Năm 1967 tôi làm phóng viên thường trú của báo Lao Động ở vùng than Quảng Ninh. Liên hiệp Công đoàn Quảng Ninh do ông Lê Bùi làm chủ tịch sắp xếp cho tôi ăn ở cạnh cơ quan trong một hốc núi vùng Khe Hùm, hằng ngày đi lại bằng xe đạp đến các mỏ than sưu tầm tài liệu.
Một lần đến mỏ than Cọc Sáu tôi được một nhân viên phòng hành chính là Kế chăm sóc rất chu đáo. Anh Kế gầy ốm, miệng méo vì bị gãy xương hàm, nói hơi ngọng. Anh không để tôi đến nhà ăn tập thể mà mang cơm về nhà khách cho tôi. Mỗi sáng anh đi mua thức ăn điểm tâm giúp tôi, pha trà mời tôi. Đặc biệt anh rất hay hỏi về tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Tôi cảm mến, hỏi thăm và được anh kể chuyện đời riêng. Anh là thương binh bị gãy xương quai hàm ở trận Điện Biên Phủ. Sau khi rời quân đội, anh được phân công về đây làm nhân viên hành chính. Ở thời ấy ít ai muốn sống suốt đời với vùng mỏ. Người ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định vào đây làm thợ mỏ, ky cóp năm mười năm có lưng vốn thì trở về quê. Thanh niên ra đây làm ăn, đến tuổi lập gia đình, bố mẹ gọi về quê lấy vợ. Vùng mỏ rất hiếm các cô gái chưa chồng. Anh Kế luống tuổi, miệng méo, ngọng nghịu càng khó lọt vào mắt các cô gái vốn đã “cao giá”. Tại nhà ăn cơ quan có một cô cấp dưỡng đẹp người, tốt nết, luống tuổi mà vẫn phòng không, chỉ vì ông bố xưa kia là thư ký của chủ mỏ người Pháp. Thời này, giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng, việc chọn vợ trước hết phải có “lập trường giai cấp”. Tuy vậy, do hoàn cảnh éo le của mình nên anh Kế và cô cấp dưỡng dễ tìm đến nhau. Chi bộ Đảng sớm phát hiện mối quan hệ bị coi là “bất chính” và anh Kế được các đồng chí của mình nhắc nhở trong cuộc họp thường kỳ. Bí thư chi bộ là một đồng chí miền Nam tập kết hỏi: “Là một đảng viên Cộng sản, đồng chí có thể gọi kẻ thù giai cấp là bố vợ được hay sao?” Anh Kế thừa nhận trước chi bộ mình sai lầm và hứa sẽ chấm dứt mối quan hệ bất chính này! Nhưng ra khỏi cuộc họp chi bộ thì tiếng gọi của tình yêu lại mạnh hơn! Anh Kế vẫn không thể chấm dứt “quan hệ bất chính” với cô cấp dưỡng đẹp người, ngoan nết. Cuối cùng, chi ủy đưa anh ra kiểm điểm trong cuộc họp chi bộ bất thường và quyết định khai trừ anh ra khỏi Đảng. Sau khi bị khai trừ anh Kế lẵng lặng đưa cô cấp dưỡng về sống chung. Nghe xong, tôi bảo chi bộ quyết định khai trừ anh là sai. Anh yêu cô cấp dưỡng, một người lao động thì tại sao lại bị khai trừ. Anh nên viết đơn khiếu nại, tôi xin mang lá đơn của anh đi gặp lãnh đạo tỉnh ủy Quảng Ninh đấu tranh bảo vệ anh. Thật không ngờ, anh nhất quyết từ chối: “Tôi rất cảm ơn đồng chí, các đồng chí đều rất yêu thương tôi, muốn bảo vệ lý lịch quân nhân, đảng viên cho tôi. Nhưng tôi không đủ tinh thần cách mạng và lập trường giai cấp, đã phụ lòng của các đồng chí. Vậy mà nay lại còn làm đơn khiếu nại thì vô ơn quá, tệ bạc quá, tôi không thể làm như thế được!”
Dù anh Kế kiên quyết từ chối việc khiếu nại, tôi vẫn đi gặp ông Thúc Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Than Quảng Ninh để yêu cầu ông can thiệp. Ông Thúc bảo, bản thân người bị khai trừ đã chấp nhận việc đó là đúng, kiên quyết từ chối khiếu nại, vì vậy thì chúng ta không nên bới chuyện ra làm gì! Tôi lại mang chuyện này lên ông Lê Bùi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, chủ tịch Liên hiệp Công đoàn, đề nghị tỉnh ủy xem xét lại quyết định kỷ luật này. Ông Lê Bùi cũng có ý kiến giống như ông Thúc. Hóa ra ý nghĩ cho rằng quyết định kỷ luật hai trừ đảng đối với anh Kế là sai chỉ có thể nảy ra từ những ai có não trạng không bình thường trong chế độ xã hội chủ nghĩa! Một lần tôi kể chuyện này cho nhà văn Bùi Ngọc Tấn nghe, anh ngẫm nghĩ rồi bảo: “Chuyện hay quá! Anh cho tôi xin nhé, nhưng tôi không viết thể ký sự mà sẽ viết thành một truyện ngắn.” Tôi đồng ý ngay, nhưng cho tới khi qua đời, anh Tấn vẫn chưa kịp viết chuyện này!
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (32): Viết ký sự anh hùng lao động
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (34): Gặp ba nhà văn bị vùi dập