Trong suốt vài chục năm, nó cân bằng lợi ích giữa quyền tự quyết của quốc gia và yêu cầu của một thị trường tự do toàn cầu. Giao kèo này như bản hôn ước giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do, sự kết hợp của hai cá tính tưởng chừng không thể đội trời chung.
Gần đây, khi sóng gió nổi lên, những người trong cuộc ganh đua chỉ trích đổ lỗi cho nhau, người ta như quên bẵng đi sự tồn tại của giao kèo hôn nhân vốn đã từng rất thành công trong một thời gian dài này.
Giáo sư chính trị học Jack Snyder (Đại học Columbia – Hoa Kỳ) muốn người đọc quay lại tìm hiểu kỹ về mối quan hệ kỳ lạ này, để chứng minh rằng giao kèo khi xưa không những vẫn còn giá trị y nguyên, thậm chí vào thời đại ngày nay, lại càng đáng được trân trọng giữ gìn hơn.
***
Phần dưới đây là bài lược dịch từ bài gốc tiếng Anh “The broken bargain” của Giáo sư chính trị học Jack Snyder (Đại học Columbia – Hoa Kỳ), đăng trên tạp chí Foreign Affairs số tháng 3-4/2019. Bài lược dịch không nhất thiết tuân theo đúng cấu trúc của bài gốc, có thể lược bỏ một số phần và diễn đạt lại ý của một số phần khác sao cho dễ hiểu trong tiếng Việt.
***
Trong những năm gần đây, làn sóng chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy khắp nơi, với các đại diện từ Donald Trump ở Mỹ, các đảng dân túy cánh hữu ở châu Âu, cho đến những nhà lãnh đạo võ biền (strongman) ở Trung Quốc, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ đề chung trong các bài ca dân tộc của những chính khách này là họ chỉ trích hệ thống các định chế quốc tế của chủ nghĩa tự do toàn cầu (globalist liberalism). Họ tố cáo những người lãnh đạo có đầu óc tự do quan tâm đến người nước ngoài nhiều hơn là tôn trọng lợi ích của đồng bào mình. Họ hứa hẹn đặt lợi ích quốc gia dân tộc của mình, thay cho lợi ích toàn cầu, lên trên hết.
Ngược lại, nhiều người theo chủ nghĩa tự do xem sự tồn tại của chủ nghĩa dân tộc là mối đe dọa đối với một trật tự thế giới hòa bình và phát triển.
Tuy nhiên, hai phe quên mất sự thật lịch sử, rằng chủ nghĩa dân tộc và tự do đã từng và vẫn sẽ phải thường xuyên kết hợp bổ sung cho nhau.
Trật tự thế giới tự do thời hậu Thế Chiến II mà nước Mỹ dẫn đầu trong việc tạo ra là một nỗ lực nhằm cân bằng nhu cầu hợp tác quốc tế với nhu cầu tự quyết dân tộc của mỗi nước. Nhờ đó, nó kiềm chế mặt trái của chủ nghĩa dân tộc, vốn là một trong những nguyên nhân chính gây ra thảm họa chiến tranh. Nó dựa trên nền tảng các nhà nước dân chủ với chính sách trợ cấp tốt, được hỗ trợ qua các định chế quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các tổ chức quốc tế này hỗ trợ điều tiết chính sách kinh tế giữa các quốc gia, trong khi vẫn đảm bảo quyền tự chủ linh hoạt của các chính phủ.
Nhà chính trị học John Ruggie gọi đây là “chủ nghĩa tự do gắn kết” (embedded liberalism), khi nó vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường tự do, vừa đặt sự tự do đó trong vòng kiểm soát của các cơ chế chính trị trong nước lẫn quốc tế.
Nhưng trong hơn 30 năm qua, chủ nghĩa tự do đã dần bị tách rời khỏi mối liên kết đó. Giới lãnh đạo ở Mỹ và châu Âu lần lượt gỡ bỏ các vòng kiểm soát cho phép các chính phủ quản lý chủ nghĩa tư bản. Họ kiềm chế các thể chế chính trị dân chủ để chạy theo logic thị trường quốc tế, chuyển trách nhiệm ra các quyết sách cho những định chế xuyên quốc gia như Liên minh Châu Âu (EU), vốn không được dân trực tiếp bầu ra.
Nó dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc theo màu sắc dân túy.
