Seite auswählen

Mấy chục năm đấu tranh chống tham nhũng của báo chí cách mạng Việt Nam trong chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ có cuộc đấu tranh trên báo Lao Động đối với ban lãnh đạo Tổng cục Cao su đứng đầu là ủy viên Trung ương Đảng, tổng cục trưởng Đỗ Văn Nguyện là giành được thắng lợi. Không phải các nhà báo làm vụ này tài giỏi hơn những đồng nghiệp ở các khu khác mà chỉ vì vụ này bắt đầu ngay sau đại hội 6 năm 1986 khi mà luồng gió dân chủ sau “đổi mới” đang mạnh và các nhà lãnh đạo cộng sản chưa bị hoảng sợ bởi sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu.

Tôi về cơ quan miền Nam báo Lao Động đúng lúc phóng viên Trương Đăng Lân phát hiện chuyện trù dập rất man rợ ở Tổng cục Cao su: Đầu năm 1985, đoàn thanh tra nhà nước đến thanh tra Tổng cục Cao su, phát hiện nhiều “phi vụ” mua bán, ăn chia bất hợp pháp mà đầu mối quan trọng là Công ty Phục vụ Đời sống do tổng cục trưởng trực tiếp chỉ đạo. Đoàn thanh tra dành nhiều thời gian làm việc riêng với Ngô Văn Định phó giám đốc công ty này. Ông Đỗ Văn Nguyện, ủy viên Trung ương Đảng, tổng cục trưởng Tổng cục Cao su được mật báo là Ngô Văn Định đã bị đoàn thanh tra khuất phục, đã cung khai nhiều việc làm sai trái mà người chịu trách nhiệm cuối cùng chính là ông. Đỗ Văn Nguyện nghĩ cách vô hiệu hóa bản kết luận của đoàn thanh tra dựa vào lời khai của Ngô Văn Định. Ông ta cho rằng cách tốt nhất là phải biến Ngô Văn Định thành bệnh nhân tâm thần! Vậy là một kế hoạch cưỡng bức định được tổ chức tỉ mỉ: Trước hết, trưởng ban y tế Tổng cục Cao su, bác sĩ Đoàn Huỳnh làm tờ trình chi tiết gửi lên Tổng Cục trưởng, kể ra rất nhiều hiện tượng điên khùng của Ngô Văn Định và cho rằng “một người có bệnh tâm thần mà buộc phải đảm trách công việc kinh doanh, suốt ngày tính toán lo toan thì chẳng những sẽ làm hư hỏng công việc, có nguy cơ vi phạm pháp luật mà còn có hại cho sức khỏe của anh ta”. Ban y tế kiến nghị: “Do người bệnh tâm thần không bao giờ nhận mình có bệnh, cho nên cần phải tổ chức  cưỡng bức anh ta đi chữa bệnh”. Căn cứ đề nghị của trưởng ban y tế, ngày 18-5-1985, tổng cục trưởng Đỗ Văn Nguyện ký quyết định tổ chức đưa Ngô Văn Định đi Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa. Để che mắt cán bộ cơ quan tổng cục, bộ máy thực hiện việc cưỡng chế này huy động nhiều cán bộ đảng viên trung, cao cấp như phó vụ trưởng vụ tổ chức, phó trưởng ban bảo vệ, trưởng ban y tế và nhiều bác sĩ. Ngày 18 -5-1985, như mọi ngày, Ngô Văn Định đang làm việc tại văn phòng phó giám đốc công ty thì trưởng ban y tế Đoàn Huỳnh tới đọc quyết định của Tổng Cục trưởng. Thừa lệnh Tổng Cục trưởng, ông Huỳnh yêu cầu Ngô Văn Định tạm ngưng công việc để đi khám bệnh. Đứng sau Đoàn Huỳnh là phó ban bảo vệ có mang súng và nhiều vệ sĩ mang theo dây trói. Ngô Văn Định kể: “Họ bảo tôi chích hai mũi thuốc cho khỏe. Chích xong tôi liệm đi, đến 7 tiếng đồng hồ sau mới tỉnh dậy thì thấy mình bị nhốt trong gian phòng có chấn song sắt cùng với bốn bệnh nhân tâm thần”.

Các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa trực tiếp điều trị cho Ngô Văn Định rất ngạc nhiên khi được trưởng ban y tế, bác sĩ Đoàn Huỳnh nhờ họ ghi tên những ai đến thăm Ngô Văn Định. Do đó, anh em rất chú ý quan sát bệnh nhân đặc biệt này. Sau một ngày tiếp xúc, không thấy anh Định có biểu hiện của người bệnh tâm thần, lại nghe anh kể chuyện mình bị cưỡng bức, họ khuyên anh nên giấu số thuốc được cấp, để sau này làm chứng cứ cho cuộc đấu tranh. Nhờ sự giúp đỡ đó, anh định giấu được một bọc to các thứ thuốc Aminazin, Séduxen.

