Tháng 12 – 1945 Pháp tái chiếm 20 tỉnh thành Nam bộ. Bến Tre là tỉnh cuối cùng chưa bị chiếm. Tỉnh ủy Bến Tre xin Trung Ương Đảng cho tỉnh tổ chức bầu đại biểu Quốc Hội sớm từ ngày 25/12, thay vì ngày 6/1/1946 như quy định chung. Hồi đó ngày 6 tháng 1 còn được cho là ngày thành lập Đảng. Mãi đến sau năm 1960, người ta mới biết ngày 6 tháng 1 là ngày âm lịch, theo dương lịch là ngày 3 tháng 2 – 1930. Tỉnh Bến Tre được bầu 5 đại biểu Quốc hội. Mặt trận Việt Minh do đảng Cộng sản lãnh đạo, giới thiệu sáu người ra ứng cử là: Phạm Văn Bạch, Nguyễn Văn Cái, Đỗ Phát Quang, Nguyễn Tẩu, Trần Quế Tử, Ca Văn Thỉnh. Trong đó, hai người sau là trí thức cảm tình đảng. Hầu hết cử tri đều gạch tên người đứng ở cuối danh sách, do đó ông Ca Văn Thỉnh bị thất cử. Có thể nói, “đảng cử dân bầu” đã có từ cuộc bầu cử Quốc Hội đầu tiên. Điều này không phải chỉ ở tỉnh Bến Tre, mà khắp cả nước. Xin nêu vài ví dụ, ở Hải Phòng, ông Vũ Trọng Khánh, nguyên Thị trưởng Hải Phòng của chính phủ Trần Trọng Kim, đương kim Bộ trưởng Bộ Tư pháp của chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, do từ chối sự giới thiệu của Mặt trận Việt Minh thành phố Hải Phòng mà bị thất cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lo lắng đã yêu cầu ông Vũ Trọng Khánh chấp nhận sự giới thiệu của Mặt trận Việt Minh tỉnh Hà Đông (chưa bầu cử), nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối. Do không có chân trong Quốc Hội, ông phải rời ghế Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong khi đó, cố vấn Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) chấp nhận sự giới thiệu của Mặt trận Việt Minh tỉnh Thanh Hóa, đắc cử với 92% số phiếu bầu.
Lâu nay, Quốc Hội được bầu năm 1946 được coi là Quốc Hội đa nguyên, đa đảng là chủ nhân của bản Hiến Pháp 1946 dân chủ, tam quyền phân lập. Thực ra không phải như vậy. Ngày 20 tháng 9 năm 1945 chủ tịch chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 34/SL thành lập Ban soạn thảo Hiến Pháp gồm 7 thành viên: Trưởng ban là Hồ Chí Minh, các ủy viên gồm Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (tức tổng bí thư Trường Chinh). Với ban soạn thảo này thì rất khó để có thể soạn ra được bản Hiến Pháp 1946. Do thực hiện thỏa thuận giữa Việt Minh với Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách), Quốc Hội phải nhận vào 70 đại biểu của hai đảng này không qua bầu cử (Việt Quốc năm mươi đại biểu, Việc Cách 20 đại biểu). Sau khi có thêm 70 đại biểu không qua bầu cử, ngày 2/3/1946, Quốc Hội bầu ra ban soạn thảo hiến pháp gồm 11 thành viên: Tôn Quang Phiệt, Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Thục Viên, Đỗ Đức Dục, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Huỳnh Bá Nhung, Trần Tuấn Thọ (Việt Cách), Phạm Gia Đỗ (Việt Quốc). Ngày 9/11/1946, Quốc Hội thông qua hiến pháp với 240 trên 242 phiếu thuận. Hai người bỏ phiếu chống là Nguyễn Sơn Hà với lý do Hiến Pháp không có điều khoản cho tự do kinh doanh; Phạm Gia Đỗ phản đối chế độ chỉ có một viện. Nhưng sau đó mấy tháng, 70 đại biểu của Việt Cách, Việt Quốc chỉ còn lại 7 người và Hiến Pháp 1946 chỉ còn nằm trên giấy. Ngày 4/12/1953 Quốc Hội, gồm những người được bầu năm 1946, thông qua luật Cải Cách Ruộng Đất, tước đoạt ruộng đất của người bị quy là địa chủ, trái với điều 12 của Hiến Pháp 1946: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo hộ”. Thật ra như ở trên đã nói, bản Hiến Pháp này đâu phải là của họ! Nhà báo Huy Đức có nhận xét rất đúng “mặc dù Hồ Chí Minh đặt vấn đề xây dựng hiến pháp rất sớm, Hiến Pháp 1959 mới thực sự là hiến pháp của ông”.
