Seite auswählen

Sau giải phóng miền Bắc, sản xuất nông nghiệp có phát triển đôi chút, nhưng sau khi hoàn thành hợp tác hóa thì năng suất lúa sa sút dần. Đảng không ngừng khuyến khích phong trào nông dân “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” và “Tăng cường liên minh công nông, tích cực phục vụ nông nghiệp”. Nhưng ở đâu cũng nghe câu ca dao mới “Mỗi người làm việc bằng hai. Để cho chủ nhiệm mua đài sắm xe. Mỗi người làm việc bằng ba. Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân” nói lên nỗi bất bình trước nạn tham nhũng. Và câu tục ngữ mới: “Ăn cơm trước kẻng” là sự phản ứng của nông dân bỏ bê việc hợp tác xã để có thì giờ chăm chút mảnh đất 5 % của riêng mình. Trong hội nghị tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp miền Bắc, thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc lá thư của lá cờ đầu phong trào hợp tác xã nông nghiệp tỉnh Hà Tây tố cáo một đội xe thuộc công ty vận tải hàng hóa Hà Nội, do không được “bồi dưỡng” đã từ chối chở phân vào tận kho. Dù hợp tác xã tha thiết yêu cầu, họ vẫn cứ đổ phân ngoài đường cách kho chứa phân hơn 200m. Giữa lúc thiếu nhân công mà hợp tác xã phải cắt ra 200 người chuyển phần vào kho! Đọc xong lá thư, ông thủ tướng gằn giọng từng lời đanh thép cho rằng, những việc như vậy không thể để tiếp tục xảy ra trong giai cấp công nhân, làm xấu đi quan hệ liên minh công nông. Cả hội trường phẫn nộ. Chột dạ nhất là những người lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vì tự thấy mình có trách nhiệm làm “trường học chủ nghĩa xã hội của giai cấp công nhân” mà đã để cho đoàn viên công nhân tha hóa đến như vậy! Kế đó là những người làm báo Lao Động, cơ quan ngôn luận có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, vận động và tổ chức phong trào hành động cách mạng của giai cấp công nhân, không kịp thời phê phán chuyện xấu xa tày đình như vậy!

Tôi, một phóng viên chuyên theo dõi đời sống công nhân, nhưng lại được giao đi điều tra vụ này. Tôi không tốn nhiều công sức điều tra, bởi sự thật đã bày ra trước mắt: xe từ tỉnh lộ vào còn cách kho phân một quảng đồng thì dừng lại. Từ đây băng qua kho phân chỉ khoảng 200m, mùa này nắng nóng như thiêu, mặt đất khô nứt nẻ. Vậy tại sao các anh lái xe không chịu chạy xoẹt qua quảng đồng để đỡ tốn công sức của 200 nhân công giữa ngày mùa? Câu trả lời chỉ có thể là: Họ ngấm ngầm vòi vĩnh! Tại sao hợp tác xã không trả giá cho sự vòi vĩnh đó, nó rẻ hơn tốn phí 200 nhân công. Ông tân chủ nhiệm đã nói rồi: “Đạo đức xã hội chủ nghĩa không cho phép chúng tôi chiều cái thói vòi hối lộ như thế!”

Tôi viết bài báo không khó khăn gì, chỉ là làm rõ thêm các tình tiết đã có trong lá thư của hợp tác xã lá cờ đầu gửi lên Thủ tướng. Tòa soạn giục nộp bài. Tôi nói với anh Đinh Gia Bảy, Ủy viên ban biên tập chờ tôi đưa bài cho giám đốc công ty vận tải hàng hóa Hà Nội đọc xem họ có ý kiến thế nào. Các anh đều bảo không cần: “Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân Hà Nội, Liên hiệp Công đoàn Hà Nội còn đang hối hả còn hơn cả chúng ta, họ đã chỉ đạo việc kiểm điểm từ dưới lên trên. Bài này đăng lên báo xong, chỉ có việc là đòi họ nhanh chóng nghiêm khắc tiếp thu và đề ra phương pháp sửa chữa, có thể họ phải cử đại biểu đi xin lỗi bà con nông dân đấy!”

