Bài viết này được công bố lần đầu cách đây 8 năm trên trang Bauxite Vietnam và nhiều trang mạng khác, nhưng do bị “đánh phá” nên ngày nay chỉ còn tồn tại lác đác ở một vài chỗ. Vào lúc viết bài báo này, tôi chưa có điều kiện “nhìn tận mắt” thực tế tại các nước phát triển – vì bị tịch thu hộ chiếu, cấm xuất cảnh (tháng 7 năm 2009). Mãi đến cuối năm 2016, lệnh cấm xuất cảnh mới bị hủy bỏ. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của thân nhân và bạn bè, tôi đã đặt chân đến 4 quốc gia (Úc, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand) và Đài Loan – một hòn đảo xinh đẹp khao khát tự do nhưng luôn bị đe dọa “thu hồi bằng vũ lực”. Sau khi đã “mục sở thị” hàng chục thành phố ở các quốc gia “văn minh, hiện đại”, nay đọc lại những gì mình đã viết, xét thấy những ưu tư trăn trở ấy vẫn còn mang tính thời sự nóng hổi, tôi xin mạn phép công bố lại bài báo này…
– Mai Thái Lĩnh
Vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp khám phá ra cao nguyên Lang Bian, một trong những điểm gây ấn tượng nhất chính là địa hình của vùng đất ngày nay mang tên Đà Lạt. Bác sĩ Etienne Tardif – người tham gia một đoàn khảo sát trong hai năm 1899-1900, đã mô tả hình dáng của cao nguyên như sau: “Toàn bộ diện tích rộng lớn ấy (…) bao gồm một chuỗi những quả đồi tròn kế tiếp nhau, đồi này nằm cạnh đồi kia, đồi này chế ngự đồi kia, đồi này thì sườn dốc đứng, đồi kia thì duỗi ra và nằm dài trên mặt đất. Những gợn sóng ấy bị chia tách bởi những thung lũng nông hay sâu, rộng hơn hay hẹp hơn. Con đường nối liền Đà Lạt với Dankia len lỏi giữa những quả đồi ấy. Tất cả những ngọn đồi ấy được bao phủ bởi một lớp cỏ ngắn vào mùa khô, mọc cao vào mùa mưa, rất dày và khá cứng. Trong những thung lũng nhỏ là những bụi cây đủ loại, những đám sậy, và trên một vài bờ dốc là những đám thông và dẻ[1]. Những dòng nước chảy qua những thung lũng theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi người ta tìm thấy những dòng suối chảy siết, nhưng thường thì chỉ là những vũng nước tù hãm, rất sâu, bị che giấu dưới những thảm thực vật mọc rất dày và rất mạnh mẽ”.
Tardif đã leo lên một trong năm đỉnh của dãy núi Lang Bian. Từ cao độ 2.000m nhìn xuống, ông thấy toàn bộ bề mặt của cao nguyên là màu xanh lá của hàng trăm quả đồi (nguyên văn: 150 quả đồi), trông giống như một “giỏ cam” lớn (un vaste “panier d’oranges”)[2].
Ảnh 1: Năm đỉnh của dãy núi Lang-Bian (tranh vẽ đăng trong sách của Tardif)
Chính là dựa trên cái nền địa hình đó mà các nhà quy hoạch đô thị người Pháp đã xây dựng nên diện mạo của Đà Lạt trong thế kỷ XX vừa qua. Đặc điểm của tất cả các đồ án được thiết kế trong các thập niên 1920-1940 là sự phối hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên. Một số quả đồi cao được dành cho những dinh thự hay các biệt thự hạng 1, với diện tích được cấp rất lớn nhưng chỉ được phép xây dựng trong một phạm vi rất nhỏ. Ví dụ: mỗi lô đất cấp cho tư nhân có diện tích từ 0,5 đến 2,5 hecta, trong đó phần được phép xây dựng không vượt quá 1/25 diện tích và không lớn hơn 800 m2, mỗi lô đất dùng cho lợi ích xã hội hay tập thể có diện tích từ 1,5 đến 3,5 hecta, trong đó phần được phép xây dựng không vượt quá 1/15 diện tích và không thể lớn hơn 2.000 m2; phần diện tích còn lại chỉ được dùng làm công viên, rừng, vườn hoa, vườn rau hay chăn nuôi theo quy định. Các khu biệt thự từ hạng 2 đến hạng 5 có diện tích từ 4.000 đến 600 m2, nhưng diện tích xây dựng được quy định cũng chỉ nằm trong khoảng từ 12 đến 25%[3].
