Seite auswählen

Trần Trọng Kim

Trần Trọng Kim

Một sáng tháng Ba 1945, như thường lệ chúng tôi xếp hàng chào cờ trước khi vào lớp học. Tất cả đều ngỡ ngàng khi nhìn thấy lá cờ mặt trời đã thay thế cờ tam sắc. Ông Đốc Trinh đứng trên bực thềm giải thích sự kiện này. Tôi nhớ đại khái là ngày 9 tháng Ba quân Nhật đã làm đảo chính lật đổ chính quyền thuộc địa của Pháp. Nhật có chính sách trả châu Á cho người châu Á, họ trả độc lập cho nước mình. Nhưng riêng xứ Nam kỳ thì tạm thời còn trực thuộc Nhật như đã từng thuộc Pháp, cho đến khi Nhật giành được toàn thắng. Từ hôm nay, trường chúng ta bỏ cờ tam sắc, chào cờ Nhật, không hát Marseillaise quốc ca Pháp nữa. Ông không nói, nhưng chúng tôi cũng biết là bài “Trong khi quốc gia tai nàn” của ông cũng không được hát. Những ngày sau đó, ông quận Chi (người thay ông quận Mẫn hồi năm ngoái) được thăng lên chức tỉnh trưởng Bến Tre. Ông Trực, một viên chức từ tòa bố Bến Tre (tức dinh của ông chủ tỉnh người Pháp) được đưa về Ba Tri làm quận trưởng thay cho ông Chi. Những người bạn của cha tôi, bác Ba Di, dượng Ba Kiến, chú Tám Bì, chú Hai Dần, bác Tám Huê, chú Năm Vinh, chú Sáu Sinh… uống trà tán chuyện thời cuộc, cho rằng: “Đã thay thầy đổi chủ, nhưng đám đầy tớ thì vẫn y nguyên như cũ”! Có lẽ đó là điểm yếu nhất của chính phủ Trần Trọng Kim đối với người dân vốn đã coi các công chức trong hệ thống chính quyền thuộc Pháp là những tay sai. Việc Nhật không dùng hoàng thân Cường Để là người đang nương tựa nước Nhật để chống Pháp về nước chấp chính mà lại chọn Bảo Đại vốn là con bài của Pháp đã khiến cho người dân Việt tha thiết với độc lập thất vọng. Tiếp theo đó là việc Nhật không chấp nhận đề nghị của Bảo Đại chọn chí sĩ Ngô Đình Diệm làm thủ tướng mà chọn học giả Trần Trọng Kim càng làm cho chính phủ này bị giảm sự tin cậy.

Chính phủ Trần Trọng Kim có những chính sách tiến bộ, nhưng có thể có hại cho chính họ: không lập bộ quốc phòng, không tổ chức lực lượng vũ trang để tránh bị Nhật lôi kéo vào chiến tranh, do đó không có khả năng tự bảo vệ. Thả tất cả tù chính trị phần lớn là đảng viên Cộng sản, lực lượng này có cơ hội lật đổ họ. Từ ngày 8 tháng 5, chính phủ Trần Trọng Kim ban hành hiến pháp quân chủ lập hiến, đảm bảo các quyền tự do chính trị, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội. Nhiều tổ chức được thành lập đã tạo điều kiện làm tăng thêm lực lượng cho đảng Cộng sản: tổ chức Thanh niên Tiền tuyến do Thứ trưởng Bộ Thanh niên Tạ Quang Bửu, một người có cảm tình với Việt Minh điều hành. Ở Nam Bộ, tổ chức thanh niên tiền phong do Phạm Ngọc Thạch đảng viên Cộng sản từ tháng 3 năm 1945 điều hành. Sau khi Nhật đảo chính Pháp một ngày, ngày 10 tháng 3 năm 1945, Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng được thành lập, do Hồ Văn Ngà làm chủ tịch, Phạm Ngọc Thạch làm tổng thư ký. Số đông đảng viên của đảng này ngã theo Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng 8, Hồ Văn Ngà bị giết! Ở tỉnh Bến Tre và huyện Ba Tri của tôi, sau mấy tháng tồn tại của chính phủ Trần Trọng Kim, phong trào cách mạng do đảng Cộng sản tổ chức đã phát triển vượt bậc. Nhiều tù nhân cộng sản được chính phủ Trần Trọng Kim thả ra đã hoạt động mạnh mẽ như: Nguyễn Tẩu đảng viên Cộng sản từ năm 1930, bí thư tỉnh ủy; Lê Hợi đảng viên Cộng sản từ 1930; Võ Châu Thành, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Chí Khải, Nguyễn Viết Chỏi… đều là những đảng viên lâu năm. Các đảng viên này mau chóng xây dựng chi bộ đảng đều khắp các xã và tổ chức nông hội thu hút hơn 3000 nông dân. Đảng Cộng sản đưa được hàng loạt cán bộ cốt cán thâm nhập vào các tổ chức, đảng phái khác: Ông Nguyễn Văn Cái làm tổng thư ký Thanh niên Tiền phong tỉnh Bến Tre (sau này là ủy viên Ban khởi nghĩa Tháng Tám, đại biểu Quốc Hội năm 1946 của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà); Ông Huỳnh Kỳ Thanh làm Thanh niên Tiền phong tỉnh Bến Tre (sau này chánh văn phòng Ủy ban Kháng chiến – Hành chánh tỉnh); Ông Đỗ Phát Quang lãnh đạo trường huấn luyện của Đảng Quốc gia Độc lập (sau này là đại biểu Quốc hội, ủy viên Ủy ban Kháng chiến – Hành chánh tỉnh Bến Tre); Ông Nguyễn Văn Tất chỉ huy bảo an binh tỉnh Bến Tre (sau này là ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Bến Tre, chỉ huy đội vũ trang). Ở Ba Tri, các thầy giáo trẻ như thầy Nở, thầy Triết, các trí thức trẻ như Huỳnh Dư Bì, Trịnh Văn Khâm, Hồ Văn Vị… đều có chân trong tổ chức Việt Minh của đảng Cộng sản.

Từ những biến đổi lực lượng chính trị ở huyện Ba Tri và toàn tỉnh Bến Tre có thể suy đoán tình hình tương tự như vậy ở nhiều nơi khác.

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (4): Ông già Ba Tri

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (6): Số đông trí, phú, địa, hào đi theo Việt Minh

Nguồn: Phan Ba’s Blog