Báo cáo về hiện trạng rừng trên toàn quốc, do Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn công bố năm 2018, cho thấy Việt Nam có 14 triệu hectares rừng trên cả nước, trong đó rừng tự nhiên hơn 10 triệu, rừng trồng hơn 4 triệu.
Vẫn theo báo cáo này, diện tích rừng đủ tiêu chuẩn che phủ toàn quốc tương ứng hơn 40%, tức là có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức sinh học thấp, còn rừng tự nhiên với mức đa sinh học cao lại giảm đi đáng kể.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu tại Đại Học Cần Thơ bày tỏ sự nghi ngờ về con số mà Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đưa ra:
Tôi cho là tốc độ phủ điện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải rừng trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỷ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là hơn 30% tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%, nhưng theo những người làm lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ chỉ khoảng hơn 20% mà thôi.
Sau những cơn lũ chết người hồi tháng Mười năm 2017, được báo chí trong nước mô tả là lịch sử, một viên chức đã về hưu của Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tại tỉnh Hòa Bình nói với đài Á Châu Tự Do phá rừng là nguyên nhân chính gây ra những trận lũ khủng khiếp như vậy.
Đấy là vấn đề rất lớn chứ không phải chuyện đùa, nó đang gây ra những đảo lộn kinh khủng và nhãn tiền, từ rừng, từ nước, từ nước ngầm cho đến các dòng sông, đều thấy một sự mất mát, một sự xuống cấp nguy hiểm.
-Ông Nguyễn Khắc Mai
Điển hình trong khoảng thời gian vài tháng của năm 2017, báo VNExpress loan tin về vụ khai thác gỗ pơ mu tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam hồi tháng Bảy. Bước sang tháng Tám thì báo Pháp Luật đang phóng sự điều tra về nạn phá rừng ở tỉnh Yên Bái, nói rằng lâm tặc được chống lưng cho hành động phi pháp của họ.
Cũng trong tháng Tám 2017, báo điện từ VTC News có bài nói về sư lo ngại của người dân huyện Tân Lạc , tỉnh Hòa Bình, liên quan đến việc rừng đầu nguồn bị phá làm ảnh hưởng đến đời sống và nguồn nước sử dụng ở đây.
Tháng Ba năm 2019, vụ việc đất rừng ở Sóc Sơn bị vi phạm cũng được đưa lên các mặt báo kèm chỉ thị báo cáo từ phía thanh tra chính phủ.
Thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, người sáng lập Rừng Gọi và Nhóm Yêu Quí Động Vật Cát Tiên ở Đồng Nai, phân tích:
Rừng khắp nơi của nước ta bị tàn phá bởi các công trình xây dựng, khai khoáng hoặc thủy điện. Cái thứ hai là mở đường đi xuyên, thứ ba là xây dựng các chuỗi nhà hàng khách sạn, thứ tư là làm cáp treo, thứ năm là việc khai thác cát và thứ sáu là chuyển đổi những khu rừng nguyên sinh để làm rừng công nghiệp như vường cao su và cà phê chẳng hạn.
Theo một bản tin của AFP năm 2017 nói về nạn phá rừng ở Đắk Lak thì Việt Nam dường như không ngăn chặn được tệ nạn này. Cùng thời điểm, báo VNExpress phát hành trong nước cũng đưa tin về vụ khai thác bất hợp pháp rừng gỗ quí pơ mu tại huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam, có sự thông đồng giữa một phó đồn công an đia phương với lâm tặc.
Mới đây nhất, đầu tháng Tư 2019, một bài viết của tác giả Stephen Nash trên Asia Times, nói rằng kết quả nghiên cứu cho thấy Việt Nam là điển nóng của đa dạng sinh học với 30 vườn quốc gia, nơi sinh sống của hàng chục loại động vật hoang dã quí hiếm, không thua những công viên Safari nổi tiếng ở tận Kenya hay Tanzania.
Và những vườn quốc gia, những khu rừng nguyên sinh của Việt Nam như rừng Cúc Phương chẳng hạn, tác giả Stephen Nash viết tiếp, cần gấp rút được bảo tồn trước khi mọi tài sản quí báu trong đó, mà có thể khoa học chưa biết tới, bị diệt chủng và biến mất vì hành vi khai thác gỗ và nạn săn bắt thú hoang dã đang xảy ra một cách không thương tiếc.
