Seite auswählen

Đinh Yên Thảo

2.7.2018

Với một hệ thống pháp luật chặt chẽ và phức tạp, Hoa Kỳ là quốc gia có tỉ lệ luật sư thuộc hàng cao nhất thế giới tính theo đầu người. Tham gia vào chính phủ liên bang xuống các cấp địa phương, làm việc cho các tập đoàn tư nhân, các hãng luật tư hoặc hành nghề độc lập, nghề Luật đã và đang thu hút không ít người bước vào lãnh vực nhiều thử thách này. Trên số báo hôm nay,  chúng tôi mời các bạn cùng theo dõi cuộc phỏng vấn nữ  Luật Sư Hoàng Hoa Anh Thư, một luật sư thường xuất hiện trên Trẻ  trong các bài viết hay giải đáp pháp luật, cũng như đang đóng góp vào một số chương trình pháp luật trên các đài phát thanh, truyền hình địa phương tại Dallas, Texas.

Đinh Yên Thảo (ĐYT): Nghề luật sư được không ít người yêu thích nhưng nếu có ai bảo rằng các em nhỏ gốc Á Châu không năng động, mạnh mẽ bằng những người bản xứ nên không thích hợp với ngành luật, LS Anh Thư sẽ nói gì?

Luật Sư Anh Thư (LS AT): Công việc của một người luật sư có thể mở rộng qua nhiều lãnh vực khác nhau chứ không chỉ giới hạn ở việc ra tòa đại diện cho thân chủ. Có những người luật sư mà trong suốt thời gian hành nghề, họ không hề đặt chân đến tòa án. Chẳng hạn họ chuyên nghiên cứu về tài liệu luật pháp để chuẩn bị một vụ kiện được chu đáo sẵn sàng cho một luật sư khác dùng những tài liệu này mà ra tòa tranh cãi. Cũng có người công việc của họ là giám sát và điều hành một guồng máy nhân sự để bảo đảm hãng nơi họ làm việc tuân thủ theo đúng với những quy định khắt khe của chính phủ.  Rồi có người thì tham gia chính trường và bằng Luật giúp họ mở đường cho sự nghiệp chính trị của họ.

Hay một người có bằng cử nhân về Quản Trị Kinh Doanh thì sau khi hoàn tất chương trình Luật, người luật sư này có thể tập trung chuyên môn vào việc liên quan đến hợp đồng kinh doanh, mua bán và giúp thân chủ thương lượng những thỏa thuận kinh doanh. Có người học Luật sau khi hoàn tất chương trình Y Tá, Dược Sĩ, sau khi ra trường họ làm công việc quản lý những người Y Tá và Dược Sĩ khác.

Nói tóm lại sự năng động, mạnh mẽ giúp con người ta thuận lợi trong bất cứ ngành nghề nào, còn tính cách Á Đông hay bản xứ không phải là tiêu chí cho người học ngành Luật. Điều quan trọng là con em chúng ta có yêu thích ngành Luật hay không và chúng ta cũng nên khuyến khích các em tìm hiểu những công việc gì mà các em muốn làm với bằng Luật của mình.

ĐYT: – Theo NPR thì nhóm dân gốc Châu Á có tỉ lệ luật sư tăng cao trong thời gian qua và 10% sinh viên tốt nghiệp tại 30 trường luật hàng đầu nước Mỹ là thuộc gốc Châu Á. Và cũng theo NPR thì số luật sư gốc Châu Á nằm ở những vị trí cấp cao hay then chốt trong chính phủ và các tập đoàn tư nhân lại khá thấp theo tỉ lệ. Vậy chúng ta lý giải ra sao?

LS AT: – Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến con số luật sư gốc Châu Á ở những vị trí cấp cao hay then chốt trong chính phủ và các tập đoàn tư nhân. Điều thứ nhất liên quan đến thực tế của cuộc sống là vấn đề kỳ thị mặc dù chính phủ Mỹ có những chính sách đặc biệt nhằm giải quyết vấn đề phân biệt đối xử và kỳ thị, tuy nhiên việc xóa bỏ hoàn toàn việc phân biệt đối xử hầu như là bất khả thi.  Ông Hong Yen Chang, người luật sư Á Đông đầu tiên ở Hoa Kỳ đã phải trải qua rất nhiều trở ngại để được hành nghề luật sau khi ông tốt nghiệp xuất sắc cử nhân của trường đại học Yale và tiến sĩ luật ở trường Columbia Law School.

