Seite auswählen

Biểu tình chống Formosa tại Hà Nội, 1/5/2016. Cuộc biểu tình lớn nhất Việt Nam từ sau năm 1975.

Biểu tình chống Formosa tại Hà Nội, 1/5/2016. Cuộc biểu tình lớn nhất Việt Nam từ sau năm 1975.

 AFP

Kính Hòa RFA
2019-03-27

Một nhóm hoạt động dân sự tại Việt Nam vừa thực hiện một bộ phim tài liệu mang tên Đừng sợ, kể lại những hoạt động dân sự vì môi trường, dân chủ tại Việt Nam trong những năm qua. Trong đó có đề cập đến ông Hoàng Bình, người hoạt động môi trường sau thảm họa Formosa đang bị nhà nước Việt Nam bỏ tù.

Đại diện nhóm làm phim cho đài RFA cuộc trao đổi sau đây.

Nhóm làm phim: Bộ phim này khái quát phong trào xã hội dân sự từ năm 2006 đến nay, với nhiều người đấu tranh cho chủ quyền biển đảo, cho dân chủ, bị nhà cầm quyền câu lưu bỏ tù, nhưng họ không chùn bước.

Trong bối cảnh đó thì thảm họa Formosa là cú hích lớn cho xã hội dân sự Việt Nam, lần đầu tiên một phong trào có sự chuẩn bị kỹ càng. Nhân sự kiện Formosa, những người hoạt động dân chủ đứng lên thực hiện cái quyền của họ.

Vụ Formosa là một cái lõi để bộ phim đó mô tả xã hội dân sự từ 2008 đến nay.

Thông điệp bộ phim đưa ra là công chúng đã sẳn sàng cho một xã hội dân sự lành mạnh phát triển. Còn chính quyền thì họ đang chờ đợi một điều gì?

Trong bộ phim này anh Hoàng Bình là một điểm nhấn của bộ phim. Điều đặc biệt là chính anh Hoàng Bình là người cùng tham gia với nhóm làm phim, cùng bị chính quyền truy đuổi một cách gắt gao.

RFA:  Khi làm phim có một nhân vật bị chính quyền bỏ tù như vậy thì có ngại những cái mà chính quyền cho là nhạy cảm không?

Nhóm làm phim: Thật ra thì toàn bộ phim là một sự nhạy cảm: chuyện Formosa, chuyện đền bù, chuyện bắt bớ, chuyện biểu tình,…thêm anh Hoàng Bình nữa thì cũng không quá nhiều.

Hơn nữa bộ phim cũng là sự tri ân tới ah Hoàng Bình nói riêng, và những tù nhân lương tâm khác, kể cả những người như Nguyễn Văn Hóa, Bạch Hồng Quyền, … những người đã đồng hành cùng nhóm làm phim. Bộ phim là sự tri ân đối với họ.

RFA: Nhóm làm phim định phổ biến bộ phim như thế nào?

Nhóm làm phim: Phổ biến càng nhiều càng tốt, trong và ngoài nước, Hà Nội, Hồ Chí Minh, và dĩ nhiên là gốc gác của bộ phim là miền Trung. Tất nhiên sẽ chiếu bí mật thôi, mời những người quan tâm, nhân sĩ trí thức, nghệ sĩ, để họ hiểu thêm bức tranh của xã hội dân sự hiện tại.

Chúng tôi rất mong muốn nó được chiếu ở các tổ chức nhân quyền, môi trường quốc tế.

RFA:  Có một kênh mà các nhóm dân sự, hoạt động dân chủ hay dùng là thông qua các tòa đại sứ phương Tây tại Hà Nội, lãnh sự tại Sài Gòn, nhóm làm phim có định như vậy không?

Nhóm làm phim: Thưa có, buổi chiếu đầu tiên sẽ mời các vị ở các sứ quán khối EU đến xem.

RFA: Theo anh thì trong thời gian qua, nhóm dân sự vì môi trường gặt hái được những gì và có trở ngại gì lớn?

Nhóm làm phim: Trong thời gian qua thì nhóm cũng chưa gặt hái được nhiều thành công, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân khách quan là phía nhà cầm quyền họ đàn áp rất là mạnh, làm xã hội dân sự nói chung bị lắng xuống, các nhóm môi trường cũng bị tác động rất nhiều.

Về chủ quan thì nội bộ các nhóm cũng có sự thay đổi, cho nên gần đây nhóm cũng chưa đạt thành tựu gì đáng kể.