Để sửa chữa, những nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm cách tái cân bằng chủ quyền và lợi ích quốc gia với hợp tác quốc tế. Nói cách khác, thay vì từ bỏ chủ nghĩa tự do quốc tế tự do, người ta sẽ cần phải tái gắn kết nó như trước.
Sự chuyển dịch vĩ đại
Theo cách hiểu chung nhất, chủ nghĩa dân tộc là tư duy cho rằng tổ chức nhà nước của một quốc gia nên phù hợp với nhóm sắc tộc sinh sống trên quốc gia đó.
Trong hầu hết chiều dài lịch sử, tuy vậy, bản đồ phân chia quản lý lãnh thổ không trùng khớp với bản đồ phân chia nhóm dân tộc. Điều này chỉ thay đổi ở châu Âu kể từ cuộc Cải cách Tin lành (Protestant Reformation) vào thế kỷ 16, khi các nhà nước tập trung gây dựng nền tập quyền trên một lãnh thổ xác định, dần thay thế sự thống trị của Nhà thờ Công giáo và mạng lưới cai trị của chế độ phong kiến.
Cùng thời gian đó, chủ nghĩa tư bản non trẻ chuyển sức mạnh kinh tế khỏi tầm kiểm soát của các địa chủ và hướng về giới trung lưu thành thị. Nhà nước càng lúc càng gắn chặt với các nhóm dân tộc – những người đóng góp công sức, của cải và đổ máu cho nó. Đổi lại, những công dân này đòi hỏi quyền tham gia điều hành đất nước. Theo thời gian, yêu cầu tự chủ xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc là cơ sở khai sinh ra nền dân chủ.
Trong thế kỷ 19, các nhà nước dân tộc (nation-state) ở Tây Âu và Mỹ phát triển các định chế dân sự có đủ sức mạnh, như hệ thống luật pháp và giáo dục, giúp hòa nhập các nhóm dân tộc khác nhau vào trong một tính cách văn hóa chung. Sự hòa hợp này giúp các quốc gia thuận lợi trong việc tiếp nhận chủ nghĩa tư bản công nghiệp, phát triển kinh tế quốc dân.
Song đến đầu thế kỷ 20, các mầm mống xung đột bắt đầu xuất hiện giữa chủ nghĩa tư bản tự do và nền dân chủ dân tộc.
Chủ nghĩa tư bản của thế kỷ 19 dựa trên nền tảng thị trường tự do. Nhà nước vào thời kỳ đó không có năng lực lẫn ý chí kiểm soát các hoạt động thị trường, để mặc cho “bàn tay vô hình” của thị trường tự điều chỉnh, tự cân bằng. Mô hình này khiến công dân của họ nhiều lúc phải gánh chịu những tổn thất lớn.
Các chính sách ủng hộ thị trường tự do càng lúc càng bị phản đối, nhất là kể từ khi phần đông các tầng lớp bình dân giành được quyền bỏ phiếu, tham gia quyết định các vấn đề chính trị.
Sau cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1929, kéo theo Đại suy thoái suốt mười năm sau đó, người dân yêu cầu lãnh đạo của mình phải kiểm soát nền kinh tế để bảo vệ họ khỏi những tác động tiêu cực của nó.
Ở một số nước như Đức và Nhật, các chính phủ dân tộc của giới quân sự lên ngôi. Họ tạo ra những tập đoàn kinh tế nhà nước (cartel) và theo đuổi chính sách đế quốc, mở rộng lãnh thổ ra bên ngoài.
Ở Mỹ, chính phủ của Tổng thống Franklin Roosevelt thực hiện mô hình chủ nghĩa tư bản dân chủ xã hội, với các gói trợ cấp phúc lợi cùng những chương trình tạo công ăn việc làm.
Hai cách thức khác nhau, nhưng theo nhà sử học Karl Polanyi, đều cùng một mục đích, giải quyết xung đột của chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do: sự đối lập giữa nhu cầu tự chủ của một quốc gia dân chủ và nguyên tắc của một thị trường tự do không được can thiệp.
Thời điểm sau Thế Chiến I và trước Thế Chiến II, các nhà nước tự do hàng đầu trên thế giới như Pháp, Anh và Mỹ đã nỗ lực tạo nên một trật tự quốc tế nhằm giải quyết thứ xung đột này. Trong đó có các hiệp ước quốc tế, và đặc biệt là ý tưởng thành lập Hội Quốc Liên (League of Nations), tiền thân của Liên Hiệp Quốc sau này.
