Đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí nói với BBC rằng nhà hoạt động Vi Trần, người đang bị bệnh nặng ở Đài Loan, “có ý định lớn nhất là trở về sống trên quê hương”.
Tính đến cuối ngày 2/5, đã có hàng trăm người đóng góp viện phí cho cô Vi Trần, đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí và gần đây là tờ The Vietnamese, đang nằm viện tại Đài Loan do bị xuất huyết não dẫn đến đột quỵ từ hơn hai tuần trước.
Cô đã trải qua hai cuộc phẫu thuật phức tạp và rủi ro cao và sắp được phẫu thuật thêm một lần nữa, và theo gia đình, tiếp đó là “quá trình trị liệu có lẽ là lâu dài”.
Gia đình cô lập trang kêu gọi đóng góp vì viện phí khá nặng, trong lúc cô không có bảo hiểm y tế ở Đài Loan, và đã dành hết tiền cá nhân cho các dự án.
Năm 2015, cô Vi, người được bạn bè mô tả là “yêu Việt Nam và tiếng Việt tha thiết”, bỏ sự nghiệp luật sư ở California để qua Philippines và Đài Loan làm việc, thúc đẩy tự do Internet, tự do báo chí và xóa bỏ án tử hình cũng như vận động nhân quyền cho Việt Nam.
‘Muốn người dân hiểu biết pháp luật hơn’
Hôm 2/5, trả lời BBC từ Đài Loan, ông Trịnh Hữu Long, đồng sáng lập viên của Luật Khoa tạp chí, nói: “Tôi luôn hy vọng rằng Vi sẽ phục hồi hoàn toàn, vì cô còn trẻ và lâu nay vẫn khỏe mạnh. Hơn nữa Vi là một phụ nữ rất mạnh mẽ và can đảm. Vi phải phục hồi hoàn toàn để tiếp tục lý tưởng của cô ấy, chắc chắn cô ấy sẽ muốn như vậy.”
“Vi là một trong bốn người sáng lập ra Luật Khoa, cùng với tôi đóng vai trò là đồng giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (Legal Initiatives for Vietnam), chính là cơ quan chủ quản của Luật Khoa và The Vietnamese.”
“Vi là luật sư, bản năng làm nghề luật của cô rất mạnh. Cô luôn muốn người dân hiểu biết pháp luật hơn, dùng các công cụ pháp luật và các quyền công dân để thách thức những kẻ vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền. Sứ mệnh của tờ Luật Khoa là như vậy. Trước khi bị bệnh, Vi còn đang lăn lê bò toài với một đống sách mới mua về tôn giáo và tự do tôn giáo ở Việt Nam, vì Vi phụ trách chuyên mục này, dự kiến sẽ sớm chính thức ra mắt trong thời gian tới sau một số bài thử nghiệm vừa rồi.”
“Với tờ The Vietnamese, Vi là người quản lý và sản xuất, với sự trợ giúp của một số tình nguyện viên. Vi muốn biến nó thành tờ báo tiếng Anh chất lượng và uy tín về các vấn đề chính trị, nhân quyền Việt Nam. Vi đang tìm cách gây quỹ cho tờ báo này, vì hiện nay nó hoàn toàn không có ngân sách hoạt động, và mong sẽ trả lương được cho một, hai người viết lách, biên tập.”
“Theo như tôi biết, một việc Vi theo đuổi từ lâu và rất nặng lòng với nó, là những tử tù bị xét xử oan sai ở Việt nam. Tôi biết Vi khóc nhiều lần mỗi khi nghe những câu chuyện đau lòng của Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Đặng Văn Hiến. Vi rất nặng lòng với chuyện này và thường chủ động thu thập thông tin, viết bài đăng lên The Vietnamese, viết báo cáo gửi cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế để cứu họ. Vi cũng đang tìm cách gây quỹ để mở rộng hoạt động này, vì ngoài Vi và một hai người nữa, ở nước ta hình như không có ai đi sâu vào vấn đề này. Mọi việc còn dở dang thì Vi bị bệnh thế này.”
Ông Long cho biết thêm:
“Tôi không dám nói là Vi khác hay giống với nhà nữ hoạt động nào khác. Theo cảm nhận của tôi, Vi là một nhà hoạt động quyết liệt, quyết liệt nhiều lúc đến mức cực kỳ bướng bỉnh. Chuyện Vi bỏ hết một sự nghiệp thuận lợi và một cuộc sống dễ dàng ở California để sang châu Á làm việc với mức thu nhập phải nói là gần mức tình nguyện viên đã nói lên cái tính quyết liệt và bướng bỉnh đó.”
“Cô quyết định không sang làm việc vài năm rồi về lại Mỹ. Với Vi, hoạt động nhân quyền là cuộc sống, là cuộc đời, không phải là công việc thuần túy. Và khi đi theo con đường đó rồi, Vi làm gì cũng làm đến cùng, cũng quyết liệt như vậy.”
“Tôi biết Vi yêu Việt Nam nhiều lắm. Xa nước từ năm 12 tuổi nhưng cô nói tiếng Việt hệt như bất cứ người Sài Gòn nào. Văn chương Việt Nam nằm trong huyết quản của Vi. Cô chưa bao giờ muốn rời Việt Nam. Khi gia đình di cư sang Mỹ, tôi biết gia đình phải thuyết phục bằng cách nói rằng Vi cứ coi như đi du học sớm, và phải hứa với Vi là khi lớn lên Vi sẽ được quyền quyết định tiếp tục ở Mỹ hay về lại Việt Nam, thì lúc đó Vi mới chịu đi.”
“Và ý định lớn nhất của Vi là trở về sống trên quê hương, bất cứ khi nào có thể. Lần gần nhất Vi về là năm 2012 để làm thiện nguyện cho một tổ chức nhân đạo ở miền Tây.”
“Một điều nữa là Vi vô cùng chịu khó học. Khi bắt đầu đi con đường này, cô phải học rất nhiều về Việt Nam, từ chính trị, pháp luật, đến cả các thuật ngữ chuyên môn của hai lĩnh vực này. Vi còn chịu học cả cách viết báo, và viết báo tiếng Việt sao cho thuần Việt nhất. Vi tự nhận là “học trò” của tôi vì tôi đi trước Vi trong nghề báo.”
Bình luận về việc gây quỹ trên trang Gofundme sắp đạt được con số mà gia đình cô Vi Trần đặt ra, ông Long nói:
“Tôi thực sự rất xúc động trước sự quan tâm của mọi người dành cho Vi. Điều đó cho thấy cộng đồng luôn quan tâm tới những người dấn thân cho đất nước. Lòng tốt có ở khắp nơi. Và đó là hy vọng lớn nhất cho đất nước. Khi chúng ta cùng yêu Việt Nam, cùng yêu nhau và cùng làm việc với nhau, thì không có lý do gì tương lai đất nước không tươi sáng.”
Source: BBC