RFA: Theo anh thì ý thức của người dân thường Việt Nam đã đủ mạnh chưa để hình thành một phong trào dân sự mạnh về môi trường?

Nhóm làm phim: Ý thức về môi trường của người dân thì có nhưng chưa đủ mạnh.

Tôi có trao đổi với một số tổ chức quốc tế về môi trường thì họ nói những cuộc biểu tình vì môi trường vài trăm người là chưa đủ, phải có những cái cuộc biểu tình cả triệu người thì mới có ý thức về môi trường rõ rệt nhất, mới thay đổi nhiều thứ như vận động chính sách. Lúc ấy mới có sự xoay chiều, còn hiện tại thì chưa.

Các tổ chức môi trường cũng đang cố gắng bằng nhiều cách, nhiều hình thức, nhưng thực sự vẫn chưa đạt được kết quả nhiều.

Nhưng vẫn phải làm bởi vì không thể chờ được, càng khó thì càng phải có những cách làm thông minh hơn.

RFA: Chúng ta hay nói đến sự cản trở của phía chính quyền, nhưng với tư cách một nhà hoạt động dân sự thì trong vài năm qua anh có quan sát thấy họ có sự cải thiện nào không, có lắng nghe những vấn đề về nhân sinh, về dân sự như thế này?

Nhóm làm phim: Thực sự thì họ vẫn chưa thực sự lắng nghe. Nếu đôi khi do (áp lực) của mạng xã hội thì họ có điều chỉnh gì đấy, nhưng thực sự không thay đổi, tác động gì đến hoạt động dân chủ. Thật ra họ vẫn chưa có gì thay đổi lắm.

Họ ngày càng siết chặt hơn, sự tụ tập của các nhóm là không được phép, kiên quyết là như vậy.

RFA: Anh còn có điều gì nói thêm về việc thực hiện và trình chiếu bộ phim này?

Nhóm làm phim: Có một mong muốn là bộ phim này được trình chiếu quốc tế, để có một bức tranh về hoạt động xã hội dân sự Việt Nam, thấy rằng vẫn có những nhà đấu tranh vì môi trường hiện vẫn còn trong chốn lao tù.

Mong muốn đây sẽ là động lực cho những nhóm khác làm những bộ phim hay hơn, mong muốn của nhóm làm phim là như vậy.

Bộ Công An bắt Cao Vĩnh Thịnh làm gì?

Đoan Trang

28.3.2019

Cao Vĩnh Thịnh, thành viên nhóm Green Trees.

 

“Hoa hậu Cây Xanh” Cao Vĩnh Thịnh (SN 1988), một thành viên tích cực của nhóm Green Trees, bị một nhóm người tự xưng là nhân viên an ninh bắt cóc từ sáng nay, 27/3/2019, trên đường đến cửa hàng của cô.

Đám người này đưa Thịnh cùng máy tính, điện thoại, đồ dùng cá nhân về trụ sở Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an, số 3 Nguyễn Gia Thiều, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Từ lúc đó cho đến giờ, không ai có thông tin gì về Thịnh nữa. Xế chiều, công an gọi điện bảo mẹ của Thịnh lo đi đón cháu ngoại ở trường giúp Thịnh, hàm ý rằng cô sẽ còn bị thẩm vấn lâu.

Cao Vĩnh Thịnh là gương mặt nổi bật trong phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội năm 2015, là thành viên tích cực của Green Trees. Tốt nghiệp ngành báo chí nhưng cô không làm báo mà trở thành một nữ doanh nhân từ khi còn rất trẻ. Cửa hàng của cô có tên Zero Waste Hà Nội, chuyên bán đồ thân thiện với môi trường. Trong hình là Thịnh và con gái nhỏ của cô.

Nhóm Green Trees là tác giả của bản báo cáo “Tổng quan thảm họa môi trường biển Việt Nam” 2016, nói về thảm họa do Formosa gây ra ở miền Trung. Ngày 16/3 vừa qua, nhóm cũng vừa cho ra mắt phim “Đừng sợ”, bộ phim tài liệu đầu tiên về xã hội dân sự ở Việt Nam.

Được biết, sau khi bản báo cáo của Green Trees được công bố (tháng 10/2016), ít nhất ba thành viên của nhóm, trong đó có Cao Vĩnh Thịnh, đã bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh Đài Loan.

——

Cập nhật lúc 22h06: Vào khoảng 22h đêm 27/3, an ninh Bộ Công an đã thả Cao Vĩnh Thịnh sau khi cướp toàn bộ điện thoại, máy tính của cô. Công an cũng đã sử dụng thiết bị cao để truy cập trái phép vào máy tính của Thịnh (sau khi không ép được cô khai mật khẩu).