Do việc cưỡng chế được tổ chức với quy mô và cách thực hiện không bình thường, khiến dư luận trong Tổng cục Cao su đặt ra nhiều nghi vấn: Tại sao Ngô Văn Định mắc bệnh tâm thần nặng mà lâu nay mọi người tiếp xúc với anh, cả những nhân viên dưới quyền anh không ai nhận thấy? Tại sao việc đưa một bệnh nhân đi bệnh viện mà Tổng Cục trưởng phải ra quyết định? Tại sao không đưa bệnh nhân đi đúng tuyến là Bệnh viện Thống Nhất, nơi đây cũng có khoa tâm thần? Hàng trăm cán bộ nhân viên làm kiến nghị cá nhân và tập thể yêu cầu Tổng Cục trưởng ký quyết định đưa Ngô Văn Định trở về, nếu không họ sẽ tố giác với Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng. Ông Đỗ Văn Nguyện buộc phải ký quyết định cho Ngô Văn Định về làm việc để xoa dịu anh em.

Tôi xem rất kỹ hồ sơ tài liệu, nhưng vẫn băn khoăn: Chẳng lẽ bao nhiêu người mang danh nghĩa rất khả kính, chỉ vì muốn che dấu sự thật mà nhẫn tâm dùng thủ đoạn cực kỳ tàn bạo đối với đồng chí của mình? Tôi nói với phóng viên Trương Đăng Lân: Trước khi quyết định đưa vụ này lên báo, mình muốn được gặp trực tiếp những anh chị có vai trò chủ chốt đứng ra tố cáo. Bởi nhiều năm làm báo đã cho mình bài học kinh nghiệm (hình như cũng đã được các bậc thầy đúc kết thành bài giảng cho nghề báo là: “Không có nguồn tin nào không đáng cho nhà báo phải nghi ngờ. Nên nhớ rằng người cung cấp nguồn tin có thể sử dụng nhà báo cho mục đích của họ, cũng ngang như nhà báo sử dụng họ cung cấp tư liệu cho bài viết của mình. Thông thường, nhà báo tìm nguồn tin ở các đối tượng: Kẻ chống đối, kẻ thua cuộc, nạn nhân, các chuyên gia, cơ quan chức năng. Ở trường hợp này, những người chúng ta định viết bài chỉ trích, phê phán đang là những cán bộ cách mạng cao cấp, ‘mũ cao áo dài’. Do đó mình nghĩ rằng, chúng ta phải có những người ‘đạo cao, đức trọng’ dám đứng ra đương đầu với cường quyền, cung cấp và bảo trợ nguồn tin”.

Hôm sau, Trương Đăng Lân đưa Ngô Văn Định và 5 cán bộ Tổng cục Cao su đến cơ quan miền Nam báo Lao Động. Trong số đó, tôi đặc biệt chú ý hai người thuộc lớp cán bộ cách mạng đàn anh là ông Nguyễn Gia Đằng, cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện là phó trưởng ban thi đua của Tổng cục Cao su mà trưởng ban là Tổng Cục trưởng (sau này, Nguyễn Gia Đằng sang Campuchia làm cố vấn an ninh cho các ông Heng Sam ring, Chia xim). Người thứ hai là ông Vũ Lăng, nguyên tổng biên tập báo Hải Phòng Kiến Thiết (nơi có cô nữ phóng viên Nguyễn Thụy Nga, tức Bảy Vân vợ hai của tổng bí thư Lê Duẩn) đang làm trưởng ban thanh tra của Tổng cục Cao su. Cả hai ông có phong thái đỉnh đạc, khoan hòa, trình bày và phân tích sự việc rành mạch, khách quan. Hai người này đã cho tôi niềm tin rằng, họ chỉ vì sự thật và lẽ phải mà đứng ra. Bây giờ là cách đưa lên báo bài đầu tiên như thế nào cho có sức thuyết phục cao, gây tiếng vang lớn. Tôi cho rằng, nên dùng nguyên văn lá thư của chính Ngô Văn Định đứng ra tố giác việc mình bị cưỡng bức hơn là bài viết của phóng viên.

