Seite auswählen

Trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ còn hai thành phần kinh tế là hợp tác xã và quốc dân, cho nên không có cạnh tranh thúc đẩy sản xuất phát triển. Sau Cách mạng tháng Mười, Lênin đề ra phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa nhằm thay thế cho cạnh tranh. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh vận dụng có “sáng tạo” bài học đó với tên mới thi đua yêu nước. Có điều, cạnh tranh là nỗ lực của từng xí nghiệp, ngành hàng, không có sự lãnh đạo của một tổ chức chính trị, không có phong trào, chọn và bồi dưỡng điển hình, không có bình bầu các danh hiệu chiến sĩ, anh hùng. Có lẽ vì sự khác nhau đó mà không ai đánh giá tác dụng của thi đua giống như Karl Marx đánh giá cạnh tranh: “Đối với lao động, cạnh tranh có ý nghĩa trọng yếu như phân công vậy. Nó cần thiết cho việc thiết lập sự bình đẳng.” (Sự khốn cùng của triết học)

Ở nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa cứ 5 năm tổ chức một kỳ Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua. Năm 1966 Đại hội lần thứ tư mang tên đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước. Tên gọi đã nói lên mục đích phục vụ cho cuộc chiến đang ở thời điểm quyết liệt nhất. Báo cáo của đại hội do phó thủ tướng Lê Thanh Nghị trình bày có câu: “Dân tộc anh hùng, thời đại anh hùng, tất nhiên sản sinh ra nhiều người con anh hùng.”

Báo Lao Động phân công tôi viết tin đại hội anh hùng và ký sự các nhân vật anh hùng. Báo cáo của đại hội chỉ nêu tên năm nhân vật đặc sắc nhất của các ngành, trong đó cô thợ dệt Đào Thị Hào được nói trước nhất, lại được cái thành tích: “Đồng chí Đào Thị Hào một mình điều khiển 24 máy dệt suốt mấy năm liền với năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, tiết kiệm từng mẫu sợi, anh dũng tham gia chiến đấu nhiều trận, quên mình bảo vệ của công.” Lý lịch gia đình của cô Hào có nhiều điều thuộc vào loại kiêng kỵ của chế độ như: tín đồ công giáo nhiều đời; người anh trai là lính của quân đội Pháp chiếm đóng Nam Định, nay là thợ cắt tóc. Đào Thị Hào đã phải phấn đấu vượt bậc để được xếp vào tốp đầu của 29 công nhân sắp được tuyên dương danh hiệu anh hùng lao động. Do đó, các nhà báo, nhà văn tranh nhau xin gặp Đào Thị Hào. Tôi hẹn gặp chị cùng với nhà thơ Thái Giang, tác giả Lửa sáng rừng đoạt giải nhất về thơ của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong buổi gặp đầu tiên, khi mời chúng tôi uống nước, Đào Thị Hào hỏi “Gia đình hai anh sống ở đâu?” Thái Giang vui vẻ khoe vợ anh là cô giáo ở Hà Nội đã có hai con và giành trả lời thay cho tôi: “Còn cái ông Công này thì còn phải chạy ‘mòn lốp xe đạp’” (ý nói còn chạy tìm vợ mòn cả lốp xe đạp). Buổi chiều, tôi đi tới một mình, xin lỗi cô Hào vì lúc sáng không tiện đính chính chuyện anh Thái Giang nói đùa, thực ra tôi đã lập gia đình và có một con.