Ông Goodwin Liu, thẩm phán Toà Án Tối Cao California cho biết, dù nghề luật sư là một nghề được xã hội trọng dụng, nhưng “…thực tế rằng người Mỹ gốc Á bị loại trừ khỏi nghề luật sư như ông Hong Yen Chang bằng những rào cản không chính thức.”

Ngoài ra, bản chất công việc của một người luật sư nhiều khi rất căng thẳng vì luật sư là người được trả tiền để gánh lấy và giải quyết những cái phiền toái, nhức đầu của khách hàng. Trong khi đó, người Á Châu vốn chuộng công việc an phận, nhàn nhã và không thích tranh đấu, tranh chấp.  Để đạt được vị trí cấp cao, then chốt trong chính phủ hay những tập đoàn tư nhân đòi hỏi những tính khí của một người làm chính trị điêu luyện mà đôi khi một người luật sư Việt Nam ở Mỹ không đủ động cơ, đam mê để theo đuổi hoặc không đủ hậu thuẫn, cũng như thời vận chưa thích hợp.

Thêm vào đó, người Mỹ gốc Á được coi là rất thông minh và đạt được kỹ năng chuyên môn tốt trong trường lớp. Tuy nhiên vì gia đình Á Châu thường quá bảo vệ, bảo bọc con cái nên những sinh viên dù tốt nghiệp xuất sắc ở trường, lại mất phương hướng, gặp trở ngại khi ra xã hội và phải tiếp cận với môi trường công việc đòi hỏi những kỹ năng “mềm” (soft skills) mà chỉ có thể thâu thập ở trường đời.

ĐYT: – Nếu vậy thì cũng có đôi điều khác biệt về tính cách Á Đông và bản xứ như đã hỏi bên trên. Vậy thông thường những em có tính cách như thế nào thì phù hợp với ngành Luật? Có cần phải quan tâm đến các vấn đề xã hội cùng một kỹ năng giao tiếp?

LS AT: – Như đã trình bày ở trên, tùy theo tính chất công việc mà người hoàn tất chương trình ngành luật đòi hỏi có những tính cách khác nhau. Một người luật sư chuyên về nghiên cứu hay viết lách sẽ không cần quá xuất sắc trong kỹ năng giao tiếp. Một người luật sư chuyên chuẩn bị tài liệu cho việc kiện tụng liên quan đến sơ suất, bất cẩn trong ngành Y (medical malpractice), thì họ cần thích thú và quan tâm đến vấn đề y tế chứ không cần thiết phải quan tâm đến vấn đề xã hội.

Nhưng có một số kỹ năng cơ bản mà người luật sư nào cũng cần, chẳng hạn khả năng lý luận, phân tích, khả năng thông hiểu từ ngữ luật pháp, trình tự kiện cáo. Ngay cả khả năng làm việc dưới áp lực cao độ cũng không kém phần quan trọng. Do đó, ngay trong buổi hướng dẫn nhập học (orientation) của trường Luật, họ thường khuyến khích gia đình và người thân cùng vào họp và cảnh báo rằng tỉ lệ nghiện rượu và tự tử khá cao trong nghành Luật.

ĐYT: – Làm việc đầy áp lực là vậy còn chương trình học, tiến trình huấn luyện và các kỳ thi lấy bằng hành nghề để trở thành một luật sư ra sao?

LS AT: – Từ năm 1950, các trường đại học thông thường ở Hoa Kỳ không đào tạo cử nhân luật nữa. Chỉ các trường đại học luật (Law School) mới được đào tạo ngành luật cho sinh viên đã có bằng Cử Nhân, học thêm ba năm để được cấp bằng Juris Doctor (J.D.), được công nhận tương đương với ngạch tiến sĩ (Ph.D.) của các ngành khác. Sau đó sinh viên luật phải trải qua một kỳ thi rất khắt khe của toàn tiểu bang, gọi là “State Bar Exam”. Thường thì các sinh viên luật lấy những lớp luyện thi trong vòng sáu tháng đến một năm để chuẩn bị cho cuộc thi này. Ở Texas, cuộc thi này kéo dài ba ngày liên tục.  Có một số thí sinh, khi bước ra cuộc thi này chân đi không vững và khóc sướt mướt vì không chịu nổi áp lực, căng thẳng liên tục ba ngày.

