SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tin tức về việc “Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn, bất ngờ chấm dứt chương trình ‘Tri Ân Thương Phế Binh VNCH’” gây xôn xao trên mạng xã hôi.
Tuy nhiên, vào tối 15 tháng Năm, trang web Nhà Thờ Thái Hà lại đăng bài trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt của Linh Mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Trong đó Linh Mục Bích cho biết “Bề Trên vẫn cho phép tiếp tục giúp đỡ các thương phế binh VNCH.” Đáng lưu ý, bài trả lời phỏng vấn này lại chưa chính thức xuất hiện trên trang chủ của BBC Tiếng Việt.
Sáng sớm ngày 16 Tháng Năm, Hòa Thượng Thích Không Tánh, người khởi xướng chương trình “Tri Ân Thương Phế Binh VNCH,” cho nhật báo Người Việt biết những vấn đề xung quanh sự kiện đang gây nhiều tranh cãi này.
Vì sao phải thuyên chuyển?
Hòa Thượng Thích Không Tánh nêu lên các sự việc: “Hôm Hội Đồng Liên Tôn tiếp xúc với phái đoàn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở chùa Giác Hoa, có sự tham dự của Linh Mục Lê Xuân Lộc, cũng là thành viên của Hội Đồng Liên Tôn. Khi Linh Mục Lộc qua thì tôi thấy ông rất buồn. Ông cứ nói là chỉ vài thời gian nữa là phải bàn giao Văn Phòng Công Lý-Hòa Bình; chương trình chia sẻ với anh em thương phế binh VNCH gặp khó khăn.”
“Trong lòng tôi lúc đó nghĩ là chuyện này đã khó khăn ngay từ khi Linh Mục Phạm Trung Thành mãn nhiệm, bên hệ thống Công Giáo bổ nhiệm Linh Mục Bích về làm giám tỉnh. Khi Linh Mục Bích về một thời gian ngắn liền đưa Linh Mục Thoại đi xa. Linh Mục Thoại là ‘nòng cốt’ ở Phòng Công Lý-Hòa Bình và chương trình chia sẻ với anh em thương phế binh,” hòa thượng nói tiếp.
“Mới đây thì đưa Linh Mục Lê Ngọc Thanh đi xuống miền Tây để nhận nhiệm sở dưới đó. Rồi Linh Mục Lộc và Linh Mục Vũ cũng bị thuyên chuyển. Tôi thấy tất cả là do vị giám tỉnh mới. Bây giờ có dư luận nói là vị giám tỉnh mới thuộc về quốc doanh, nghe theo lệnh của nhà nước sao đó, làm cho chương trình Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời gặp khó khăn và bị gián đoạn,” hòa thượng nhấn mạnh.
Linh Mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích nói gì?
Trước đó, trong bài trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt của Linh Mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích đăng trên trang web Nhà Thờ Thái Hà có năm câu hỏi và trả lời được Linh Mục Bích đăng nguyên vẹn, gồm cả phần tự giới thiệu của ông.
“Thông thường, tôi rất ít trả lời phỏng vấn, nhưng khi đọc các câu hỏi của ông từ đài BBC tiếng Việt, tôi thấy các câu hỏi rất đúng đắn và có sự tôn trọng nên tôi sẵn sàng trả lời. Sau đây là các câu trả lời những câu hỏi của ông,” Linh Mục Bích viết.
Ngay câu hỏi đầu tiên BBC hỏi về phản hồi đối với việc “đổi tên Phòng Công Lý-Hòa Bình và việc giúp các thương phế binh VNCH tại đây sẽ không còn tiếp tục,” Linh Mục Bích khẳng định: “Chúng tôi chưa hề ra văn thư hoặc tuyên bố nào thay đổi chủ trương hoạt động. Vì vậy, một số blogger bày tỏ sự băn khoăn là không cần thiết.”
Đài BBC có đặt câu hỏi với Giám Tỉnh Nguyễn Ngọc Bích về việc thuyên chuyển các linh mục mà Hòa Thượng Thích Không Tánh nhắc đến tên, Giám Tỉnh Bích phản hồi rằng:
“Sự bổ nhiệm và thuyên chuyển là việc rất bình thường của tất cả các Dòng Tu. Đó là công việc nội bộ mà người ngoài, thậm chí cả các Đức Giám Mục, chẳng có lý do gì để xen vào hay thắc mắc vì họ không thể biết được những gì liên quan đến phẩm chất, đến tư cách và đến hoàn cảnh của từng tu sĩ và vì họ cũng không có trách nhiệm phải trả lời trước mặt Chúa về những gì liên quan đến sứ mạng và sự phát triển của Dòng.”
Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn của Người Việt, Hòa Thượng Thích Không Tánh đặt vấn đề là “Tại sao khi vừa nhậm chức giám tỉnh đã vội thuyên chuyển hàng loạt linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn?”
Hòa thượng nói tiếp: “Theo tôi nhớ thì hình như sự bầu bán cũng có sự vận động sao đó. Ở đây cũng đã có dư luận là Linh Mục Bích là tu sĩ quốc doanh. Nếu không như thế thì tại sao đưa họ đi ra tận Quảng Nam? Rồi nghe nói bàn giao sổ sách, giấy tờ, các thứ. Rồi đổi tên nữa, một cái tên nghe rất xã hội chủ nghĩa, rất mông lung. Nếu Linh Mục Bích nói rằng vẫn tiếp tục việc giúp các thương phế binh VNCH vậy thì việc cứu trợ như thế nào? Rồi ngân quỹ đó ra sao?”
