Seite auswählen

Đầu năm 1983, nhiều tờ báo ở Sài Gòn có bài ca gửi một nhân vật xuất chúng: đó là ông Nguyễn Văn Tài phó tiến sĩ Đông Đức, phó giám đốc xí nghiệp Hoá màu Tân Bình. Tài là “hạt giống đỏ”, con trai bí thư tỉnh ủy Tây Ninh thời chống Mỹ, đồng chí thân thiết của bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh. Xí nghiệp này đã chết sau 30/4/1975, nhờ tài năng và nghị lực phi thường của Nguyễn Văn Tài nó hồi sinh và trở thành “Lá cờ đầu phong trào thi đua ngành công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”. Nhưng sau đó không lâu, có hàng chục cán bộ công nhân của xí nghiệp kéo đến Ban sản xuất thử (cấp trên của xí nghiệp này), Liên hiệp Công đoàn thành phố, báo Công Nhân Giải Phóng, báo Lao Động, tố cáo ông Tài phạm rất nhiều điều sai trái. Họ cho biết, ông Tài vượt quyền giám đốc tự tiện đặt ra những quy định trái pháp luật: Hạ mức lương thực của nữ công nhân làm việc nặng từ 17kg xuống 13,5kg. Tài nói: “Mấy thằng cha làm chính sách dốt quá! Đàn bà dù làm việc nặng cũng không thể ăn nhiều được. Ông bà đã nói ‘nữ thực như miêu’ mà!” Ông cắt lương những ngày nghỉ lễ vì: “Mấy thằng làm chính sách không quán triệt nguyên tắc ‘không lao động không trả lương’”. Ông đặt ra những hình phạt đối với người lao động như ở thời Trung cổ: phơi nắng, quỳ gối, bò vòng quanh xí nghiệp…

Anh Trần Thanh Bình phó tổng biên tập báo Công Nhân Giải Phóng viết một loạt bài về sai phạm của Tài đăng liên tiếp mấy kỳ báo. Tài chạy lên tòa soạn yêu cầu ngưng đăng những bài viết “gây tác hại cho sản xuất”. Anh ta từ chối tiếp thu phê bình trên báo cũng với lý do đó: “Làm mất uy tín của lãnh đạo trước mắt công nhân, ảnh hưởng xấu đến kỷ luật sản xuất”. Tải chạy thẳng lên bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh cầu cứu.

Xin nhắc lại đôi chút về Nguyễn Văn Linh: tháng 12 năm 1976 ông rời vị trí bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh để nhận chức Trưởng ban Cải tạo Công Nông Thương nghiệp Trung ương sau đó được chuyển sang làm chủ tịch Tổng Công đoàn. Đại hội 5 (tháng 3 -1982) không được vào Bộ Chính Trị, ông xin về làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (tháng 4 – 1982) Thay cho ông Võ Văn Kiệt ra trung ương. Trong hồi ký (đăng trên viet-studies tháng 3 – 2015), Dương Văn Ba kể: Trong bữa cơm cô Hòa con gái ông góp ý với bố: “Con thấy chú Sáu Kiệt đâu có vấn đề gì căng thẳng với bố mà bố không được khách quan của chú”. Ông Linh nổi nóng quát: “Mày biết gì mà nói” rồi ông cầm tô canh tạt vào mặt con gái. Dương Văn Ba còn kể chuyện đứa con trai duy nhất của ông nằm trên giường bố mẹ, dùng súng của bố bắn vào đầu mình, nhưng không nói rõ nguyên do. Ông Mai Văn Bảy nguyên ủy viên Ban Thường Vụ thành ủy kể với tôi: Đó là đứa con trai duy nhất tên Nguyễn Văn Linh mà ông Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc) đã mượn tên làm bí danh khi hoạt động ở miền Nam, rồi sau này trở thành tên chính thức khi ông mang các chức vụ của Đảng. Nguyên do khiến cậu Linh tự sát là: cũng trong một bữa cơm, ông Mười Cúc nổi nóng vì cậu con nuông đã học dốt lại lười học, sau khi tốt nghiệp trung cấp, không chịu học tiếp đại học. Đã vậy khi ông mắng, nó còn dám lớn tiếng trả treo. Vốn quen ra lệnh, không quen nghe ai trái ý mình, huống hồ là ai là thằng con, ông nổi xung bưng tô canh tạt thẳng vào mặt nó. Lập tức Linh buông đũa nhảy xuống, chạy biến khỏi nhà. Hơn một tuần sau, không thấy bố mẹ tìm kiếm mình, đã cạn túi, cậu ta quay trở về và được biết bố mẹ vừa đi Liên Xô nghỉ dưỡng. Có lẽ cậu con nuông phẫn uất bố mẹ quá vô tình, bố thô bạo khiến mình phải bỏ nhà, vậy mà không thèm tìm kiếm, lại còn dắt nhau đi du hí!