Ngày 7 tháng 8 năm 1986, báo Lao Động số 32 đăng lá thư tố giác của Ngô Văn Định. Bài báo chẳng những chấn động trong ngành cao su mà còn gây xúc động nhân dân cả nước. Đây là lần đầu tiên, báo chí tố cáo một ủy viên Trung ương Đảng bịt miệng người chống tiêu cực một cách thô bạo và có tổ chức. Tổng cục trưởng Đỗ Văn Nguyện phản ứng quyết liệt, ra lệnh toàn ngành cao su phải thu hồi tờ báo Lao Động số 32, không để cán bộ công nhân đọc. Ông đích thân gọi điện cho chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phạm Thế Duyệt (cơ quan chủ quản của báo Lao Động): “Báo Lao Động đã đăng bài của một kẻ đang mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Anh ta đang là con rối trong tay những kẻ bất mãn. Bài báo này có tác động rất xấu, gây mất ổn định trong toàn ngành cao su, phá hoại sản xuất và đời sống của hàng vạn cán bộ công nhân cao su. Quan trọng hơn là nó xúc phạm một ủy viên Trung ương Đảng, cũng tức là bôi nhọ Đảng. Tôi đề nghị đồng chí chủ tịch ra lệnh cho báo Lao Động ngưng ngay việc đưa tin sai trái về vụ này, đồng thời mau chóng có bài viết đính chính theo quan điểm của Đảng Đoàn Tổng cục Cao su”. Chủ tịch Phạm Thế Duyệt hứa sẽ nghiêm túc xem xét vấn đề này. Sau đó, ông nghe tổng biên tập Xuân Cang báo cáo tình trạng tiêu cực của ngành cao su và nguyên nhân vụ cưỡng chế Ngô Văn định. Tuy đã nghe tổng biên tập Xuân Cang báo cáo, nhưng chủ tịch Phạm Thế Duyệt vẫn trực tiếp gọi điện cho tôi, hỏi “Anh Công có tin chắc bài này viết đúng sự thật không?” Tôi đáp: “Tôi tin chắc và xin chịu trách nhiệm”. Ông nói: “Chắc anh cũng đã lường trước là lần này các anh phải đương đầu với một thế lực rất mạnh, cho nên phải hết sức thận trọng, kiểm tra kỹ từng chi tiết trước khi đưa lên báo”. Cuối cùng ông hỏi: “Anh Công còn có điều gì lo ngại không?” Tôi đáp thật lòng: “Chúng tôi đã nhận thấy mình đang phải đương đầu với một đối tượng khổng lồ, những nguồn tin thu được cũng khổng lồ và đầy mâu thuẫn. Chúng tôi không chỉ là một bài điều tra mà phải lập một kế hoạch chi tiết cho một loạt bài điều tra, chuyện nào trước, chuyện nào sau, phân công anh em chia nhau mà làm. Đồng thời chúng tôi còn lường trước các trở ngại, các bước ngoặt bất ngờ có thể xảy ra. Thú thật, trước khi bắt đầu vụ này, chúng tôi lo nhất là tổng biên tập rụt rè trước một đối tượng đầy quyền lực và lo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động không ủng hộ. Còn bây giờ chúng tôi đã yên tâm”.

Những số báo sau đó, chúng tôi đưa liên tiếp ý kiến cán bộ, công nhân ngành cao su hưởng ứng thư tố cáo của Ngô Văn Định và cung cấp tài liệu phanh phui nhiều tiêu cực ở các công ty cao su nơi họ đang làm việc. Phó ban thi đua Tổng cục Cao su Nguyễn Gia Đằng gửi đăng báo một lá thư nặng ký: xác nhận tố cáo của Ngô Văn Định và các cán bộ công nhân toàn ngành là đúng sự thật: “Tất cả những bê bối tiêu cực của các vị trong ban lãnh đạo Tổng cục Cao su mà báo Lao Động đã nêu ra là có thật. Tôi xin đề nghị các cơ quan cấp trên của Đảng và nhà nước chỉ đạo các ban ngành chức năng vào cuộc, làm rõ đúng, sai để giúp cho những người đấu tranh chống tiêu cực ở ngành cao su không bị trù dập”.

Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su ra lệnh cho báo Cao Su ngày 15 tháng 9 năm 1986 phải đăng 2 văn bản “để cho cán bộ công nhân toàn ngành cao su được biết sự thật về việc vì sao tổng cục trưởng phải quyết định đưa Ngô Văn Định đi Bệnh viện Tâm thần Biên Hoà”:

Một là, công văn số 2474-ĐTR ngày 2 tháng 5 năm 1986 của tiến sĩ Phạm Song, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương xác nhận: Hội đồng Giám định Y khoa do ông làm chủ tịch gồm nhiều giáo sư, tiến sĩ hàng đầu khoa tâm thần của cả nước đã giám định rất kỹ và nhất trí kết luận Ngô Văn Định bị bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Văn bản này còn ghi thêm một câu “do bị bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, ông Ngô Văn Định không phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình trước pháp luật”. Câu này có tác dụng “chiêu hồi” Ngô Văn Định, lúc bấy giờ là phó giám đốc Công ty Phục vụ Đời sống, một trung tâm thực hiện những chủ trương mua bán, chia chác gian dối, nếu bị phanh phui thì anh phải liên đới chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Văn bản thứ hai là công văn số 859-BV.TT ngày 16-6-1986 của bác sĩ Nguyễn Quốc Hà giám đốc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa, có nội dung giống như công văn số 2474-ĐTR của Thứ trưởng Bộ Y tế tiến sĩ Phạm Song.

