Seite auswählen

Trường Sa : Manila nhắc lại phán quyết Biển Đông để phản bác Bắc Kinh

Tàu lội nước của Mỹ đổ bộ lên Phi Luật Tân trong khuôn khổ cuộc tập trận Balikatan 2019. Ảnh ngày 11/04/2019.Reuters

Khẩu chiến lại bùng lên giữa Manila và Bắc Kinh về chủ quyền trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Sau khi bộ Ngoại Giao Trung cộng tái khẳng định rằng quần đảo Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung cộng, phủ tổng thống Phi Luật Tân, tối 12/04/2019, đã phản bác lập luận của Bắc Kinh và nhắc nhở rằng Phi Luật Tân đã thắng trong vụ kiện Trung cộng ra trước Tòa Trọng Tài Thường Trực vào năm 2016.

Theo báo chí Phi Luật Tân, trong một thông cáo, phát ngôn viên phủ tổng thống Phi Luật Tân Salvador Panelo cho rằng Manila hoàn toàn đồng ý với Bắc Kinh rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại hòa bình, tuy nhiên chủ quyền của Phi Luật Tân trên quần đảo Trường Sa là điều đã được biết rõ.

Bản thông báo nhắc lại: “Phán quyết (về Biển Đông) đã được đưa ra và chúng ta vẫn kiên định duy trì các tuyên bố chủ quyền của mình đối với lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế, không chỉ căn cứ vào phán quyết của Tòa Trọng Tài dựa trên các nguyên tắc được chấp nhận của luật quốc tế, mà còn tuân thủ Hiến Pháp và nguyện vọng của người dân Phi Luật Tân”.

Phát ngôn viên phủ tổng thống Phi Luật Tân đồng thời cho rằng Trung cộng nên chấm dứt các hành vi có nguy cơ phá hoại hòa bình ở các vùng biển tranh chấp.

Lời nhắc nhở Trung cộng về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực đã nối tiếp theo những chỉ trích gay gắt hơn gần đây của Manila nhắm vào việc Trung cộng cho cả trăm tàu cá – bị nghi là thuộc lực lượng dân quân biển – đến thị uy ở sát đảo Thị Tứ dưới quyền kiểm soát của Phi Luật Tân tại Trường Sa.

Đúng vào lúc phủ tổng thống Phi Luật Tân nhắc nhở Trung cộng về phán quyết Biển Đông, Quân Đội Phi Luật Tân và Hoa Kỳ kết thúc cuộc tập trận thường niên Balikatan, mở ra từ ngày 01 đến ngày 12/04.

Ý định thị uy của Mỹ được thể hiện rõ khi tàu đổ bộ Mỹ đến diễn tập gần bãi cạn chiến lược Scaborough đang tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh, điều đã được báo chí Phi Luật Tân ghi nhận, trong lúc Hoa Kỳ không xác nhận mà cũng không phủ nhận.

Phát biểu hôm qua trong cuộc họp báo bế mạc cuộc tập trận chung Balikatan, chỉ huy Lực Lượng Viễn Chinh 3 của Hoa Kỳ đồn trú tại Nhật Bản Eric Smith đã khẳng định trở lại rằng phi cơ và chiến hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp cho phép.

Tuyên bố trên đưa đưa ra một ngày sau khi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung cộng Lục Khảng tuyên bố rằng sự hiện diện của Mỹ và những lực lượng bên ngoài không có liên quan đến khu vực đang khuấy động tình hình ở Biển Đông, nói đến sự kiện tàu đổ bộ Mỹ USS Wasp và chiến đấu cơ tàng hình F-35B phối hợp với tàu Phi Luật Tân tập trận gần bãi cạn Scarborough.

 RFI (13.94.2019) 

Đến lượt tàu chiến Nga xuất hiện tại Biển Đông

© Sputnik / Alexander Galperin

Khu trục hạm “Đô đốc Gorshkov” tiến vào Biển Đông

Khu trục hạm “Đô đốc Gorshkov” dẫn đầu nhóm tàu chiến và tàu yểm trợ của Hạm đội Bắc, đã hoàn thành chuyến đi qua eo biển Malacca và Singapore để tiến vào Biển Đông, theo thông báo từ Thuyền trưởng hạng I Vadim Serga phụ trách bộ phận báo chí của “Ham đội Bắc”.

Được biết, nhóm tàu chiến này sẽ hướng về hải cảng Thanh Đảo của Trung cộng trên bán đảo Sơn Đông để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm của lực lượng hải quân Trung cộng  vào ngày 23 tháng 4.