Cuộc thẩm vấn xoay quanh nhiều vấn đề nhưng hầu hết là do công an cho rằng các hoạt động bảo vệ môi trường, làm truyền thông v.v. của Thịnh là chống nhà nước.

Bộ phim “Đừng sợ” do nhóm Green Trees sản xuất xoay quanh phong trào xã hội dân sự độc lập, đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam. Phim không tránh khỏi việc ghi hình và phỏng vấn toàn những nhân vật “nhạy cảm” như blogger Điếu Cày, gia đình tù nhân lương tâm Hoàng Bình, và các ngư dân chịu thiệt hại vì thảm họa môi trường do Formosa gây nên.

Nhóm Green Trees sẽ đưa phim đi công chiếu trên cả nước, bắt đầu từ tháng 4, nhân tưởng niệm tròn ba năm cá chết hàng loạt trong thảm hoạ Formosa.

Cao Vĩnh Thịnh và một nhà nước dễ tổn thương!?

Anh Văn
29.3.2019
VNTB – Theo thông tin do Facebooker Phạm Đoan Trang truyền tải trên trang cá nhân, vào sáng 27.03, một nhóm người “tự xưng là nhân viên an ninh bắt cóc Cao Vĩnh Thịnh (1988), trên đường đến cửa hàng của cô.”
 
