Những năm làm phóng viên báo Lao Động tôi viết nhiều phóng sự tốn rất nhiều thời gian và nguy hiểm tính mạng như loạt bài “Lũy thép trên sông” viết về cầu Hàm Rồng. Khi tôi đứng trên cầu hỏi chuyện mấy anh thợ hàn thành cầu thì máy bay Mỹ xoẹt qua ném một loạt bom. May cho tôi, bom không trúng cầu mà nổ dưới lòng sông. Vậy mà loạt bài này chỉ được nhận xét là tốt, nhưng không được giải thưởng. Bài báo được ban chấm giải báo chí quốc gia lần đầu tiên của miền Bắc trao giải nhì, tôi bỏ ra rất ít công sức.
Trong một lần được vào viết về anh Nguyễn Văn Mộc, chiến sĩ thi đua ở Xưởng Săm lốp Ô tô Hà Nội, tôi đã đến thăm gia đình anh, rất cám cảnh khi biết vợ anh bị mù. Trong bài viết lần đó, Chuyện Người Vợ Mù chỉ là để làm nổi bật thêm cái khó khăn mà người chiến sĩ thi đua Nguyễn Văn Mộc phải vượt qua. Ngày 29-4-1961 tòa soạn lên trang báo kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Ở các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đều coi ngày 1 tháng 5 là một trong những ngày lễ quan trọng, bởi là dịp biểu dương và khẳng định vai trò của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng. Báo Lao Động phải nỗ lực sao cho xứng tầm là tiếng nói của giai cấp công nhân. Phó tổng biên tập Ngô Tùng phát hiện: thiếu một bài viết ca ngợi sự đổi đời của giai cấp công nhân sau khi giải phóng miền Bắc. Trưởng ban tuyên truyền đời sống công nhân Trần Bá Đa bị “gõ” vì thiếu sót này. Ông hốt hoảng gọi tôi: “Cậu cấp tốc giải nguy được không?” Tôi ngồi vào bàn, hoàn thành bài “Tôi thấy rất rõ” chỉ trong vòng một giờ.
Tôi thấy rất rõ.
Tôi không mời bạn đến thăm những khu nhà ba tầng lộng lẫy của anh em công nhân Hồng Quảng trước cảnh Hạ Long kỳ ảo. Tôi cũng không mời các bạn đến thăm những giải nhà ăn phúc lợi thênh thang của nhà máy dẹp Nam định mỗi ngày một đổi mới.
Các bạn đã đi nhiều trên khắp nẻo đường kiến thiết; các bạn đã thấy biết bao cảnh đẹp đẽ trên mình Tổ Quốc đổi thịt thay da. Những chuyện phong phú ấy chúng ta có thể cho nhau nghe đêm nay trăng đêm khác cũng không sao hết được.
Có một người không được may mắn như chúng ta, chỉ bị mù loà và 6 năm trời nay vẫn quanh quẩn trong gian nhà trên gác 2, số 110 phố Khâm Thiên. Đó là vợ chồng chị Mộc, công nhân xưởng xăm lốp ô tô Hà Nội. Chị làm sao thấy được những điều chúng ta đã thấy. Thế mà chị một mực không bằng lòng nếu có ai bảo rằng chị không còn thấy được gì. Nếu ai là người thân thiết với chị và hỏi chị “Có thấy cuộc đời thay đổi gì không” thì chị mừng rỡ, mồm lắp đi lắp lại câu: “Thấy chứ! Tôi thấy tất cả.” Thế là chị bắt đầu kể lể say sưa. Chị kể mãi không bao giờ hết những điều mà chị đã thấy trong sáu năm nay trong căn nhà nhỏ. Giọng chị tha thiết sôi nổi và vào đầu bao giờ cũng có đoạn lướt qua cả chuỗi ngày xưa.
… “1945, đã qua thời kỳ ăn cháo loãng làm không công để học việc, thế mà chúng tôi yêu nhau cũng phải dành dụm bốn năm liền mới có tiền làm lễ cưới! Cưới nhau rồi phải tìm nơi ở trọ năm bảy gia đình dồn chung một xó. Nhà tôi làm nhà máy đá xi măng. Máy tự nhiên hỏng. Thằng cai buộc tội nhà tôi phá máy, đánh đập tàn nhẫn, rồi sa thải. Từ đó hai vợ chồng đi lang thang kiếm ăn, khi làm bồi bàn, bồi bếp, khổ nhục gian nan kể sao cho xiết. Mãi đến năm 1951 vợ chồng tôi mới đùm đậu xin trọ ở cái xó hẹp tầng dưới nhà này. Bấy giờ nhà tôi xin làm thợ cơ khí ở Hàng Bún, còn tôi thì mua gánh bán bưng. Gian nhà tôi ở hiện nay và cả tầng dưới, lúc ấy là nơi chứa cô đầu, đêm ngày khách chơi tấp nập. Tôi đã từng chứng kiến biết bao cảnh sa ngã đau lòng…”
Sắp kể sang phần mới chị hay dừng lại giây lâu, có lẽ để lắng đi nỗi buồn xưa cũ và chuẩn bị khơi dậy niềm vui mới, như nhạc sĩ sắp chuyển giai điệu vậy.