Nhóm tàu chiến này ngoài Khu trục hạm “Đô đốc Gorshkov” còn có hộ tống khu trục hạm có tàu kéo “Nikolai Chiker”, tàu hỗ trợ hậu cần-kỹ thuật đa năng “Elbrus” và tàu chở dầu “Kama”.

Nhóm tàu của Hạm đội Bắc do khu trục hạm “Đô đốc Gorshkov” dẫn đầu xuất phát vào hành trình đi biển xa hôm 26 tháng 2. Đối với khu trục hạm dẫn đầu của đề án 22350, đây là chuyến đi dài đầu tiên trong lịch sử. Thủy thủ đoàn của con tàu đã thực hiện mấy chuyến thăm làm việc tới Cộng hòa Djibouti và Colombo của Sri Lanka. Kể từ khi bắt đầu hành trình dài, khu trục hạm đã vượt qua hơn 11.000 dặm biển, thực hiện một số cuộc thao diễn trong đội hình phòng thủ chung và sử dụng vũ khí tên lửa.

Tàu chiến Hạm đội Thái Bình Dương và Hải quân Phi Luật Tân thao dợt chung trên Biển Đông

© Sputnik / Vitaly Anjkov

Các tàu chiến thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga và Hải quân Phi Luật Tân tiến hành cuộc diễn tập chung ở Biển Đông về điều phối và liên lạc, – theo thông báo của thuyền trưởng hạng II Nikolai Voskresensky phụ trách bộ phận báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương.

Ngày thứ Bảy, nhóm tàu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương trong thành phần gồm  các đại chiến hạm chống ngầm “Đô đốc Vinogradov” và “Đô đốc Tributs”, tàu chở dầu hạng trung “Irkut” đã hoàn thành chương trình chuyến thăm không chính thức tới thủ đô Manila của Phi Luật Tân.

“Sau khi rời cảng, các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương và Hải quân Phi Luật Tân bắt đầu tiến hành cuộc thao diễn ở Biển Đông, cùng hoạch định và tập dượt vấn đề về điều phối chiến thuật và tổ chức liên lạc”, – Thuyền trưởng Voskresensky thông báo.

Được biết, các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương đã ở Manila từ ngày 8 tháng 4. Trong thời gian này, chỉ huy hải đội Nga đã thăm Bộ Tư lệnh Hải quân Phi Luật Tân. Ngoài ra, các thủy thủ Hạm đội Thái Bình Dương đã tới đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm Anh hùng dân tộc Jose Rizal, tham gia đấu giao hữu bóng đá và bóng chuyền. Ngoài ra, các tàu Nga đã tiếp đón cư dân và các vị khách của Manila lên boong tham quan.

Sputnik News (13.04.2019)

Hoa Kỳ có thể dùng đảo Thị Tứ để đe dọa Trung cộng

Hai lính Phi Luật Tân chào cờ trên đảo Thị Tứ. (Ảnh: Reuters)

Việc Trung cộng đưa một đội tàu lớn đến đảo Thị Tứ, hiện do Phi Luật Tân chiếm đóng, thuộc quần đảo Trường Sa là vì lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ có thể sử dụng hòn đảo này cho mục đích quân sự, các nhà quan sát nhận định, theo Bưu Điện Hoa Nam (SCMP).

Ông Xu Liping, chuyên gia Đông Nam Á tại Học viện Khoa học Xã hội Trung cộng, cho rằng Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng đảo Thị Tứ cho mục đích quân sự để chống lại Trung cộng. “Các tàu chiến của Hoa Kỳ có thể đi gần đảo và máy bay chiến đấu có thể hạ cánh hoặc cất cánh từ đường băng [trên đảo], đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của các tiền đồn của Trung cộng ở quần đảo Trường Sa”, ông Xu nói.

SCMP cho hay, Trung cộng đã liên tục điều khoảng 275 tàu đi lại gần đảo Thị tứ suốt từ tháng Một đến tháng Ba, và đẩy mạnh việc triển khai tàu quanh hòn đảo này trong khoảng thời gian Mỹ-Phi tổ chức tập trận Balikatan kéo dài 2 tuần và mới kết thúc vào ngày hôm qua (thứ Sáu, 12/4). 

Mỹ đã cử tàu tấn công đổ bộ USS Wasp, có khả năng mang theo máy bay chiến đấu như F-35B, lần đầu tiên tham gia cuộc tập trận ngay gần bãi cạn Scarborough, một bãi cạn trên Biển Đông đã bị Trung cộng cưỡng chiếm từ tay Phi Luật Tân hồi năm 2012.

