Điều ông Mai Văn Bảy dự báo đã xảy ra: Ông Nguyễn Văn Linh đã bắt thóp được tôi. Hôm đó, tôi đang dự cuộc họp do Ban Tuyên giáo Thành ủy triệu tập thì anh Năm Dũng trưởng phòng báo chí của Ban Tuyên giáo đến rỉ tai: báo Công Nhân Giải Phóng vừa báo cáo, cách đó nửa giờ cô vợ tôi đến tòa báo làm ầm ĩ, tố cáo tôi có quan hệ bất chính với phóng viên Mai Hiền. Anh Năm Dũng vừa lo cho việc chung của hệ thống báo chí thành phố vừa muốn bảo vệ cá nhân tôi, nên góp ý: “Theo mình thì Công nên viết bản kiểm điểm, nhận sai lầm và hứa chấm dứt mối quan hệ giữa hai người. Tổ chức sẽ tìm mọi cách bảo vệ Công.” Tôi trả lời vắn tắt: “Tôi đã sai vì chưa ly dị mà yêu người khác. Nhưng đây không phải là chuyện trăng gió mà là chúng tôi yêu nhau”. Anh Năm Dũng ngạc nhiên, lo lắng. Sự lo lắng của anh Năm Dũng cũng giống như nhiều người cấp trên của tôi. Bởi vì lúc này tôi kiêm nhiệm nhiều chức vụ phó ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố, ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Thành phố, ủy viên ban thường vụ như: trưởng Ban Tuyên giáo Liên hiệp Công đoàn thành phố, tổng biên tập báo Công Nhân Giải Phóng, phó tổng biên tập phụ trách phía Nam của báo Lao Động, ủy viên Thường vụ, trưởng ban Tuyên giáo của đảng ủy cơ quan công đoàn.
Ngay chiều đó tôi gửi một lá thư nhận tội đến bà Lê Thị Bạch, bí thư đảng ủy, phó chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thành phố. Lập tức ông Mai Văn Bảy, ủy viên ban thường vụ Thành ủy, chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thành phố gọi tôi đến nhà riêng và hỏi: “Trong túi của vợ anh có cái gì chứng minh được quan hệ tình cảm của anh với phóng viên Mai Hiền không?” Tôi đáp: “Không”. Ông nói: “Vậy thì anh có điên không mà nhận tội? Chối ngay! Rồi đưa đơn ra tòa xin ly dị. Ly dị xong sẽ tính. Hiểu không?” Tôi đáp: “Tôi đã đưa thư nhận tội tới bí thư đảng ủy Chín Bạch rồi?” Ông Mai Văn bảy cười đáp: “Bà ấy đã xé vứt sọt rác rồi!” Tôi nói: “Không được! Chuyện này có nhiều người biết. Vợ tôi gửi đơn tố cáo tôi tới ông Nguyễn Văn Linh rồi. Nếu tôi chối, nhiều người không tin, họ cho là tôi hèn. Tôi không muốn dối, tôi nhận kỷ luật một cách sòng phẳng, xong, sẽ đưa đơn ly dị”. Ông Mai Văn Bảy lắc đầu. Sau này, Đinh Khắc Cần anh ruột phi công Nguyễn Thành Trung nói lại: “Mai Văn Bảy bảo, cứ tưởng thằng cha Công thông minh không ngờ quá sức cù lần!”