Quan hệ giữa hai bên như vậy là rạch ròi: một anh nhà báo đã có gia đình hỏi chuyện nữ anh hùng lao động chỉ nhằm mục đích viết được bài báo chân thật. Do đó cuộc hỏi chuyện rất cởi mở. Cô Hào đã kể cho tôi nghe về nhiều chuyện riêng tư, do đó sau này tôi được bạn bè gọi đùa là “chuyên gia về Đào Thị Hào”. Ban đầu tôi không có ý định viết một quyển sách mà chỉ viết một bài báo đăng trước ngày khai mạc đại hội thi đua toàn quốc. Để tăng sức thuyết phục người đọc, tôi viết theo cách nhân vật tự kể về mình. Điều đó khó cho tôi là một chàng trai Bến Tre của miền Nam phải viết độc thoại cho cô gái Nam Định, Bắc Kỳ. Báo đang in thì có lệnh hoãn Đại hội lại sau ba tháng. Do đó khi Đại hội sắp khai mạc, tôi phải viết bài thứ hai về Đào Thị Hào. Nhà thơ Hải Như thấy tôi đã viết được hai bài về Đào Thị Hào nên yêu cầu tôi viết dùm một bài nữa cho báo Cứu Quốc. Nhà xuất bản Lao Động thấy tôi đã có tới ba bài báo viết về Đào Thị Hào nên gọi tôi ký hợp đồng viết một quyển sách. Tôi chỉ viết thêm bài thứ tư nữa là đã có quyển sách gần 100 trang với tựa đề “Mơ ước và chiến công”. Bất ngờ Cục xuất bản của Bộ Văn hóa Thông tin thông báo về sự “đụng hàng”. Có ba người biết về Đào Thị Hào: nhà xuất bản Thanh Niên xin phép in sách của nhà văn Huy Phương viết về Đào Thị Hào; nhà xuất bản Phụ Nữ xin in sách của nhà văn Mộng Sơn cũng biết về Đào Thị Hào. Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng cho rằng còn 28 anh hùng lao động được tuyên dương tại kỳ đại hội này, nhưng chưa có ai viết, do đó không thể cho phép in 3 quyển sách về một người. Cục xuất bản yêu cầu ba nhà xuất bản nộp bản thảo viết về Đào Thị Hào lên Ban Tuyên huấn Trung ương. Ông Trần Quang Huy Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đọc cả ba bản thảo và ông chọn quyển “Mơ ước và chiến công” của tôi (bút danh là Tống Văn) với lời phê: “Tôi rất xúc động khi đọc quyển sách này và đề nghị cho in số lượng lớn và vận động toàn miền Bắc đọc cùng với quyển ‘Sống như anh’ viết về anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.” Thực hiện lệnh này, nhà xuất bản Lao Động cho in 50.000 quyển “Mơ ước và chiến công”, Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng Liên đoàn Lao động ra văn thư liên tịch chỉ đạo ngành văn hóa thông tin và hệ thống công đoàn phối hợp tổ chức cho toàn miền Bắc đọc sách. Sau này, Đào Thị Hào nói riêng với tôi: “Hai nhà văn Huy Phương, Mộng Sơn bỏ công sức nhiều hơn anh gấp bội. Chị Mộng Sơn đã một năm sống thực tế ở nhà máy, cùng ăn cùng ở với chúng em. Anh Huy Phương cũng đi thực tế ở đây nửa năm. Anh chị ấy có kế hoạch viết một quyển sách ngay từ đầu chứ không phải như anh. Em rất tiếc sách họ không được duyệt.” Tôi không đọc được sách của hai “đối thủ” của mình trong vụ này, do đó tôi chỉ đoán mò có lẽ là nhà văn họ không sành công việc tuyên huấn của Đảng như tôi để thể hiện các “tính cách” cần phải có của một điển hình lao động tập thể xã hội chủ nghĩa? Sau Đại hội Anh hùng tôi xuống Nam Định công tác thì anh Hoàng Minh, trưởng ban Tuyên huấn Liên hiệp Công đoàn kể một chuyện không vui vừa xảy ra: phóng viên L. B. của Việt Nam Thông tấn xã gửi đơn kiện Đào Thị Hào, vì sau khi được bầu anh hùng lao động, cô muốn trèo cao hơn đã chấm dứt quan hệ tình cảm với anh ta. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết tuần sau sẽ họp để xem xét việc này. Tôi nói với anh Hoàng Minh nên kiến nghị với tỉnh ủy đừng xem xét việc riêng tư này. Dù đã là vợ chồng, người ta cũng có thể li dị khi không còn yêu nhau, uống hồ chỉ mới là “quan hệ tình cảm”. Ít lâu sau, anh Hoàng Minh cho biết, tỉnh ủy hủy bỏ chuyện xem xét đơn kiện. Anh chàng L. B. bị đá là vì cô Hào phát hiện anh ta tuy đã là phóng viên ở cơ quan trung ương mà vẫn còn “bạch vệ” (tức là chưa được vào đảng). Thế thì bị “đá” quả là không oan. Nghe vậy, tôi chỉ phì cười! Quan tâm nhân vật của mình, tôi ngõ ý muốn đứng ra mai mối cho cô “một người xứng đáng”. Trong dịp Hào lên Hà Nội, tôi đèo cô bằng xe đạp đến khu nhà tập thể của Bộ Ngoại giao ở đường Trần Hưng Đạo thăm nhà anh Nguyễn Giáp (lúc đó anh là Vụ phó Vụ châu Á, sau này là đại sứ đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Nhật Bản). Anh Giáp rất niềm nở, nhưng Hào thì lặng lẽ. Lúc ra đường, với giọng cười cợt cô hỏi: “Anh định giới thiệu ông ấy làm bố em đấy phỏng?” Tôi vừa ngạc nhiên vừa bực mình đáp: “Cô đã 29, anh ấy 43, sao lại là bố? Thôi, để xem cô chết già!” Cô đáp: “Vâng, thà chết già!” Cô về Nam Định, khoảng hai tháng sau lên Hà Nội, cho tôi xem ảnh anh Nguyễn Văn An lúc đó là kỹ sư học ở Liên Xô về làm ở Sở điện lực Nam Định. Tôi kêu lên: “Ô, đẹp trai quá!” Không nói ra, nhưng tôi nghĩ anh này có lẽ nhỏ tuổi hơn cô Hào. Sau này biết anh hơn có một tuổi. Năm 2001, Nguyễn Văn An được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Nhà thơ Hải Như so sánh quyển sách tôi viết về Đào Thị Hào với quyển “Sống như anh” của anh Thái Duy (bút danh là Trần Đình Vân) và cho rằng đọc “‘Mơ ước và chiến công’ thấy rõ Đào Thị Hào là một cô gái thùy mị, nết na, vừa khiêm tốn học hỏi chị em, lại vừa gương mẫu lôi kéo chị em. “Sống như anh” của Thái Duy chưa làm rõ cá tính Nguyễn Văn Trỗi.” Hóa ra điều được khen là hay nhất lại là điều xa sự thật nhất! Xin kể chuyện này: 20 năm sau, tôi từ Sài Gòn trở ra Hà Nội làm tổng biên tập báo Lao Động. Lúc này Đào Thị Hào làm giám đốc nhà máy dệt Dân Sinh, nhưng quản lý không tốt, nhà máy lụn bại sắp sụp đổ. Ở chế độ xã hội chủ nghĩa sau khi được bầu danh hiệu anh hùng lao động thì sẽ được đề bạt vượt cấp.