Tuy nhiên, trong phần trả lời của Giám Tỉnh Nguyễn Ngọc Bích dành cho đài BBC, ông viết rõ: “Tôi chưa thấy ai đổi tên phòng này với tên gọi khác. Tôi cũng vừa trao đổi với cha Tân Bề Trên Tu Viện Sài Gòn. Ngài khẳng định vẫn tiếp tục việc giúp các thương phế binh VNCH. Như vậy, những thông tin nêu trên là không đúng sự thật.”
Ngày 15 Tháng Năm, Linh Mục Đinh Hữu Thoại đăng lên trang cá nhân một thông cáo dán trước Phòng Công Lý-Hòa Bình có nội dung: “Kể từ ngày 15 Tháng Năm, 2019, Phòng Công Lý và Hòa Bình tạm ngưng làm việc đến khi có thông báo mới.”
Phòng Công Lý-Hòa Bình của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn là địa chỉ quen thuộc của tất cả các thương phế binh VNCH. Chương trình này được chuyển giao vào năm 2012 từ Hòa Thượng Thích Không Tánh, chùa Liên Trì, Quận 2, Sài Gòn, về Phòng Công Lý-Hòa Bình, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
Linh Mục Đinh Hữu Thoại, một trong những người phụ trách chương trình này, nhớ lại: “Năm chúng tôi bắt đầu tổ chức giúp cho chùa Liên Trì là Tháng Bảy, 2012. Do chúng tôi làm truyền thông thì nhiều người biết tới và con số thương phế binh đến càng ngày càng nhiều. Chương trình chúng tôi giúp đỡ họ là khám sức khỏe, trang bị cho họ những phương tiện trong cuộc sống như bảo hiểm y tế, xe lắc, xe lăn, xe ba bánh hay nạn, gậy, tùy nhu cầu mà chúng tôi giúp. Rồi thì sửa nhà, xây nhà mới, đi thăm bịnh và khi các ông qua đời thì chúng tôi đi viếng…”
Theo Hòa Thượng Thích Không Tánh, lý do năm đó phải chuyển giao chương trình về Phòng Công Lý-Hòa Bình là vì số lượng thương phế binh VNCH ngày càng tăng thêm. Chùa Liên Trì khi đó (nay không còn nữa vì bị chính quyền đảng Cộng Sản Việt Nam phá bỏ) không đủ khả năng và không có địa điểm đủ rộng để gần 200 thương phế binh VNCH sinh hoạt.
Đức Vâng Lời
Các linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn trong những ngày qua từ chối đưa ra bình luận. Ngay cả khi nội dung trả lời của Giám Tỉnh Nguyễn Ngọc Bích được đăng tải trên trang Nhà Thờ Thái Hà gặp nhiều phản ứng trái chiều của dư luận thì các vị cũng chọn giải pháp im lặng.
Theo Hòa Thượng Thích Không Tánh, “hệ thống Công Giáo có một cái gọi là Đức Vâng Lời, nên với quý cha cấp dưới, bề trên nói gì thì phải nghe theo thôi.”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh đặt câu hỏi trong một bài viết liên quan: “Có cái gì đó rất bất thường đang diễn ra ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, Kỳ Đồng, nơi mà lâu nay, được khắp nơi ngưỡng mộ là ngôi nhà của lòng lành và công lý.”
Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh: Đặc biệt, trong bối cảnh của một nước Việt Nam với vết thương nội chiến vẫn chưa lành, sự kỳ thị với những cựu quân nhân VNCH vẫn là một chủ trương thấy rõ.
Còn nhà giáo, nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng viết trên trang cá nhân của ông: “Cuối năm 2018, Cha Bích tái đắc cử, và những ‘nề nếp mới’ được điều chỉnh cho ngày ‘một mới hơn.’ Những ‘ánh mắt mang hình viên đạn’ ngày một sắc nét hơn. Và sau nhiều chi tiết không tiện nêu lên đây − chuyện phải đến đã đến. Cha Trương Hoàng Vũ nhận lệnh rời Sài Gòn, vài ngày sau văn phòng được lệnh giải tán. Ngày 14 Tháng Năm, các tình nguyện viên thu dọn đồ đạc, sáng 15 Tháng Năm linh mục độc nhất còn lại, Cha Lộc khép lại cánh cửa sắt của văn phòng lần cuối.”
Những tình nguyên viên trẻ của Phòng Công Lý-Hòa Bình đều bất ngờ và tức giận trước diễn biến này. Họ cho biết họ cảm thấy như đang bị mất đi một gia đình và tâm trạng của họ đau buồn, không thể nói gì được.
Tuy không cùng một tôn giáo, nhưng Hội Đồng Liên Tôn và Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn trong mấy năm qua đã có chung một mục đích, đó là “Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời.” Những người quan tâm đến các thương phế binh VNCH đều đưa ra câu hỏi: “Ai sẽ cùng với họ đi nốt cuộc đời còn lại?” (Cát Linh)