Đại Kỷ Nguyên (13.04.2019)

Trung cộng cảnh báo Mỹ và các nước khác gây bất ổn ở Biển Đông

Tàu USS Wasp của Hải quân Mỹ trong cuộc tập trận chung với Phi Luật Tân ở thị trấn San Antonio hôm 11/4/2019  AFP

Trung cộng hôm 10/4 lên tiếng cảnh báo sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông đang gây bất ổn cho khu vực Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Lục Khảng nói rằng sự có mặt của Mỹ và những lực lượng bên ngoài không có liên quan đến khu vực đang khuấy động tình hình ở Biển Đông.

Trung cộng đưa ra lời tuyên bố này vào khi tàu sân bay USS Wasp của Mỹ xuất hiện ở bãi Scaborough của Phi Luật Tân, tham gia tập trận cùng quân đội Phi Luật Tân.

Cuộc tập trận có tên Balikatan năm nay quy tụ 4.000 lính Phi Luật Tân, 50 quân từ Australia và 3.500 quân từ Mỹ.

Hồi tuần trước, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte lên tiếng cảnh báo Trung cộng không được chạm vào đảo Thị Tứ do Phi Luật Tân kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, nếu không ông sẽ gửi quân cảm tử đến để bảo vệ chủ quyền.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân đã lên tiếng tố cáo Trung cộng vi phạm chủ quyền của Phi Luật Tân khi gửi hàng trăm tàu đến đến Thị Tứ, nơi Phi Luật Tân đang có các  hoạt động cải tạo đường băng.

 RFA (12.04.2019)

Yêu sách Biển Đông của Trung cộng: Lời cảnh cáo cho châu Âu

Ảnh minh họa : Tổng thống Ý Sergio Mattarella (P) tiếp Tập Cận Bình tại dinh Quirinal, Roma, ngày 22/03/2019.Alessandro Di Meo / Pool via REUTERS

Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc lôi kéo các nước chủ chốt của Liên Hiệp Châu Âu vào dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung cộng, đặc biệt là việc thâu tóm các hải cảng chiến lược đã thu hút thêm sự chú ý của giới quan sát, đặc biệt là sau thành công của chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình tại Ý vào tháng 03/2019.

Trong bài ý kiến đăng trên nhật báo Anh Financial Times ngày 08/04/2019, một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã không ngần ngại nêu bật cách hành xử của Trung cộng ở Biển Đông để nhắc nhở châu Âu phải thận trọng với Bắc Kinh.

Trong bài viết mang tựa đề « Yêu sách của Trung cộng về Biển Đông là một lời cảnh cáo cho châu Âu – China’s claims on the South China Sea are a warning to Europe », chuyên gia Yasunori Nakayama, quyền tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc tế Nhật Bản đã lưu ý, « các mưu toan dùng võ lực để thay đổi nguyên trạng là mối đe dọa cho nhà nước pháp quyền, (và) các yêu sách chủ quyền “lịch sử” của Bắc Kinh trên những vùng biển rộng lớn đã đi ngược lại Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.»

Trung cộng đang thực hiện tham vọng làm bá chủ trên biển

Nhận định đầu tiên của Nakayama là những cố gắng lôi kéo các nước châu Âu vào « Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ » của Trung cộng, và những gì mà Bắc Kinh đã và đang làm ở Biển Đông đều cùng chung một mục tiêu : Biến Trung cộng thành một siêu cường quốc trên biển.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm chính thức nước Ý vào tháng 3/2019 đã bỏ được vào túi nhiều thỏa thuận liên quan đến những hải cảng của Ý, bảo đảm cho Trung cộng một cửa ngõ hàng hải và xuyên lục địa quan trọng vào châu Âu. Trong lúc đó thì tại châu Á, Trung cộng tiến hành cuộc chiến pháp lý để củng cố đòi hỏi chủ quyền quá đáng trên những vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, một trong những con đường hàng hải tấp nập nhất thế giới.

Đầu tư mới nhất của Trung cộng vào cảng Trieste của Ý, ở phía bắc biển Adriatic, và vào Genova, hải cảng lớn nhất của Ý, đã mở rộng thêm mạng lưới ngày càng lớn các hải cảng và tuyến giao thương hàng hải do tập đoàn vận tải biển khổng lồ Cosco của Trung cộng Cosco kiểm soát. Trước đó, cảng Piraeus của Hy Lạp, một quốc gia Liên Hiệp Châu Âu khác, đã rơi vào tay Trung cộng.

Ngay sát châu Âu, tại Israel, Trung cộng đang xây dựng hai hải cảng khác, và cũng đã mở căn cứ hải quân hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, vùng Sừng Châu Phi, một nơi nằm ở vị trí chiến lược trên các tuyến giao thương hàng hải Á – Âu.