Tháng 4-1982 khi ông trở lại làm bí thư thành ủy tôi đang là Trưởng ban Tuyên giáo của Liên hiệp Công đoàn thành phố, do đó có nhiều dịp làm việc với ông. Một lần báo cáo về tình hình công nhân thành phố, tôi nói, giai cấp công nhân ở thành phố này rất ngạc nhiên khi nghe chúng ta nói họ là giai cấp lãnh đạo cách mạng. Họ nói với nhau, mấy cha này coi tụi mình như con nít, xí gạt quá trắng trợn. Họ cho rằng chế độ Sài Gòn đối xử với công nhân tốt hơn nhiều.

Trong giờ nghỉ giải lao, ông Linh bảo anh Quới thư ký riêng của ông ra gọi tôi, anh Mười bảo mời anh vào gặp riêng. Ông Linh hỏi tôi định làm gì để tuyên truyền giáo dục công nhân đạt hiệu quả và yêu cầu tôi nói thêm điều đó trước hội nghị. Tôi cho rằng “bốn bài học cơ bản để giáo dục giai cấp công nhân” do Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng soạn với “lý thuyết cao siêu” không thích hợp. Do đó, tôi tự biên soạn quyển “Công nhân làm gì để khôi phục sản xuất cải thiện đời sống”. (Tôi dùng bút danh là Anh Thông, được Nhà Xuất bản Tổng hợp Thành phố in, công đoàn mua phổ biến đến công đoàn cơ sở toàn thành phố). Ông Linh tỏ ra hết sức hài lòng. Sau này, nhiều người nói đùa với tôi: “Ngay từ đầu ông ấy đã để mắt xanh tới cậu rồi, nếu cậu ngoan ngoãn, giữ cái đà ấy mà đi tới thì chắc đời cậu đã lên hương!” Tôi hoàn toàn thất bại trong mối quan hệ với ông Linh. Bước ngoặt xấu nhất trong quan hệ của tôi đối với ông là vụ Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình và ông phó giám đốc Nguyễn Văn Tài của xí nghiệp này.

Hôm đó, bí thư thành ủy triệu tập cuộc họp với trưởng ban tuyên giáo các đoàn thể và quận, huyện. Tôi đến họp khi cử tọa đã khá đông. Bí thư Nguyễn Văn Linh ngồi trên ghế chủ tọa. Khi tôi vừa ngồi xuống hàng ghế đầu đối diện thì ông lên tiếng: “Này ông công đoàn. Tại sao tờ báo của ông ‘a thần phù’ đánh vào điển hình tiên tiến của thành phố mà không thèm hỏi ý kiến tôi một câu?” Tôi đứng lên trả lời: “Thưa anh Mười, chúng tôi làm việc này với đầy đủ ý thức trách nhiệm. Nếu anh Mười sắp xếp thời gian để nghe chúng tôi báo cáo trong vòng một giờ, anh sẽ thấy chúng tôi đúng 100 %.” Bí thư Nguyễn Văn Linh cau mặt lại, lên giọng: “Chao, đến lúc này mà anh vẫn còn tự cho là mình hoàn toàn đúng à? Các anh có vẻ đúng về hình thức, nhưng cái cốt lõi là sai, sai từ trong bản chất! Lênin đã dạy, quần chúng có ba loại: tiên tiến, trung bình và lạc hậu. Người cộng sản phải biết dựa vào số người tiên tiến ít ỏi, để lôi kéo người trung bình và giáo dục người lạc hậu bằng nhiều hình thức kể cả kỷ luật, phạt. Các anh đã không làm như vậy. Nghe quần chúng lạc hậu kêu ca, các anh nhảy vô bênh họ ngay. Thái độ đó không phải là của những đảng viên Cộng sản chân chính theo Chủ nghĩa Mác Lê mà là của những kẻ theo đuôi quần chúng lạc hậu. Lênin lên án gọi ‘đó là những kẻ theo chủ nghĩa công đoàn’! Đồng chí Nguyễn Văn Tài là phó tiến sĩ khoa học ở Cộng hòa Dân chủ Đức, nước phát triển nhất trong phe xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ phát triển nhất trong phe là do người Đức có kỷ luật thép. Đồng chí Nguyễn Văn Tài quyết đem tinh thần kỷ luật thép của nước bạn về thực hiện ở Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình thì bị các phân tử lạc hậu phản ứng và các anh những người theo chủ nghĩa cộng đoàn lên tiếng bênh vực họ”.