Ảnh 2: Hồ Xuân Hương (khoảng 1925-1930)
Mặt khác, vì cao độ của các tòa nhà bị khống chế, hầu như tất cả các công trình kiến trúc, kể cả các dinh thự lớn (như Nhà thờ Lớn, Dinh Toàn quyền tức dinh II, Trường trung học Yersin,…) đều không vượt quá ngọn cây. Chỉ có một vài công trình đặc biệt – như tháp chuông của Nhà thờ Lớn hay tháp chuông của Trường trung học Yersin, là vượt lên trên những đám thông (xem ảnh 3).
Cách thức quy hoạch và thiết kế đô thị như thế đã tạo nên dáng vẻ đặc biệt của Đà Lạt: nhà xen lẫn giữa những cây thông; những cụm thông – thậm chí cả rừng thông, mọc xung quanh các dinh thự và xen lẫn vào giữa lòng thành phố. Chính điều đó làm nên một vẻ đẹp thơ mộng hiếm có: nhà thấp thoáng trong rừng, rừng tràn vào trong thành phố. Màu xanh của thiên nhiên tràn ngập khắp nơi, làm nên vẻ đẹp mê hồn say đắm lòng người. Vào thời đó, Đà Lạt có những đồi thông rất sạch, lá thông rụng trên thảm cỏ và người ta có thể nằm dài trên đó để ngửi thấy mùi của thiên nhiên. Vào thời đó, cuối tuần mỗi gia đình có thể lên Đồi Cù để cho trẻ con thả diều, người lớn có thể thư giãn sau những ngày lao động mệt nhọc. Mỗi người sinh ra ở Đà Lạt hay sống lâu năm ở Đà Lạt đều có ít nhiều kỷ niệm gắn liền với thiên nhiên: rừng thông, hồ và thác nước, đỉnh núi Lang Bian hay các đồi cỏ tương tự như Đồi Cù,…
Ảnh 3: Hồ Xuân Hương nhìn từ trường Yersin (không ảnh 1968 – vnafmamn.com)
Có thể nói vẻ đẹp của Đà Lạt không phải chỉ là vẻ đẹp của những công trình kiến trúc mà là sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố: nhân tạo và tự nhiên. Thiên nhiên ở đây không hoàn toàn hoang dã mà được chỉnh trang phần nào bởi bàn tay và khối óc của con người, dựa trên nguyên tắc tôn trọng, mô phỏng tự nhiên chứ không gán ghép, áp đặt sản phẩm nhân tạo vào thiên nhiên một cách khiên cưỡng, biến nhân tạo thành giả tạo.
Sau khi người Pháp rời Việt Nam, những nguyên tắc quy hoạch và kiến trúc của thời Pháp thuộc vẫn còn được giữ vững mãi cho đến giữa thập niên 1970.
Điều đáng buồn và đáng tiếc là từ cuối thập niên 1970, nhất là từ thời kỳ “đổi mới kinh tế”, cùng với áp lực của dân số, tác động của các quy luật kinh tế thị trường kiểu “hoang dã” cộng với một khả năng quản lý đô thị kém cỏi, những “tầm nhìn” thiển cận và luôn luôn thay đổi của các cấp thẩm quyền, Đà Lạt đã dần dần đánh mất vẻ đẹp hài hòa trước đây. Những người dân Đà Lạt ngày càng cảm thấy ngột ngạt trước cảnh ồn ào tấp nập, nhất là cảnh xe cộ chen chúc nhau một cách lộn xộn trên những đường phố “không có đèn xanh đèn đỏ”. Nhiều người dân Đà Lạt định cư ở nước ngoài trở về cảm thấy luyến tiếc vẻ đẹp của Đà Lạt ngày xưa. Mặc dù thành phố ngày nay có nhà cửa khang trang hơn, tiện nghi sinh hoạt hiện đại hơn nhưng người ta không thể tìm thấy dáng vẻ thơ mộng trước đây – vẻ đẹp mà không thành phố đồng bằng nào có thể sánh kịp cho dù ra sức đầu tư thật nhiều tiền của hay công sức. Những du khách đến Đà Lạt ngày nay dễ cảm thấy choáng ngợp trước các tòa nhà có kiến trúc hiện đại nhưng sắp xếp một cách hỗn độn, không dựa trên một ý tưởng quy hoạch nào rõ rệt.