Cách làm của Trung cộng, theo chuyên gia Nakayama, rất khôn khéo : Một vài thỏa thuận ở đây, một vài thỏa thuận khác ở kia, và thường kín đáo, không có quy mô quan trọng nên không thu hút sự chú ý. Thế nhưng, một khi kết nối lại các điểm mà Bắc Kinh thâu tóm, người ta sẽ thấy hiện lên toàn cảnh rộng lớn hơn.

Đối với ông Nakayama, trong trường hợp của Trung cộng, tham vọng trở thành một siêu cường hải quân toàn cầu của họ sẽ có những tác động chính trị, an ninh quan trọng đối với Mỹ và châu Âu.

Cách Trung cộng bành trướng ở Biển Đông là bài học cho châu Âu

Theo chuyên gia Nhật Bản, việc Trung cộng dần dần bành trướng sự hiện diện ở Biển Đông có thể mang lại một bài học cảnh tỉnh cho châu Âu.

Trong hàng thập niên, ở vùng Biển Đông đã tồn tại những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn trên các đảo đá, rạn san hô và bãi ngầm giữa Trung cộng, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Đài Loan. Trung cộng đòi chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, nơi có hơn 200 thực thể địa dư, mỏ dầu khí lớn, lập luận rằng họ có quyền lịch sử trên vùng này.

Điều đáng nói, theo chuyên gia Nakayama, là Trung cộng đã nhấn mạnh rằng các quyền lịch sử của họ nằm bên trên các quyền mà các láng giềng ven Biển Đông khác được hưởng theo Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) đã phán quyết rằng đường 9 đoạn mà Trung cộng sử dụng để khẳng định yêu sách của họ tại Biển Đông đã đi ngược lại UNCLOS. Tuy nhiên, điều đó không hề làm suy suyển tham vọng của Bắc Kinh.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông, bất chấp việc các thực thể đó còn đang trong vòng tranh chấp. Trung cộng đã triển khai trên đó các tên lửa phòng không tiên tiến và xây dựng các sân bay có thể dùng cho oanh tạc cơ.

Và kể từ đầu năm cho đến đầu tháng 4 này, khoảng 200 tàu Trung cộng, được cho là thuộc lực lượng dân quân biển Trung cộng, đã được thấy gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa (hiện do Phi Luật Tân chiếm đóng, nhưng bị cả Trung cộng lẫn Việt Nam đòi chủ quyền), hành động của Trung cộng đã làm gia tăng căng thẳng.

Coi chừng mưu toan kẻ đường cơ sở thẳng

Theo chuyên gia Nakayama, cần phải hết sức chú ý đến thói quen của Trung cộng là tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo.

Vào năm 1996, Bắc Kinh đã tuyên bố áp dụng các đường cơ sở thẳng quanh các đảo vòng ngoài thuộc quần đảo Hoàng Sa. Họ vẫn tiếp tục đòi hỏi quyền này, bất chấp phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, theo đó Trung cộng không phải là một quốc gia quần đảo nên không được hưởng đặc quyền mà nước này yêu sách.

Cho dù vậy, công trình mang tựa đề « Phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông: Một nghiên cứu phê phán », do Hội Luật Quốc Tế của Trung cộng xuất bản gần đây, còn đi xa hơn các yêu sách hiện hữu bằng cách cho rằng « chế độ (quyền) của các quốc gia lục địa có quần đảo ở xa không được giải quyết trong UNCLOS ».

Dựa trên quan điểm đó, bản nghiên cứu của Trung cộng tìm cách cho rằng « thông luật » của luật quốc tế cho phép các quốc gia lục địa vẽ ra và tuyên bố những đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo của họ.

Nói cách khác, theo lập luận trên, luật tập quán kiểu Trung cộng được coi là có giá trị hơn luật quốc tế ghi trong UNCLOS

Tự do hàng hải tại Biển Đông bị Trung cộng đe dọa

Đối với ông Nakayama, cách lập luận trên có tác động đáng kể trong trường hợp quần đảo Trường Sa.

Nếu Trung cộng tuyên bố đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Trường Sa, một vùng rộng lớn của Biển Đông có nguy cơ trở thành vùng nội thủy của Trung cộng và Bắc Kinh sẽ có thể hạn chế quyền đi lại của các tàu thuyền nước ngoài.

Một phần ba lương hàng vận chuyển trên biển của thế giới đi qua Biển Đông, do đó, việc hạn chế quyền tự do đi lại sẽ tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu… Điều này đã thu hút sự chú ý của chính quyền Donald Trump. Hải Quân Mỹ đã tăng cường chiến dịch tuần tra vì tự do hoạt động hàng hải trong khu vực, thách thức các yêu sách trên biển của Trung cộng.