Thấy ông đã dứt lời, tôi liền đứng lên với ý định sẽ nói rằng việc làm của Tài không nên gọi là áp dụng kỷ luật thép mà phải nói đó là thứ hình phạt của chủ nô lệ. Nhưng không để cho tôi được nói, ông tiếp tục ề à thêm mấy câu, rồi cáu kỉnh gắt lên: “Đồng chí ngồi xuống đi chứ!” Cả hội trường ái ngại nhìn tôi. Dù rất bức xúc, nhưng tôi biết ở đây không phải là lúc đôi co, nên im lặng ngồi xuống.

Lúc giải lao, mọi người ra ngoài sân uống nước. Anh Võ Nhân Lý (Bảy Lý), nguyên là người phát ngôn của Ban Quân quản Sài Gòn Gia định, lúc này đang là phó ban thứ nhất Ban Tuyên huấn thành ủy, kiêm tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng gặp tôi, tỏ ý thông cảm: “Tôi làm việc với ông ấy gần 20 năm ở trong rừng chưa bao giờ thấy ông ấy mất bình tĩnh, cáu kỉnh như hôm nay. Ban nãy anh trả lời như vậy là đúng mực và anh ngồi xuống cũng đúng. Theo tôi, anh nên bàn với lãnh đạo công đoàn, gửi văn bản kiến nghị tổ chức một cuộc thanh tra xí nghiệp này. Sau khi thanh tra, nếu ý kiến của anh là đúng thì anh lại đưa lên báo. Lúc đó dù không muốn ông ấy cũng phải nhận là mình sai”.

Sau khi Liên hiệp Công đoàn thành phố gửi kiến nghị yêu cầu tổ chức thanh tra, ủy ban thanh tra nhà nước thành phố đã thành lập “Đoàn thanh tra Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình” do ông phó chủ nhiệm ủy ban làm trưởng đoàn. Sao bảy tháng, đoàn thanh tra mới gửi “Bản dự thảo kết luận thanh tra Xí nghiệp Hoá màu Tân Bình” cho thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan. Bản dự thảo có nội dung như là để minh họa ý kiến của bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh tại cuộc họp tuyên huấn các đoàn thể. Trong đó, họ dành hai trang phân tích những bài trên báo Công Nhân Giải Phóng phê phán Nguyễn Văn Tài và kết luận: do xơ cứng về nhận thức và hạn chế về kiến thức quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, tác giả các bài báo đã lệch lạc.

Tôi đáp lại bằng một văn bản có tiêu đề “Nhận xét về bản dự thảo kết luận thanh tra xí nghiệp hoá màu Tân Bình” với kết luận: Đoàn thanh tra kém năng lực hoặc không công tâm trong công tác thanh tra. Chúng tôi đề nghị đoàn này đứng sang một bên quan sát chúng tôi thanh tra. Trong ba tháng nếu chúng tôi không kết luận được những tiêu cực sai trái như nội dung các bài báo thì tổng biên tập báo Công Nhân Giải Phóng xin nhận hình thức kỷ luật cách chức.