Hôm Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn và đảng ủy cơ quan kiểm thảo tôi có ông Lê Công Trung chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đến dự. Tôi đọc bản kiểm điểm chỉ một trang giấy: Sai lầm đầu tiên của tôi là, giữa lúc thất vọng buồn chán, tôi đã lấy người mình không yêu làm vợ. Sau khi sinh con gái đầu lòng, tôi đã rất cố gắng cho cuộc sống chung vì con. Nhưng chúng tôi tính nết không hợp nhau, đến năm con gái lên hai, chịu hết nổi, tôi quyết định sống ly thân và đưa đơn xin ly dị. Thời ấy, chi bộ đảng Cộng sản rất giống giáo hội, không tán thành ly hôn. Tòa án ở miền Bắc không bao giờ xử ly hôn. Ở báo Lao Động có anh Nguyễn Thế Dân đưa đơn ly hôn 15 năm mà không được xử, phẫn uất quá anh viết lá thư tuyệt mệnh trước khi đến hồ Tây tự tử, khiến cả cơ quan tìm cứu. Trong bốn năm ly thân, nhiều lần vợ tôi năn nỉ, hứa hẹn sẽ sửa chữa tính nết. Trong bốn năm ly thân, tôi cũng có quan hệ yêu đương, nhưng khi những người yêu tôi tỏ ra không yêu con gái tôi thì tôi chia tay. Vì thương con, nên khi vợ tôi nhận lỗi, tôi dễ xiêu lòng, tái hợp. Tuy nhiên, sau khi có đứa con trai thứ hai thì vợ tôi không cần giữ ý nữa mà hằng ngày bộc lộ mọi xung khắc trái chiều với tôi! Về phóng viên Mai Hiền, tức vợ tôi hiện nay cùng làm việc trong cơ quan báo, được nghe các đồng nghiệp kể về tình trạng gia đình tôi, cô đã đem lòng thương cảm. Cô rất cố gắng tạo quan hệ tốt với các con tôi, làm cho tôi vô cùng cảm kích. Chưa ly hôn mà tôi có quan hệ yêu đương với người khác là sai. Tôi sẽ tạm dừng mối quan hệ này và xin nhận bất cứ hình thức kỷ luật nào. Ông Lê Công Trung tỏ ra rất thông cảm đối với tôi, ông nói: “Các đồng chí đã biết rõ tình trạng gia đình của đồng chí Công không yên ấm, đã từng ly thân tới bốn năm là quá nghiêm trọng, sao cố ép phải sống chung? Nếu sớm ly dị thì không bị vấp váp thế này”. Sau này tòa xử cho tôi ly hôn dễ dàng (không qua hai lần hòa giải như quy định thời đó) là vì tôi đề nghị tòa tham khảo ý kiến của Liên hiệp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh nơi vợ tôi công tác và thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nơi quản lý tôi để biết rõ sự việc. Khi xét khuyết điểm của tôi, hầu như những người có trách nhiệm không có ai nỡ chọn một hình thức kỷ luật nào đối với tôi.
Nhưng ông Nguyễn Văn Linh có ý kiến hoàn toàn khác. Ông nói: “Cơm no bò cưỡi. Đã ‘gái’ thì cần phải có ‘tiền’. Do đó phải tổ chức ngay một cuộc thanh tra để kết luận đã có thâm làm thế nào, phải khởi tố cần thì cho thích đáng”. Đó là lời của quyền lực. Dù không đồng tình, nhưng Liên hiệp Công đoàn Thành phố phải phối hợp với Sở Thông tin Văn hóa tổ chức một đoàn thanh tra báo Công Nhân Giải Phóng. Sau hơn một tháng, đoàn thanh tra kết luận: mọi thu chi đều minh bạch, đúng chính sách, công bằng. Thế nhưng ý kiến chỉ đạo của bí thư Nguyễn Văn Linh khai trừ Đảng, cách chức vẫn không được rút lại! Dư luận so sánh mức sai phạm của tôi với sai phạm của ông T.N., giám đốc một cơ quan để cho rằng có sự bất công quá đáng trong việc xử lý kỷ luật. Ông T.N. gia đình yên ấm, lại bí mật sống như vợ chồng với người khác, làm cho người vợ phẫn uất đâm đầu vào xe hơi. Nhưng ông chỉ bị phê bình, vì thời kỳ ở trong rừng ông này thân cận với Nguyễn Văn Linh.
Dù không muốn thi hành kỷ luật tôi, nhưng không ai dám nói ra, do đó, việc bị “đình chỉ công tác chờ xử lý” của tôi trở thành vô thời hạn. Chờ đợi gần một năm, tôi phải lên gặp ông Lê Công Trung xin được nhận kỷ luật với hình thức cách chức, để tôi sớm ổn định công tác và cuộc sống. Tôi cảm thấy ông Lê Công Trung dù như trút được gánh nặng, nhưng vẫn không đành: “Đồng chí không thấy như vậy là quá nặng sao?” Tôi đáp: “Trước đây, có lúc tôi đã được giao một trọng trách, nhưng Đảng đã giao thêm một chức vụ nữa, rồi hai chức vụ nữa, tôi vẫn không từ chối. Thế thì nay tôi phạm khuyết điểm, bị cách chức sao lại không muốn nhận”. Ngay hôm sau, Ban Thường vụ Thành ủy họp và ra quyết định cách chức tôi do chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Lê Công Trung ký.