Chúng tôi nhận ra hai điều không minh bạch của hai văn bản nói trên: một là, Tổng Cục trưởng Đỗ Văn Nguyện yêu cầu Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương giám định sau khi Ngô Văn Định đã xuất viện hơn 6 tháng, đang làm việc bình thường. Sự thật là biên bản của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương không đạt được sự “nhất trí kết luận” như ông Thứ trưởng tiến sĩ Phạm Song nói. Một thành viên rất quan trọng là giáo sư Trần Đình Xiêm, giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP. HCM (nhà thương điên Chợ Quán cũ), không đồng ý ký tên. Giáo sư Trần Đình Xiêm chủ biên một công trình nghiên cứu tâm thần học dài hơn 400 trang. Ông đã chủ trì một ban giám định gồm nhiều giáo sư tâm thần hàng đầu ở phía Nam để giám định tâm thần Ngô Văn Định, kết luận anh này không có bệnh. Ông là một bác sĩ trong hội đồng giám định y khoa của Phạm Song có điều kiện biết rõ người và việc ở ngành cao su hơn cả. Chúng tôi còn có trong tay giấy xuất viện của Ngô Văn Định do Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa cấp trước cuộc giám định của Phạm Song 6 tháng ghi rằng: “Không thấy có hiện tượng của bệnh tâm thần”. Có lẽ lúc ấy Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa không dám liều lĩnh ghi Ngô Văn Định có bệnh, còn nay họ đã có chỗ dựa là biên bản của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương do tiến sĩ Thứ trưởng Phạm Song làm chủ tịch!

Ngày 26-9-1986 báo Lao Động đăng bức thư của Ngô Văn Định kính gửi “Thứ trưởng Phạm Song”, có đoạn viết: “Là người có phần trách nhiệm về các vụ tiêu cực, nếu muốn cứ tiếp tục lao vào bóng tối, chắc tôi phải cảm ơn Thứ trưởng vì đã có văn bản cho tôi được miễn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng tôi không nhận sự ‘nhân đạo’ giả dối ấy, tôi quyết rời khỏi bóng tối, tố cáo tiêu cực, đem lại sự trong sạch lành mạnh trong ngành cao su”.

Tôi trực tiếp đến Bệnh viện Tâm thần TP HCM xin gặp giáo sư Trần Đình Xiêm. Ông tiếp tôi rất lịch sự, nhưng xin được từ chối trả lời câu hỏi vì sao ông không ký tên vào biên bản của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương do tiến sĩ Thứ trưởng Phạm Song làm chủ tịch. Ông nói “Xin nhà báo thông cảm vì lý do rất tế nhị trong ngành, tôi không thể trả lời. Bởi vì tôi không ký tên, nhưng nhiều đồng nghiệp của tôi đã ký”. Biết khó thuyết phục ông lúc này, trước khi chào từ biệt, tôi chỉ nói: “Việc giáo sư từ chối ký tên vào biên bản giám định do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Song làm chủ tịch là rất trung thực và dũng cảm. Tôi rất cảm phục. Tuy nhiên nếu chỉ bấy nhiêu thôi thì vẫn không thể đẩy lùi cái ác. Biên bản đó đã giúp cho cái ác lộng hành. Tôi mong giáo sư suy nghĩ thêm vì số phận của nhiều người thấp cổ bé họng đang bị đày ải”. Ông im lặng tiễn tôi ra cửa. Hai hôm sau, bác sĩ trợ lý của ông đến trụ sở miền Nam báo Lao Động tìm tôi, cho biết: “Sau khi từ chối trả lời nhà báo, thầy Trần Đình Xiêm của chúng tôi bứt rứt không ăn không ngủ được. Thầy cử tôi lên mời nhà báo trở lại bệnh viện để thầy trả lời câu hỏi mà thầy thấy mình phải có trách nhiệm”.

