Seite auswählen

Ngày 30-4-1975 đang dự buổi ra mẻ gang đầu tiên ở Khu Gang thép Thái Nguyên thì được tin giải phóng Sài Gòn, tôi vội về Hà Nội thì nhận được quyết định điều động vào Nam để lập tờ báo của Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam. Sau khi tờ báo Lao Động Mới ra số đầu tiên, công việc ổn định, tôi xin phép về quê thăm gia đình.

Trong tập bút ký “Cửu Long cuộn sóng” của Trần Hiếu Minh (tức nhà văn Nguyễn Văn Bổng) có bài viết về làng An Bình Tây quê tôi, 36 lần phá ấp chiến lược. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam đã tuyên dương xã An Bình Tây danh hiệu “xã anh hùng”. Khi tôi về, bí thư đảng ủy xã là Tẩm và chủ tịch xã là Cảnh đến thăm. Hai anh cho biết, những đảng viên thời chống Pháp đã hy sinh hết, dù vậy Đảng vẫn phát triển, đến tháng 4-1975 đảng bộ xã có gần sáu mươi đảng viên. Tôi thật vô cùng kinh ngạc và thán phục, bởi vì xã tôi chỉ cách thị trấn Ba Tri một cây số, lại nằm sát bên tỉnh lộ, có 2 đồn bót quân lực Việt Nam Cộng Hòa, xã trưởng đã lập được tổ chức cảnh sát và dân vệ. Vậy mà anh Ba Thuận cháu của bà Cai Đệ một đại địa chủ, vui vẻ bảo tôi: “Sau khi các em đi tập kết, anh về làng lo bán hết ruộng đất, mau chóng ‘bần cố nông hóa’ để chuẩn bị đón các em về giải phóng miền Nam, tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội”.

Bốn năm sau, tôi về quê thì xã anh hùng đã là quá khứ xa xôi. Chuyện xảy ra hàng ngày thật là bi đát. Thời ấy chính sách quản lý lương thực vô cùng nghiêm ngặt, mua bán 1kg gạo ngoài thị trường bị coi là phạm pháp. Vậy mà bí thư Tẩm ngày ngày nấu rượu, lấy bả hèm nuôi một đàn heo. Tại đại hội đảng bộ xã, đại diện ban thường vụ Quận ủy chỉ đạo để bảo vệ uy tín của Đảng, không đề cử Tẩm vào ban chấp hành đảng ủy mới. Khi đại hội nghỉ giải lao, ban kiểm phiếu làm việc, Tẩm đạp xe về nhà. Nhiều người nhận ra đó là hiện tượng phản ứng, cần phải cảnh giác. Một cuộc hội ý nhanh, năm anh tự vệ lực lưỡng nhất được cử ra đón đợi anh ta. Tẩm từ nhà trở lại, vừa vào cổng thì bị chọc gậy vào bánh xe té nhào, bốn chú tự vệ đè Tẩm xuống, lục soát túi quần, phát hiện hai quả lựu đạn. Lập tức Tẩm bị trói gô. Biên bản ghi: “Nghi vấn có âm mưu muốn nổ lựu đạn xóa sổ cả đại hội”.

Chủ tịch Cảnh vụng trộm tằn tịu với vợ một nông dân ở gần Ngã Tư. Không muốn làm kẻ vụng trộm, anh ta bèn nghĩ cách để chiếm trọn. Biết anh chồng đêm ít khi nằm trong phòng với vợ con mà ưa ra nằm trên tấm phảng cạnh cửa sổ mở ra hẽm. Một đêm cuối tháng tối như mực, Cảnh mang lựu đạn đứng ngoài cửa sổ ném vào phảng. Sáng hôm sau cả làng loan tin dữ: hai cháu nhỏ đòi ba vô với mẹ, “để tụi con nằm cạnh cửa sổ cho mát”. Lựu đạn nổ cả hai cháu chết không toàn thây. Cuộc phá án nhanh chóng kết luận nghi phạm là ông chủ tịch Cảnh. Vốn giàu kinh nghiệm vượt ngục thời chiến tranh, Cảnh trốn thoát ngày sau hai đêm bị bắt. Anh ta vào rừng Lạc Địa nơi ẩn náu an toàn của đầu não Việt Cộng quận Ba Tri suốt 30 năm chiến tranh.

Chỉ có khác là những người trú ẩn thời ấy được tổ chức tiếp tế lương thực thuốc men rất chu đáo, còn giờ đây ông Cảnh phải mò mẫm trong đêm lẻn về nhà nhận thức ăn của vợ. Không quá một tuần chính quyền địa phương đã dò biết và lập tức bố trí một tổ tự vệ đón ông bằng một loạt đạn tại bìa rừng.

Cha tôi kể tình trạng vừa làm vừa chơi của xã viên, các mánh khóe thâm lạm của chủ nhiệm, rồi hỏi: “Tao nghe nói bà con ngoài Bắc người ta đã kêu ca ‘mỗi người làm việc bằng hai; để ông chủ nhiệm mua đài, sắm xe; mỗi người làm việc bằng ba; để cho chủ nhiệm xây nhà, xây sân’, tệ hại như vậy tại sao lại còn đưa kiểu cách đó vô cho miền Nam?” Ngẫm nghĩ hồi lâu, người đảng viên năm 1930, từng tham gia chín năm chống Pháp nói: “Tao vẫn tin rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới triệt để giải phóng được cho loài người, nhưng mà bọn đảng viên ở quận Ba Tri này tao thấy đem thằng nào ra bắn cũng đáng tội hết, mày à!” Tôi hỏi lại: “Bắn hết sao cha? Kể cả hai thằng cháu của cha à?” Tôi nhắc hai người con của cô Năm tôi (em kế cha tôi) là Hai Nhân đang là trưởng phòng giáo dục quận và Tám Trị đang là trưởng ban tuyên giáo quận ủy. Hai chức vụ này thời ấy không có điều kiện thâm lạm.

Cha tôi ngẫm nghĩ rồi đáp: “Hai thằng đó thì để còn xem xét thêm.” Anh Ba Thuận nghe chuyện giữa hai cha con tôi, bình luận: “Bây giờ anh mới thấy, chưa nói tới cái chủ nghĩa cộng sản, ngay cái chủ nghĩa xã hội cũng còn quá xa! Chú Tư bảo, chỉ có nó mới triệt để giải phóng loài người(!) Nhưng ai thực hiện nó đây? Các Đảng viên thực hiện mới có mấy năm đã be bét, đến nỗi đem thằng nào ra bắn cũng được. Vậy chẳng lẽ việc trọng đại này phải nhường cho bọn cựu đại địa chủ, tư bản như anh đây?”

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (39): Chuyện linh mục Phan Khắc Từ

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (41): Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh: “Tại sao lại đánh lá cờ đầu?”