KTT2

 

 

Luật Sư Anh Thư và Đinh Yên Thảo trong một chương trình hội thoại

Hàng năm, các trường luật ở Hoa Kỳ nhận rất nhiều hồ sơ của những người đã tốt nghiệp đại học, thậm chí có người đã là tiến sĩ, bác sĩ của một ngành học nào đó. Hội đồng xét tuyển của trường luật sẽ căn cứ vào điểm số trung bình toàn khóa học, điểm số của từng môn học, xem xét thư giới thiệu (nếu có), đọc bài viết giới thiệu bản thân, và điểm thi LSAT (Law School Admission Test), là một kỳ thi tuyển trắc nghiệm không kém phần cam go.

Tại Hoa Kỳ, sinh viên Luật được nhận tài liệu và phải đọc tài liệu trước khi đến lớp. Trong lớp, sinh viên làm việc theo nhóm dưới sự hướng dẫn của các giáo sư, sử dụng các phương pháp hùng biện để trình bày về những gì họ đã được học, những vấn đề mà họ đã nhận thức được. Giáo sư sẽ đặt các câu hỏi giúp cho sinh viên thấy được những vấn đề đang nghiên cứu và những vấn đề có liên quan khác.

Chương trình học chuyên trường luật là ba năm, với rất nhiều giáo trình, tài liệu, đặc biệt ở năm thứ nhất, sinh viên được học về kỹ năng viết để có thể viết bài đăng trên một tạp chí pháp luật và việc này là bắt buộc.

Ngoài việc học lý thuyết, sinh viên phải tích cực tham gia các phiên tòa diễn tập ở nhiều vai trò, làm biên tập cho tạp chí pháp luật của sinh viên, tham gia tư vấn pháp luật miễn phí cho cộng đồng…

Sau khi đậu kỳ thi kiểm tra năng lực cấp tiểu bang (State Bar Exam), luật sư sẽ viết và đọc lời tuyên thệ khi gia nhập luật sư đoàn của tiểu bang nơi người đó thi và sẽ hành nghề. Đây là lời hứa trang trọng, thể hiện cam kết bảo vệ đến cùng Hiến pháp Hoa Kỳ, tận tụy với thân chủ trong khuôn khổ pháp luật. Với nghĩa vụ bảo vệ Hiến pháp, giữ vững và hoàn thiện nền tư pháp, luật sư đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.

ĐYT:  Theo các số liệu thì nước Mỹ hiện nay có hơn 1.3 triệu luật sư trong khi lại có chưa đến 200 ngàn Nha Sĩ, nếu đưa ra một con số so sánh. Nhu cầu và sự phát triển của nghề luật sư trong tương lai ra sao, khi hiện nay nước Mỹ có quá nhiều luật sư như vậy? 

LS AT: – Con số luật sư tăng nhanh và thị trường công việc liên quan đến ngành luật cũng đã thay đổi nhiều. Ðể thành công, Luật sư không đơn thuần là người có kỹ năng và đào tạo về lãnh vực pháp lý mà khả năng giao tiếp và nhanh nhạy về thương trường cũng không kém phần quan trọng. Lãnh vực hành nghề của người luật sư cũng được mở rộng ra thêm. Chẳng hạn có những luật sư làm trong nhà băng để xem xét giấy tờ pháp lý liên quan đến việc nhà băng cho khách hàng vay tiền mua nhà, mua doanh nghiệp.  Hoặc có những luật sư làm cho một hãng nào đó trong công việc liên quan đến việc quản lý nhân lực (Human Resource Management).  Rồi cũng có những luật sư chuyên lo về giấy tờ, chủ quyền việc mua bán bất động sản hay doanh nghiệp.

ĐYT:  Các thống kê cho biết khoảng 95% các vụ án dân sự cuối cùng cũng thường được dàn xếp trước các phiên tòa phân xử thật sự. Vậy lý do nào đã dẫn người ta đến các kiện tụng, tranh chấp như vậy, có cần thiết không?