Anh em công nhân viên chức Xí nghiệp Hóa màu biết đoàn thanh tra bao che cho Nguyễn Văn Tài và chống lại báo Công Nhân Giải Phóng đã hết sức phẫn nộ. Anh em đến tòa báo cung cấp những chứng cứ rất quan trọng: Bà Bảy Huệ (Ngô Thị Huệ) vợ bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi tiền ở xí nghiệp hoa màu Tân Bình với lãi suất cao hơn hẳn mức lãi suất do ngân hàng nhà nước quy định; hàng tháng bà Huệ đi chiếc xe của bí thư thành ủy đến xí nghiệp nhận tiền lãi. Tôi kể chuyện này với ông Trần Bạch Đằng chỉ với ý chia sẻ sự khó khăn trong việc đấu tranh chống tiêu cực. Không ngờ ông đến nhà riêng của ông Linh, kể lại chuyện trên và đặt câu hỏi: Nếu ở Đại hội Đảng sắp tới Tống Văn Công đưa chuyện này ra tố cáo thì anh tính sao? Trần Bạch Đằng cho biết, khi ông hỏi như vậy, ông Linh giận tái mặt và nói, để tránh dư luận xấu, trước mắt ông sẽ chuyển giao việc chỉ đạo thanh tra Xí nghiệp Hóa màu Tân Bình cho ông Chín Đào (tức Phan Minh Tánh, lúc đó là phó bí thư, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy. Đến đại hội 6 ông là ủy viên trung ương, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Ông nghỉ hưu, sống ở Sài Gòn, năm 2015 có bài viết trên báo Tuổi Trẻ về yêu cầu cấp bách phải dân chủ hóa đất nước, được dư luận hoan nghênh).

Dưới sự chỉ đạo của ông Chín Đào, không đến hai tháng sau, đoàn thanh tra gửi giấy mời các cơ quan có liên quan đến dự cuộc họp công bố kết luận chính thức của đoàn thanh tra.

Lẽ ra, người đại diện Liên hiệp Công đoàn thành phố đi dự cuộc họp này là ông Lê Hồng Tư, chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Công đoàn, nhưng Ban Thường vụ Công đoàn yêu cầu tổng biên tập báo Công Nhân Giải Phóng đi dự. Trước khi đi, tôi chuẩn bị tư liệu chứng cứ để vào cuộc “đấu đá”. Không ngờ mọi việc diễn ra hết sức tốt đẹp: Ông Nguyễn Văn Thuyền tức Ba Tôn, hiện nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến thành phố), Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra nhà nước thành phố trực tiếp đọc bản kết luận thanh tra, nêu ra rất nhiều chủ trương và việc làm của Nguyễn Văn Tài vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng, cuối cùng đoàn thanh tra kiến nghị: Cách chức phó giám đốc và từ nay chỉ sử dụng Tài về kiến thức hóa màu, tuyệt đối không cho làm công tác quản lý, lãnh  đạo. Ông Mai Văn Bảy chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh bảo tôi: “Bản kết luận thanh tra được công bố chắc đã làm cho ông Nguyễn Văn Linh khó chịu lắm”. Ông Bảy biết rõ tính nết của ông Linh nên nói thêm: “Cha này có tính thù dai và nhỏ mọn lắm, coi chừng ông ta tìm cơ hội phản đòn chúng mình đấy! Anh Năm Hoàng Phó ban Tổ chức thành ủy có lần dám góp ý nhẹ với ông ta, vậy mà mấy năm sau anh xây dựng nhà ở đường Điện Biên Phủ đã bị ông ta kiếm cớ cho là sai quy định, bảo phải giở nhà!”

Bài trên đây tôi đã gửi đăng trong tập “Một thời làm báo”, tổng tập “Hồi ký của các nhà báo cao tuổi” tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 8 năm 2008, do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Bài đã bị cắt xén nhiều đoạn và sửa đổi nhiều câu quan trọng, ví dụ: tôi viết bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh cau mặt, lên giọng đã bị ban biên tập đổi thành một đồng chí lãnh đạo thành ủy nhìn tôi nhẹ nhàng hỏi”?

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (42): Tháp tùng ông Võ Văn Kiệt đi xé rào

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (44): Bị Nguyễn Văn linh phản đòn