Giáo sư Trần Đình Xiêm mời nhiều giáo sư, bác sĩ tâm thần đã cùng ông tổ chức giám định tâm thần cho Ngô Văn Định tiếp tôi. Ông cho biết: Sau khi từ chối ký tên vào biên bản của Hội đồng Giám định Y khoa do Thứ trưởng Phạm Song làm chủ tịch, ông đã cùng các giáo sư có mặt hôm nay tổ chức một cuộc giám định suốt hai buổi đối với Ngô Văn Định. Trong cuộc giám định y khoa này, các giáo sư đã dùng các hiện tượng mà Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương dùng làm căn cứ để kết luận Ngô Văn Định mắc bệnh tâm thần phân liệt. Ông mời nhiều thành viên hội đồng cùng tiếp tôi và tặng báo Lao Động 2 băng cát xét ghi âm cuộc giám định ấy. Ngoài ra, ông còn cử phó giám đốc bệnh viện đến Ban Tổ chức Thành ủy TP HCM xin bản báo cáo dài 16 trang giấy A4 của chuyên viên Nguyễn Văn Đích được ban này cử đi điều tra việc cưỡng bức Ngô Văn Định. Bản báo cáo tường thuật chi tiết, phân tích rành mạch nguyên nhân và hậu quả của việc này. Bản báo cáo đặt ra nghi vấn: Vì sao sau khi Ngô Văn Định đã có giấy xuất viện ghi là “không thấy có hiện tượng của bệnh tâm thần” và anh đã làm việc bình thường 6 tháng, mà sau đó Tổng cục Cao su lại tổ chức để Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương giám định bệnh tâm thần? Chuyên viên Nguyễn Văn Đích nhận xét “nhiều kết luận của hội đồng giám định y khoa trung ương có tính áp đặt, không khách quan”. Các giáo sư đều cho rằng bản báo cáo của chuyên viên Nguyễn Văn Đích có giá trị khoa học rất cao.

Trên cơ sở các tài liệu đã có, tôi viết một bài báo bác bỏ biên bản kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương. Biên bản này đã giúp cho lãnh đạo ngành cao su che giấu bộ mặt gian trá và bào chữa hành động tàn bạo của họ. Rất tiếc, tổng biên tập Xuân Cang không đồng ý đăng bài này. Ông cho rằng: Cuộc chiến với lãnh đạo Tổng cục Cao su đang hồi quyết liệt, không nên mở thêm một trận chiến khác, đối đầu với một lực lượng gồm nhiều giáo sư tiến sĩ khoa học hàng đầu của cả nước (!) Tuy vậy, ông đồng ý cho chúng tôi tiếp tục điều tra tình trạng tiêu cực tham nhũng ở toàn ngành cao su. Sự nhân nhượng của ông Xuân Cang đã đưa Phạm Song sau đó vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa 7, thăng lên ghế Bộ trưởng Y tế, được phong thầy thuốc nhân dân, leo lên viện sĩ viện Hàn lâm Liên bang Nga, đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Chỗ yếu chí mạng của Phạm Song và Hội đồng Giám định Y khoa của ông ta là sự giả dối: Ngô Văn Định, người mà họ kết luận điên khùng đang minh mẫn kết tội họ! Kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa do giáo sư Trần Đình Xiêm chủ trì có đủ căn cứ khoa học bác bỏ họ. Tiếc thay, trong chế độ toàn trị không có chỗ để làm điều đó.

Báo Lao Động số 39, đăng bài viết của tôi, tựa đề “Không thể để công nhân cao su sống như thế” dẫn chứng tình trạng: Các tiêu chuẩn gạo, thịt, dầu thắp sáng, thuốc chữa bệnh của công nhân đều bị cắt xén. Hầu hết cán bộ công nhân ngành cao su đang phải sống trong nhà tranh dột nát. Ban Y tế Tổng cục Cao su nhiều năm bán thuốc cấp theo tiêu chuẩn của công nhân để lập quỹ đen. Bài báo kết luận: Chính các tổ chức được gọi là “phục vụ đời sống” của Tổng cục Cao su mới thực sự mắc bệnh tâm thần phân liệt!

Tiếp theo báo đăng bài “Cây cao su kêu cứu” của Minh Phương. Bài báo nêu những hành vi tiêu cực đang làm cho cây cao su ngày càng ốm yếu: Nạn buôn bán phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức chăm sóc vườn cây không đúng quy trình kỹ thuật. Tuần kế tiếp báo đăng bài “Sự lộng hành của một giám đốc”, nói về “ông trời con” ở công ty cao su Chư Pa.

Sau mấy bài báo này, tôi được điện thoại của ông Trần Bạch Đằng mời tới nhà riêng để “bàn chuyện cao su”. Tôi đề nghị, sẽ đến cùng với một phóng viên chuyên trách theo dõi ngành cao su. Ông không đồng ý: “Cậu nên đến một mình thôi, chúng mình nói chuyện cho thoải mái”. Khi tôi tới, ông đã đứng đợi sẵn trước cổng sau nhà ở đầu đường Phan Kế Bính, trong tay có cầm mấy tờ báo Lao Động. Ông đưa tôi vào phòng khách, bắt đầu câu chuyện: “Anh Sáu Dân tức đồng chí Võ Văn Kiệt mới hỏi mình có nắm được vụ Tư Nguyện trên báo Lao Động không. Mình bảo, theo tôi biết, thì vụ này do Tống Văn Công chủ trì. Mình hứa sẽ gọi hỏi cậu cho rõ. Ngày hôm qua, Tư Nguyện tới nhà mình cầu cứu. Chắc cậu chưa biết, Tư Nguyện thời chống Mỹ là chỉ huy đội bảo vệ cơ quan Trung ương Cục miền Nam. Như vậy có thể coi anh ta là cấp dưới của mình. Tư Nguyện tha thiết yêu cầu mình viết bài phản bác loạt bài của báo Lao Động. Mình đã được Tư Nguyện cung cấp nhiều tài liệu quan trọng, trong đó có biên bản kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương. Chắc cậu cũng thấy, nếu như tớ ‘xuất chiêu’ thì có thể cán cân sẽ chao đảo, gây bất lợi cho các cậu”.