Nhà nghiên cứu thuộc nhóm Minh Triết, ông Nguyễn Khắc Mai, nhận định:
Trên tổng thể đất nước mình không chỉ rừng phòng hộ mới bị phá hoại mà tất cả các vườn quốc gia để nghiên cứu thì cũng bị xâm phạm nghiêm trọng. Đấy là vấn đề rất lớn chứ không phải chuyện đùa, nó đang gây ra những đảo lộn kinh khủng và nhãn tiền, từ rừng, từ nước, từ nước ngầm cho đến các dòng sông, đều thấy một sự mất mát, một sự xuống cấp nguy hiểm.
Việt Nam có qui định bảo vệ rừng phòng hộ, ông Nguyễn Khắc Mai khẳng định, nhưng mặt khác lại cho người nước ngoài thuê rừng thì đó chính là hành động phá hoại gián tiếp:
Giao đất rừng cho người nước ngoài, chủ yếu là cho người Tàu thuê những khu rừng lớn, phần lớn những khu rừng ấy đều có rừng phòng hộ cả. Họ làm gì trong ấy cũng không ai biết để mà kiểm tra kiểm soát được, sự phá hoại hết sức nghiêm trọng.
Về mặt chủ trương thì rất rõ, thế còn như tôi nói là thực hiện Luật chưa được nghiêm chỉnh cho nên vẫn còn hiện tượng này hiện tượng khác.
-TS. Nguyễn Ngọc Sinh
Bảo vệ vườn quốc gia, bảo tồn rừng là trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên và đất nước, là nhận định của thạc sĩ lâm nghiệp Nguyễn Huỳnh Thuật, từ năm 2012 từng kiến nghị chính phủ về hai dự án thủy điện ở Cát Tiên, được coi là Khu Dự Trữ Sinh Quyền Thế Giới, vì cho rằng những công trình này phá hoại môi trường, làm đảo lộn hệ sinh thái cũng như đời sống của con người và cây cỏ trong vùng. Đến năm 2013, thủ tướng chính phủ lúc bấy giờ ra quyết định ngưng việc xúc tiến dự án thủy điện ở Cát Tiên, Đồng Nai.
Về câu hỏi có thực Việt Nam đã không thể ngăn chặn được tệ nạn phá và khai thác rừng bừa bãi phi pháp hay không, chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên Và Môi Trường, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, trả lời:
Về mặt chủ trường, đường lối, chính sách thì Việt Nam càng ngày càng quan tâm về ý nghĩa giá trị của Đồng Bằng Sông Hồng, Mũi Cà Mau, vùng Tây Nghệ An vân vân… Những rừng tự nhiên đã đóng cửa từ lâu, không được khai thác, những rừng phòng hộ thì phải khai thác theo đúng qui định, qui hoạch.
Tuy nhiên thực tiễn luôn có những bất cập, những vi phạm mà qui định của pháp luật không thể làm hết được, vẫn còn chỗ này chỗ khác, nơi này nơi kia. Về mặt chủ trương thì rất rõ, thế còn như tôi nói là thực hiện Luật chưa được nghiêm chỉnh cho nên vẫn còn hiện tượng này hiện tượng khác.
Theo một bản tin trên tờ Phnom Penh Post số 5 ra tháng Ba vừa qua, một loạt hội thảo được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, qua đó ASEAN xác định các điểm quan trọng đối với sự tồn tại đa dạng sinh học ở khu vực trong đó có Việt Nam 2019.
Giám đốc điều hành Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Tiến sĩ Theresa Mundita Lim, tuyên bố sự đa dạng sinh học phong phú của ASEAN là điều đáng tự hào nhưng vấn đề quan trọng là tài nguyên thiên nhiên này đang cạn kiệt nhanh chóng và đang đối diện sự mất mát lớn. . .
Việt Nam cùng các nước ASEAN đã ký Công Ước Về Đa Đạng (CBD) và các hiệp định môi trường đa phương khác như Công Ước Ramsar, vùng đất ngập nước được chỉ định có tầm quan trọng toàn cầu theo Công Ước Ramsar, một hiệp ước quốc tế điều chỉnh việc bảo tồn các khu vực đất ngập nước. Việt Nam hiện có 8 khu Ramsar được thế giới công nhận.
Nguồn: RFA