Cuộc đại khủng hoảng kinh tế vào năm 1929 khiến các thành tựu ngắn hạn nói trên thất bại. Chỉ sau khi Thế Chiến II kết thúc, các quốc gia ủng hộ chủ nghĩa quốc tế tự do như Mỹ và Anh mới học được cách kiểm soát xung đột giữa thị trường tự do và quyền dân tộc tự quyết.
Kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm tái thiết châu Âu thời hậu chiến cung cấp tiền bạc cho các nước với điều kiện họ phải mở cửa nền kinh tế của mình, tham gia vào thương mại toàn cầu. Bằng cách đó, mối liên kết giữa công nhân (hưởng lợi từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ) và những nhà tư bản (được tiếp cận thị trường toàn cầu) được thắt chặt.
Những định chế quốc tế xuất hiện sau năm 1944 như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế cung cấp những gói cho vay và hỗ trợ tài chính để các quốc gia có thể ứng phó với những biến đổi trồi sụt của thị trường toàn cầu.
Các định chế này, cùng với trật tự thế giới thời hậu chiến, không phải nhằm mục đích vượt mặt, tước quyền của các nhà nước, mà được thiết kế để giúp các quốc gia vừa hợp tác trong thị trường toàn cầu, vừa giữ lại sự tự chủ trong chính sách quản lý.
Các nước dân chủ hàng đầu như Pháp, Anh, Mỹ và Tây Đức còn quyết định thỏa hiệp một phần chủ quyền quốc gia (shared sovereignty) khi tham gia các tổ chức quốc tế, một việc có thể giúp cho các quốc gia đó mạnh hơn thay vì yếu đi.
Đáng tiếc là trong những thập niên gần đây, các bài học đắt giá này đã bị lãng quên.
Tách rời liên kết của chủ nghĩa tự do
Bài học thành công của hệ thống trật tự quốc tế bị bỏ qua từ thập niên 1970.
Các vấn đề về kinh tế của Mỹ, thâm hụt thương mại nghiêm trọng, cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất châu Âu và Nhật Bản, tỉ lệ thất nghiệp cao, lạm phát tăng, khiến cho các chiến lược điều chỉnh kiểm soát truyền thống không có tác dụng. Mỹ ngả dần sang hướng thả nổi thị trường tự do.
Toàn cầu hóa trong sản xuất và thị trường làm gia tăng sức mạnh và sự linh hoạt của đồng tiền, tăng quyền lực của các nhà tư bản, trong khi vai trò quan trọng của lực lượng lao động giảm sút. Nó làm cho quan hệ cân bằng, hai bên cùng được lợi giữa nhà tư bản và công nhân không còn có ý nghĩa nhiều như trước.
Hai nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa tự do gắn kết, các biện pháp quản lý kinh tế theo hướng dân chủ xã hội và tính tự chủ của quốc gia, cũng bị lung lay mạnh mẽ trong thời kỳ này.
Nó bắt đầu với sự lên ngôi của chủ nghĩa thị trường tự do chính thống (free-market fundamentalism, những người muốn thị trường phải trở nên tự do một cách tuyệt đối). Đại diện cho nhóm này là các nhà kinh tế như Friedrich Hayek và Milton Friedman.
Các tư tưởng của họ được những nhà lãnh đạo như thủ tướng Anh Margaret Thatcher và tổng thống Mỹ Ronald Reagan áp dụng triệt để. Họ tìm cách cột tay trói chân vai trò của nhà nước, quay lại thời kỳ thị trường hoàn toàn tự do của thế kỷ 19. Không chỉ có các lãnh đạo cánh hữu, những chính khách cánh tả cũng nối bước đi theo. Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, tổng thống Mỹ Bill Clinton và thủ tướng Anh Tony Blair trong các thập niên 1980, 1990 đều tìm cách xóa bỏ các luật lệ kiểm soát tài chính và cắt giảm các chương trình trợ cấp của nhà nước. Những chính sách này gây thiệt hại cho tầng lớp lao động da trắng, đẩy họ xa rời các thể chế nhà nước cùng những đảng cánh tả vốn dĩ luôn bảo vệ lợi ích của họ.