Tôi quen biết ông Trần Bạch Đằng từ năm 1952, khi ông là chủ bút báo Nhân Dân Miền Nam còn tôi là cộng tác viên tích cực của báo này. Về mối quan hệ với tôi, ông Trần Bạch Đằng có kể trong hồi ký “Nhớ một thời làm báo Nhân Dân” (Nhà XBCTQG, 1996, trang 61). Do đó tôi thẳng thắn nói với ông: “Nếu anh viết bài thì chỉ có hại cho uy tín của anh thôi, chứ cán cân không thể chao đảo. Bởi vì trong tay tôi đang có:

1 – Giấy xuất viện của Ngô Văn Định do Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa cấp tháng 11 năm 1985, tức là sau 6 tháng nhốt Ngô Văn Định trong phòng bệnh có chấn song sắt để theo dõi. Giấy này ghi: “Không thấy bất cứ hiện tượng nào của bệnh tâm thần”.

Lúc này, chưa có bản kết luận của Hội đồng Giám định Y khoa Trung ương, cho nên ông giám đốc Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa chưa dám liều lĩnh ghi Ngô Văn Định có bệnh.

2 – Chúng tôi có một băng ghi âm do ông Vũ Lăng, trưởng Ban Thanh tra của Tổng cục Cao su ghi lại cuộc hỏi đáp giữa ông với Ngô Văn Định qua song sắt của gian phòng nhốt bệnh nhân tâm thần. Ngô Văn Định đã trả lời rất rành mạch các câu hỏi của ông Vũ Lăng. Xen vào băng ghi âm này còn có tiếng của phát thanh viên “Đài phát thanh Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa”.

3 – Một băng ghi âm ý kiến nhận xét của các bác sĩ và y tá Trực tiếp điều trị cho Ngô Văn Định, tất cả đều cho rằng, theo kinh nghiệm nhiều năm điều trị bệnh nhân tâm thần, họ đoan chắc rằng, Ngô Văn Định bị trù dập chứ không hề có bệnh tâm thần.

4 – Hàng trăm thư, kiến nghị của đảng viên, cán bộ, công nhân Tổng cục Cao su cung cấp nhiều chứng cứ tiêu cực, tham nhũng rất lớn ở các đồn điền cao su.

5 – Bản báo cáo dài 16 trang của chuyên viên Nguyễn Văn Đích thực hiện theo chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM

6 – Hai băng ghi âm cuộc giám định y khoa đối với Ngô Văn Định do giáo sư Trần đình Xiêm chủ trì.

Ông Trần Bạch Đằng công nhận những tài liệu tôi đang có là những chứng cứ khó bác bỏ. Tôi đề nghị ông dùng uy tín của mình khuyên ông Đỗ Văn Nguyện nên tiếp thu phê bình và có kế hoạch xây dựng lại ngành cao su trong sạch, vững mạnh.

Ngày 1 tháng 10 năm 1986, ông Đỗ Văn Nguyện gửi thư cho báo Lao Động, tuy không tiếp thu phê bình, nhưng hứa sẽ làm rõ vụ việc và “sớm thông báo với báo Lao Động khi kết thúc nội vụ”.

Chúng tôi họp bàn về lá thư xin “hưu chiến” của ông và nhất trí cho rằng: Chúng ta phải độc lập tìm hiểu, điều tra để phanh phui ra sự thật đang bị che giấu và chịu trách nhiệm xã hội, chứ không thể ngồi chờ cơ quan thanh tra kết luận. Huống hồ ở đây những người đàn ông quyền lực, có nhiều hành động trấn áp cấp dưới, sau bài báo đầu tiên đã phản ứng kiểu bề trên, thì chớ tin họ!

Ngày 20 – 10 – 1986 Tổng Cục trưởng Tổng cục Cao su gửi giấy mời các báo trung ương và TP HCM “lên Công ty Cao su Dầu Tiếng đón mừng dòng nhựa đầu tiên của vườn cây cao su hợp tác với Liên Xô, nhân dịp chào mừng ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại”.

