Giữa năm 1942 từ xã An Bình Tây, tôi đi bộ hai cây số để vào học lớp ba trường tiểu học Ba Tri. Lúc ấy, Nhật đã chiếm Đông Dương hai năm. Bên Pháp, thống chế Pétain đầu hàng Phát xít Đức, ở Đông Dương, toàn quyền Decoux hàng phục Phát xít Nhật. Để lấy lòng người Việt, Decoux cho phát triển phong trào hướng đạo, cho lập sân vận động, phát triển bóng đá, thể dục thể thao, cho học tân nhạc… Theo phong trào hướng đạo, học sinh chúng tôi mặc bộ đồng phục quần đỏ áo sơ mi trắng. Trường tiểu học Ba Tri mời nhạc công từ nhà thờ Giồng Tre tới dạy học sinh các bài hát Pháp như La Marseillaise, Maréchal nous voilà… và những bài tân nhạc Việt Nam như Tiếng gọi sinh viên, Trên sông Bạch đằng, Ải Chi Lăng… Ông đốc Trinh của trường tiểu học Ba Tri đặt lời Việt cho một bài hát Pháp có nội dung ca ngợi Pétain và chính quyền thực dân ở Đông Dương:
“Trong khi quốc gia tai nàn
Nhờ quan thống chế Pétain,
Không ham hưởng chữ an nhàn,
Kề vai gánh vác giang san.
Khuyên nhủ ai nấy đồng tâm,
Phục hưng nước Pháp cùng nhau.
…
Ở xứ Ba Tri ngày nay,
Có sân vận động đẹp thay.
Nhờ quan Đốc phủ Mẫn lo lắng.
Nền thể thao dân sự đàng hoàng.
Nào học sinh phải ghi nhớ,
Đền đáp công ơn này…”
Ngày ngày, vào giờ ra chơi buổi sáng, chúng tôi xếp hàng đi quanh sân trường rợp bóng những cây còng cổ thụ, hát vang những bài ca đã học. Nhiều người đi đường dừng chân lắng nghe. Có một ông già đẩy xe bán chiếu thường xuyên dừng lại đúng giờ này, lắng nghe với vẻ mặt đăm chiêu. Rồi bổng dưng không thấy ông ấy xuất hiện nữa. Người bạn thân ngồi chung bàn học với tôi là Nguyễn Thống Thành, con ông chủ nhà dây thép (nay là bưu điện) tỏ ra thạo tin, xì xầm: “Mày biết gì không? Ông già bán chiếu rải truyền đơn. Một tờ phê phán ông Đốc Trinh nịnh Tây. Một tờ in hai bài thơ cộng sản châm biếm Pétain quỳ gối trước quân Đức. Decoux cúi đầu lạy quân Nhật. Mật thám tìm ra, đã bắt ông già bán chiếu.” Tôi hỏi: “Mày có tờ truyền đơn đó không cho tao coi với?” Thành đáp: “Nhà tao có, nhưng người lớn không cho con nít lấy!” Suốt tuần sau đó, nhiều người buôn bán ở chợ Ba Tri xì xầm với nhau chuyện ông già bán chiếu rải truyền đơn và gọi đó là một “ông già Ba Tri”. Tôi cứ tưởng ông già Ba Tri là chỉ những vị nổi tiếng của quê tôi như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan văn Trị nhưng ông nội tôi bảo sự tích này có từ thời Minh Mạng: Ông Trần văn Hạc, Hương cả của làng An Hòa Tây cho đắp con đập ngăn vàm rạch làm tắc nghẽn đường ghe chở hàng hóa vào chợ Ba Tri. Dân chúng cả vùng phát đơn kiện, nhưng thế lực Trần Văn Hạc quá mạnh, quan tổng, quan huyện, quan tỉnh đều xử ông ta thắng kiện. Bà con bàn bạc cử ba ông già có uy tín nhất vùng là Thái Hữu Kiếm, Nguyễn Văn và Lê Văn Lợi mang đơn ra Huế kiện lên triều đình. Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn. Vua Minh Mạng cho các ông vào chầu tấu trình sự việc. Vua nghe xong, hạ chiếu cho các ông thắng kiện. Từ đó, danh xưng “ông già Ba Tri” là chỉ những cụ già nhưng chí khí không già, dám dũng cảm bảo vệ lẽ phải.
Nguyễn Thống Thành bảo tôi: “Ông già bán chiếu xứng đáng là ông già Ba Tri ngày nay đó mày”. Sau tháng Tám 1945, tôi sống ở nông thôn, bưng biền, không nhận được tin tức gì về Nguyễn Thống Thành. Trên các nẻo đường kháng chiến, tôi cứ mong được gặp nó, người đầu tiên đã cho tôi biết về một tổ chức bí mật có tên là Việt Minh, để rồi tôi tin, theo! Hơn 30 năm sau, tôi mới biết Nguyễn Thống Thành, bạn tôi, đứng bên kia chiến tuyến, là đại tá tỉnh trưởng đã tử thủ ở thị xã Phước Long! Nhiều năm sau, trong cuộc họp cựu chiến binh, tôi được nghe một thiếu tá dự trận này kể, anh ta kêu gọi đầu hàng, nhưng Nguyễn Thống Thành đã bắn trả. Tôi tin rằng nếu lúc ấy tôi có mặt, kêu gọi chắc chắn Thành đầu hàng. Nhưng đến nay niềm tin đó đã lung lay.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (3): Gia đình yêu thương
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (5): Bỏ cờ tam sắc, chào cờ mặt trời