Sau khi đã có quyết định cách chức tức là vụ việc đã được xử lý xong, tôi gửi thư cho anh Xuân Cang tổng biên tập báo Lao Động xin anh cho tôi được trở về báo Lao Động. Anh Xuân Cang trả lời rất nhanh, anh nói nếu năm 1983, Công trở về báo Lao Động thì Xuân Cang phụ tá cho Công, còn nay tình thế đảo ngược, Công phải ra Hà Nội làm phụ tá cho Xuân Cang. Trả lời anh, tôi nói, mình chưa ra Hà Nội được vì còn phải làm hai việc: ly hôn và cưới vợ. Một tuần sau, ông Phạm Thế Duyệt, chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vào đề nghị thành ủy cho tôi được chuyển công tác về cơ quan báo Lao Động ở miền Nam. Ông Phạm Văn Hùng (cha của nhà báo Phạm Chí Dũng hiện nay đang là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam) mời tôi đến góp ý: “Lãnh đạo thành phố hiện nay đều quý anh, muốn anh ở lại làm việc. Chúng tôi chọn cho anh bốn nơi: một là nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố, hai là Ban Tuyên huấn Thành ủy, ba là Đài Phát thanh, bốn là báo Sài Gòn Giải Phóng. Anh về một trong bốn nơi đó làm chuyên viên, sau một thời gian sẽ tính tiếp”. Tôi nói: “Tôi đã ly dị, nhường nhà ở cho vợ con, đang ở nhờ trong trụ sở báo Lao Động. Nếu tôi không về làm việc cho báo Lao Động thì không thể ở trong nhà của người ta. Vậy trước khi nhận công tác ở thành phố, tôi xin được một chỗ ở”.
Ông Phạm Văn Hùng đồng ý với yêu cầu chính đáng đó. Nhưng ông Mười Hải giám đốc Sở Nhà đất không đồng ý, ông nói: “Ly dị thì chia nhà ra mà ở chứ sao phải cấp nhà mới?” Không giải quyết được yêu cầu của tôi, tháng sáu năm 1986, ông Phạm Văn Hùng ký quyết định cho tôi chuyển công tác về báo Lao Động. Tổng biên tập Xuân Cang thông báo miệng (không có ký quyết định) ban biên tập giao cho tôi phụ trách cơ quan miền Nam của báo Lao Động.
Lúc này, ông Nguyễn Văn Linh đã được điều động ra Hà Nội làm thường trực Ban Bí thư Trung ương. Dịp kỷ niệm thành lập Đài Phát thanh, ông được mời vào dự. Tại đây, gặp anh Nguyễn Nam Lộc người thay tôi làm tổng biên tập báo Công Nhân Giải Phóng, ông hỏi: “Cái tay Tống Văn Công bây giờ làm gì?” Anh Nam Lộc cho biết tôi đã chuyển sang phụ trách cơ quan miền Nam của báo Lao Động. Ông Linh cau mày: “Lại đá lên à?” Tôi trách anh Nam Lộc, phải chi anh đừng nói tôi là phụ trách, rồi đây tôi sẽ còn mệt với ông ấy!
Một hôm với tư cách phóng viên tôi đi bộ theo đường Nguyễn Du vào cổng bên hông tới hội trường thống nhất Dinh Độc Lập để dự cuộc họp do ông Võ Văn Kiệt chủ trì, anh Lê Văn Triết (sau này là bộ trưởng bộ thương mại) lúc đó là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố nhìn thấy tôi, anh cho dừng xe hơi, xuống đi bộ với tôi, nói: “Hôm xét kỷ luật mày tao có dự. Chúng ta đều thấy mày không có khuyết điểm gì để kỷ luật cả! Nhưng mày cũng biết, chúng tao phải làm như vậy”. Anh Lê Văn Chiến từng là bạn cùng lớp với tôi thời trung học, chúng tôi không sửa được cách xưng hô mày tao đã quen. Tôi nói đùa: “Tao không có thắc mắc gì chuyện bị cách chức. Nhưng nghe mày nói vậy tao đâm ra bực mình, chiều nay tao sẽ gửi đơn kiện chúng mày”. Anh Triết kêu lên: “Chớ có dại. Tao nói là để mày biết mọi người thông cảm với mày. Nhưng nếu mày kiện thì mày thua nặng đấy. Mày phải biết có lúc phải im lặng, nghe chưa?”
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (43): Ông Nguyễn Văn Linh lại hỏi “Tại sao a thần phù đánh vào điển hình tiên tiến?”
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (45): Khi ngòi bút chạm vào quyền lực