Seite auswählen

    Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương tại CĐNVTD München – Bayern

Cổng lên đền thờ các vua Hùng tại tỉnh Phú Thọ „Cao Sơn Cảnh Hành“ Hình internet

                          
Trong gia phả Hoàng Cung, các triều đại Việt Nam suốt chiều dài nhiều thiên niên sử, được  ghi chép là đã có tới hơn 4000 năm Văn Hiến,  gồm công việc dựng nước, giữ nước và mở rộng giang san, cõi bờ. Đồng thời tạo lập những nét văn hóa riêng rẽ của dân tộc. Nhưng, chúng ta rất khó có thể tìm lại được những dấu tích, kỷ cương bằng hiện vật hay tinh hoa,  phi vật thể trong quốc phả, bảo tàng  để minh định sự thật hay sự hợp lý (Logik),  xuyên suốt thời gian giống như nền văn minh Hy Lạp, Trung Hoa, Trung Đông hoặc Ấn Độ. Tuy nhiên, căn cứ vào sự trường tồn, bất diệt của dân tộc Âu – Lạc trước biết bao biến thiên của lịch sử, trầm luân của thế sự, thời gian, hưng, suy của các triều đại phong kiến cổ xưa. Từ khi lang bạt trên khắp các dãy núi, ven rừng đến nền văn minh lúa nước, bên cạnh những bể dâu tan, hợp, hợp tan của những cái bang, xưng bá, đề vương từ Bắc Phương chi phối nặng nề  sự phát triển, thăng tiến dân tộc nhỏ bé của chúng ta, mà phải di chuyển dần về phương Nam. Cũng vì vậy mà dân tộc ta đã tựa lưng vào các huyền thoại để vươn lên và trường tồn đến ngày nay… Quốc phả, tổ tiên ta lưu lại có rất ít truyền thuyết. Nhưng, mỗi truyện đều minh chứng sức sống mãnh liệt, tình yêu quê hương, đất nước, con người một giống nòi rất siêng năng, bao dung, thân thiện. Vì thể duy nhất trên thế giới này chỉ có dân tộc Việt Nam mới có hai chữ viết, hay hai tiếng gọi nhau thân thương là: ĐỒNG BÀO.   

   
 Những truyền thuyết nổi trội nhất như „Trăm Trứng Trăm Con, Sơn Tinh Thủy Tinh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử hay Chiếc Nỏ Thần“…

Hôm nay, tôi chỉ xin đóng góp chia sẻ về Truyền thuyết: Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ tức „Trăm trứng nở ra trăm con“ tiên sinh của Hùng Tộc, nhân ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.


Nếu như văn hóa ở vùng Trung Đông (Israel – Do Thái) Ngài Abraham trong huyền thoại được coi là tổ phụ dân tộc của họ thì truyền thuyết „Trăm Trứng Trăm Con“ của chúng ta cũng được coi như là cội nguồn dân tộc Việt.

Huyền thoại 50 người con theo Cha xuống biển và 50 người con trai còn lại ở lại với mẹ.  Sự phân chia rõ rệt giữa xã hội Mẫu hệ – Phụ hệ (50 người con trai theo mẹ) ở miền sơn cước, minh định sự hình thành khá phức tạp xã hội từ đấy chăng? 


Và, đó là hình tượng cuộc phân ly  giữa nước và lửa. Lạc Long Quân là hành Thủy và  Bà Âu Cơ ở lại Động Đình Hồ thuộc hành Hỏa. Cái loziccủa sự sống là không nước, thiếu lửa thì không thể tồn tại. Trái đất này đang hoạt động cũng là nhờ lửa và nước. Thế là câu truyện không còn nằm trong huyền thoại, nó hiển hiện trong sự sống của mỗi con người chúng ta như sự một sự giao thoa, mãi lực chuyển động của câu truyện huyền thoại.

Hầu như tất cả người Việt  trên thế gian này đều tự coi mình là con cháu của Rồng – Tiên. Rồng là biểu trưng cho linh vật có sức mạnh nhất,  đứng đầu trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Thượng nguồn châu thổ sông Hồng và địa danh Bạch Hạc là kinh đô cổ xưa nhất của nước Giao Chỉ. Và, cũng là huyền thoại khởi đi của „Giao Long đua tranh với Cá Sấu“ dưới nhãn quan của loài Hạc trắng.  Đó là những trận chiến mất, còn, không khoan nhượng của linh vật Rồng với những loài Thủy quái trong vùng sông, nước „Bạch Hạc“  để tồn sinh.