Anh Quốc cũng cho thấy là sẵn sàng dấn thân bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngày 11/02 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson cho biết sẽ triển khai tàu sân bay mới của nước này – chiếc HMS Queen Elizabeth – đến Biển Đông.

Làm sao tin được các lời hứa của Trung cộng

Bắc Kinh tiếp tục khẳng định rằng họ tuân thủ UNCLOS và tôn trọng luật biển. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nakayama, có rất nhiều lý do để nghi ngờ.

Tại một hội nghị ở Kyoto vào tháng 3 vừa qua, Paul Reichler, trưởng đoàn luật sư của Phi Luật Tân trong vụ kiện Biển Đông, đã lưu ý rằng từ góc nhìn của Nhật Bản, một quan điểm mà ông chia sẻ, « Trung cộng đã có một số diễn giải các quy định của UNCLOS một cách gần như không hợp lý nhưng cực kỳ có lợi cho họ ».

Ông Nakayama cho rằng các quy tắc và cơ cấu, vốn đã được thiết lập, của hệ thống hàng hải quốc tế đang ngày càng bị đe dọa.

Tại một hội nghị chuyên đề ở Luân Đôn tháng 2 vừa qua, giáo sư Atsuko Kanehara thuộc Đại Học Sophia, Tokyo, đã lưu ý rằng cách áp dụng luật quốc tế về quyền lịch sử sẽ rất quan trọng trong việc duy trì giá trị của UNCLOS. Việc Trung cộng đòi áp dụng các quyền dựa trên một phạm vi rộng của thông luật quốc tế có nguy cơ phá hoại nghiêm trọng trật tự pháp lý hàng hải quốc tế.

Nhà nghiên cứu Nhật Bản kết luận : Vào lúc chúng ta tìm cách chống lại mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, việc duy trì sự tôn trọng luật pháp trong các vấn đề hàng hải là bước thiết yếu đầu tiên.

RFI (12.04.2019)

Thấy gì qua việc Việt Nam ‘lặng lẽ’ xây dựng ở Trường Sa?

Bản quyền hình ảnh DIGITAL GLOBE Image caption Một số công trình xây dựng của Việt Nam trên đảo Nam Tử

Việt Nam được cho là đang ‘lặng lẽ’ và ‘chậm rãi’ xây dựng quanh và trong quần đảo Trường Sa. Động thái này nói lên điều gì?

“Tôi cho rằng cần đặt việc này trong đúng bối cảnh. Đó là việc Việt Nam, thực ra, đã sở hữu một số thực thể ở Trường Sa từ trước năm 2002, thời điểm Trung cộng và ASEAN ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC),” Giáo sư Carl Thayer nói với BBC Tiếng Việt hôm 11/4.

‘Cuộc chơi công bằng’

“Trường hợp Việt Nam, nước cũng tham gia DOC, thực tế đã tiến hành việc chiếm hữu một số thực thể ở đây trước năm 2002.”

Bài viết của Asia Maritime Transparency Initiative (AMTI) hôm 8/4 cho hay Việt Nam đã chiếm hữu 49 tiền đồn trải rộng trên 27 vị trí quanh quần đảo Trường Sa và đang tiếp xục nâng cấp các công trình ở đây.

Giáo sư Carl Thayer nhận định:

“Việc AMTI mới đây đưa ra báo cáo công khai về tình hình xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa có thể khiến nhiều người nhảy dựng lên rằng “các nước khác cũng đang làm y như Trung cộng. Nhưng trên thực tế, ảnh vệ tinh cho thấy các khu vực mà Trung cộng đang quân sự hóa trên Biển Đông chiếm diện tích chủ yếu. Trong khi một phần rất nhỏ còn lại là của các nước khác.”

“Tôi cho rằng báo cáo AMTI thực ra muốn đưa ra cái nhìn công bằng hơn về tình hình ở Biển Đông, với một bên là đối trọng Trung cộng. Cụ thể hơn, việc xây dựng của Việt Nam tại Trường Sa – như mô tả trong báo cáo – là bình thường, với các công trình rất nhỏ và khiêm tốn. Không thể nào so sánh được với quy mô xây dựng của Trung cộng.”

“Báo cáo của AMTI nói rằng Việt Nam đang hoàn thiện đường băng dài 1.300m, và cho lắp đặt radar cho phép Việt Nam có thể thu phát các tín hiệu liên lạc từ các tàu, thuyền của Trung cộng. Tôi cho rằng đây là một cuộc chơi công bằng.”

“Tôi không cho rằng có nước nào sẽ phật lòng về động thái này của Việt Nam. Việt Nam đã ở đó từ trước 2002. Thực tế là Việt Nam đã hiện diện tại một số vị trí ở Biển Đông từ trước Giải phóng Miền Nam, và đã có lịch sử đánh bắt, khai thác cá tại ngư trường này.”