Cao Vĩnh Thịnh được đưa về trụ sở Cơ quan an ninh Điều tra Bộ Công an tại Hà Nội. Đến 22h00 cùng ngày, phía cơ quan an ninh đã thả Cao Vĩnh Thịnh sau khi đã giữ lại toàn bộ điện thoại, máy tính của cô. Và cuộc thẩm vấn với Cao Vĩnh Thịnh chủ yếu xoay quanh các hoạt động vì môi trường mà Cao Vĩnh Thịnh tiến hành từ năm 2015 đến nay.
Cao Vĩnh Thịnh, thành viên của nhóm môi trường Green Trees, người được đánh giá là tích cực trong nhóm. Cô từng chia sẻ bản báo cáo “Tổng quan thảm họa môi trường biển Việt Nam” 2016 ngay tại diễn đàn thường niên về xã hội dân sự tại Hà Nội. 
Green Trees, nhóm môi trường ra đời từ phong trào cây xanh, và thảm họa môi trường biển Formosa. Vừa qua, nhóm này cho ra mắt bộ phim “Đừng sợ”, được cô Phạm Đoan Trang cho là, “bộ phim tài liệu đầu tiên về xã hội dân sự ở Việt Nam.”
“Cuộc thẩm vấn xoay quanh nhiều vấn đề nhưng hầu hết là do công an cho rằng các hoạt động bảo vệ môi trường, làm truyền thông v.v. của Thịnh là chống nhà nước.”, cô Phạm Đoan Trang chia sẻ trên Facebook của mình.
Là người từng tiếp xúc với cô Cao Vĩnh Thịnh, người viết đánh giá cô là một con người thuần khiết, nhiệt tâm với vấn đề xã hội tại Việt Nam. Trong cô, không mưu toan bất kỳ yếu tố chính trị hay đảng phái nào, ngoài việc phải giữ môi trường sống cho bản thân mình, cộng đồng và cả thế hệ tương lai. Cao không sợ, hoặc ít nhất không không sợ những gì mình đang làm, những rủi ro sẽ đến, bởi cô tin về điều tử tế, những sự tốt lành mà cô và cộng đồng sẽ nhận. Cao không dè dặt khi nói về môi trường, và tác động tai hại nếu bỏ qua nó. Và người viết tin rằng, sự tham gia các hoạt động môi trường, thuần túy trong suy nghĩ của cô gái sinh năm 1988 này cũng vì bảo vệ các hệ giá trị môi trường.
Nếu Cao sinh ra tại một đất nước dân chủ, hẳn cô là một người lãnh đạo đầy nhiệt huyết, hoặc một người hỗ trợ đầy nhiệt tâm đối với phong trào gìn giữ môi trường trái đất. Nơi cô có thể phản ánh, phê phán những chủ trương – chính sách đi ngược lại với môi trường, điều làm nên một hệ sinh thái kinh tế – xã hội thiếu bền vững. Nhưng Cao sinh ra tại Việt Nam, nơi mà sự phản biện nhiều lúc được nhìn một cách ác ý là “tham vọng phản động”, nơi mà các phong trào phản ứng đối với các chính sách sai trái, có hại với môi trường trở thành một cái gai trong mắt nhà nước. Cao chưa bao giờ từ bỏ mảnh đất này, có lẽ Cao nhận ra được rằng, quê hương này sẽ tốt đẹp hơn, xanh hơn nếu như người dân biết quan tâm nó nhiều hơn, và Cao đã làm như vậy. 
Cao ưu tư và Cao đã hành động, thay vì nhìn người khác làm thay nỗi ưu tư của mình.
Cao tham gia phong trào phản ứng chặt hạ vô pháp 6.700 cây xanh Hà Nội, phong trào phản ứng trước sự xả thải gây ô nhiễm 4 tỉnh miền Trung của Formosa,… Ở góc độ nhỏ hơn, Cao tham gia các hoạt động thiện nguyện, những hoạt động làm sạch môi sinh tại Hà Nội và các tỉnh thành khác. Cao nhiệt tình, không mệt mỏi, và luôn duy trì trong mình một năng lượng.
Cao khác người? Có thể! Điều khiến Cao trở nên nổi bật so với những người khác là Cao đã vượt qua nỗi sợ về sự dò xét, sách nhiễu, đe dọa của phía an ninh. Cao dường như bước qua nỗi sợ đó với 1 sự khúc trắc rõ ràng, bằng sự lạc quan – vô tư – yêu đời một cách trong veo của mình, một sự ngây thơ của một người con gái. Thế nhưng đáp lại, là ánh mắt nghi hoặc của phía cơ quan an ninh, họ nhìn “người tử tế” như Cao là một đối tượng… phản động, coi những hoạt động tích cực và tin yêu về cuộc sống của Cao là… chống phá nhà nước. Hóa ra, cái tội danh nghe cực kỳ nghiêm trọng là “chống phá nhà nước” lại ngày trở nên giản đơn, bởi ngay cả người như Cao và hoạt động của cô mà còn dính dáng đến tội danh đó theo sự đe nẹt của phía an ninh Bộ Công an, thì chắc hẳn, hàng ngàn người xuống đường trong phong trào cây xanh 2015 hay phản ứng trước Formosa, đều là thành phần… chống phá cả. Bởi họ, cũng như Cao, đã vượt qua khỏi… sự sợ hãi.
Một xã hội độc tài thành công khi mà nỗi sợ hãi bao trùm, một xã hội công an trị được thiết lập khi mà ở đó luôn tồn tại 1 sự vâng lời tuyệt đối. Và khi nỗi sợ hãi bị xé ra bởi những người như Cao, thì nỗi sợ đó được đẩy về phía chính quyền.
Cao giống như nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, Cao Shunli, người trước khi chết đã chia sẻ rằng, ảnh hướng của cô và những người như cô có thể lớn, có thể nhỏ, và có thể không là gì. Nhưng tất cả phải cố gắng, bởi đó không chỉ là nghĩa vụ của họ, mà đó là quyền của xã hội dân sự.
Cao cố gắng làm tất cả những gì Cao thấy đúng, và quả thật, xã hội này đã tốt lên vì những người như Cao. Cao làm không phải vì nghĩa vụ, quyền, mà có lẽ, Cao làm vì chính bản thân Cao nhận thấy, đó là việc nên làm, và Cao vui vì điều đó: một điều tử tế. Và một quốc gia thay vì khuyến khích điều tử tế, hay những người như Cao, thì lại tìm cách để dập tắt và triệt hạ.
Nó biến chính quyền nhà nước với sức mạnh vũ trang dày đặc trở thành một nhà nước mỏng manh, yếu đuối và dễ tổn thương. Một nhà nước sợ hãi trước sự tham gia công chính của người dân.
“Mình biết là từ lâu nay, có một làn sóng lan toả, truyền đi lời nhắn nhủ làm “Người tử tế”. Khi mình biết tới nó thì thực sự có một chút gì đó vui vui, ấm áp, nhưng cái cảm giác gờn gợn, tiếc nuối thì nhiều hơn rất nhiều. Bởi cái điều ai lớn lên cũng phải làm được đầu tiên ấy lại đang trở thành một lời kêu gọi. Và khi cộng đồng phải ới nhau, rủ nhau tử tế hơn, thì đó là khi chúng ta đang ở dưới đáy của con dốc đạo đức.”, Cao Vĩnh Thịnh chia sẻ trên Facebook cá nhân của mình.
Nguồn: Việt Nam Thời Báo