Ảnh 4: Khu trung tâm thương mại Đà Lạt ngày nay (ảnh: NVP, 2011)
Người ta có cảm tưởng trong thời gian qua, các nhà quy hoạch có trách nhiệm đối với Đà Lạt chỉ chú ý đến từng công trình kiến trúc chứ không lưu ý đến toàn cảnh, cũng không mấy quan tâm đến phong cảnh và môi trường thiên nhiên. Trong khi khoa kiến trúc của thế giới đã phát triển thêm nhiều chuyên ngành như kiến trúc phong cảnh (landscape architecture), thiết kế đô thị (urban design), quy hoạch đô thị (urban planning), v,v… thì dường như các “chuyên gia” quy hoạch đô thị Đà Lạt chỉ dừng lại ở việc thiết kế từng tòa nhà, từng dinh thự, chỉ chú ý đến tiểu tiết mà quên đi cái toàn thể.
Một thành phố đẹp cần có sự hài hòa, đòi hỏi khéo bố trí, sắp xếp các công trình kiến trúc. Một thành phố trên cao nguyên lại cần có sự hài hòa giữa kiến trúc và phong cảnh. Vì vậy, có thể nói: một thành phố đẹp không phải chỉ là những tòa nhà đẹp hay những đường phố đẹp. Nếu không biết cách quy hoạch một cách hợp lý, tổng số của các tòa nhà đẹp và các đường phố đẹp có thể làm nên một thành phố xấu xí.
Ảnh 5: Khu trung tâm thương mại Đà Lạt 1968 (không ảnh – vnafmamn.com)
Tin tức báo chí gần đây cho biết các nhà lãnh đạo địa phương đang bật đèn xanh cho phép xây dựng những building (ngày nay thường gọi là “cao ốc”) ngay tại khu trung tâm, trước mắt là hai cao ốc có chiều cao 45m và 49m. Nhưng trong khi ban hành những quyết định táo bạo đó, vẫn chưa có ai xác định được những nguyên tắc căn bản: nơi nào được phép xây cao ốc và chiều cao cho phép là bao nhiêu? Bất cứ ai có chút kiến thức về Đà Lạt đều thấy rõ nơi đây không phải là một thành phố đồng bằng, cho nên khi nói cao nguyên Lang-Bian có cao độ trung bình là 1.500m thì điều đó không có nghĩa là tất cả các địa điểm ở vùng này đều cao bằng nhau. Do địa hình cao thấp khác nhau, một tòa nhà 49m xây phía sau chợ Đà Lạt (điểm A trong ảnh 6), nghĩa là trong một thung lũng có cao độ khoảng 1480m, sẽ đạt đến độ cao 1529m. Chiều cao này trong thực tế đã vượt hơn ngọn đồi Dinh Thị trưởng cũ ở phía bắc (điểm C) vì cao độ ở đây là 1525,3m. Trong khi đó, một cao ốc 45m đặt tại Khu Hòa Bình (điểm B, có cao độ 1494m) sẽ đạt đến độ cao 1539m, nghĩa là cao hơn 10m so với tòa cao ốc thứ nhất, cao hơn 13,7m so với ngọn đồi Dinh Thị trưởng cũ, thậm chí còn cao hơn cả ngọn đồi Dinh III (1535,8m). Chưa hết: người ta còn đang lăm le xây một cao ốc ngay trên đỉnh đồi phía sau lưng trường Đoàn Thị Điểm – có cao độ 1504,3m[4]. Như vậy, sự xuất hiện các tòa cao ốc sẽ làm cho “diện mạo Đà Lạt” thay đổi hoàn toàn chứ không phải chỉ là “thay áo mới” như lời phát biểu của một quan chức của tỉnh Lâm Đồng với phóng viên báo chí vào tháng 9 năm 2010[5].
Ảnh 6: Khu Hòa Bình và Chợ Đà Lạt 1968 (không ảnh – vnafmamn.com)
Việc cho phép xây dựng cao ốc một cách tùy tiện sẽ tạo ra nguy cơ phá hỏng toàn bộ các nguyên tắc bao hàm trong các đồ án quy hoạch mà người Pháp đã dày công xây dựng từ năm 1923 cho đến đầu thập niên 1940. Chính vì vậy mà trong dư luận đang nảy sinh mối hoài nghi về động cơ cho phép xây dựng các tòa cao ốc: phải chăng cái gọi là “quỹ đất vàng” đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư nhưng cũng đồng thời gợi lên lòng tham nơi những người có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép trong ngành xây dựng? Phải chăng quy luật thị trường “hoang dã” đã và đang làm phát sinh nguyên tắc “đồng tiền mua được chiều cao” bất chấp các quy định về quy hoạch – kiến trúc, về môi trường thiên nhiên?