“Việt Nam đã đưa người tới các khu vực đó sinh sống, lập gia đình, sinh con cái, mở trường học. Và không có vấn đề gì từ đó tới nay. Việt Nam chưa thực hiện hành động nào đe dọa an ninh khu vực.”

“Mà giả như những việc Việt Nam đang làm được cho là gây nguy cơ cho an ninh khu vực, thì thử nói xem những cái mà Trung cộng đang tiến hành là gì?”

Luật sư Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về Biển Đông từ Sài Gòn thì cho rằng việc xây dựng ở Trường Sa như Việt Nam đang tiến hành “không làm thay đổi tính chất pháp lý cho các yêu sách về chủ quyền của Việt Nam.”

“Vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng mà Toà Trọng tài ra phán quyết năm 2016 khẳng định điều này. Theo đó, mọi hành động nhằm thay đổi tính chất pháp lý của các thực thể trên Biển Đông sau thời điểm tranh chấp sẽ không được các toà quốc tế chấp nhận. Ngoài ra, việc bồi lấp các thực thể cũng không biến nó thành “đảo” nếu nó là đá hoặc bãi lúc chìm lúc nổi được.”

“Trong khi với mức độ xây dựng nhỏ, chủ yếu với mục đích tăng cường khả năng phòng vệ và cứu hộ, Việt Nam không làm cho các quốc gia khác lo ngại như với mức độ quân sự hóa của Trung cộng.”

Bản quyền hình ảnh ALBERTO  BUZZOLA/GETTY  IMAGES Image caption Một hoạt động của hải quân tại Trường Sa (Ảnh minh họa)

‘Quy mô khiêm tốn’

Báo cáo của AMTI mô tả khá chi tiết các bước xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Việt Nam từ năm 2015 tới nay. Báo cáo này cũng cho hay quy mô và cách thức mà Việt Nam tiến hành rất ‘từ từ’ và ‘khiêm tốn’.

Hầu hết các khu vực mà Việt Nam cho tiến hành xây dựng không nằm trực tiếp trên các đảo nhỏ tự nhiên như Trường Sa và Phan Vinh, mà ở các rạng đá thấp hơn mực thủy triều và ở các bãi ngập nước, theo bài báo trên AMTI.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Đông Nam Á của Đai học New South Wales, Úc, nói với BBC rằng các bước đi của Việt Nam ‘không gây lo ngại cho bất cứ quốc gia nào, kể cả Trung cộng’.

“Trung cộng biết Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Trường Sa nhưng tới nay vẫn im lặng, không phản ứng quyết liệt như họ mới đây đã làm với việc xây dựng của Phi Luật Tân trên đảo Thị Tứ.”

‘Khẳng định chủ quyền’

Dù chỉ xây dựng lặng lẽ và với quy mô nhỏ như vậy suốt nhiều năm tại Trường Sa và một số đảo khác tại Biển Đông, Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc làm này là cần thiết để Việt Nam khẳng định chủ quyền và sự hiện diện của mình ở Biển Đông.

Việt Nam đang đi con đường đúng đắn,” Giáo sư Carl Thayer nói, “So sánh với những gì đã xảy ra với Phi Luật Tân thì tôi cho rằng Việt Nam đã chọn con đường phù hợp hơn. Nếu như Việt Nam im lặng trước mọi hành động bắt nạt của Trung cộng thì cái mà Việt Nam nhận được sẽ là gì? Trung cộng sẽ lại tiếp tục bao vây, xua đuổi, tấn công tàu cá, tịch thu lưới đánh cá… Và Việt Nam đã chọn cách củng cố sự hiện diện của mình ở khu vực này…. Hoàn toàn trái ngược với cách Tổng thống Phi Luật Tân từng chọn là ‘khom lưng cúi gối’ mà làm bạn với Trung cộng,”.

Theo AMTI, Việt Nam, cùng một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, đều cố chứng minh sự hiện diện của mình ở khu vực này.

Phi Luật Tân đã treo cờ trên nóc một tòa nhà của nó tại đảo Loại Ta (Loaita Cay), ‘cạnh tranh’ với cờ Việt Nam treo ở Trường Sa và cờ Trung cộng treo ở đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa.

Thậm chí Trung cộng chưa dừng lại ở đó, mới đây đã khuyếch trương tín hiệu về chủ quyền bằng cách treo cả cờ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và của Đảng Cộng sản Trung cộng tại đảo Tri Tôn. Dưới các lá cờ là dòng chữ Đại lục mãi trường tồn và Vinh quang của đảng tỏa sáng đời đời.