LS AT: – Bất kỳ tranh chấp nào giữa hai người trở lên đều có thể tạo ra cơ sở cho một vụ kiện dân sự.  Và cần thiết hay không là do những người trong cuộc có cảm xúc như thế nào cho việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình.  Rất nhiều khi vì kiến thức luật pháp giới hạn mà một số người làm ngơ trát tòa khi bị kiện và nghĩ rằng vụ kiện đó sẽ kết thúc mà không ảnh hưởng gì đến mình nếu mình cứ tỉnh bơ như không biết gì.  Nhưng sau cả chục năm, kết quả vụ án đó vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến chủ quyền tài sản của người bị thua kiện. Hoặc có những người sau khi bị kiện, tự ý liên lạc với luật sư của người kiện mình mà chính mình lại không có luật sư đại diện để được bảo vệ trước luật pháp, họ vô tình gây bất lợi cho chính vụ án của mình trước tòa vì bị luật sư của bên kiện mình gài bẫy. Trình tự hành chánh của tòa án bắt buộc bị cáo phải tuân theo thủ tục hành chánh ngay cả khi hai bên đang thương lượng bên ngoài tòa án. Trong một vụ tranh chấp nhỏ, hai bên nên cố gắng giải quyết trước khi đưa nhau ra tòa. Còn khi đã bị kiện ra tòa thì nên mướn luật sư đại diện để bảo vệ quyền lợi của mình.

ĐYT:  Điều gì đã đưa Anh Thư đến nghề luật sư? Niềm vui và thử thách nhất của nghề luật sư là gì?

LS AT: – Hành nghề luật sư là điều Anh Thư yêu thích từ khi còn bé, nhưng bên cạnh những nỗ lực của cá nhân thì thực sự nghề luật chọn mình nữa. Sau khi đã hoàn tất chương trình Cao Học của ngành Quản Trị Kinh Doanh, Anh Thư đã đi làm và công việc cũng khá thuận lợi trôi chảy. Nhưng rồi do cuộc sống đẩy đưa mà Anh Thư đã có cơ hội đi học lại trường Luật và được thực hiện giấc mơ hành nghề luật sư.

Niềm vui của mình là có cơ hội giúp hàn gắn những gia đình. Có khi là những gia đình trên bờ vực thẳm của việc ly dị, hoặc có khi các em dưới tuổi vị thành niên bị trở ngại với luật pháp và không cảm thấy có thể gần gũi với cha mẹ.

Khi một người đến văn phòng Anh Thư trình bày về vấn đề ly dị, Anh Thư thường lắng nghe sự chia sẻ của thân chủ xem mình có thể cứu vãn hôn nhân này không.  Nếu có, Anh Thư thường khuyên cả hai vợ chồng cùng đến gặp mình để tìm giải pháp tốt nhất. Vì nếu họ không còn yêu thương nhau và muốn chấm dứt hôn nhân thì họ cũng vẫn có thể đối xử văn minh, lịch sự, công bằng với nhau.  Còn các em dưới tuổi vị thành niên và cha mẹ, mình tạo điều kiện và cơ hội để cha mẹ và các em cùng tham gia những lớp học và hoạt động giúp xây nhịp cầu giữa hai thế hệ.  Từ đó cha mẹ các em có thể cùng song hành với con cái mình để gần gũi, chia sẻ và hướng dẫn.

Thử thách nhất của Anh Thư khi hành nghề luật sư là khi phải giải thích về luật pháp và trình tự hành chánh phức tạp của hệ thống tư pháp cho những người không hề được huấn luyện về luật nhưng tự cho là biết hết rồi. Họ đem luật của tiểu bang khác để nói chuyện về một vụ kiện ở Texas. Thêm vào đó, để hoàn tất thủ tục kiện tụng bao gồm rất nhiều tiến trình mà người luật sư phải tốn nhiều công sức để chuẩn bị và đương đầu với đối phương rất căng thẳng. Ða số công việc của người luật sư là nhiều việc phải hoàn tất trước khi ra tòa. Khi một thân chủ cho là chỉ có một ngày ra tòa là xong thì điều này ảnh hưởng lớn đến quan niệm sai lệch của người thân chủ đó về luật sư phí mà khó người luật sư nào có thể giải thích cho người thân chủ như vậy hiểu được. Trong khi đó, gần như stress của khách hàng trở thành stress của mình và mình phải tìm cách giải quyết.  Ðó là những lý do mà luật sư phí cao hơn một số ngành nghề khác.

ĐYT:  Xin cảm ơn LS Hoàng Hoa Anh Thư đã dành thời gian giải thích và cung cấp khá nhiều thông tin hữu dụng về nghề luật sư. 

ĐYT thực hiện

Báo Trẻ Online