Nếu chỉ xét thuần túy về mặt kinh tế, nhà đầu tư mua một mảnh đất luôn luôn có xu hướng muốn xây cao ốc. Do chỗ giá đất cao hơn nhiều so với vốn đầu tư để xây dựng công trình, cho nên tòa nhà càng cao thì diện tích sử dụng càng lớn, khả năng sinh lợi càng gia tăng. Trong trường hợp đó, “nhà tư bản” sẵn sàng bỏ tiền ra để mua chuộc những người có thẩm quyền nhằm có được chiều cao như ý muốn, coi như tính luôn trong số vốn đầu tư. Trong bộ Tư bản, Marx có trích dẫn một câu văn của một nhà hoạt động công đoàn người Anh tên là T.J. Dunning: “Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được, được 20% thì nó hoạt bát hẳn lên, được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo, được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người, được 300% thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ”[6]. Nguyên lý này xem ra áp dụng đúng cả trong trường hợp của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Điều mà lý thuyết của Marx không tiên liệu là: nhà tư bản chỉ sợ “bị treo cổ” trong hoàn cảnh của một quốc gia “tư bản phát triển”, nơi mà nền kinh tế thị trường bị quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nơi mà quyền lực chính trị phải áp dụng nguyên tắc “tam quyền phân lập”, nơi mà báo chí tự do có thể phanh phui, phơi bày bất cứ chuyện gì. Còn trong hoàn cảnh của Việt Nam, khi mà quyền lực chính trị dựa trên nguyên tắc “tập trung dân chủ”, nền kinh tế thị trường lại được nhét vào cái khung của “chủ nghĩa xã hội” thì pháp luật hoàn toàn nằm trong tay của những người cầm quyền, mọi quy định pháp lý đều có thể bị uốn nắn cho phù hợp với túi tiền của nhà đầu tư và ý chí của các nhà lãnh đạo. Cộng với một nền báo chí chỉ chăm chăm “chạy theo lề phải”, quanh năm suốt tháng chỉ biết ngóng nhìn chiếc gậy chỉ huy thì một khi nhà đầu tư mua được chiều cao của công trình, họ hoàn toàn có thể yên chí chạy theo lợi nhuận, không sợ bị treo cổ, càng không lo ngại báo chí gây phiền nhiễu.
Trong những ngày cuối năm này, so sánh những tấm ảnh toàn cảnh chụp Đà Lạt ngày xưa với những tấm ảnh chụp hiện nay, người viết không thể không cảm thấy xót xa. Có lẽ đã đến lúc những người yêu Đà Lạt sẽ phải chào vĩnh biệt “thành phố mộng mơ” mà họ đã từng biết và đã từng dệt nên bao nhiêu kỷ niệm. Một Đà Lạt như đã từng được miêu tả trong thơ, trong nhạc, trong văn chương, sẽ vĩnh viễn đi vào dĩ vãng…
Một Đà Lạt khác sẽ ra đời: đó là một Đà Lạt “hiện đại” được hình thành từ những bộ óc “đi tắt đón đầu”, “dám nghĩ dám làm” (kể cả nghĩ sai, nghĩ bậy và làm ẩu, làm dối), được thúc đẩy bởi khẩu hiệu “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và được điều khiển từ xa bởi những đòn bẩy của của kinh tế thị trường nhưng lại bị che đậy dưới cái vỏ đạo đức giả của chiêu bài “định hướng XHCN”. Những đòn bẩy đó, cộng với một quyền lực chính trị vô biên (không ai có thể kiểm soát, cũng không ai dám phê bình) sẽ đem lại cho Đà Lạt một diện mạo mới – đẹp như thế nào thì chưa ai có thể nhìn thấy, nhưng những đường nét xấu xí thì ngày càng bộc lộ, không một ai có thể che đậy.