Đòn tấn công khác nhắm vào sự gắn kết của chủ nghĩa tự do đến từ những người ủng hộ nhiệt thành cho sức mạnh tuyệt đối của các định chế quốc tế. Họ xem hình thái nhà nước dân tộc là sản phẩm lỗi thời của lịch sử, sẽ bị các tổ chức quốc tế dần thay thế.
Liên minh châu Âu (EU) là một ví dụ sinh động. Thị trường chung châu Âu được hình thành vào năm 1993, cùng với sự thành lập của EU để quản lý sự lưu thông hàng hóa, tiền tệ và con người. Năm 2002, đồng tiền chung euro được đưa ra cho các nước trong khu vực. Sự xuất hiện của đồng euro khiến các quốc gia thành viên mất đi chủ quyền về tiền tệ, kéo theo đó là sự suy giảm quyền tự chủ trong các chính sách.
Mô hình xuyên quốc gia (transnational) này lại không có nhiều hơi hướng dân chủ. Chủ quyền các nước thành viên chuyển dịch dần về phía những nhà hoạch định chính sách của EU, những người không do người dân châu Âu trực tiếp bầu ra. Bất mãn với những chính sách của EU, người dân các nước thành viên chỉ có thể bầu cho các đại diện trong nước có tinh thần dân tộc, sẵn sàng đối đầu với EU.
Các quốc gia châu Âu lại có những yêu cầu chính sách riêng, theo các yêu cầu khác nhau của cử tri sở tại và đặc điểm kinh tế riêng của mỗi nước. Nhưng khả năng đưa ra các quyết sách riêng bị trói buộc khi EU quy định các chính sách phải được sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Cuộc khủng hoảng người nhập cư vào năm 2015 là một ví dụ cho sự bất đồng trong EU. Khi nước Đức mở rộng cửa đón hàng triệu người nhập cư, EU gây sức ép buộc các thành viên khác mở cửa chia sẻ gánh nặng đón tiếp dân nhập cư. Yêu cầu này phản tác dụng, khi cử tri các nước thành viên, những người có tư tưởng chống nhập cư lập tức quay sang ủng hộ những chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc.
Thông điệp phổ biến của các chính khách dân tộc này là buộc tội những lãnh đạo phản bội của đất nước, chăm chút cho những nhóm người không xứng đáng – dân nhập cư và nhóm thiểu số – trong khi xem thường và bỏ qua lợi ích của những đồng bào trong nước.
Thiên kiến “ưu tiên cho người nhà” (ingroup bias) giúp cho nhiều người dễ dàng tin theo các thông điệp mạnh mẽ này, cho dù nó không có bao nhiêu cơ sở trên thực tế. (Ví dụ như những người chống nhập cư mạnh mẽ nhất lại sống ở khu vực nông thôn, nơi có ít người nhập cư nhất)
Một gương mặt khác trong làn sóng trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc đương đại là sự gia tăng chủ nghĩa dân túy độc tài tại các nước đang phát triển như Brazil, Ấn Độ, Philippines và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giống như sự nổi lên trước đó của các thể chế phi tự do, điển hình là nước Đức ở thế kỷ 19, các quốc gia này tận dụng những lợi thế đi sau (advantages of backwardness) – lao động chi phí thấp, chuyển giao công nghệ, các nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ – để phát triển nhanh chóng. Họ chạm đến giới hạn của sự phát triển này khi đạt mức khoảng ¼ GDP của Mỹ. Sau mốc đó, tốc độ phát triển trở nên ì ạch. Sự thay đổi tiếp theo chỉ đến nếu họ học theo Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tiến hành cải cách mạnh mẽ và áp dụng hầu hết các mô hình của thể chế tự do.
Tuy nhiên trên thực tế, các chính phủ này lại thường né tránh những cải cách tự do. Thay vào đó, để giải quyết các vấn đề về tăng trưởng và tham nhũng, họ càng kích mạnh vào chủ nghĩa dân tộc, thêm đàn áp các ý kiến trái chiều, và đầu tư vượt mức vào các dự án hạ tầng siêu khủng để duy trì sự ủng hộ của giới lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong trường hợp này, những đối tác kinh tế của các nhà nước trên, những người có tư tưởng tự do, có thể lên tiếng để thúc đẩy cải cách. Nhưng rủi ro sẽ là càng kích hoạt thêm các phản ứng mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa dân tộc.
Nếu không hư, đừng có bỏ
Vậy các nhà lãnh đạo phải phản ứng thế nào với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc?