“… hòa bình lập lại. Chị em cô đầu được tập trung đi học tập, rồi đưa giao cho việc làm. Vợ chồng tôi được chuyển lên ở gian nhà rộng rãi này. Từ đó tôi không còn nhức óc vì những tiếng đàn não nuộc ê chề và tiếng khóc đứt ruột giữa canh khuya nữa. Một đêm, tôi nghe nhà tôi học đánh vần. Vài hôm sau nhà tôi sắm sách vở cho các con chúng tôi đi học bình dân.
Nghe tiếng ngòi bút soàn soạt tôi hình dung thấy bàn tay nửa đời cầm búa chai cứng của nhà tôi đang vụng về đưa quản bút trên trang giấy trắng. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Tôi khóc vì sung sướng quá.
Do đó, gia đình đang túng thì nhà tôi mang về hai bộ quần áo và hai tạ gạo. Anh nói quần áo của anh em trong tổ công đoàn cho, gạo của chính phủ cứu tế. Tôi lấy làm lạ. Anh em cùng làm trong tổ bây giờ thật là thấu hiểu hoàn cảnh gia đình của nhau và tận tình lo lắng giúp đỡ. Còn việc làm thì đã có lương rồi mà mình cũng chưa đến nỗi đói, thế mà chính phủ đã cứu tế. Mùa đông năm 1957, tôi lại được công đoàn giúp cho 20 đồng để chống rét cho các cháu. Lần đầu tiên tôi trở lên mình chồng mình con, thấy có cái áo bông. Nắn cổ tay con tròn lẵn, tôi biết khuôn mặt chúng nó hồng hào.
Nhà tôi được bình chiến sĩ thi đua và được bằng khen. Điều đó cũng làm cho tôi thấy lạ. So với nỗi tủi nhục ngày xưa thì việc làm của nhà tôi bây giờ có cực nhọc là bao! Thế mà lại bình bầu khen thưởng!
Nhưng nhà tôi giải thích rằng: “Sở dĩ được như thế là vì công dân mình bây giờ là chủ đất nước.”
Thỉnh thoảng chị em cô đầu ngày trước, giờ đi làm ở nông trường, công trường về thăm chúng tôi. Các cô ấy vui quá! Họ kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện: nào là đường sắt đã nối liền Thái Nguyên – Hà Nội; nào là các công trường đều có nhà giữ trẻ… các cô ấy tỏ ý tiếc cho tôi không được đi được thấy. Nhưng các cô ấy có biết đâu rằng, từ trong gian nhà nhỏ này, tôi cũng đã nhìn thấy được biết bao nhiêu điều đổi mới của cuộc đời. Đêm xưa nghe tiếng nấc, tôi biết các cô đang chau mày đau khổ. Sáng nay nghe các cô cười ríu rít, tôi biết đời đã vui lắm.
Tôi thấy gian nhà của tôi ngày một chật, vì ở đầu giường có thêm cái tủ, phía ngoài dựng chiếc xe đạp. Tôi thấy tất cả sự thay đổi ấy. Một sáng tháng 5, tôi nghe nhà tôi cưa ván đóng khung lồng ảnh Bác. Tôi biết tất cả sự thay đổi này là nhờ ơn Bác.”
Chị Mộc ngẩng mặt nhìn đúng bức ảnh Bác treo giữa tường nhà. Điều đó làm cho tôi tin rằng, thực quả là chị thấy tất cả! Chị không phải nhìn màu sắc bằng đôi mắt mà đón cuộc sống tưng bừng ngoài kia tràn vào khung cửa bằng cả trái tim.”
Giải báo chí quốc gia lần thứ nhất: Giải nhất bài “Ba lần đuổi kịp trung nông của Hà Đăng (sau này là tổng biên tập báo Nhân Dân, rồi Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương) viết về hợp tác xã Đại Phong, Quảng Bình lá cờ đầu của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp miền Bắc. Hai giải nhi: bài “Thợ hàn lò cao” của Chính Yên báo Nhân Dân, biết về phong trào luyện tay nghề, đi vào khoa học kỹ thuật ở khu gang thép Thái Nguyên (Chính Yên và Trần Đĩnh bị quy có tư tưởng xét lại, chống Đảng) và bài “Tôi thấy rất rõ” của tôi. Báo Lao Động còn có bài “11 cô gái kiện tướng” của phó tổng biên tập Hoàng Trọng Đỉnh được giải bốn (có 4 giải bốn).
Tôi đưa nguyên văn bài “Tôi thấy rất rõ” vì nó là loại bài khá tiêu biểu cho cách viết đáp ứng yêu cầu công tác tuyên truyền của Tuyên huấn đảng cộng sản là ca ngợi chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó nó được chọn đưa vào giáo trình của Khoa Báo chí thuộc Trường Tuyên huấn Trung ương Đảng.
Ở miền Bắc thời đó, cán bộ nhân viên phải từ ba đến năm năm mới được nâng lên một bậc lương. Năm 1960, tôi là phóng viên bậc một, nhưng nhờ viết được bài báo đoạt giải nhì và nhiều bài báo đáp ứng yêu cầu tuyên huấn nên đã chứng tỏ có năng lực, ngày nay gọi đó là năng lực làm bồi bút cũng không sai, cho nên tôi được lên bậc lương hằng năm, chậm lắm là hai năm. Đến năm 1975, tôi đã lên bậc chuyên viên hai, đủ tiêu chuẩn để được cử vào miền Nam làm tổng biên tập tờ báo Lao Động Mới.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (28): Chủ tịch Đảng Trung Chính Việt Nam
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (30): Con trăn thần