Tôi mang tờ báo nóng hổi tới 14 Hàng Nón, nhà riêng của anh Phúc Kính (anh Phúc cận thị phải mang kính nên gọi kèm theo tên) Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, thư ký Công đoàn Công ty Vận tải Hàng hóa Hà Nội để bàn với anh chuyện góp ý giám đốc công ty viết bài tiếp thu phê bình nhanh chóng kịp đăng vào số báo sắp tới. Anh Phúc Kính nhận lời một cách vui vẻ. Nhưng sáng hôm sau anh Phúc Kính gọi điện cho tôi biết đã xảy ra chuyện trục trặc chưa giải quyết được. Tất cả anh em đội xe vận chuyển phân bón hôm đó kiên quyết không chịu nhận khuyết điểm. Họ nói nếu kỷ luật vô lý thì họ phản đối tới cùng! Anh Phúc Kính yêu cầu tôi chiều hôm đó sang công ty để cùng bàn với đảng ủy, giám đốc, và tổ chức công đoàn tìm cách giải quyết. Chiều hôm đó, cùng tiếp tôi còn có thêm bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản, phía chủ nhà ngồi chật cả phòng. Tôi cảm thấy mình có lỗi vì đã không sớm đến với họ, không “nghe hai tai”, gây rắc rối cho họ. Nhưng lạ thay họ không hề khiển trách tôi mà coi tôi chỉ là người đã chấp hành chỉ thị của thủ tướng và giờ đây đang đến để cùng họ tìm cách gỡ rối!

Tổng giám đốc công ty cho biết, anh em đội xe hôm đó từ chối không chở hàng hóa chạy băng ngang qua cánh đồng 200m là họ nghiêm túc chấp hành quy định về kĩ thuật. Nguyên tắc vận tải hàng hóa chỉ cho phép xe tải chạy trên mặt đường có đủ sức chịu tải trọng đúng theo quy định kĩ thuật. Xe không được phép chạy trên đồng ruộng, dù với mắt nhìn thấy mặt ruộng khô nẻ. Bởi vì không ai dám đảm bảo ở bên dưới một hai tấc đất khô không có bùn nhão. Làm sao đảm bảo sẽ không bị sa lầy? Nếu xe bị sa lầy thì 200 nhân công của hợp tác xã cũng không thể kéo lên được! Rắc rối to!

Chao ơi, sự thật giản đơn như vậy mà tôi không nghĩ ra! Ông giám đốc đề nghị giải pháp cần tìm:

1 – Đảm bảo sự chấp hành chỉ thị của thủ tướng một cách nghiêm túc, không gây ra nghi ngờ về “sự sáng suốt” của đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ.

2 – Đảm bảo uy tín của tờ báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam.

3 – Bảo vệ được hành động đúng đắn của anh em đội xe.

4 – Tôn trọng ý muốn của bà con nông dân, nhưng giải thích có lý có tình để bà con thông cảm.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhưng tự nghĩ, mình không đáng được hưởng nhiều sự “đảm bảo” đến thế! Bốn cái “đảm bảo” của ông giám đốc, thật ra thì họ đã bàn bạc thâu đêm cặn kẽ rồi mới mời tôi sang. Bây giờ chỉ có việc chia ra từng bước mà thực hiện. Trước tiên, công ty có công văn gửi báo lao động xin thành khẩn tiếp thu bài báo đã thẳng thắn chỉ ra nhiều nội dung bổ ích, hứa sẽ kiểm điểm nghiêm túc, chân thành, cảm ơn tờ báo của giai cấp công nhân và phóng viên viết bài. Cuối cùng là bản kiểm điểm chân tình một cách cẩn thận, nhẹ nhàng, nhưng chỉ rõ ra sự vô tội của đội xe.

Đúng ra việc cần làm không phải chỉ có vậy! Chẳng lẽ hệ thống giúp việc của thủ tướng không có trách nhiệm gì khi trao cho ông tài liệu nói trước cả ngàn cán bộ chủ chốt những điều không đúng bản chất của sự việc? Chẳng lẽ, tôi, một phóng viên đi viết bài điều tra, nhưng không điều tra gì cả mà vẫn được miễn trách nhiệm bởi vì mọi công cụ tuyên truyền của đảng đều phải được bảo vệ? Chẳng lẽ…

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (30): Con trăn thần

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (32): Viết ký sự anh hùng lao động