Bước đầu tiên là nhận ra rằng xung đột này không có gì mới. Nó là thứ mà Polanyi đã chỉ ra: sự đối lập giữa thị trường tự do và nhu cầu tự chủ quốc gia.
Chủ nghĩa dân tộc phi tự do chưa bao giờ làm tốt công việc lèo lái đất nước, nhưng nó luôn ngóc đầu dậy đòi giành vô-lăng mỗi khi chủ nghĩa tự do trượt ra xa khỏi làn xe dân chủ.
Lịch sử chỉ ra mối xung đột này đã từng được giải quyết thành công với hệ thống các nhà nước dân chủ được những thể chế quốc tế hỗ trợ, cho phép các quốc gia này điều chỉnh chính sách phù hợp để chống lại tác hại tiêu cực của thị trường, không làm tổn thương người dân của mình.
Để giải quyết bài toán ngày nay, cần phải quay lại chủ nghĩa tự do gắn kết, bỏ đi tư duy kinh tế tự do hoàn toàn cùng sự thống trị của những thể chế xuyên quốc gia. Nó là bài học cơ bản thời hậu chiến: duy trì trách nhiệm dân chủ của mỗi quốc gia, tăng cường điều phối kinh tế qua các thể chế quốc tế, và đàm phán thỏa hiệp các ưu tiên khác nhau.
Sự thỏa hiệp có vẻ là nhiệm vụ khó khả thi ngày nay, khi sự phân hóa, chia phe, chụp mũ ngày càng khốc liệt. Các phe phái đều quyết tâm đến cùng thực hiện “giải pháp đúng đắn duy nhất” của mình. Donald Trump đòi xây tường và cấm người Hồi giáo nhập cư. Đức đòi áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng trừng phạt những nước như Hi Lạp và Ý.
Tuy vậy, chính việc theo đuổi các giải pháp một chiều này, và thất bại của nó, có thể mở ra cơ hội để tái gắn kết chủ nghĩa tự do.
Đạo luật chăm sóc sức khỏe (Affordable Care Act) của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama là một ví dụ gắn kết như vậy. Nó tăng cường hệ thống hỗ trợ của nhà nước dành cho cá nhân, đáp ứng nhu cầu của khu vực tư nhân, là hình ảnh tương tự mô hình cân bằng lợi ích nhà tư bản – người lao động của thời hậu chiến.
Các nước giàu có cũng có thể thực hiện các kế hoạch đầu tư vào những nước có lượng người di cư lớn, nhằm giải quyết vấn đề tại gốc rễ. Các tổ chức quốc tế như EU thay vì áp đặt nên đóng vai trò điều phối, để các thành viên tự quyết định những vấn đề như tiếp nhận người nhập cư.
Ngay cả trong trường hợp các thành viên từ chối tiếp nhận, đó cũng không nhất thiết là điều tiêu cực. Tháng 12/2018, người Hungary biểu tình quy mô lớn chống lại chính sách bắt buộc làm thêm giờ của chính phủ, vốn được đưa ra do tình trạng thiếu hụt lao động. Đối mặt với các vấn đề tương tự, những nước nói không với nhập cư có thể sẽ sớm phải suy nghĩ lại.
Bất chấp những hệ quả tiêu cực của chủ nghĩa dân tộc, hình thái nhà nước dân tộc vẫn là mô hình chính trị ổn định và đáng tin cậy nhất để duy trì nền dân chủ. Và như lịch sử hàng trăm năm trước cho thấy, yêu cầu về trách nhiệm dân chủ là tiền đề cho sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Thay vì nghĩ đến việc gạt bỏ chủ nghĩa dân tộc, hoặc bỏ đi chủ nghĩa tự do, người ta hoàn toàn có thể quay về bản hôn ước ngày trước, kết hợp hai cá tính tưởng chừng bất cộng đái thiên này.
Khi cả hai bên đều cần có nhau, mọi sự kết hợp đều là món hời, và tất cả mọi người đều sẽ được hưởng lợi.
***
Từ khóa:
xuyên quốc gia: transnational (adj)
cải cách: reform (v), cuộc cải cách, sự cải cách: reformation (n)
thâm hụt thương mại: trade deficit (np)
lạm phát: inflation (n)
chủ quyền quốc gia: state sovereignty (np)
quyền dân tộc tự quyết: self-determination (np)
thỏa hiệp: compromise (n) (v)
Nguồn: Luật Khoa
Mục lục