Công nhân Nhà máy Toa xe Lê Minh Đức trở thành Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường sắt. Công dân dệt Cù Thị Hậu trở thành Chủ tịch Công đoàn ngành dệt, cuối cùng là Ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, đến nay vẫn đang là Chủ tịch Hội người Cao tuổi. Đó là những chức vụ “ăn theo nói leo”. Đào Thị Hào thất bại vì không được giao một việc “ăn theo nói leo” mà làm giám đốc một nhà máy, đòi hỏi phải có kiến thức quản lý kinh tế. Báo Lao Động đăng bài của một cộng tác viên ở Nam Định phân tích những sai phạm trong quản lý do sự kém cỏi của giám đốc Đào Thị Hào. Đã quen được ca tụng, nay lại là phu nhân của ông Ủy viên Trung ương, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng làm sao chịu được sự chê bai.

Chống lại báo lao động thì ngại đụng chạm tôi, dù sao cũng đã từng có quan hệ như là ông anh với cô em. Hào đến Tổng Liên đoàn Lao động đòi gặp phó chủ tịch Cù Thị Hậu, là người học làm thợ dệt ở Nam Định khi Hào đã nổi tiếng và sắp trở thành anh hùng. Người bảo vệ cơ quan cho biết phó chủ tịch Cù Thị Hậu đang chủ trì cuộc họp, do đó không thể tiếp khách. Hảo nói với người bảo vệ: “Tao muốn hỏi con Hậu, có phải nó định dùng tờ báo Lao Động để đánh chồng tao (ý muốn nói bôi xấu vợ tức là bêu rếu chồng)?”

Bà Cù Thị Hậu nghe chuyện chỉ lắc đầu im lặng, còn tôi thì nhớ lại lời khen của nhà thơ Hải Như để tự rút ra cho mình bài học về viết ký sự nhân vật: Có thật tôi đã miêu tả trung thực một nhân vật anh hùng đang được vận động thanh niên cả nước học tập? Hóa ra tôi đã góp phần khuyến khích xã hội tôn vinh một mẫu người thượng tôn thành tích mà không cần trau dồi nhân cách!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (31): Bài viết theo chỉ thị của thủ tướng

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (33): Khiếu nại là phụ lòng tập thể chi bộ