Sau đây, xin trích bài viết có tựa đề “Mượn gió bẻ măng” của nhà báo Văn Thính tường thuật cuộc họp báo của Tổng cục Cao su tại Công ty Cao su Dầu Tiếng:

“… Tổng cục trưởng Tổng cục Cao su chủ trì cuộc họp báo. Phía Tổng cục Cao su có mặt hầu hết các tổng cục phó, trưởng ban, vụ trưởng, giám đốc các công ty. Và đáng để ý là có cả các giám đốc công ty cao su Chư Pah, giám đốc công ty cao su Tân Biên, là những người đã bị báo Lao Động và một số tờ báo khác nêu tên trong các bài viết về những vụ tiêu cực lớn ở Tổng cục Cao su.

Phó ban thi đua tuyên truyền Tổng cục Cao su, người mà giới báo chí cho rằng có vai trò tham mưu cho Tổng cục Cao su về tiếp xúc báo chí, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn tư liệu, giới thiệu khách và chủ, nêu mục đích yêu cầu cuộc họp báo và mời Tổng cục Trưởng phát biểu mở đầu. Nội dung các bài báo Lao Động viết về Tổng cục Cao su được đặt ra như là nội dung chính mà cuộc họp báo có yêu cầu làm cho sáng tỏ, bởi vì báo Lao Động đã nói quá đáng, đăng sai sự thật.

Đến đây, phóng viên Hữu Tính báo Lao Động đã đứng lên: Tôi xin lưu ý các đồng chí về nội dung cuộc họp báo đã được ghi rõ trong giấy mời. Hữu Tính đề nghị, các đồng nghiệp muốn tìm hiểu sự thật trong các bài báo Lao Động viết về những vụ tiêu cực ở Tổng cục Cao su thì xin đến tòa soạn báo Lao Động. Tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Cao su tìm gặp ban biên tập báo Lao Động để bàn bạc cách tiếp thu những bài báo ấy.

Phía Tổng cục Cao su có phần lúng túng khi Tổng cục Trưởng buộc phải công nhận đề nghị của phóng viên Hữu Tính là hợp lý. Nhưng các trưởng ban, vụ trưởng vẫn tiếp tục lên diễn đàn với tài liệu viết sẵn và những bản thống kê của họ. Vụ trưởng vụ tài vụ Đoàn Minh sĩ lên diễn đàn với chiếc cặp dầy cộp, mở đầu bằng câu: Trong bài ‘Cây cao su kêu cứu’ của báo Lao Động…

Tôi chán ngán nhìn quanh thấy các đồng nghiệp Nô-vôt-xki, Tass và các chuyên gia Liên Xô dường như sốt ruột. Bỗng cả hội trường như giật phắt dậy bởi hành động bất ngờ của Hữu Tính. Anh đứng tại chỗ nơi hai phóng viên báo Lao Động ngồi đối diện với đoàn chủ tọa và Tổng cục Trưởng dõng dạc nói: Tôi đề nghị đồng chí Tổng cục Trưởng chỉ thị cho anh Đoàn Minh Sĩ rời diễn đàn vì anh này tiếp tục nói không đúng yêu cầu cuộc họp báo. Hãy trả diễn đàn này cho các nhà báo nêu những yêu cầu của mình.

Mọi cặp mắt đổ dồn vào Đoàn Minh Sĩ đang đứng như trời trồng chờ đợi cách xử sự của Tổng Cục trưởng. Tổng cục Trưởng liếc nhìn vị tham mưu của mình rất nhanh và cũng rất nhanh hiểu rằng cần phải tự xử lý, nên đã ra lệnh: ‘Thôi, đi xuống!’”

Qua vụ này chúng tôi càng thấy rõ sự ngoan cố tới cùng của những người tay trót nhúng chàm. Chỉ có thể buộc họ cúi đầu khi chúng ta đưa ra những bài báo đầy ắp chứng cứ khiến họ hết đường chối cãi. Lúc này báo Lao Động đã đăng hơn 30 tin và bài quan trọng. Chúng tôi đề ra hai việc cần làm tiếp:

Vận động các báo cùng vào cuộc, trước hết là báo Cao Su Việt Nam của Tổng cục Cao su. Tôi đề nghị hai ông Nguyễn Gia Đằng và Vũ Lăng bàn bạc với anh Năm Xuân Tổng biên tập báo Cao Su khéo léo đưa mục chống tiêu cực lên tờ báo của ngành. Năm Xuân đồng ý gặp tôi bàn cách cùng phối hợp công tác điều tra một số trọng điểm đã phát hiện có dấu hiệu tiêu cực. Chúng tôi gặp hai anh Bửu và Kim Tinh Tổng Biên tập và Phó Tổng Biên tập báo Ấp Bắc của tỉnh Tiền Giang là tờ báo địa phương mạnh lúc bấy giờ, có số phát hành khá lớn ở Sài Gòn, phối hợp xuất bản tập sách Cây cao su kêu cứu gồm những bài trên báo Lao Động. Chúng tôi giúp báo Ấp Bắc việc biên tập, in ấn và phát hành ở TP HCM. Sách in 20.000 bản bán hết trong vài ngày.