Việt Nam đã xây gì ở Trường Sa?

Ở phía Đông Bắc của đảo Trường Sa, Việt Nam xây dựng hai cơ sở thông tin liên lạc, truyền tín hiệu; và xây một cụm các tòa nhà trên khu đất mới bồi đắp, dọc theo bến cảng nhân tạo; xây một khu thể thao gần tòa nhà hành chính trên đảo. Nhiều tòa nhà được lắp các tấm pin mặt trời, theo AMTI.

Để bảo vệ toàn bộ vùng đất mới được hình thành này khỏi nước dâng khi có bão, Việt Nam đã đào một loạt các kênh thoát nước phức tạp dọc theo rìa đảo.

Ở phía Tây Nam các rạn đá và đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa Việt Nam đã xây dựng 14 tiền đồn trong khu vực này, nơi được gọi là các trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghệ.

Dưới đây là hành trình xây dựng của Việt Nam quanh quần đảo Trường Sa:

Trước 2014: Việt Nam bồi đắp thêm 6 mẫu đất trên rạn Phan Vinh (Pearson Reef).

2015- 2016: Mở rộng đường băng ở đảo Trường Sa từ 750m ban đầu lên đến 1.300m, và xây một bến cảng.

Tổng cộng, Việt Nam đã tạo thêm khoảng 40 mẫu đất tại đảo Trường Sa thông qua nạo vét một phần rạn san hô bao quanh đảo rồi san lấp bằng cát.

Quá trình này được cho là tốn nhiều thời gian hơn và ít gây hại cho môi trường hơn so với các phương pháp nạo vét và san lấp quy mô công nghiệp của Trung cộng tại Trường Sa, nhưng vẫn là phá hủy rạn san hô có chủ ý, AMTI cho hay.

Từ 2016: Tiến hành nâng cấp cơ sở vật chất trên rạn Phan Vinh, bao gồm xây dựng sân bay trực thăng, lắp các tấm pin mặt trời và trồng thảm thực vật trên các khu đất mới.

Từ giữa 2017: Việt Nam cho lắp một radar lớn trên đỉnh một tòa nhà ở phía tây của rạn Phan Vinh, cho thấy sự cải thiện về tín hiệu hoặc khả năng liên lạc. Việc trồng cây xanh trên các khu vực bãi đất mới, có lẽ để tránh xói mòn, cũng đã hoàn tất.

Việt Nam cũng tiến hành mở rộng Đá Nam và Đá Núi Thị (Petley và South Reefs).

Việt Nam còn xây thêm các trạm dịch vụ kinh tế, khoa học và công nghiệp ở Bãi Phúc Tần (Prince of Wales) và Bãi cạn Quế Đường (Grainger Banks) và một sân bay trực thăng lớn.

Cũng trong năm này, Việt Nam hoàn thiện đường băng và bốn nhà chứa máy bay; Các máy bay này nhiều khả năng là máy bay giám sát hàng hải PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295, theo AMTI.

BBC (13.04.2019)

Phi Luật Tân: ‘Chủ quyền lãnh thổ là điều không thể thương lượng’

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Người Phi Luật Tân biểu tình phản đối trước tỏa đại sứ quán Trung cộng ở Manila hôm 9/4/2019 về việc tàu TC tràn vào những khu vực do Manila đang kiểm soát ở Biển Đông

Phủ tổng thống Phi Luật Tân khẳng định chủ quyền quốc gia tại Biển Đông là điều “không thể thương lượng”, dẫu cho nước này muốn theo đuổi những mối quan hệ hữu nghị với Trung cộng.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. trong tháng Ba đã gửi phản đối theo đường ngoại giao đối với sự hiện diện của hàng trăm tàu thuyền Trung cộng gần đảo Thị Tứ trong thời gian gần đây.

Manila nay nói họ sẽ để cho Bắc Kinh có một khoảng thời gian hợp lý để trả lời về các kháng nghị trên, hãng thông tấn Phi Luật Tân (PNA) tường thuật.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm 11/4/2019, phát ngôn viên của tổng thống, Salvador Panelo nói rằng tuy Phi Luật Tân muốn “nhã nhặn về mặt ngoại giao” với Trung cộng, nhưng chủ quyền quốc gia là chuyện khác.

“Chúng tôi ân cần, có thể hiểu theo cách là chúng tôi nhã nhặn với họ. Nhưng trong vấn đề chủ quyền quốc gia thì đó lại là một câu chuyện khác. Chúng tôi phải xác quyết chủ quyền quốc gia,” ông nói.

“Tất nhiên là họ cần nói cho chúng tôi biết tại sao họ lại ở đó, và họ đang làm gì ở đó.”