Còn: Tiên là sự linh ứng với những gì đẹp nhất, tinh túy, tinh hoa nhất của con người trên cõi đời này,  lại được vinh danh cho những người con gái của dòng tộc Âu – Lạc.  

Phương ngôn hàng ngàn đời vẫn coi Tiên là đẹp đẽ, sung sướng, nhàn nhã, hiển vinh nhất. Nhưng, hình như đó cũng chỉ  là ước nguyện của loài người nói chung và dân tộc ta nói riêng mà thôi. Nhìn vào thực tế thì cũng khó có niềm vui trọn vẹn được bởi các „nàng Tiên“ Việt Nam, cháu, chắt, chít của Ngài vẫn bị các triều đại phong kiến coi như nô lệ, nhiều đấng mày, râu  bức chế, đàn áp, hành xử họ bằng bạo lực quá tồi tệ. Đặc biệt, những „nàng Tiên“ đang còn phải chung sống với độc tài Cộng sản ở quốc nội, đến nay vẫn còn bị dập vùi, bán thân, phiêu bạt đi muôn phương. Hầu như họ đã và đang bị tước hết những sơ đẳng nhất quyền của con người.

Hôm nay, nhân ngày Giỗ Tổ, chúng con cũng xin đạo đạt lời nguyện cầu này  lên vong linh Ngài hãy đoái thương, cứu giúp.  Xin quý vị, các bạn  hãy ngừng lại đôi phút tự ngẫm suy, xem có một trùng hợp nào ở con số 100 (trứng) khi hiểu qua ngôn ngữ Hán – Nôm = chữ Bách (Bách phân – Bá tánh) thì sẽ thấy hé mở truyện „Một trăm trứng nở ra một trăm con“  chỉ  là sự huyền thoại. Nhưng, nó lại minh chứng dòng giống Bách Việt phát sinh và cư trú lâu đời ở phía Nam sông Dương Tử. Chữ Bách (Hán – Nôm) không chỉ có nghĩa là một trăm (100) đơn thuần. Vì trong khoảng không gian, thời gian mông muội của con người. Cái số liệu mà thuở sơ khai ấy, biết tính, đếm là chỉ nhìn vào các ngón tay, chân của mình mà biết trong các „thu hoạch“ riêng hay chung trong nhóm, tộc, bộ lạc săn bắt, hái trái cây, hoa quả tự nhiên trong núi thẳm, rừng sâu hay hang hốc để tự sinh tồn, cũng chỉ lên số 10  với 10 ngón tay, và chân của chính mình. Nếu nhiều hơn thì lại phải gọi, mời thêm 10 ngón tay, chân của người khác mà tính tiếp. Như vậy, ngôn từ Hán – Nôm: Bách là một con số to, lớn, rộng khắp khá trừu tượng như “Trăm họ, bá tánh“. Càng về sau, chúng ta càng thấy xuất hiện trong dòng Bách Việt gồm có cả người Việt và những dân tộc thiểu số khác như  Mèo, Mán, Sán, Dao, Nhắng, Tày, Nùng, Thổ, Thái trắng, Thái đen … tràn dần về phía  Nam. Địa bàn của nước Xích Quỷ hình thành,  lan phát dần đến châu thổ sông Hồng,  sông Mã, sông Cả, sông Chu, sông Lam.

 Triệu Đà đánh chiếm xứ Âu Lạc, ông đặt tên quốc hiệu là Nam Việt  bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây và Âu Lạc. Đến thời vua Gia Long vẫn tiếp là Nam Việt. Nhưng, đến vua Gia Khánh xác định lại cương thổ, giang sơn nên Ngài đổi hai chữ Nam Việt thành quốc hiệu, Việt Nam như ngày nay. Khi di dời dần về phương Nam, người Việt đã biết đến vị vua Hùng.  Và, qua  mười tám (18) đời vị vua  cũng đều chọn vương hiệu HÙNG VƯƠNG, từ thứ Nhất đến thứ MƯỜI TÁM cùng ngự trị, đóng đô trên một quần thể: Lâm Tuyền – Quế  Nguyệt – Long Giang (Nghĩa Lĩnh – Bạch Hạc) gồm 18 ngọn núi Nghĩa Lĩnh và bên kia là ngọn Tản Viên cao ngất.