Ảnh 7: Toàn cảnh Đà Lạt năm 1966 (ảnh Trần Văn Châu)
Mai đây, cho dù diện mạo Đà Lạt có hiện đại hơn, thành phố có tráng lệ hơn do những tòa cao ốc nguy nga mọc lên như nấm sau cơn mưa rào, điều mà ai ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy là: thiên nhiên sẽ ngày càng biến mất để nhường chỗ cho những khối bê tông khổng lồ chen chúc nhau giữa lòng một thành phố từng làm say đắm lòng người do những rặng thông xen vào giữa lòng phố thị, do những ngôi biệt thự thấp thoáng giữa những tán lá xanh, do những dinh thự ẩn hiện trên đỉnh những ngọn đồi…
Nếu chức năng chủ yếu của Đà Lạt là một thành phố du lịch – nghỉ dưỡng, thì điều đầu tiên cần phải bảo tồn, nâng cấp chính là môi trường thiên nhiên và các thắng cảnh. Trong vài thập niên qua, Đà Lạt sở dĩ còn hấp dẫn được du khách là nhờ đã “ăn bám” vào thanh danh của ngày xưa, nhờ vào những hình tượng mà các văn nghệ sĩ lớn của Việt Nam đã ghi lại trong các tác phẩm của mình. Nếu vẻ đẹp thơ mộng của Đà Lạt bị hủy hoại để thay vào đó là những khối bê tông chồng chất trong các thung lũng hay trên các ngọn đồi, nếu du khách đến đây để nhìn thấy hồ Than Thở chỉ còn như một cái “ao nuôi vịt”, thác Cam Ly trở thành nơi chứa nước thải thì liệu các hình tượng văn học nghệ thuật “vang bóng một thời” ấy có cứu vãn nổi cái tiếng thơm của Đà Lạt hay chỉ đem lại cho khách phương xa cái cảm giác bị lừa dối và sự thất vọng khi nhìn thấy một thực tế hoàn toàn khác xa với truyền thuyết?
Ngày nay, giữa lòng một thành phố Đà Lạt vàng thau lẫn lộn, nơi mà những kẻ lớn tiếng tự xưng là “người yêu Đà Lạt” lại có thể chính là kẻ đang từng ngày từng giờ phá hoại vẻ đẹp của Đà Lạt, những người thật sự yêu Đà Lạt đang có nguy cơ trở thành những con người cô đơn ngay trên mảnh đất quê hương của mình…
Dù sao thì Đà Lạt không phải chỉ là “tài sản” của riêng người Đà Lạt, lại càng không phải là tài sản riêng của một số vị có chức có quyền. Nếu chỉ nói một cách khiêm tốn, không phô trương, Đà Lạt ít nhất cũng là một “tài sản quốc gia” cần phải bảo tồn, trân trọng. Không lẽ tất cả những người dân Việt trong cả nước, và cả những người Việt hiện đang cư trú ở khắp nơi trên toàn thế giới, lại chịu im lặng, bó tay để “Đà Lạt thơ mộng” chết dần chết mòn như thế sao?
Đà Lạt, những ngày tất niên âm lịch năm Canh Dần, 26.1.2011
(công bố lần thứ hai ngày 23.3.2919)
M.T.L.
Nguồn: Văn Việt
__________
[1] Nguyên văn: chênes (cây sồi). Theo bộ sách Cây cỏ Việt Nam của GS Phạm Hoàng Hộ, ở vùng Đà Lạt – Langbian, người ta tìm thấy rất nhiều loại cây thuộc các chi: Castanopsis, Lithocarpus, Quercus, tất cả được xếp vào họ Dẻ (Fagacae, còn gọi là họ Sồi).
[2] Etienne Tardif, La mission du Lang-Bian 1899-1900, Ogeret & Martin, Vienne, 1902, pp. 35-36.
[3] Commune de Dalat – Voirie municipale, Plan d’aménagement et d’extension de Dalat – Programme des servitudes, 27 Avril 1943 (dactylographié)
[4] Cao độ của một số địa điểm trên đây dựa trên bản đồ Đà Lạt tỷ lệ 1/10.000 do Nha Địa dư Quốc gia phát hành năm 1960.
[5] Khắc Lịch, Tính chuyện “thay áo” cho Đà Lạt, Bee.net 28/09/2010 (bài đã bị xóa): http://bee.net.vn/channel/1983/201009/Tinh-chuyen-thay-ao-cho-da-Lat-1769993/
[6] Các Mác, Tư bản, tập I, quyển I, phần 2, Chương XXIV, Nxb Tiến bộ – Mat-xcơ-va, Nxb Sự Thật – Hà nội, 1984, tr. 315, chú thích số 250.