Ngày 10-10-1986 ban Bí thư Trung ương ra chỉ thị thành lập đoàn thanh tra đến Công ty Cao su Chư Pah, nơi báo Lao Động đã có bài “Sự ngang ngược lộng hành của một giám đốc”.

Tổng Biên tập báo Cao Su Việt Nam hẹn làm việc với các Công ty Cao su Tân Biên do Nguyễn Chí Đức (đang được Tổng Cục trưởng đề nghị phong danh hiệu Anh hùng Lao động) làm giám đốc.

Mặc dù anh Năm Xuân đã điện trước một tuần hẹn lịch làm việc, nhưng khi chúng tôi đến, chánh văn phòng công ty cho biết: Giám đốc chúng tôi cáo lỗi không thể tiếp và làm việc với các anh được. Chiều hôm qua, Giám đốc chúng tôi mới nhận được lệnh triệu tập của Tổng Cục trưởng. Vì thói ngạo mạng, hoặc có thể vì ngại trả lời những câu hỏi khó mà Nguyễn Chí Đức đã tìm cách lẩn tránh. Nhưng chúng tôi không bỏ đi mà tiếp tục thâm nhập xuống các đội, các tổ, các gia đình cán bộ công nhân. Nhờ đó chúng tôi thu thập được rất nhiều điều: Trước khi về đây Nguyễn Chí Đức là quyền giám đốc công ty cao su Đắc Min. Anh ta tham nhũng, ăn chơi trác táng, hiếp đáp công nhân, trù giập người tố cáo. Cơ quan chức năng Đắc Min thu thập hồ sơ đề nghị bắt giam. Trước khi xử lý hình sự, huyện ủy Đắc Min ra quyết định xóa tên Nguyễn Chí Đức trong danh sách đảng viên. Nhưng tổng cục trưởng Đỗ Văn Nguyện lập tức bảo vệ cánh hẩu, ra quyết định thuyên chuyển Nguyễn Chí Đức về Công ty Cao su Tân Biên làm giám đốc và chỉ sau đó tám ngày, đảng ủy công ty này tổ chức kết nạp Nguyễn Chí Đức vào Đảng. Cảm thấy có thể đạp lên trên pháp luật quá dễ dàng khiến cho Nguyễn Chí Đức “coi trời bằng vung”. Vừa nhận chức giám đốc Công ty Cao su Tân Biên, anh ta cấu kết với phó giám đốc Nguyễn Bình Thuận và giám đốc Xí nghiệp Phục vụ Đời sống Cao Hoàng Đức bày mưu kế tham ô tài sản, hiếp đáp công nhân và ton hót cấp trên. Đúng lúc chuẩn bị đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thì Nguyễn Chí Đức bị một đòn “trời giáng”: báo Lao Động đăng bài tường thuật cuộc giải cứu của Tổng cục Cao su giúp một tên phạm pháp ở Đắc Min về Tân Biên, trở thành giám đốc giỏi và ứng viên danh hiệu Anh hùng Lao động đã diễn ra như thế nào? Lập tức, tỉnh Tây Ninh tổ chức điều tra các hành vi phạm pháp của Nguyễn Chí Đức từ lúc về đây. Chỉ mất vài tháng, Viện Kiểm sát Tây Ninh đã có đủ cơ sở để ra quyết định khởi tố bắt giam cả ba tên.

Cuộc thanh tra ở Công ty Cao su Chư Pah đưa tới quyết định bắt giam tên Hộ, một giám đốc ngang ngược lộng hành. Cuộc thanh tra của tỉnh Đắc Lắc lần theo những phát hiện của các bài báo về Công ty Cao su Đắc Min đã khởi tố bắt giam Hồ Doãn Đại kế toán trưởng và Phan Thanh Sơn trưởng phòng kiến thiết cơ bản. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bắt giam bốn cán bộ lãnh đạo của Công ty Phục vụ Đời sống của Tổng cục Cao su. Đến đây, đã có đủ tài liệu để tôi chấp bút bài báo phân tích nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm tan nát ngành cao su, gây khó khăn điêu đứng cho cuộc sống hàng vạn con người: Sự thoái hóa biến chất của cả hệ thống tổ chức Đảng do ủy viên Trung ương Đảng Đỗ Văn Nguyện đứng đầu, đưa tới tình trạng bè phái, trù giập người ngay, bao che cái xấu, cất nhắc bọn khéo nịnh nọt! Cảnh báo của chúng tôi vẫn không được những người lãnh đạo của Đảng lắng nghe, để xây dựng nền tư pháp độc lập, do đó tệ nạn tham nhũng ở những năm sau đã sinh sôi ghê gớm hơn nhiều!

Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (44): Bị Nguyễn Văn linh phản đòn

Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (46): Vụ phong thánh 117 chân phúc tử đạo Việt Nam