Ngã ba Bạch Hạc, nơi giao hòa ba sông Đà, sông Hồng và sông Lô. Hình Internet.

Đây cũng là nơi giao hòa của ba dòng sông lớn, mang dòng chảy của ba màu nước, như Sông Đà, Sông Hồng, sông Lô nước xanh, vàng, đỏ cùng hòa quyện vào nhau, cuồn cuộn chảy đêm, ngày, năm, tháng để bồi đắp nên một vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ rộng lớn, phì nhiêu, Kinh thành Bạch Hạc có thể được coi là hùng vĩ nhất, đẹp đẽ nhất, an ninh nhất cho Giao Chỉ – Âu Lạc của dòng tộc HÙNG. Đáng tiếc, các triều đại kế tục mãi về sau này hay đã bị đế quốc phương Bắc tràn ngập, xâm chiếm nhiều năm, nhiều đời, nên không còn giữ vững được. Chúng đã trộm, cướp, tàn phá gần hết gia phả cùa Hùng Tộc (cũng còn một vài lý giải khác, nhưng chưa đủ tính thuyết phục). Vì thế mà ngày nay, các thế hệ kế nghiệp khó có thể tìm lại những vật thể, di cảo như Kim Tự Tháp của Ai Cập. Điều nguy khốn nhất hiện nay là tập đoàn Việt gian Cộng sản đã cam tâm, quỳ lạy kẻ thù truyền kiếp, phương Bắc nên việc khôi phục, đại trùng tu và đòi lại được là vấn đề rất nan giải. Tuy nhiên, một người biết nhất định sẽ có nhiều người biết. Nhiều người biết sẽ cùng nhau tìm hiểu và kết hợp đấu tranh để khi cơ hội đến, cho phép thì cả dân tộc chúng ta nhất định sẽ giành lại được. Một con người khi sống không có ước mơ, không nuôi hoài bão tìm tòi, sáng tạo để thăng tiến thì coi như đã chết trong trứng nước. Một dân tộc không có quá khứ, lịch sử (Quốc phả cội nguồn) thì dân tộc ấy khó ổn định, phát triển toàn diện và bền vững. Đó, cũng là trách vụ của mỗi công dân Việt Nam yêu nước, hướng tới tương lai…

 Là người sinh ra, lớn lên ở vùng đất này. Sau gần 10 năm thoát nhiều lần chết trong cuộc chiến tương tàn, đẫm máu. Tôi đã về viếng lăng tẩm của Ngài đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 âm lịch ) nhằm năm 1977. Nhìn cảnh hoang phế, không dấu chân người lại càng tiếc, thương, đau xót  một quá khứ lịch sử bi hùng của dân tộc. Một kinh đô oai phong, uy dũng tọa lạc ở một địa danh tuyệt tác mà không dễ kiếm tìm đã bị vùi chôn, tàn phá thảm hại và bị kẻ thù khống chế, cướp đi những báu vật vô giá của dân tộc chúng ta.    

Xin được gói gọn trong lời kết: Hãy cùng nhau  khơi dậy tính bất hủ, sức mạnh  của linh vật  Rồng cùng sự cao đẹp của Tiên. (Con cháu Rồng – Tiên)  để loại trừ những kẻ tham tàn, ác gian, những phường xâm lược  nhằm  phục hưng, phụng sự Tổ Quốc thân yêu của chúng ta. Xin được tặng những ai đang là ĐỒNG BÀO hai câu đối:    

QUỐC TỔ UY HÙNG HƯNG GIÒNG TỘC

HẬU THẾ CAN TRƯỜNG VƯỢNG GIANG SAN

Trân trọng và kính chúc toàn thể quý vị cùng các bạn luôn an mạnh, thành đạt và hạnh phúc trong mọi phương diện của cuộc sống.

Lê Trần Tĩnh