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Ngoại trưởng Locsin đã gửi lời phản đối tới Bắc Kinh về việc hàng trăm tàu Trung cộng tràn vào đảo Thị Tứ

Tàu Trung cộng tới các đảo do Phi Luật Tân quản lý

Hàng trăm tàu tuần tra và tàu cá Trung cộng đã “tràn vào” khu vực quanh đảo Thị Tứ, nơi Manila gọi là đảo Pag-asa, vốn do Phi Luật Tân kiểm soát, khiến Tổng thống Phi  hôm 4/4 cảnh cáo rằng sẽ cho lính ‘thực hiện nhiệm vụ cảm tử’ nếu Bắc Kinh không ‘buông’ đảo này.

Đảo Thị Tứ hiện không phải là địa điểm duy nhất đang là thùng thuốc súng gây căng thẳng nghiêm trọng giữa Bắc Kinh và Manila.

Inquirer tường thuật rằng có ít nhất 15 tàu thuyền Trung cộng được phát hiện có mặt ở vị trí cách đảo Kota (có tên quốc tế là Loaita Island, Việt Nam gọi là đảo Loại Ta, còn Trung cộng gọi là đảo Nam Thược), chỉ 1 hải lý vào hôm 28/3.

Tin tức cũng nói có các tàu Trung cộng hiện diện gần đảo Panata (tên quốc tế là Lankiam Cay, Việt Nam gọi là Đá An Nhơn, và Trung cộng gọi là bãi Dương Tín).

Cả hai thực thể này hiện đều do Phi Luật Tân kiểm soát và là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân và Đài Loan.

Phi Luật Tân hôm thứ Tư 10/4/2019 tuyên bố các tàu Trung cộng, mà Manila nghi là thuộc lực lượng dân quân vũ trang biển, “không có việc gì” ở gần đảo Loại Ta, PNA dẫn lời phát ngôn viên của tổng thống, ông Panelo.

Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES Image caption Đảo Thị Tứ thuộc Quần đảo Trường Sa hiện do Phi Luật Tân quản lý, là nơi có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung cộng, Phi Luật Tân và Đài Loan

Manila tuyên bố sẽ không cho phép Trung cộng xâm phạm vào lãnh thổ của mình.

Ông Panelo nói việc các tàu thuyền Trung cộng tiếp tục hiện diện tại đảo Loại Ta sẽ bị coi là “sự tấn công” vào chủ quyền lãnh thổ của Phi Luật Tân, PNA nói.

Trong lúc đó, Bộ Quốc phòng và các lực lượng có vũ trang của Phi Luật Tân cũng đã “sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

Phát ngôn viên của tổng thống cũng nói rằng ông Duterte có thể sẽ nêu vấn đề ra trong cuộc họp với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình, khi ông tới Bắc Kinh dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai, theo kế hoạch sẽ diễn trong tháng này.

Tổng thống Duterte kể từ khi lên nắm quyền tới nay luôn chọn giải pháp tạm thời không theo đuổi nội dung phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại The Hague (PCA) ra hồi 7/2016 về vụ Phi Luật Tân đệ đơn kiện Trung cộng về tranh chấp trên Biển Đông, nhằm tranh thủ các quan hệ song phương hữu hảo khác với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, phát ngôn viên tổng thống nói rằng chính quyền sẽ vẫn luôn xác quyết chủ quyền lãnh thổ của Phi Luật Tân.

Ông Duterte trước đó nói ông sẽ xác quyết các nội dung phán quyết của PCA trước khi ông rời nhiệm sở vào năm 2022, PNA nói.

Tàu Mỹ tới đảo do Trung cộng kiểm soát

Phi Luật Tân và Hoa Kỳ vừa có cuộc tập trận chung thường niên lần thứ 35, từ ngày 1 đến ngày 12/4.

Trong thời gian này, tin tức nói phía Mỹ đã điều một hàng không mẫu hạm tới khu vực gần rặng san hô chiến lược, nơi đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila.

Được biết các phi cơ đã thao diễn hoạt động bay lên, đáp xuống tàu này.

Phía Mỹ không xác nhận, cũng không bác bỏ tàu chiến hiện diện gần Bãi cạn Scarborough có phải là tàu USS Wasp hay không, nhưng nói đã đưa tàu này tới dự cuộc tập trận chung Balikatan 2019.

Đây cũng là lần tập trận Balikatan đầu tiên có sự tham dự của tàu USS Wasp phối hợp diễn tập cùng chiến đấu cơ tàng hình F-35B Lightning II của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, hải quân Hoa Kỳ nói, “thể hiện việc tăng cam kết sức mạnh quân sự cho một vùng Indo-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

BBC (12.04.2019)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen