân Đà Lạt và nhiều báo chí trong nước phản đối nhưng cuối cùng mọi sự vẫn được tiến hành. Theo nhiều người đây là điều cần phải sửa chữa dù làm điều đó khá khó khăn nhưng không thể không làm được.
Bãi cỏ lớn và đẹp thứ hai là bãi cỏ chung quanh khách sạn Palace, trước đây cũng là chốn tự do nhưng nay đã trở thành kín cổng cao tường với những chiếc ghế gỗ sơn trắng trơ vơ không mấy khi có người ngồi, trông vô cùng lãng phí. Bãi cỏ của nhà thờ Con Gà là nơi khá tự do nhưng quá nhỏ, mỗi năm vào dịp lễ Giáng sinh cỏ đã bị giày xéo tan nát và nhà thờ lại phải tốn nhiều thời gian chăm sóc trở lại. Những bãi cỏ mới ở các khu du lịch, công viên, khách sạn thường được chăm chút kỹ nhưng thường được để bảng “Xin đừng đi trên cỏ”. Thật kỳ lạ. Cỏ không để giẫm lên thì để làm gì. Dĩ nhiên chỉ nên giẫm lên cỏ với đôi chân trần để cảm giác được sự mềm mại, êm ái của một tặng vật vô giá từ thiên nhiên.
Những bãi cỏ dưới các cánh rừng thông ở hồ Tuyền Lâm, hồ Than Thở hay Thung lũng Tình Yêu có vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã tuy phải đi khá xa và muốn vào phải mua vé. May ra chỉ còn những rẻo cỏ quanh hồ Xuân Hương là nơi mọi người còn có thể ngồi ngắm hồ, câu cá. Lẽ nào nơi thành phố ngàn thông lại không có những bãi cỏ tự do cho trẻ thơ, cho thanh niên thiếu nữ, cho người già, cho những người mơ mộng? Và hồ Xuân Hương cần chi đến những cây sung, si cổ thụ giả tạo được bứng gốc, cưa cành đem ở đâu đâu về với bao nhiêu tốn kém. Cả những phiến đá trơ vơ lạc lõng nữa. Hồ Xuân Hương không phải là hồ Gươm ngàn năm tuổi của Hà Nội, cũng không phải là hồ mới kiến tạo ở những khu vui chơi giải trí của Sài Gòn. Hồ Xuân Hương của Đà Lạt chỉ cần thông, liễu rũ, mai anh đào và thảm cỏ để làm nên vẻ đẹp mộc mạc nhưng quyến rũ rất riêng của mình như nhan sắc của một nàng sơn nữ giữa núi rừng.
Đó là thông và cỏ? Còn gió? Gió ở đâu mà chẳng như nhau. Không phải. Gió vô hình nhưng lại có hình tướng, màu sắc và hương vị riêng của không gian và tâm tưởng. Chẳng phải là gió biển vị mặn phóng khoáng và gió sa mạc khô cháy hoang vu đó ư? Làm sao gió có thể vi vu bài tình ca bất tuyệt khi không đi qua ngàn vạn lá thông kim dưới bầu trời xanh thăm thẳm. Làm sao gió có thể ve vuốt dịu dàng khi ta không nằm trên một bãi cỏ êm dưới bóng thông che chở. Làm sao gió có thể vào được những khối nhà bê tông dày đặc trong những đô thị nhung nhúc người và xe cộ nếu không phải là gió giả. Vậy thì gió Đà Lạt ắt phải có hình hài và tâm hồn riêng mà không phải ai cũng khám phá được. Bạn hãy đến đây, vào mùa khô, nằm trên thảm cỏ dưới rừng thông trong một giờ cô tịch, bạn sẽ hiểu thế nào là gió Đà Lạt.
Đà Lạt là thành phố ngàn thông, là phố trong rừng thông. Khi không còn rừng thông trong phố, Đà Lạt sẽ không còn là Đà Lạt hay Đà Lạt như hình ảnh của một xứ sở mộng mơ sẽ chết vì những đầu óc thực dụng cùn mằn hẹp hòi và bàn tay thô bạo của những gã phàm phu tục tử.
Đà Lạt cuối đông 2006
Nguồn: Văn Việt