Từ 8/1945 tôi ở trong đội Thiếu nhi Cứu quốc xã An Bình Tây. Thời gian này có vài chuyện mà mỗi khi nhớ lại cảm thấy ray rứt:
Giữa năm 1946, vào buổi sáng, tôi đang đi xuống chợ thì gặp bốn anh du kích tay cầm mã tấu giải ang Sấn (học trên tôi ba lớp) hai tay bị trói ké, đi về hướng Giồng Gạch, sông Hàm Luôn. Không cần hỏi, ai cũng biết đó là hướng đưa người đi “mò tôm”. (Tiếng lóng của thời đó chỉ việc đâm chết rồi ném xác xuống sông.) Nghe nói, anh Sấn bị nghi làm gián điệp, chỉ vì hôm lính Pháp đi ruồng bố, anh đã “trăm” tiếng Tây với thằng quan ba! Cùng thời gian này (sau khi Pháp chiếm Ba Tri vài tháng) ở khắp quận đều có những vụ “trừng trị bọn gián điệp”: sếp Cang ở Tân Xuân; Hương quản Thành ở An Đức; Thạch (bạn học cùng lớp với tôi, con trai Cai Tổng Đệ)… Họ bị giết, không có cáo trạng, không có tòa án xét xử! Số đông người dân vẫn cho rằng, trước họa ngoại xâm, chuyện “mạnh tay” như vậy là cần thiết (!).
Năm 1947, Ba Tri có nhiều trận phục kích đánh cả đoàn xe của Pháp. Giữa tháng 6, đại đội 885 phục kích ở Giồng Quéo, tiêu diệt năm mươi lính Pháp và Lê Dương, thu nhiều vũ khí, đặc biệt có nhiều đồ hộp và thuốc lá thơm. Một chiến sĩ của đại đội 885 nhắn tin cho má anh đến thăm, ban chỉ huy cho bà mấy bao thuốc lá Bastos. Trên đường về, bà vừa đi vừa phì phèo điếu thuốc, khi đến làng An Bình Tây thì có mấy người ăn mặc giống như lính quận, tay lăm lăm súng ngắn lưỡi lê, bắt bà đưa vào chùa Long Khánh, quát hỏi: “Thuốc thơm này ở đâu ra? Ai cho? Khai mau!” Mang nỗi lo của một bà má bộ đội, lại nghe cách ăn nói hỗn hào, bà nghĩ đã gặp bọn theo Tây. Bà bảo: “Tôi lượm được ngoài lộ đá.” Lập tức bà bị những cú đấm như trời giáng.
Lúc ấy chúng tôi họp đội Thiếu nhi cứu quốc ở nhà người bạn, nghe người nhà bên cạnh bảo vừa bắt được gián điệp, du kích đang tra hỏi ở chùa Long Khánh. Chúng tôi ngừng họp kéo ra chùa và chứng kiến cảnh một bà già ốm yếu gan góc chịu những đòn tra tấn với mắt nhìn khinh bỉ, đôi môi mím chặt. Giữa lúc căng thẳng đó, có tiếng mõ báo động và người từ dưới Chợ Mới ùn ùn chạy lên hô “Tây ruồng”. Cuộc tra tấn dừng lại. Người trưởng nhóm giao nhiệm vụ cho anh tự vệ trẻ tuổi: “Nếu Tây tới gấp quá, thì mày cứ việc khử bả đi.” Nghe tới đó, bà già khóc rống “Trời ơi, cứ tưởng mấy chú là Việt gian, cho nên tui quyết không khai. Sự thật là tui đi thăm con tui là Trần Văn Tuấn ở đại đội 885 vừa đánh trận Giồng Quéo. Thuốc thơm là của chỉ huy bộ đội cho tui!”
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (6): Số đông trí, phú, địa, hào đi theo Việt Minh
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (8): Hồng quân Platon – Thành vào lính lê dương